Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi

290

I- THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng trái tim của Người vẫn đập trong hàng ngàn, hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam anh hùng. Trước anh linh Người, thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam  Lê Duẩn đã đọc lời thề thể hiện quyết tâm của nhân dân ta:

“Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thoả lòng mong ước của Người”.

Biến đau thương thành hành động cách mạng, kế tục sự nghiệp của Người, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở đợt sinh hoạt chính trịHọc tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với mục đích làm cho mọi người hiểu sâu sắc hơn sự nghiệp cách mạng vĩ đại và học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ.

Ngày 6-3-1970, Bộ Chính trị Trung ương Đảng mở cuộc vận độngNâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh.

Theo Nghị quyết của Trung ương Đảng, tổ chức Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đổi tên thành Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh (sau Đại hội IV của Đảng đổi là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam đổi thành Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh; Đội Nhi đồng Việt Nam đổi thành Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh. Được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của thế hệ trẻ Việt Nam: Phát huy sức mạnh tuổi trẻ, nỗ lực hết sức kế tục sự nghiệp cách mạng mà Người để lại, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Bác đối với thanh thiếu niên, nhi đồng.

Quyết tâm thực hiện mong ước lớn nhất của Bác là đất nước thống nhất, Nam – Bắc sum họp một nhà, nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng, thi đua đánh thắng giặc Mỹ và bè lũ tay sai, phá tan chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Trước những thất bại trên chiến trường và yêu cầu hợp lý của ta, Mỹ buộc phải ngồi đàm phán ở Pari từ tháng 5-1968. Tháng 12-1972, quân dân miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất về toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Tiếp đến thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giành độc lập, thống nhất nước nhà. Lòng mong ước của Người đã trở thành hiện thực.

Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới: Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.

Ngày 25-4-1976, nhân dân ta từ Bắc đến Nam náo nức cầm lá phiếu bầu cử Quốc hội chung của cả nước. Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công tốt đẹp. Từ ngày 24-6 đến 3-7-1976, Quốc hội thống nhất họp kỳ thứ nhất tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Quốc hội đã thông qua những văn kiện quan trọng về tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta như: Nghị quyết xây dựng Hiến pháp, Nghị quyết đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Giữa tháng 12-1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã tổng kết, đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm 1976 – 1980, tổng kết công tác xây dựng Đảng, sửa đổi Điều lệ Đảng và quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

II- CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH SỐNG MÃI

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta niềm tiếc thương vô hạn. Để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào cả nước và các đồng chí trong toàn Đảng, ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người. Thực hiện quyết định đó, với sự giúp đỡ tận tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô, ngày 29-8-1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Ngày 12-9-1977, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra quyết định xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh với chức năng nghiên cứu và giáo dục thông qua những di tích, những tài liệu, hiện vật liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 7-1-1978, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc xuất bản hai bộ sách Hồ Chí Minh: Tuyển tập và Hồ Chí Minh: Toàn tập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhưng Người đã đi vào cõi vĩnh hằng như là một trong những anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

“Mỗi bước đi của nhân dân ta và của Đảng ta trong 40 năm qua đều gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của Hồ Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động của Người cùng với sự nghiệp của nhân dân ta và của Đảng ta là một thiên anh hùng ca bất diệt của cách mạng Việt Nam” (1).

Người cũng đi vào lịch sử cách mạng thế giới như là người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trong thế kỷ XX; người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, một danh nhân văn hoá kiệt xuất.

Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng thu hút sự yêu mến và kính trọng của nhân dân tiến bộ trên thế giới.

“Trong những năm gần đây chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được giương cao không những trong các cuộc biểu tình vì hoà bình ở Việt Nam mà còn xuất hiện trong các cuộc bãi công, hoặc tại những cuộc chiếm giữ các trường đại học và trong các hoạt động của công nhân, sinh viên và những nhà hoạt động cách mạng lão thành của phong trào công nhân, cũng như những người Thiên Chúa giáo, từ những người trong các nghiệp đoàn cho đến các nhà hoạt động vì hoà bình. Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ thống nhất cho nhân dân thuộc mọi thế hệ khác nhau có chính sách chính trị và quan điểm khác nhau nhưng đã liên hiệp với nhau bằng sự khâm phục chủ nghĩa anh hùng của Việt Nam và bằng mối tình đoàn kết của họ với Việt Nam” (2).

