Hướng dẫn Triển khai một số nội dung phong trào thanh niên trên địa bàn nông thôn năm 2012

184

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

   BCH TỈNH KHÁNH HÒA

                     ***

         Số: 72HD/ĐTN

 

Khánh Hòa, ngày 19 tháng 4 năm 2012

  

 

HƯỚNG DẪN

Triển khai một số nội dung phong trào thanh niên

trên địa bàn nông thôn năm 2012

—————-

 

Căn cứ hướng dẫn số 73HD/TWĐTN ngày 19/3/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc “Triển khai một số nội dung phong trào thanh niên trên địa bàn nông thôn năm 2012”

Thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hướng dẫn triển khai một số nội dung phong trào thanh niên trên địa bàn nông thôn năm 2012, cụ thể như sau:

1. Công tác thông tin, tuyên truyền

1.1. Tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới

Tổ chức tuyên truyền để thanh niên và nhân dân hiểu về tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới: đây là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, với mục đích nâng cao nhanh cuộc sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; hiểu rõ chương trình xây dựng nông thôn mới không phải là dự án xây dựng cơ bản, mà đây là một chương trình phát triển tổng hợp về kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội; hiểu rõ vai trò của thanh niên và nhân dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, lấy nội lực là căn bản; hiểu rõ nội dung, phương pháp, cách làm và tự tin đứng lên làm chủ, tự giác tham gia và sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Phổ biến, tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng cụ thể như: thông qua sinh họat chi đoàn – chi hội – chi đội, lồng ghép trong các họat động TTN và các sự kiện của địa phương, các hội thi, hội diễn văn nghệ; phát huy hiệu quả từ hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi tuyên truyền về NTM

1.2. Tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai dịch bệnh

Tập trung tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của môi trường đối với sự sống, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của thanh thiếu nhi và nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và các lưu vực sông; tuyên truyền cách phòng tránh thiên tai, lụt bão và dịch bệnh cho thanh thiếu nhi và nhân dân, đặc biệt là hoạt động vệ sinh môi trường sau mỗi đợt lũ, lụt và dịch bệnh xảy ra.

2. Tổ chức các hoạt động tham gia phát triển kinh tế ở nông thôn

2.1. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác phát triển kinh tế

– Đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ của Đoàn Thanh niên để giúp các hộ gia đình thanh niên vươn lên thoát nghèo. Các Đoàn xã có kế họach xoá hộ đói do thanh niên làm chủ hộ và hàng năm tiến hành giúp đỡ ít nhất 01 hộ thanh niên nghèo thoát nghèo bền vững.

– Xây dựng và phát triển các hình thức tổ hợp tác thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn, các mô hình liên kết phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

– Thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên dương, vinh danh các điển hình thanh niên nông thôn vượt khó làm giàu thông qua trao các giải thưởng, liên hoan thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, gặp gỡ điển hình thanh niên nông thôn tiên tiến làm theo lời Bác…

– Phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, tổ chức các hoạt động phát huy vai trò xung kích của thanh niên nông thôn tham gia phát triển kinh tế – xã hội.

– Phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên trong vận động gia đình và nhân dân tự nguyện tham gia phát triển các loại hình hợp tác phát triển kinh tế.

2.2. Hỗ trợ thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp

– Tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu mô hình, các hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả; phối hợp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên.

– Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Giải thưởng Lương Định Của; Câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Câu lạc bộ Nhà nông trẻ; các điểm trình diễn kỹ thuật; điểm tuyên truyền, phổ biến khoa học công nghệ và truy cập Internet… trong thanh niên nông thôn.

– Tư vấn, hỗ trợ thanh niên nông thôn về nghề nghiệp, việc làm, kiến thức khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp, trang bị kiến thức trước khi đi làm ăn xa và xuất khẩu lao động.

– Chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và các ngân hàng thương mại khác để hướng dẫn thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ, đội, nhóm trợ vốn giúp nhau lập nghiệp trong thanh niên, phát huy nội lực và đẩy mạnh phong trào tiết kiệm, tích luỹ của ĐVTN, động viên đông đảo thanh niên nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

3. Tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn

3.1. Đăng ký và tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng đường giao thông trong thôn, xã; đường trục chính nội đồng; hệ thống kênh mương, thủy lợi và các công trình phúc lợi; xây dựng các đoạn đường kiểu mẫu và gắn biển các đoạn đường do thanh niên quản lý xanh – sạch – đẹp.

3.2. Tham gia thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, vận động các nguồn lực tiếp tục triển khai chương trình nhà nhân ái, nhà tình bạn; tiếp tục triển khai xây dựng và quản lý hoạt động các điểm phổ biến kiến thức khoa học – kỹ thuật và truy cập internet

4. Tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

4.1. Tổ chức các Đội tình nguyện xanh, Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, đội thanh niên xung kích mùa bão lũ

– Lựa chọn lực lượng, xây dựng các Đội tình nguyện xanh, Đội thanh niên xung kích làm nòng cốt trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường; các đội thanh niên tình nguyện chuyên, trực tiếp tham gia phòng chống thiên tai, dịch bệnh tại địa phương.

– Vận động các hộ gia đình trẻ đi đầu trong cải tạo nhà cửa, vườn, ao, chuồng trại, làm đẹp hệ thống hàng rào, cổng nhà,… Thường xuyên tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, nhất là việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải; vận động TTN tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình bảo vệ dòng sông quê hương; tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ nguồn nước, vận động nhân dân thay đổi thói quen, sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, xóa bỏ cầu tiêu trên sông, ao, hồ.

– Phối hợp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho Đội tình nguyện xanh, Đội thanh niên xung kích; kỹ năng, diễn tập cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là cho các đội thanh niên xung kích trong việc tham gia ứng cứu, giúp dân trong mùa bão lũ.

4.2. Nghiên cứu xây dựng và nhân diện các mô hình, các công trình, phần việc thanh niên

– Tổ chức trồng rừng đầu nguồn chống sói mòn, hạn chế lụt, bão; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn, trồng tre chống sạt lở, chắn sóng, đoạn đường tự quản, tuyến sông an toàn, sạch, đẹp, Làng xã xanh – sạch – đẹp, tổ hợp tác thanh niên bảo vệ môi trường, thanh niên tham gia phòng chống thiên tai, lụt, bão, dịch bệnh.

– Vận động nhân dân và thanh niên triển khai mô hình hố rác gia đình, cầu tiêu hợp vệ sinh; duy trì và nhân rộng mô hình: đọan đường thanh niên tự quản, bến đò an toàn – sạch – đẹp, nhà tiêu hợp vệ sinh, làng xã xanh – sạch – đẹp; phát huy hiệu quả họat động của các Tổ hợp tác thanh niên bảo vệ môi trường, đội tình nguyện xanh, lực lượng tình nguyện viên, đội thanh niên xung kích hộ đê, đội tuyên truyền măng non… Thí điểm nhận thu gom rác ở nông thôn theo phương thức xã hội hóa.

4.3. Tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhân các sự kiện về môi trường

– Phối hợp với các ngành chức năng của địa phương, nhất là ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên và môi trường trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên về lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, làm hạt nhân nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền, vận động của Đoàn.

– Ngày nước và khí tượng thế giới, Ngày đất, Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.

5. Xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn

5.1. Xây dựng nếp sống văn minh nông thôn, chống lạm dụng rượu, bia trong thanh niên; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, các hoạt động lễ, hội lành mạnh; gương mẫu thực hiện các quy ước của cộng đồng.

