Thợ hồ thành chủ tịch xã

186

28 tuổi, nhiều năm làm đủ nghề, từ phu hồ đến sửa điện, nước, Phan Văn Lực cố gắng học hành, công tác để trở thành chủ tịch UBND xã Mò Ó (huyện Đakrông – Quảng Trị). Anh là một trong hai lãnh đạo xã trẻ nhất trên địa bàn.

 


Tân Chủ tịch xã Mò Ó Phan Văn Lực tranh thủ sửa lại căn nhà nhỏ của mình. Ảnh: Nguyễn Huy.

Gia cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lực đành gác lại ước mơ học tiếp. Sau 2 năm đi lính, anh làm thêm đủ nghề.“Mình mất gần 2 năm đi làm thợ nề, phu hồ, sau đó chuyển sang làm ở xưởng cưa, rồi làm điện. Làm miết mà đời sống vẫn còn nhiều khó khăn nên mình quyết tâm đi học lại. Ở mảnh đất này, chỉ cái chữ mới hy vọng đuổi được nghèo đói”, anh nói.

Cuối năm 2006, Phan Văn Lực học lớp tập huấn cán bộ, tham gia xã đội và tiếp tục học thêm lớp trung cấp quân sự tỉnh. Vừa học vừa công tác tại địa phương, xã đội phó Lực được đánh giá năng động, xông xáo trong công việc. Trong kỳ Đại hội Đảng vừa qua, xã Mò Ó được chọn thí điểm đại hội bầu trực tiếp Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy xã, và anh được bầu là Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Mò Ó.

Dân trong xã đa số là đồng bào dân tộc Vân Kiều, hộ nghèo chiếm gần một nửa trong tổng số hơn 500 hộ. Họ vẫn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Mò Ó được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015.

Anh Lực cho hay, xã đang khảo sát đưa cây cao su vào diện tích rừng sản xuất của hộ dân vì có khả năng thích ứng và giá trị kinh tế cao, đồng thời xen canh cây dứa để bà con phát triển sản xuất. Từ đó, hướng đến thoát nghèo bền vững cho đồng bào. Phấn đấu đến năm 2015 đạt đủ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phan Văn Lực luôn dặn lòng: “Phải làm tốt thì dân mới hiểu, mới tin. Sai lầm của mình dù to hay nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin đó”.


Chủ tịch xã Hướng Hiệp Hồ Văn Hiếu hướng dẫn bà con áp dụng phương tiện cơ giới. Ảnh: Nguyễn Huy.


Giúp dân kiếm tiền

Giống anh Lực, anh Hồ Văn Hiếu (28 tuổi, thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp, Đakrông) được bầu giữ chức lãnh đạo xã Hướng Hiệp khi còn rất trẻ.

Năm 2003, Hiếu học Trung cấp Chính trị, và công tác tại Đoàn xã. Năm 2004, được bầu làm Bí thư Đoàn xã, Hiếu đăng ký học Trường Trung cấp Nông nghiệp để sau này có cơ hội giúp đỡ bà con. Anh đang học đại học từ xa ngành Luật. “Những năm tháng công tác phong trào học sinh, sinh viên trên địa bàn, mình hiểu có lăn lộn với đời sống người dân, có thấu hiểu thì mới giúp được bà con”, anh tâm sự.

Ông Lê Văn Quyền, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, nói: “Huyện đang tập trung trẻ hóa đội ngũ cán bộ xã. Họ là dân bản địa, ba cùng với đồng bào nên việc tuyên truyền, triển khai đường lối, chính sách thiết thực và hiệu quả. Những lãnh đạo trẻ như anh Hiếu và anh Lực sẽ là nhân tố quan trọng góp phần thay đổi diện mạo đời sống địa phương”. 

Hiếu được bầu làm Phó Chủ tịch xã nhiệm kỳ 2006 – 2009, hiện là Chủ tịch xã Hướng Hiệp. Anh mạnh dạn triển khai mô hình trồng sắn, khai hoang trên 22 ha đất cho dân sản xuất và tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho bà con dân bản.

“Lúc đầu, xã nói, nhiều người còn bán tín, bán nghi. Họ không mấy tin tưởng vào cách sản xuất tập trung này vì chỉ quen canh tác theo nương rẫy. Mình phải phát động xã làm trước. Tập trung đoàn viên thanh niên để ra quân trồng sắn cho dân. Sau vụ đầu lãi lớn, người dân mới hăng hái hưởng ứng”, anh Hiếu kể. Bên cạnh diện tích sắn, hiện toàn xã có trên 180 ha rừng trồng kinh tế, chủ yếu là tràm, keo lai.

Anh Hồ Văn Quang (38 tuổi, thôn Khe Van) cho biết, nhà có hơn 2 ha trồng rừng, sắn, mỗi năm thu lãi gần trăm triệu đồng. “Số tiền nằm mơ, dân bản cũng không có được. Nếu không có sự nhiệt tình, dám nghĩ dám làm của chủ tịch xã thì chắc gì dân bản được như thế”, anh nói.

Diện mạo Hướng Hiệp đang dần thay đổi, nhưng anh Hiếu vẫn trăn trở: “Người dân canh tác thủ công là chính nên mình đang vận động để áp dụng các phương tiện kỹ thuật vào sản xuất. 

Theo Tienphong.vn