Phát huy vai trò của trí thức trẻ dự án 600 tham gia phát triển kinh tế – xã hội

251
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động của đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, sáng ngày 5/8, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị truyền thông “Trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế – xã hội”.

Các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư BCH Trung ương Đoàn; Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác Thanh niên Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban Quản lý dự án 600 đã đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các Ban chuyên môn của Trung ương Đoàn;  đồng chí Lê Quang Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, lãnh đạo các Sở Nội vụ, Ban Thường vụ các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum; cùng đại diện lãnh đạo cấp ủy huyện Tương Dương – Nghệ An, huyện Minh Hóa – Quảng Bình, huyện Đakrông – Quảng Trị và 76 đội viên tham gia Dự án 600 tri thức trẻ tại các tỉnh Bắc Trung bộ, Miền trung – Tây nguyên.

Trí thức trẻ góp sức cùng các xã nghèo Theo đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn cho biết, Dự án thí điểm “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo” (nay là 64 huyện) đã gần đến thời điểm kết thúc và đã đạt được những kết quả tích cực rất đáng khích lệ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đội viên dự án đã chủ động tham mưu cho chủ tịch xã, lãnh đạo địa phương triển khai các mô hình phát triển kinh tế xã hội, các mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa tại địa phương, nhiều mô hình mang lại hiệu quả, thành công rõ nét, được chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Giám đốc Ban Quản lý dự án 600 Vũ Đăng Minh thông tin, tính đến ngày 01/10/2012, Bộ Nội vụ đã hoàn thành công tác tuyển chọn đội viên Dự án của 20 tỉnh với tổng số 580 đội viên, trong đó có 336/580 (chiếm 57,93%) đội viên có chuyên ngành đào tạo về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, quản lý đất đai, môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế, tài chính và kế toán; 164/580 (chiếm 28,28%) đội viên có chuyên ngành đào tạo về sư phạm, kỹ thuật, công nghệ thông tin, 80/580 (chiếm 13,79%) đội viên có chuyên ngành đào tạo về văn hóa, luật, công tác xã hội, hành chính học. Hầu hết Đội viên Dự án chủ yếu là người địa phương với 497/580 người (chiếm 85,69%).

f

f
Các đại biểu và các đội viên dự án 600 tham dự hội nghị

Đến nay, đã có 490/562 đội viên (chiếm 87,19%) được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; 51/562 đội viên (chiếm 9,07%) đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và đang được làm quy trình kết nạp Đảng trong năm 2016. Đặc biệt, trong thời gian qua được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đã có một số đội viên được cử đi học các lớp Trung cấp lý luận chính trị để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Về việc thực hiện nhiệm vụ của đội viên Dự án, đã có 537/562 đội viên (chiếm 95,55%) được cấp ủy, chính quyền xã đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015. Theo đánh giá, các đội viên đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Phó Chủ tịch UBND xã trong việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đồng tình và ghi nhận. Hầu hết các đội viên Dự án phát huy được trình độ, năng lực chuyên môn; tích cực tham gia xây dựng, tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương; góp phần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác, chăn nuôi của nhân dân địa phương. Trí thức trẻ góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương Tại Hội nghị các tham luận đã trao đổi các vấn đề liên quan đến các nội dung, như: Phát huy vai trò của đội viên trí thức trẻ trong tham gia phát triển kinh tế – xã hội thông qua kết quả bước đầu của dự án 600 Phó chủ tịch xã; Hạn chế tác hại của thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng khó khăn; Phát huy vai trò của trí thức trẻ góp phần nâng cao dân trí, trình độ nghề nghiệp gắn với yêu cầu phát triển của địa phương; Phát huy vai trò của trí thức trẻ trong tham gia phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở huyện Minh Hóa – Quảng Bình; Một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất tại địa phương góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế; Trí thức trẻ với cải cách hành chính ở cấp cơ sở; Cải thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cho vùng sâu, vùng xa…

g
Các đội viên dự án 600 trao đổi ý kiến với hội nghị về quá trình công tác với những kết quả đạt được cùng một số đề xuất, kiến nghị

Gắn bó với bà con nhân dân xã Hải Phúc, huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị, đội viên dự án Lê Tiên Tiến đã giới thiệu mô hình trồng Lạc xen Ngô ở xã Hải Phúc đã mang lại hiệu quả. Theo đội viên Tiến, hai loại cây trồng có thời gian phát triển như nhau, khả năng tăng trưởng tốt, khi trồng xen tăng 1,5 lần so với trồng Lạc thuần, Ngô thuần. Qua 4 năm triển khai mô hình đã được người dân ghi nhận đánh giá và đến nay tổng diện tích trồng sen chiếm 50% diện tích trong toàn xã. Từ mô hình này, đội viên Tiến đã trao đổi kinh nghiệm khi triển khai mô hình này đã trực tiếp chỉ đạo điều hành, trong đó chọn mô hình cùng với chọn hộ gia đình tham gia thực hiện; tiến hành khảo sát mô hình để chọn cây trồng, giống mới phù hợp và tổ chức hội thảo nhằm khẳnh định tính phù hợp cây trồng, cơ cấu loại giống để người dân hiểu, chủ động thực hiện; đồng thời giám sát để chỉ đạo thực hiện mô hình tốt hơn. ”Để nhân rộng mô hình, chúng tôi đã tổ chức hội nghị đầu bờ nhằm đánh giá năng xuất đạt được và thực tiễn năng xuất và hiệu quả từ trồng xen đã mang lại cao hơn so với cách trồng đơn thuần và từ đó người dân đã tích cực tham gia thực hiện mô hình”, đội viên Tiến nhấn mạnh. Đội viên Nguyễn Anh Khoa, Phó chủ tịch xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết,  từ dịch bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân hay còn gọi là “bệnh lạ” ở địa phương, Anh Khoa đã tìm hiểu và nguyên nhân ban đầu là do thói quen sinh hoạt của đồng bào và môi trường bị ô nhiễm. Từ thực tế này, Anh Khoa đã khảo sát và xây dựng Đề án “Xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy xã Ba Điền năm 2013” trình UBND xã. Được sự cho phép và phê duyệt của HĐND, UBND xã đã lập Tờ trình xin kinh phí thực hiện. Đề án được sự ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cấp kinh phí thực hiện. Hiện tại Công trình xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy xã Ba Điền đã hoàn thành, đem lại nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân Ba Điền, góp phần phòng, chống dịch bệnh.

