Lớp học của các em học sinh xã đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa) nằm khiêm tốn trong trụ sở UBND xã. Căn phòng rộng hơn 40m2 là nơi thầy trò điểm trường tiểu học đang hàng ngày say sưa, miệt mài với con chữ. Ông Trịnh Công Lý – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nơi đảo xa, địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng chính quyền và đơn vị quân đội luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để học sinh được đến lớp. Chính quyền đã cử cán bộ xã làm giáo viên kiêm nhiệm, đồng thời mượn tạm phòng của trụ sở UBND xã làm nơi dạy học”.
Điều khá đặc biệt ở lớp học này là chỉ một mình thầy giáo Cao Văn Giáp (28 tuổi, quê ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đứng lớp với 7 học sinh thuộc 5 khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 5). Để lớp học hoạt động nề nếp, địa phương cùng với đơn vị quân đội đã nỗ lực vượt bậc, đặc biệt là những người thầy đã giảng dạy với tất cả tấm lòng.
Thầy Giáp hướng dẫn học sinh làm bài tập. |
Tốt nghiệp Đại học Đà Lạt chuyên ngành Luật năm 2006, với nguyện vọng mang con chữ đến với học sinh nơi đảo xa, anh Giáp đã làm đơn tình nguyện ra xã đảo Sinh Tồn để dạy học. Anh chia sẻ: “Sau khi có thông tin cần giáo viên ra Trường Sa dạy học, tôi đã làm đơn tình nguyện xin đi. Tôi luôn tâm niệm, dù ở đất liền hay nơi đảo xa, các em cũng cần được chăm lo, được học tập tốt nhất. Thời gian đầu ra đảo, tôi cũng khá bỡ ngỡ. Nhưng được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhất là thấy tình cảm của học sinh dành cho mình, tôi đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Các em rất dễ thương, chăm ngoan. Tình cảm của học sinh là động lực để tôi gắn bó, thêm yêu nghề”.
Ở nơi đảo xa, điều kiện học tập của các em còn nhiều hạn chế, phần lớn giáo cụ, mô hình học tập đều tự làm, nhưng không vì thế mà những buổi học kém hấp dẫn, sinh động. Để có được những bài giảng hay, hiệu quả và dễ hiểu, tránh tình trạng chồng chéo giữa các lớp, thầy Giáp đã dành nhiều thời gian soạn từng giáo án khác nhau, duy trì các lớp học đều đặn. Không chỉ dạy cho học trò biết đọc, biết viết, biết làm toán, thầy còn quan tâm chỉ dạy cho các em biết kính trên, nhường dưới… Thầy tâm sự: “Bọn trẻ ở đây rất tình cảm và quý mến tôi. Tôi vẫn nhớ như in ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các em đã rủ nhau vẽ tranh trên lá bàng vuông để tặng thầy. Tôi rất cảm động và đã mang phơi khô, ép lại làm kỷ niệm”. Em Trần Trọng Nghĩa, học sinh lớp 3 bày tỏ: “Thầy Giáp giảng rất dễ hiểu. Thầy rất thương học sinh. Những bài khó, thầy chỉ từng bước một…”. Với tâm huyết của người thầy và sự chăm chỉ, nỗ lực của trò, hiện nay, học sinh trên đảo đều có học lực khá, giỏi.
THÀNH NAM