Chuyện ông Năm Rí bài chòi

444

Cả một đời dành hết tình yêu, niềm đam mê cho bộ môn Bài chòi, nghệ nhân Trần Rí (thôn Bình Trung 1, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) xứng đáng được đánh giá là “báu vật nhân văn sống” theo tiêu chí của UNESCO.

Theo nghề từ thuở lên năm

Sinh ra trong một gánh hát gia đình, từ bé, ông Năm Rí đã được ông nội của mình là bầu gánh Trần Thị và cha ruột là ông Trần Mạch sớm đưa vào luyện rèn các kỹ năng biểu diễn hát tuồng, hô diễn Bài chòi. “Từ lúc 5 tuổi, tôi đã được ông và cha chỉ dạy cho những kỹ thuật đầu tiên về hô, hát Bài chòi. Hồi đó, mỗi anh em chúng tôi được dạy một món khác nhau. Người học đàn, người học trống, người học hát. Ông tôi bảo, phải như vậy thì gánh hát của gia đình mới duy trì được lâu bền, không phụ thuộc vào người ngoài”, ông Năm Rí nhớ lại.

Học nghề từ rất sớm, nhưng phải đến năm 9 tuổi, ông Năm Rí mới được đứng hô, hát trước khán giả. Lần ra mắt đầu tiên đến nay vẫn khiến ông nhớ mãi: “Lúc đó tôi run lắm. Tuy chỉ đứng hát trước khán giả một câu ngắn, nhưng nó là một sự kiện đối với tôi”. Tuy là con nhà nòi, nhưng trong cách truyền nghề của người xưa cũng rất kỹ lưỡng. Ngày này qua năm khác, ông Năm Rí và mấy anh em trong nhà cứ rong ruổi theo gánh hát của gia đình diễn khắp nơi. Các làn điệu, lời ca Bài chòi cứ hàng ngày thẩm thấu vào tâm hồn ông một cách tự nhiên mà sâu sắc. Đã có những lúc ông cảm thấy mình đã thuộc nằm lòng những lời hô hát, những động tác diễn một cách thuần thục. Vậy nhưng, phải tới năm 17 tuổi, ông Năm Rí mới được sắm vai diễn kép phụ. Và phải chờ thêm 8 năm nữa ông mới được giao diễn vai kép chính.

Gắn bó lâu năm với nghiệp Bài chòi, nghệ nhân Năm Rí là người nắm giữ nhiều làn điệu, vở diễn bài chòi cũng như những câu hô thai của bộ môn nghệ thuật này. Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông Năm Rí lại cất lên những câu hát mà ông tâm đắc trong các tích truyện: Thoại Khanh – Châu Tuấn, Lâm Xanh – Xuân Nương, Lưu Bình – Dương Lễ. Bên cạnh đó là hàng trăm câu hô thai trong hội chơi Bài chòi để diễn đạt tên các con bài, cách chơi trong trò chơi. Chẳng hạn con Nhứt Trò thì hát “Đi đâu mang sách đi hoài/Cử nhân chẳng phải tú tài cũng không” hay con Nhì Nghèo “Ngày thường thiếu áo thiếu cơm/Đêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường/Ngoài kia ong bướm chật đường/Màn loan gối phượng nào thương tôi nghèo”…

Trong hồi ức của ông Năm Rí, ngày trước, các gánh hát Bài chòi hoạt động vô cùng sôi nổi. Vậy nhưng hoàn toàn không có sự tranh giành nhau, chơi xấu nhau. Gánh ở làng này, huyện này diễn hay thì cứ thế đến nhận diễn ở các làng, các huyện khác dù nơi đó cũng có gánh hát. “Hồi trước, các gánh cứ đi diễn quanh năm. Nếu nhanh thì 6 tháng mới về nghỉ một thời gian rồi đi tiếp. Còn không thì cứ rong ruổi diễn từ nơi này đến nơi khác. Có khi ngày lễ, Tết cũng chỉ cử người đại diện về thắp nhang lên bàn thờ gia tiên rồi đi”, ông Năm Rí cho biết. Ngày đó, các gánh diễn không tổ chức bán vé mà chỉ nhận tiền ủng hộ của người dân nên có nơi được nhiều, nơi được ít. Tuy nhiên, điều đó cũng không quan trọng bằng việc được diễn phục vụ bà con. Vì thế, trong gánh cũng không có chuyện người này nhiều tiền hay ít tiền hơn người kia mà tất cả đều lấy tiêu chí diễn hay, được khán giả yêu mến làm thước đo phấn đấu cho mình.

Nghệ nhân Trần Rí đang dạy cho các cháu những làn điệu Bài chòi.
Nghệ nhân Trần Rí đang dạy cho các cháu những làn điệu Bài chòi.

Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Theo thời gian, Bài chòi đã đi từ trò chơi dân gian đến hình thức hô hát truyện tích dân gian với các tên gọi phụ thuộc vào điều kiện thưởng thức của khán giả như: Bài chòi đất, Bài chòi chiếu, Bài chòi ghế. Việc UNESCO vinh danh loại hình nghệ thuật Bài chòi thực sự là một niềm vinh dự, tự hào đối với những nghệ nhân theo nghề lâu năm như nghệ nhân Trần Rí. “Bao nhiêu năm đằng đẵng theo nghiệp cha ông truyền lại. Theo thời gian với biết bao nhiêu thăng trầm và có những thời điểm tưởng như phải dứt bỏ. Đến tuổi này rồi, bản thân tôi được tai nghe mắt thấy việc thế giới tôn vinh loại hình nghệ thuật truyền thống này thực sự vui mừng không kể hết”, nghệ nhân Trần Rí chia sẻ.Người xuất sắc nhất

Cuối tháng 4 vừa qua, nghệ nhân Trần Rí vinh dự được chọn là nghệ nhân Bài chòi tiêu biểu tham gia lễ đón bằng UNESCO công nhận nghệ thuật Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại tại TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Cũng tại đây, ông được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì đã có thành tích trong xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài chòi.

Tuy có được những niềm vui lớn như vậy, nhưng trong thâm tâm nghệ nhân Trần Rí vẫn canh cánh trách nhiệm truyền lại những câu hô, điệu hát cho thế hệ mai sau. Bởi theo ông đó là cách làm để duy trì, phát huy được cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật Bài chòi vào trong cuộc sống. Có lẽ vì thế, nên trong gia đình ông hiện tại ngoài cô con gái út đang theo nghề gia đình đi diễn xướng ở các nơi, ông còn muốn các cháu của mình cũng phải biết hô, biết hát để giữ nghiệp ông cha. “Cứ những lúc các cháu có thời gian, tôi lại gọi đến để dạy cho chúng cách lấy hơi, những làn điệu cơ bản. Mặc dù tuổi già, nhưng hàng ngày tôi luôn hát cho các cháu nghe nhiều làn điệu, cũng như từng câu, từng tích truyện để vừa thỏa niềm đam mê, vừa thấm dần vào tâm trí các cháu”, nghệ nhân Trần Rí tâm sự. Dường như hiểu được tâm ý đó của ông nên các cháu đều chịu khó nghe ông chỉ bảo. “Cháu thích được ông dạy hát lắm. Tuy học rất khó, nhưng cháu sẽ cố gắng để có thể nối tiếp truyền thống gia đình”, Trần Thị Tuyết Trinh – cháu ngoại nghệ nhân Trần Rí cho biết.

Theo ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay, toàn tỉnh có 36 nghệ nhân Bài chòi và 220 người biết đàn, hát Bài chòi. Trong đó, nghệ nhân Trần Rí là người xuất sắc nhất cả trong vai chú hiệu để hô thai tại các hội chơi Bài chòi, đồng thời cũng là người trình diễn Bài chòi đầy tài năng. Trong nghệ thuật hô thai, nghệ nhân Trần Rí là người có giọng hát hay, thuộc nhiều làn điệu dân ca và tích truyện dân gian, có tài kể chuyện, ứng tác thơ linh hoạt và khiếu pha trò diễn xuất sinh động. Trong diễn xướng Bài chòi, ông cũng là kép chính độc diễn được nhiều vai với kỹ năng diễn xuất điêu luyện. Năm 2015, nghệ nhân Trần Rí được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Mới đây, ông được tỉnh đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

Nhân Tâm – Thế Anh


PGS.TS Nguyễn Bình Định – Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam: Nghệ nhân Trần Rí là người trình diễn Bài chòi đất, Bài chòi chiếu tương tự như các nghệ nhân: Bùi Duy Huyển (Quảng Ngãi), Phạm Nghiễm (Bình Định). Tuy nhiên, xét về tổng thể trên mọi khía cạnh: cách sử dụng y phục, cách phát âm nhả chữ, động tác diễn xuất, cách thể hiện nội dung, sắc thái qua nét mặt, khả năng điều tiết tốc độ, sự phối hợp ăn ý với phần nhạc, cách thay đổi vị trí, dáng đi trên sân khấu, cách sử dụng đạo cụ… thì nghệ nhân Trần Rí nổi trội hơn các đồng nghiệp của mình. Những lúc ông khóc, cười, giận dữ hay thể hiện những tình cảm yêu thương, trìu mến trong khi diễn xuất đều đem đến cho người nghe một sự cảm nhận rất sát với tình huống, cảm xúc trong cuộc sống thực tế. Năng lực biểu diễn của ông đạt tới mức độ quy chuẩn cao về yêu cầu trong nghệ thuật trình diễn Bài chòi. Nghệ nhân Trần Rí rất xứng đáng là “báu vật nhân văn sống” theo tiêu chí của UNESCO.

Báo Khánh Hòa