Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên

896

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên – những người kế cận của Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược với lực lượng thừa kế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm, sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Người dành cho thanh niên luôn là nguồn động lực, khích lệ ý chí tinh thần nghị lực vươn lên chiếm lĩnh những tầm cao mới của các thế hệ thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay.

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên – lực lượng kế cận của Đảng đối với sự nghiệp của Đảng, tương lai, vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến (tháng 1 năm 1946), Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(1). Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho thanh niên, quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thế hệ cách mạng cho đời sau.

Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam (01-9-1961) chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Thanh niên đã thực hiện những điều mơ ước của loài người từ bao thế kỷ”(2). Người khẳng định: Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên.

Bác khen ngợi, biểu dương, kỳ vọng vào thanh niên, trong bản Di chúc lịch sử, sau khi nói về Đảng, Bác nhận định “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”(3). Đồng thời, Người thẳng thắn phê bình, nhắc nhở số thanh niên không biết quý trọng công lao của các thế hệ đi trước và yêu cầu cần tích cực giáo dục, dìu dắt thanh niên: Có số thanh niên không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng dìu dắt thanh niên; không nên công thần, không nên tiêu cực. Người chỉ rõ: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết và nhắc nhở: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng vừa “chuyên. Cần “giáo dục thanh niên ta rèn luyện một chí khí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc”.

Người yêu cầu thanh niên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt “để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của thanh niên. Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”(5). Trong bài nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội) Bác đã nói: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập”(6). Bác yêu cầu thanh niên cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập, luôn tự cải tạo để tiến bộ mãi, tích cực tự học tập, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện mình thành những người có đức, có tài để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Người chỉ rõ: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”.

Để thực sự là thế hệ tương lai của nước nhà Bác yêu cầu: Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực. Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.

Người cho rằng giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội. Những kiến thức được trang bị ở trường, ở lớp, thanh niên phải vận dụng ngay vào thực tiễn “Khi ở nhà, phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần (học được điều gì về tình hình trong nước và thế giới thì nói lại cho cha mẹ nghe). Ở trường thì phải đoàn kết, giúp đỡ anh chị em, thi đua học tập. Phải đoàn kết giữa thầy và trò, làm cho trường mình luôn luôn tiến bộ. Ở xã hội: các cháu có thể giúp được nhiều việc có ích. Thí dụ: tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ…”.

Người yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thanh niên. Tại buổi khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam (19-01-1955), Người chỉ rõ: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên,…phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên – những người kế cận của Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược với lực lượng thừa kế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm, sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Người dành cho thanh niên luôn là nguồn động lực, khích lệ ý chí tinh thần nghị lực vươn lên chiếm lĩnh những tầm cao mới của các thế hệ thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay.

Trích nguồn: Website Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh