Nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên: Cần những biện pháp đồng bộ và chặt chẽ

380

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên (TTN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015”. Đề án đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc phải đa dạng hóa các hoạt động, nghiên cứu, lựa chọn những nội dung, hình thức thiết thực, phù hợp, thu hút đoàn viên, TTN tham gia…

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, khi thảo luận đến vấn đề phòng chống tội phạm, nhiều đại biểu lo lắng trước thực trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, nhiều thủ đoạn tinh vi, hành vi phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn. Thực tiễn này cho thấy, tình trạng TTN vi phạm pháp luật đang có xu hướng gia tăng. Ở Khánh Hòa, tuy chưa có con số thống kê chính thức về số lượng TTN vi phạm pháp luật, nhưng nhìn chung, đây cũng là vấn đề cần quan tâm, bởi rất nhiều vụ án hình sự có sự tham gia của nhiều đối tượng TTN. Trong đó, đáng báo động là tội phạm ma túy. Theo thống kê, tỷ lệ TTN nghiện ma túy chiếm hơn 90% và tập trung ở những địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như: Nha Trang, Cam Ranh… Tình trạng TTN vi phạm pháp luật xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản: sự thiếu quan tâm giáo dục con cái từ phía gia đình, nhà trường, xã hội và từ chính bản thân của TTN đang trong lứa tuổi có sự thay đổi về tâm sinh lý, muốn khẳng định mình nhưng lại dễ bị xấu lôi kéo, kích động. Bên cạnh đó, tình trạng thanh niên khó khăn trong cuộc sống, thất nghiệp, chưa có việc làm, lao động nông nhàn ra thành phố kiếm sống, quá trình đô thị hóa phát triển nhanh nhưng không đồng bộ ở nhiều nơi; quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế – văn hóa – xã hội không ngừng được tăng cường nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt đã có tác động xấu đến lối sống của một bộ phận TTN trong việc chấp hành pháp luật… Tất cả những vấn đề đó đang trở nên bức xúc, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, toàn xã hội và mỗi gia đình trong nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho TTN.

Tuy nhiên, để công tác PBGDPL cho TTN đạt hiệu quả cao, cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ngành, các cấp và cần sự chung tay của toàn xã hội. Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho TTN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015” của UBND tỉnh có đề ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ động triển khai các phong trào học tập pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục ý thức pháp luật cho TTN. Thực tế cho thấy, việc phối hợp giữa các ngành về công tác PBGDPL chưa đồng bộ, nhiều ngành còn cho đó là “nhiệm vụ của ngành Tư pháp, của tổ chức Đoàn Thanh niên” nên sự quan tâm và đầu tư cho công tác này vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ, phân định trách nhiệm rõ ràng. Chính vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là cần đẩy mạnh hơn nữa tần suất cũng như cách thức tuyên truyền pháp luật cho TTN. PBGDPL cho TTN muốn hiệu quả phải gắn chặt với nhu cầu của các em; cần trang bị những gì TTN cần, chứ không phải những gì ta có. Bên cạnh đó, việc đưa kiến thức pháp luật vào trường học cũng là vấn đề cần được quan tâm và đầu tư thích đáng. Học đi đôi với hành, lý thuyết kết hợp với thực tiễn là giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức pháp luật cho TTN. Thực tế cho thấy, nhiều phiên tòa xét xử lưu động đã thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là TTN. Đây cũng là một kênh để TTN rút ra những bài học bổ ích; thông qua đó nâng cao kiến thức pháp luật cho mình.

. Cần những mô hình, cách làm hay

Thành đoàn và Phòng Tư pháp TP. Nha Trang vừa ký kết kế hoạch liên tịch về PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, hàng tháng các bên sẽ phối hợp tổ chức từ 1 đến 3 buổi PBGDPL với các hình thức phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của TTN. Đồng thời, 2 bên sẽ phối hợp thành lập Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, xây dựng các mô hình điểm tuyên truyền, PBGDPL thuộc các cơ sở Đoàn trực thuộc. Mô hình sẽ lần lượt được thực hiện tại các điểm: Đoàn trường Trung học Phổ thông (THPT) Lý Tự Trọng, Đoàn trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Đoàn trường THPT Hà Huy Tập, Đoàn xã Vĩnh Hiệp, Đoàn phường Vĩnh Nguyên và Ngọc Hiệp. Đây là một cách làm hay, cần được nhân rộng. Thực tế cho thấy, nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật trong TTN trước hết là do thiếu hiểu biết về pháp luật; do vốn sống và hiểu biết xã hội của TTN còn hạn chế; khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhưng ít chọn lọc và dễ bị lôi kéo, lợi dụng. Chính vì vậy, cần có những mô hình, cách làm hay trong việc PBGDPL để tuyên truyền, định hướng, rèn luyện lối sống, đạo đức cho TTN. Để công tác PBGDPL đạt hiệu quả cao, thay vì đưa ra những điều luật khô cứng, báo cáo viên pháp luật phải tận tâm đi sâu, cập nhật mọi động thái trong đời sống, sinh hoạt, học tập của TTN để kịp thời có những tư vấn pháp lý kịp thời. Bên cạnh đó, cần triển khai tốt việc dạy nghề cho các đối tượng ở các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng vừa ra khỏi các trường giáo dưỡng hoặc trại giam để họ nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng. Đây cũng là một cách làm hiệu quả để hạn chế tình trạng TTN vi phạm pháp luật. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL thông qua các loại hình văn hóa nghệ thuật, phổ biến gương người tốt việc tốt… cũng là những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của gia đình. Để hạn chế tình trạng TTN vi phạm pháp luật, gia đình cần có những biện pháp quản lý, kiểm tra các hoạt động hàng ngày của con em để kịp thời uốn nắn, sửa chữa những lệch lạc, không để các em trượt dài vào con đường tiêu cực. Đồng thời, phải có sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường và các cơ quan chức năng trong quản lý giáo dục và phòng, ngừa TTN vi phạm pháp luật.

Theo Báo Khánh Hòa