5.2. Phối hợp khai thác và sử dụng có hiệu quả các Điểm Bưu điện văn hóa xã, Nhà văn hoá, Nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ các hoạt động của thanh niên nông thôn. Thành lập các tổ, trung tâm tư vấn pháp lý cung cấp kiến thức, thông tin về tình yêu, hôn nhân, gia đình; tệ nạn xã hội và cách phòng tránh trong thanh niên nông thôn. Duy trì và phát triển các loại hình câu lạc bộ gia đình trẻ, câu lạc bộ dân số.

5.3. Tổ chức Đoàn khối hành chính – sự nghiệp, trường học tăng cường hỗ trợ cơ sở Đoàn ở nông thôn thành lập các tổ, trung tâm tư vấn pháp lý cung cấp kiến thức, thông tin về pháp luật, tình yêu, hôn nhân, gia đình, tệ nạn xã hội và cách phòng tránh trong thanh niên nông thôn… Duy trì và phát triển các loại hình câu lạc bộ gia đình trẻ, câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ kỹ năng xã hội và câu lạc bộ sở thích khác, làm sinh động hoạt động của Đoàn ở nông thôn, đồng thời góp nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho TTN nông thôn.

5.4. Tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao giữa tổ chức Đoàn địa phương với đoàn viên thanh niên lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn.

6. Xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn

6.1. Vận động thanh niên đi đầu trong công tác đấu tranh phòng chống, ngăn ngừa, đẩy lùi các biểu hiện vi phạm trật tự an toàn xã hội, các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Xây dựng các đội hình làm nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn, như: thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ…

6.2. Tăng cường hỗ trợ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương về nghề nghiệp, việc làm và các hoạt động hoà nhập với cộng đồng. Mỗi năm, Đoàn xã có kế họach giúp đỡ ít nhất 01 thanh niên chậm tiến trở nên tiến bộ.

6.3. Tập trung xây dựng các đội hình, loại hình hoạt động, làm nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn, như: thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ…

7. Xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền ở nông thôn

– Các Đoàn xã có kế họach xây dựng tổ chức Đoàn, Hội đạt vững mạnh trên cơ sở tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02 của BCH Trung ương Đoàn (khoá IX) về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn và Kết luận số 127 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn (khoá IX) về một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2008 – 2012. Xếp loại công tác Đoàn và phong trào TTN hàng năm của các xã xây dựng NTM phải đạt từ khá trở lên.

– Tập trung củng cố BCH Đoàn xã và các chi đoàn; lựa chọn cán bộ có năng lực, nhiệt tình, gắn bó với địa phương làm công tác Đoàn ở cơ sở; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ bí thư chi đoàn và Đoàn cơ sở. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt của Đoàn, chú trọng việc tổ chức sinh hoạt theo các chuyên đề. Quan tâm phát triển đoàn viên mới và quản lý đoàn viên trên địa bàn; đa dạng các hình thức câu lạc bộ, đội, nhóm để tập hợp TTN; khuyến khích đoàn viên đang học tập trong các nhà trường, công tác trong các cơ quan tham gia các hoạt động của Đoàn trên địa bàn nông thôn.

– Thông qua các phong trào, lựa chọn, bồi dưỡng các nhân tố tích cực, đoàn viên ưu tú để giới thiệu phát triển đảng, tham gia vào hệ thống chính trị tại cơ sở. Tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên xung kích đi đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cùng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khác tham gia giám sát hoạt động của chính quyền trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội – quốc phòng, an ninh…

Căn cứ vào nội dung hướng dẫn và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị đề nghị Ban Thường vụ các Huyện, Thị, Thành đoàn; Ban Chỉ huy 13 đội Thanh niên tình nguyện triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thanh niên trên địa bàn nông thôn.

 

Nơi nhận:

– TT Tỉnh đoàn(để b/c);

– Các Huyện, Thị, Thành đoàn;

– BCH 13 đội TNTN;

– Lưu VP, Ban TNCNNT&ĐT.

 

       TM. BAN THƯỜNG VỤ

       PHÓ BÍ THƯ

 

 

 

(đã ký)

 

Nguyễn Văn Nhuận