Ngày nay, tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở nên quen thuộc, gần gũi và được kính trọng đối với hàng triệu người trên thế giới. Tên tuổi và sự nghiệp của Người đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa, các bộ từ điển danh nhân lỗi lạc của thế giới. Tên của Người được đặt cho nhiều công trình, trường học, quảng trường, đại lộ, tàu thuỷ, v.v.. Một số nước đã dựng phù điêu, tượng đài của Người trên quảng trường và các đường phố lớn.

“Chỉ có ít nhân vật lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này” (3).

Đồng chí Phiđen Caxtơrô ca ngợi:

“Cuộc đời của Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất… Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt” (4).

Những lời đánh giá cao của các nhân vật xuất sắc đại diện cho các châu lục nói trên đã khẳng định sự bất tử của Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại. Bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc vĩ đại – người đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam, con đường cách mạng vô sản.

Người sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước – giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bao cuộc khởi nghĩa đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại. Phong trào cứu nước của nhân dân ta đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Chính lúc đó, bằng sự mẫn cảm chính trị và qua tìm hiểu thực tiễn cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua hạn chế của các bậc tiền bối, Người sớm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười; tìm ra con đường cứu nước cho cách mạng Việt Nam. Cách mạng vô sản – đó là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế chân chính, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Từ đó, Người mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng mở ra con đường giải phóng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhận rõ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ ngày Đảng ra đời, Người luôn chăm lo từng bước trưởng thành của Đảng, rèn luyện Đảng thành đội tiên phong vững vàng, sáng suốt của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất. Đó là khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, tạo ra sức mạnh vô địch vượt qua mọi thử thách khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù. Người đã nêu lên luận điểm nổi tiếng:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết;

Thành công, thành công, đại thành công“.

Đây chính là tư tưởng chiến lược xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Mặt trận là nhân tố quan trọng bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam thành một đội quân cách mạng “trung với nước, hiếu với dân”. Từ thực tế hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người đã góp phần cùng với Đảng ta nâng nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam lên một tầm cao mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và tự do, sánh vai cùng các dân tộc đấu tranh không mệt mỏi cho một xã hội công bằng, tiến bộ, văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, là người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc ta. Công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Người gắn liền với lịch sử quang vinh của Đảng ta, với những trang hào hùng nhất trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng dân tộc vĩ đại, đã đi vào lịch sử và sống mãi với muôn đời sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ quốc tế mẫu mực, thuỷ chung, trong sáng, đã có cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức, vào việc củng cố phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vào việc đoàn kết các lực lượng vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành độc lập, tự do. Đó là một sự nghiệp nhân văn cao cả. Bởi giải phóng con người khỏi thân phận nô lệ, khỏi cái đói, cái rét, cái dốt là một sự nghiệp nhân văn có ý nghĩa cao cả nhất, là ước mơ ngàn đời của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, lấy đó làm cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho việc xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy vai trò và sức mạnh của văn hoá, đưa văn hoá vào chiến lược phát triển của đất nước. Người đã đưa văn hoá đi sâu vào quần chúng, mở chiến dịch chống nạn dốt, phát động phong trào xây dựng đời sống mới, xem thói quen và những truyền thống lạc hậu cũng là một loại kẻ thù, phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân.

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục – Văn hoá – Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hoá kiệt xuất”.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội… Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau” (5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh – ở Người không chỉ tập trung cao nhất những chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới mà Người còn đề ra những nguyên tắc cơ bản để xây dựng một nền đạo đức mới định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng cũng như cho việc rèn luyện của mỗi người. Đó là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng; nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; Xây đi đôi với chống và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng có ý nghĩa thời sự to lớn. Thực tế đất nước đang đòi hỏi phải xây dựng nền đạo đức Việt Nam ngang tầm với những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn soi sáng cho Đảng và nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp vẻ vang đó.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đại hội khẳng định: Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991) khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.

Từ sau Đại hội VII của Đảng, công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng; hoạt động tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều cố gắng, nhờ đó đã góp phần động viên các tầng lớp nhân dân sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Bước sang thế kỷ XXI, đất nước ta có nhiều vận hội lớn, song cũng đứng trước những thách thức không nhỏ với diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) một lần nữa khẳng định:

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, cần thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo những nguyên lý và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 23 – CT/TƯ về đẩy mạnh nghiên cứu tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong tất cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06 – CT/TƯ tổ chức cuộc vận độngHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ tất thắng của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua và tiếp tục soi sáng con đường chúng ta tiến lên xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

 

 

1. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr. 35.

2. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, t. 3, tr. 66 – 67.

3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 36 – 37.

4. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Sđd, t.1, tr. 27.

5. Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 5-6.

 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam