Việt Nam bàn chính sách đối ngoại đa phương

146

Hội nghị đầu tiên bàn về chính sách đối ngoại đa phương trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện sẽ diễn ra sáng 12/8 tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc, dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của Chính phủ đối với sự kiện này.

Gần 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương và học giả quốc tế, trong đó có nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, nguyên Phó Tổng thư ký LHQ Jayantha Dhanapala, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo, sẽ thảo luận chặng đường gần 30 năm đối ngoại của Việt Nam vừa qua, bao gồm cả những thành tựu và bài học.

Các đại biểu Việt Nam có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu quốc tế về hoạch định và thực tiễn triển khai đối ngoại đa phương.

Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Hội nghị còn nhằm mục tiêu thống nhất nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và địa phương trong triển khai các hoạt động đối ngoại đa phương trong thời kỳ mới.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh ngoại gia đa phương trở thành xu thế tất yếu và ngày càng có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế trong cục diện thế giới đa trung tâm đang được hình thành.

Những nội dung của Hội nghị sẽ gợi mở những biện pháp nhằm nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam, tăng cường đóng góp của Việt Nam với những quan tâm chung của quốc tế và khu vực, nhất là trong 5-10 năm tới khi Việt Nam đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế.

Bài học từ ngoại giao đa phương

Trả lời báo chí trước thềm Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, chúng ta đã sớm tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương để bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, điển hình là Hội nghị Geneva về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam năm 1954.

Qua các hoạt động ngoại giao đa phương, Việt Nam đã rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học, trong đó có bài học giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, qua đó tạo được thế đứng tại các diễn đàn đa phương.

Việt Nam cũng nắm bắt được xu thế, mối quan tâm chung của các nước và xử lý hài hòa giữa lợi ích giữa các nước với nước ta.

Bài học về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa song phương và đa phương. Đây là mối quan hệ tương hỗ. Tạo dựng quan hệ tốt trong song phương sẽ thúc đẩy quan hệ đa phương trong khi quan hệ tốt trên diễn đàn đa phương góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ song phương.

Chúng ta hình thành một tư duy dài hạn, cách tiếp cận đa ngành đối với những vấn đề đa phương, từ đó huy động được sức mạnh của tất cả các ngành tham gia hoạt động ngoại giao đa phương.

Trong thời gian tới, hoạt động ngoại giao đa phương không nằm ngoài mục tiêu tham gia một cách tích cực, chủ động, đóng góp chung vào công việc của thế giới như duy trì hòa bình, ổn định, xử lý những thách thức chung đồng thời cũng góp phần duy trì hòa bình, ổn định cho công cuộc phát triển đất nước.

Theo Chính phủ