Toàn văn thông báo của Hội nghị Trung ương 6, khóa XI

195

4- Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ban Chấp hành Trung ương nhận định : Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cả xã hội, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý, nhà khoa học, sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về quy mô, chất lượng giáo dục các cấp; công tác quản lý; đội ngũ nhà giáo; công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; tiềm lực khoa học và công nghệ; thị trường và các dịch vụ khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế v.v… Bên cạnh đó, hai lĩnh vực này còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót và yếu kém. Chất lượng giáo dục và đào tạo nhìn chung còn thấp, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực. Công tác quản lý còn nhiều bất cập. Hoạt động khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển kinh tế – xã hội. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ còn nhiều thiếu sót, bất cập. Đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu; thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý.
Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước, của toàn dân và là quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên và đi trước. Mục tiêu cốt lõi của giáo dục và đào tạo là hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực con người Việt Nam . Phải đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức và tư duy về giáo dục và đào tạo; về công tác quản lý giáo dục; về nội dung, phương pháp giáo dục; hình thức và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục; cơ chế, chính sách đầu tư tài chính. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thành hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công tác truyền thông phục vụ đổi mới giáo dục. Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục. Khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, coi đây là khâu đột phá. Xác định nhân lực khoa học công nghệ là nhân tố quyết định đối với phát triển khoa học và công nghệ. Ưu tiên nguồn lực quốc gia, tạo động lực để phát triển khoa học và công nghệ. Chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, hiệu quả. Về mục tiêu tổng quát, Ban Chấp hành Trung ương xác định : Khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, tạo chuyển biến về chất trong đóng góp của khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI. Về mục tiêu cụ thể: đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để đạt mục tiêu trên, cần tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; triển khai các định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu; phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí thông qua Nghị quyết “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đối với Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Ban Chấp hành Trung ương cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào một thời điểm thích hợp. Trước mắt, cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII và các kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo từ nay đến năm 2020 và Kết luận của Hội nghị lần này.

 Theo VOV