Tại hội nghị, ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nhìn nhận ở đâu chưa giải quyết vấn đề dân chủ, chưa giải quyết hài hòa lợi ích thì khó có bình đẳng và đoàn kết thực sự. “Có dân chủ mới đồng thuận, có đồng thuận mới đoàn kết. Vấn đề phải xử lý hài hòa lợi ích giữa các thành viên trong xã hội” – ông Lù Văn Que góp ý.
Còn ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ, cho rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thường xuyên đối thoại với nhân dân; cần cụ thể hóa cơ chế về dân chủ trực tiếp của người dân, nhất là làm sao để tiếp tục triển khai thực hiện cụ thể hóa quy chế dân chủ ở cơ sở.
Trưởng Ban Dân vận trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trương Thị Mai khẳng định cần thực hiện quy chế dân chủ đi vào thực chất, nâng cao chất lượng cơ chế dân chủ đại diện. Dân chủ gắn với quá trình phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao dân trí. Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, khiếu kiện đông người phức tạp kéo dài.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế.
“Có tình trạng nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, còn tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân; tăng cường đối thoại, quan tâm, giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài. Nâng cao đạo đức công vụ chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân. MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)