Sĩ tử nghèo vẽ nên điều kỳ diệu

466

Cậu học sinh Hà Manh, người dân tộc T’ring, vượt qua trở ngại về ngôn ngữ đã đạt 9,25 điểm môn văn kỳ thi THPT Quốc gia tại tỉnh Khánh Hòa.

Những ngày này, căn nhà nhỏ của cậu học trò Hà Manh ở thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đông đúc lạ thường. Người thân, bạn bè và dân làng người T’ring (một nhánh của dân tộc K’ho) kéo về chúc mừng cậu bé mồ côi cha thi đậu tú tài với điểm xét tuyển ĐH khối C là 23,5 điểm.

“Nhường cơm cho nó đi học”

Sinh ra trong gia đình nghèo có 7 anh chị em, ít ai ngờ cậu bé Hà Manh lại làm được chuyện mà cả làng, cả huyện không ai dám mơ là đứng nhì tỉnh Khánh Hòa ở môn văn với 9,25 điểm.

 

Ở cái xứ trồng lúa rẫy, ăn khoai mì, con trai, con gái lớn lên từ lưng cha mẹ, đến tuổi dựng vợ gả chồng thì cái chữ quả là điều xa xỉ. Bà A Khía, mẹ của Hà Manh, nhìn đứa con út trìu mến, móm mém cười mãn nguyện. Hình hài người mẹ 60 tuổi một mình nuôi 7 người con gầy yếu đến não lòng. Bà cười như mếu: “Con thi được điểm cao mừng vui khôn xiết mà lo không thể tả. Nhà nghèo quá, không biết lấy gì cho con học tiếp ĐH”.

Nghe tin em đạt điểm cao mới về nhà, anh Hà Banh chạy xe máy từ Lâm Đồng về chúc mừng. Chị gái Cà Chanh, rồi hàng xóm láng giềng cũng quây quần. Căn nhà tôn lụp xụp rộng chừng 30 m2 vui như hội. Chị Cà Chanh cười tự hào: “Khi biết được điểm thi, nó la hét, nhảy múa như điên dại. Mấy chị em mừng rơi nước mắt”.

Nhà có 7 anh chị em thì chỉ có 4 người được đi học. Trong đó, Hà Banh học đến lớp 7 phải nghỉ học, 2 anh khác học đến lớp 9. Riêng cậu em út Hà Manh được về Nha Trang để học cho hết lớp 12. Hà Banh có nước da ngăm đen, năm nay mới 24 tuổi nhưng nhìn già hơn tuổi thật rất nhiều. Từ năm 2007, cha mất sớm vì bệnh nặng, cuộc sống gia đình rất khó khăn, gia đình được xã Sơn Thái xếp vào diện hộ nghèo.

“Cha mất là cú sốc đối với anh em chúng tôi vì ông là trụ cột của cả nhà. Nhà đông anh em, miếng ăn còn không đủ thì lấy đâu tiền đi học. Anh em chúng tôi đành nghỉ học đi rẫy, làm thuê phụ mẹ trang trải cuộc sống. Nhường hết cơm gạo bán lấy tiền cho thằng út đi học” – Hà Banh kể.

Từng đói cơm, xin nghỉ học

Năm Hà Manh học lớp 9 (năm 2012), mẹ đau nặng phải nhập viện. Cả nhà bán hết thóc lúa để lấy tiền chăm sóc mẹ. Khi đó ở nhà thậm chí không có cơm ăn. Để lo cho mẹ, gia đình phải vay nhà nước tiền hộ nghèo thêm 5 triệu đồng, đến nay vẫn chưa trả xong. Khi đó, cứ đi học về, Hà Manh lên bệnh viện chăm mẹ. Nhìn mẹ sức khỏe yếu quá, em xin các anh cho nghỉ học mà ai cũng không chịu.

Mấy anh chị em nói với Hà Manh: “Khổ thì khổ rồi, nghèo thì nghèo rồi. Để anh chị gắng làm lụng thêm tí nữa. Còn em phải đi học thì mới thoát nghèo được”.

