Có một ước mơ thắp sáng niềm tin…

287

Vừa sinh ra đã bị mù, bố mẹ lại bị khiếm thị nên tuổi thơ của cậu bé Bùi Ngọc Thịnh, 11 tuổi (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) phải chịu nhiều vất vả. Nhưng với tình yêu âm nhạc và nghị lực sống, em đã vượt qua số phận, mang âm nhạc đến với nhiều người khi sử dụng thành thạo 4 loại nhạc cụ. Tuy mới sáng tác được một bài hát đầu tay, nhưng tình yêu âm nhạc đã thắp sáng niềm tin trong em, rằng một ngày nào đó em sẽ trở thành nhạc sĩ…

.Nghịch cảnh cuộc đời

 

Tuy bị bóng tối bủa vây nhưng bên Thịnh luôn có tình thương vô bờ của bố mẹ.

Khi sinh ra, anh Bùi Văn Lộc (46 tuổi) – bố của Thịnh vốn khỏe mạnh như bao người khác. Nhưng năm học lớp 11, chứng teo gai thị đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống bình thường của anh. Đôi mắt anh cứ mờ dần, rồi đến một ngày không thấy gì nữa. Là chàng trai khỏe mạnh bỗng dưng trở nên tàn phế, anh rơi vào mặc cảm nhưng vẫn cố gắng giúp bố, mẹ làm việc lặt vặt trong gia đình. Năm 1993, thấy mình không thể là gánh nặng cho gia đình, anh tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù thị xã Ninh Hòa. Cũng thời gian này, anh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Từ đây, cuộc đời anh như bước sang trang mới. Anh thổ lộ: “Vào Hội, tôi nhận ra có nhiều người còn bất hạnh hơn mình. Ở đây, tôi tìm thấy niềm vui, sự sẻ chia của những người đồng cảnh ngộ…”.

 

Thịnh tìm thấy niềm vui dưới mái nhà chung của Hội.

Đến với Hội, anh Lộc tìm thấy niềm vui sống và hạnh phúc cũng mỉm cười với anh. Nơi đây, anh đã gặp chị Lê Thị Thu Thủy (38 tuổi) – bị mù bẩm sinh. Đồng cảnh ngộ, lại mến nhau qua tiếng đàn giọng hát, hai trái tim ấy đã cùng hòa nhịp. Năm 1999, lễ cưới của họ được tổ chức trong nỗi mừng tủi của người thân và những người cùng cảnh ngộ. Rồi khi biết tin sắp có con, anh chị vui mừng khôn xiết, chuẩn bị mọi thứ để chào đón đứa con ra đời. Với mong muốn sau này cuộc đời con sẽ hạnh phúc hơn, vợ chồng anh đặt tên cho con là Bùi Ngọc Thịnh. Nhưng oái oăm thay, vừa ra đời Thịnh cũng bị mù. Lúc đầu, anh chị cố nuôi hy vọng chữa khỏi bệnh cho con. Cảm thương trước số phận cay nghiệt của vợ chồng anh, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ 40 triệu đồng để đưa Thịnh đi chữa bệnh. Nhưng đôi mắt trắng đục của em không có dấu hiệu thuyên giảm. Nghe bác sĩ kết luận em bị mù bẩm sinh, bố mẹ Thịnh như chết lặng. Đã vậy, Thịnh còn đau yếu triền miên, èo uột khó nuôi. Bà con không khỏi chạnh lòng khi nhìn cậu bé đã 2 tuổi mà chỉ biết nằm một chỗ.

. Vượt bóng tối, nuôi ước mơ

 

Để ước mơ sớm thành hiện thực, Thịnh mò mẫm học thêm vi tính.

Chuyện sinh hoạt của Thịnh có thể khắc phục được, nhưng sự tủi thân không được đến trường như bạn bè mới thật sự khó vượt qua. Mỗi lần nghe các bạn í ới gọi nhau đi học, Thịnh nằng nặc đòi bố mẹ đưa đến trường. Thương con, vợ chồng anh Lộc đưa Thịnh đến Hội Người mù tỉnh để tham gia lớp học chữ nổi dành cho trẻ em khiếm thị. Thịnh sáng dạ nên tiếp thu bài rất nhanh. Nhưng sau thời gian ngắn, một biến cố mới lại xảy ra: Thịnh bị một cơn sốt thập tử nhất sinh khiến em phải bỏ học.

 

Khi tham gia Hội diễn, Thịnh chỉ biết “phiêu” theo điệu nhạc.