f
Bí thư huyện ủy Tương Dương Phạm Trọng Hoàng

Hiện toàn huyện Tương Dương có 12 trí thức trẻ tham gia công tác tại các xã, theo Bí thư huyện ủy Tương Dương Phạm Trọng Hoàng nhận xét, các đội viên của Dự án 600 và tri thức trẻ về địa phương, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất của người dân được triển khai tích cực hơn. Các tri thức trẻ đều kiên trì, chịu khó bám dân, bám đất, bám ruộng để chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện các mô hình khảo nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá trên lòng hồ. Nhiều mô hình mô hình kinh tế hiệu quả trong những năm gần đây của các xã mang đậm dấu ấn của các tri thức trẻ, như mô hình trồng rau sạch, rau an toàn tại các xã Thạch Giám, Tam Thái, Yên Hoà .v.v… “Qua quá trình công tác thực tiễn, đội ngũ tri thức trẻ đã có sự trưởng thành rõ nét, nhuần nhuyễn, chín chắn hơn trong công tác tham mưu cho đảng ủy và tham gia công tác quản lý, điều hành của chính quyền; nhiều phó chủ tịch UBND thuộc Dự án được cấp ủy, chính quyền xã phân công chủ trì thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác lớn và khó của địa phương”, đồng chí Phạm Trọng Hoàng nhấn mạnh. Với Minh Hoá là huyện miền núi biên giới ở phía Tây của tỉnh Quảng Bình đã có 11 đội viên dự án được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã. Qua hơn 4 năm thực hiện nhiệm vụ, các đội viên dự án đã tham mưu, đề xuất cho cấp uỷ, chính quyền thực hiện một số mô hình, đề án có hiệu quả. Nói về hiệu quả của dự án đã góp phần mang lại cho địa phương, Bí thư huyện ủy Minh Hóa Đoàn Ngọc Lâm khẳng định, kinh tế của huyện đến nay phát triển ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nông nghiệp từng bước được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân; chương trình phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế có hiệu quả, đời sống của nhân dân toàn huyện có nhiều khởi sắc, diện mạo của địa phương có nhiều đổi thay, tiến bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9,57%/năm. Bên cạnh đó, các đội viên còn nêu các kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp nhằm định hướng, chỉ đạo thực hiện hiệu quả trong thời gian tới để góp phần làm thay đổi diện mạo của các xã nghèo. Khẳng định mình bằng chính những sản phẩm công việc cụ thể

f
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư BCH Trung ương Đoàn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã bày tỏ sự vui mừng với những kết quả của dự án 600 đã đạt được, với nhiều cách làm hay mô hình kinh tế hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng, thay đổi lề lối làm việc tạo sự chuyển biến rõ nét…; đồng thời, ghi nhận biểu dương những cố gắng nỗ lực của các đội viên dự án 600 trong suốt 4 năm qua đã góp phần vào đạt được các mục tiêu đã đề ra của dự án.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cũng tin tưởng trong thời gian tới sẽ có nhiều đồng chí đội viên được trưởng thành, tiếp tục là lực lượng xung kích tình nguyện quan trọng và khi kết thúc dự án được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và có những ”sản phẩm” thiết thực để lại cho địa phương, nhân dân… và là hành trang tiếp tục đồng hành với các đội viên dự án ở vị trí công tác mới.

”Các đội viên sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, phấn đấu rèn uyện, không ngừng học hỏi sát để với thực tiễn, với nhân dân bằng chính những sản phẩm công việc cụ thể để khẳng định mình ở những vị trí và công việc sắp tới”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn mong muốn.

Hội nghị truyền thông  “Trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế – xã hội” là điều kiện để Bộ Nội vụ, Ban quản lý dự án 600 và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tri thức trẻ trong quá trình thực hiện dự án tại các xã nghèo để từ đó tham mưu cho Đảng và Nhà nước những chế độ, chính sách cụ thể, phù hợp để tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới, góp phần giúp các đơn vị, địa phương thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy vai trò của trí thức trẻ, tạo điều kiện cho đội ngũ này trưởng thành vững chắc, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và các lĩnh vực ở địa phương, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tin tưởng giao nhiệm vụ, theo dõi giúp đỡ đúng mức sẽ phát huy nhiệt huyết, năng lực, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nhất là vùng đặc thù khó khăn.