Được gia đình động viên, cậu học trò Hà Manh xuống TP Nha Trang theo học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Khánh Hòa. Mỗi lần đi học, em phải nhờ người chở lên trung tâm thị trấn huyện Khánh Vĩnh rồi bắt xe buýt về Nha Trang. Đường đi xa xôi, không có phương tiện nên mỗi tháng, Manh chỉ về thăm nhà một lần. Chi phí ăn uống, học tập đã có nhà trường lo, còn phí sinh hoạt thì được anh chị gom góp cho mỗi tháng khoảng 500.000 đồng. Em dành khoản tiền này chủ yếu để mua sách tham khảo chớ không dám ăn tiêu gì.

Chúng tôi thắc mắc về chiếc điện thoại thông minh sờn màu mà Manh đang dùng, Manh tự hào kể đó là kết quả của 3 tháng hè đi làm thêm, phục vụ quán ăn cho khách du lịch. Với số tiền nhận được khoảng 2 triệu đồng/tháng, Manh mua một chiếc điện thoại rẻ tiền để hỗ trợ việc học tập, đọc sách báo trực tuyến. Số tiền còn lại Manh để dành trang trải chi phí sinh hoạt. Tết vừa rồi, Manh nói với mẹ là năm nay quyết định thi vào ĐH nên xin với mẹ là em sẽ không về ăn Tết mà ở lại Nha Trang phục vụ nhà hàng, kiếm tiền mua sách tham khảo.

Ước mơ bay xa

Cô Trần Thị Thúy Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A, rất mừng khi hay tin Hà Manh đạt điểm cao môn văn. Nhưng cô cũng không quá bất ngờ bởi theo cô, Manh nắm kiến thức rất vững. Trên lớp, em là học sinh ngoan, chịu khó đọc sách vở và có học lực giỏi.

“Trong các tiết học, em chú ý nghe bài giảng của thầy cô. Về ký túc xá, cũng nhờ điện thoại nên em lên mạng đọc bài văn mẫu, lên Facebook của các thầy cô để xem những bài giảng hay được chia sẻ. Em cũng tích lũy kiến thức xã hội bằng cách đọc báo, xem tin tức thời sự trong nước và thế giới… Nhờ vậy, trong phần nghị luận xã hội, bài thi em làm khá tốt” – Manh bật mí.

Về cách học, Manh tự mình ghi chép lại những bài giảng hay và sắp xếp các tác phẩm theo từng chủ đề liên quan như: cảm hứng lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, phong cách nghệ thuật, hoàn cảnh ra đời… Từ đó hoàn thiện, vượt qua trở ngại về ngôn ngữ mà các học sinh dân tộc thiểu số thường hay gặp phải.

“Khi vào phòng thi, em bình tĩnh đọc kỹ đề, phân tích và đặt bút viết một mạch hết 6 trang giấy. Hôm dò điểm thi trên mạng, em không ngờ môn văn được đến 9,25 điểm” – Manh nói.

Manh đăng ký xét tuyển khối C nguyện vọng vào ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐH Đà Lạt. Với 23,5 điểm, cánh cửa vào ĐH của Hà Manh rộng mở. “Em muốn được đi nhiều nơi, tìm hiểu kiến thức về văn hóa, xã hội, kinh tế các vùng miền nên chọn ngành du lịch. Em cũng dự tính sẽ vừa học vừa làm để trang trải học phí” – Manh tâm sự. 

Kỳ tới: Thi cho vui vẫn đậu thủ khoa

Niềm tự hào của nhà trường

Cô Nguyễn Thị Diệu Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Khánh Hòa, cho biết rất nhiều thầy cô trong trường đã gọi điện chúc mừng Hà Manh. Em là niềm tự hào của nhà trường khi có điểm văn cao nhất trường, tổng các điểm thi cao nhì trường.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, số lượng thí sinh đạt điểm cao ở 3 môn xét tuyển ĐH trên toàn tỉnh từ 26 điểm trở lên có 6 em, từ 25 điểm trở lên có 40 em, từ 24 điểm trở lên có 151 em. Cả tỉnh có 2 em đạt 9,5 điểm môn văn, Hà Manh đứng thứ 3 với 9,25 điểm.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)