Gác ước mơ đến trường, những tưởng khát vọng của Thịnh sẽ khép lại. Nhưng thật may mắn, trời không cho em đôi mắt sáng nhưng lại cho em năng khiếu âm nhạc và một trí nhớ hơn người. Và cuộc đời Thịnh như “bừng sáng” khi em được tiếp xúc với âm nhạc. Năng khiếu âm nhạc của Thịnh được phát hiện khi em mới lên 4 tuổi. Mỗi lần đội văn nghệ của Hội Người mù tham gia hội diễn, trong khi mọi người ca hát, nhảy múa… thì Thịnh cứ ngồi im một góc, cố gắng lắng nghe từng hồi trống rồi ghi nhớ, khi về nhà em tập đánh lại theo những gì mình đã được nghe. Tuy có biệt tài “thẩm âm”, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên bố mẹ cũng chỉ đủ tiền mua cho em vài chiếc đĩa để nghe nhạc. Hàng ngày, nơi góc phòng nhỏ, Thịnh mày mò với các điệu nhạc bằng bộ trống cũ kỹ của Hội. Rồi em được một nhà hảo tâm ở chợ Đầm (Nha Trang) tặng bộ trống điện tử. Suốt ngày Thịnh mò mẫm học không biết chán. Cứ thế, chỉ sau 1 năm, em đánh trống thành thạo. Chưa bằng lòng với những nhịp trống, năm lên 5 tuổi, khi nghe những bản nhạc độc tấu bằng đàn guitar, đàn sến… em bắt đầu mày mò tìm hiểu. Ban đầu việc học đàn vô cùng khó khăn. Một tay em rờ rẫm từng dây, làm quen với phím; tay còn lại vất vả hòa âm, phối dây. Anh Lộc nhớ lại: “Buổi học nhạc đầu tiên của Thịnh nhọc nhằn vô cùng. Nhiều lần, bàn tay cháu bỏng rát, ứa máu vì phải thực hiện nhiều động tác trong bóng tối. Vợ chồng tôi thương con, bảo cháu tập vừa thôi nhưng Thịnh nằng nặc bảo “học rất khó nhưng con tin mình sẽ làm được”. Như con ong chăm chỉ, Thịnh tập tành ngày đêm. Khi nốt nhạc đầu tiên thành hình, gia đình em hạnh phúc đến rơi nước mắt. Dần dần, Thịnh đã biết cách chơi lại những bài hát mà em nghe trên ti vi, trên đài một cách thành thạo. Ban đầu, nhiều người còn chưa tin lắm vào khả năng của em, nhưng khi nhìn những ngón tay em lướt trên phím đàn chính xác đến lạ kỳ, mọi người thật sự thán phục. Và nỗ lực của Thịnh đã đem lại kết quả: mới 5 tuổi, em vinh dự là 1 trong 6 gương mặt tiêu biểu được nhận giải thưởng Giọng hát hay của đài FM Khánh Hòa. Từ đó, mỗi lần đội văn nghệ của Hội đi biểu diễn, Thịnh đều có mặt: một tay trống, tay đàn kiêm ca sĩ nhí rất “cừ”.

 

Bữa cơm đạm bạc nhưng đầy nghĩa tình của Thịnh và những người đồng cảnh ngộ.

Từ đó, tin vui liên tiếp đến với cậu bé đặc biệt này. Thán phục trước tài năng của em, nhiều cá nhân và tổ chức từ thiện đã gửi tiền, quà ủng hộ, động viên Thịnh. Nhiều nhạc sĩ đã nhận dạy miễn phí cho em. Đặc biệt, với sự tài trợ của Công ty TNHH Tâm Hương (TP. Nha Trang), những lo lắng về chi phí đi lại của Thịnh được trút bỏ. Năm 6 tuổi, em chính thức được đến nhà thầy học trong niềm vui khôn xiết. Em tâm sự: “Nhận được tin này, em vui sướng mấy ngày liền. Em không dám tin mình có ngày lại được gặp thầy cô và bè bạn”. Kể từ đó, ngày nắng cũng như mưa, người ta bắt gặp hình ảnh bố mẹ mò mẫm đưa Thịnh ra đường chờ bác xe ôm chở đến nhà thầy học. Thịnh đến với âm nhạc không chỉ bằng năng khiếu mà cả niềm đam mê. “Lúc diễn, hồn em “phiêu” theo tiếng đàn như nhập vào một thế giới khác. Đến phút cuối, khi những tràng pháo tay vang lên, em mới tự tin mà nói rằng, buổi diễn đã thành công…” – Thịnh nói. Trải qua hành trình “vượt sóng”, bước đầu là trống, đến guitar, đàn sến, organ – là nhạc cụ không dễ học, nhưng Thịnh cũng “khổ luyện thành tài”. Em đã sử dụng thành thục 40 điệu trống, 150 điệu đàn guitar, đàn sến và 45 điệu đàn organ… Cứ thế, Thịnh miệt mài nhích từng bước để mong một ngày chạm tới ước mơ.

.… làm nhạc sĩ

Trong nếp nhà nhỏ, tôi đã thấy một Ngọc Thịnh rạng rỡ khi nói về ước mơ trở thành nhạc sĩ. “Em rất muốn làm được nhiều việc có ích. Nhưng em chỉ có thể đem lại phút giây thư giãn cho mọi người bằng những bản nhạc mình tự sáng tác”. Câu nói hồn nhiên của Thịnh khiến người nghe phải thổn thức. Tháng 10-2010, bài hát: “Cho ta” – tác phẩm đầu tay của Thịnh ra đời trong niềm xúc động của bao người: … Cha mẹ sinh ra ta, cho ta cả cuộc đời. Bầu trời xanh bao la, không phủ kín tình cha. Biển rộng xanh mênh mông, không đong đầy tình mẹ… Công ơn cha với mẹ, suốt đời ta không quên. Lời bài hát đã lý giải vì sao khi được hỏi động lực nào khiến em khổ luyện như vậy, em tâm sự: “Mỗi khi nghe tiếng lê bước của bố, mẹ ôm chổi đi bán là nước mắt em rơi và em tự nhủ phải cố gắng học hành để làm vui lòng bố mẹï. Thịnh nói mà đôi mắt mọng nước từ lúc nào. Nhưng rồi, đôi mắt ấy lại ánh lên niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Không chỉ đam mê âm nhạc, hễ có thời gian, Thịnh lại tập tành làm quen với máy tính bởi lý do: Học vi tính sẽ giúp em nhiều hơn trong việc sáng tác nhạc.

Chia tay tôi, Thịnh cười bảo: “Mong rằng, tương lai, em sẽ có nhiều bài hát hay cho chị và mọi người thưởng thức…”. Tôi cũng mong rằng, tình yêu âm nhạc sẽ mãi thắp sáng niềm tin trong em…