Một sinh viên đam mê sáng tạo

239

Với niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, anh Nguyễn Bá Nha – sinh viên Trường Đại học Thái Bình Dương đã có nhiều sáng tạo trong đồ dùng sinh hoạt, có tính ứng dụng cao.

Sinh năm 1987, nhưng đến nay, Nguyễn Bá Nha mới bước vào giảng đường đại học. Anh cho biết, học đến lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình nên anh phải bỏ dở con đường học vấn để đi làm. Nhờ làm qua nhiều công việc như: thợ hàn, công nhân cơ khí, xây dựng… nên khi có điều kiện đi học trở lại, với vốn kiến thức, kinh nghiệm có được, anh bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu những sản phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình. “Sống ở địa phương khó khăn, cùng những chuyến đi tình nguyện về các huyện miền núi như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh do đoàn trường tổ chức, tôi đã có ý tưởng sáng tạo những thiết bị có thể phục vụ cho người nghèo”, anh nói.

 

Sản phẩm bếp dân sinh của Nguyễn Bá Nha được người dân sử dụng
Sản phẩm bếp dân sinh của Nguyễn Bá Nha được người dân sử dụng

Lấy ý tưởng từ bếp trấu truyền thống, anh sáng tạo ra sản phẩm bếp dân sinh. Loại bếp này có cấu trúc như bếp than thông thường, nhưng được làm từ sắt, tôn dày, sử dụng quạt gió 12V nhằm tiết kiệm thời gian đun nấu. Bếp được thiết kế hình trụ, phần đáy có lỗ thông khí để đưa quạt gió vào, khoang trên dùng để chứa chất đốt. Nguồn nguyên liệu sử dụng là những rác thải sinh hoạt, sản xuất phổ biến như: giấy vụn, rơm rạ, vỏ đậu, cùi bắp… So với chi phí dùng than củi, bếp dân sinh chỉ tốn 1/2 chi phí, tiết kiệm cho người dùng. Giá thành cho một bếp dân sinh cũng không cao, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng/bếp, phù hợp với những gia đình có thu nhập thấp. “Bình quân, mỗi hộ gia đình nấu ăn một ngày cần khoảng 3,9kg rác. Tính ra, mỗi tháng, một hộ gia đình tiêu thụ 117kg, 1 năm là hơn 1,4 tấn rác. Như vậy, đối với 100 hộ thì mỗi năm cần 140 tấn rác. Cứ thế, nhân rộng mô hình ra, càng có nhiều gia đình sử dụng bếp dân sinh thay cho bếp củi, lượng rác được tận dụng sẽ càng nhiều, giảm bớt lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày”.

Bên cạnh đó, anh còn nghiên cứu sáng tạo sản phẩm quạt làm mát môi trường không gian hẹp từ việc tích hợp một số tính năng của quạt hút âm tường và quạt hơi nước. Loại quạt này được làm từ tôn, inox hoặc nhựa ABS, sử dụng quạt hút 28 – 35W, có khay đựng đá hoặc nước để làm mát, có bộ điều khiển từ xa. Khi vận hành, quạt có thể hút không khí nóng, hỗn khí tại không gian sống vào trong khay nước, đá lạnh rồi giải phóng ra lượng không khí trong lành, mát hơn. Sản phẩm phù hợp sử dụng trong không gian chật hẹp như: quầy hàng, văn phòng nhỏ, góc học tập, giường ngủ… Ưu điểm của sản phẩm là không sinh nhiệt. Theo tính toán của anh, quạt điện thông thường sử dụng hết 1kw điện trong 20 giờ; trong khi đó, sản phẩm của anh có mức tiết kiệm điện năng hơn, với thời gian sử dụng 35,7 giờ/1kw điện.

Anh Bá Nha cho biết, đã có một số hộ sử dụng những sản phẩm do anh làm ra, có phản hồi tích cực về tính năng và hiệu quả. Bà Đỗ Thị Hạnh, thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang chia sẻ: “Tôi dùng bếp củi từ lâu nay, dần dần củi cũng không còn nhiều. Khi sử dụng bếp dân sinh, tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí hơn bếp củi”.

Anh đang nghiên cứu và hoàn thiện một số sản phẩm như: thùng rác công sở, có tác dụng tái sử dụng được giấy vụn, rác văn phòng; ghế văn phòng thông minh có các chức năng massage, làm giường ngủ…

Anh Trần Anh Tuấn – Bí thư Đoàn trường Đại học Thái Bình Dương cho biết, anh Nguyễn Bá Nha rất tích cực trong các hoạt động của đoàn trường. Trong nghiên cứu sáng tạo, anh có nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao, với ưu điểm giá thành rẻ, phù hợp đối tượng có thu nhập thấp nhưng vẫn đảm bảo về kỹ thuật, an toàn khi sử dụng. Với phương châm sáng tạo không nhất thiết phải là những thứ lớn lao, mà là những thứ bình dị nhưng mang lại hiệu quả cho cuộc sống, anh Nha đã có những sản phẩm thiết thực, góp phần tích cực cải thiện đời sống của người dân có thu nhập thấp.

Nguồn HẠ PHONG/Báo Khánh Hòa