Bác Hồ với Cách mạng Tháng Tám

1474

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một trong những thắng lợi nổi bật vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một ngày đầu tháng 2/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về Tổ quốc. Trong sự lùng sục điên cuồng của bọn thực dân, phát xít Pháp – Nhật, Bác phải nương náu khi ở trong hang đá, khi ở một hốc núi tại hang Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Bác bắt đầu làm công việc “nhóm lửa” như lời một bài thơ Người viết: “Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa/ Biết bao nhiêu là sự khó khăn?…”. 

 

Nhưng trong gian nan, vất vả đó, sự tinh anh của những người con của Đảng quang vinh mà đứng đầu là Bác Hồ kính yêu lại có những phán đoán, nhận định tài tình. Bác và Trung ương dự đoán rằng, chiến tranh thế giới thứ 2 sẽ kết thúc, Liên Xô sẽ thắng và “lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”, “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Trong lúc đó, vào những ngày đầu tháng 3/1945, có dấu hiệu Nhật sẽ hất cẳng Pháp. Đảng và Bác Hồ đặt câu hỏi “Nếu điều đó xảy ra Đảng ta sẽ làm gì?”. Với tinh thần của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 trước đó, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã họp mở rộng vào ngày 9/3/1945. Đó cũng chính là lúc tiếng súng Nhật đảo chính Pháp rộ lên. Cách mạng đang đi vào thời kỳ “tiền khởi nghĩa”.

Ngày 12/3/1945 Đảng ta ra chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Như một tia chớp, chỉ thị truyền đi. Phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang kể cả khởi nghĩa từng phần của nhân dân ta diễn ra sôi nổi trên nhiều địa phương, nhất là ở Bắc Bộ. Lúc này, nạn đói đang diễn ra nghiêm trọng, đó cũng là một trong những lý do để Đảng ta chủ trương “phá kho thóc địch, giải quyết nạn đói”. Phong trào bùng lên và chính cuộc đấu tranh rộng lớn về kinh tế đã thổi lên ngọn lửa đấu tranh chống Nhật, phá chính quyền của địch, đưa quần chúng nhân dân vào cuộc khởi nghĩa từng phần, lập ra chính quyền cách mạng ở địa phương.

Từ tháng 4 đến tháng 7/1945, nhiều sự kiện quan trọng diễn ra. Bác Hồ quyết định phải tổ chức ngay Đại hội Đại biểu quốc dân. Người nói:“Có thể còn thiếu một số đại biểu chưa về kịp, cũng phải họp. Nếu không, không thể kịp được trước tình hình mới”. Người nhấn mạnh: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Trong 2 ngày (16-17/8), Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua lệnh tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca và bầu Chính phủ lâm thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước nổi dậy.

Ngày 15/8/1945, tại Hà Nội, bọn bù nhìn thân Nhật lập ra chính quyền “độc lập” giả hiệu, nghênh đón đồng minh, thay thầy đổi chủ. Nhưng quần chúng đã đứng về phía Việt Minh. Chiều 17/8, hàng vạn người kéo đến Nhà hát Thành phố dự mít tinh do chính quyền bù nhìn tổ chức, nhưng chúng đâu có ngờ, đây chính là người của Việt Minh, do chính Việt Minh huy động để sẵn sàng xoay lại thế cờ. Quả vậy, trong phút chốc, lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn được trương lên trước đông đảo nhân dân. Cán bộ Việt Minh chiếm lấy diễn đàn, nói rõ chương trình cứu nước của mình. Từ sáng sớm ngày 19/8, cả Hà Nội mọc lên một rừng cờ đỏ sao vàng. Một ngày đẹp trời của mùa thu lịch sử. Cuộc Tổng khởi nghĩa chỉ diễn ra trên mười ngày. Những tỉnh khởi nghĩa sớm nhất bắt đầu từ ngày 17/8. Ngày 19 cả Hà Nội đứng dậy, ngày 23 ở Huế, ngày 25 lan đến Sài Gòn…  

Ngày 19/8/1945 hàng vạn nhân dân Hà Nội đã xuống đường biểu tình, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, lá cờ đỏ sao vàng ngập tràn trên các tuyến phố.

Chập tối ngày 26/8/1945, Bác Hồ về đến Hà Nội. Người chủ tọa phiên họp đầu tiên của Ban Thường vụ Trung ương, bởi vì Cách mạng thành công, nhưng chính quyền cấp trung ương chưa được thành lập. Hàng loạt công việc mới mẻ, sự kiện mới mẻ dồn dập ập đến với những người cách mạng. Tình hình hết sức khẩn trương, Ban Thường vụ Trung ương quyết định ngay một số công tác cấp bách. Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào bầu ra được mở rộng thêm thành Chính phủ lâm thời. Một số đại biểu trước đây nay tự nguyện xin rút để nhường chỗ trong Chính phủ cho các nhân sĩ, trí thức yêu nước. Khẩu hiệu của Đảng ta lúc này là “Đoàn kết toàn dân”, “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”…

Ngày 2/9/1945, lễ ra mắt Chính phủ lâm thời được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình. Dưới nắng thu đẹp, Hà Nội rực lên trong một rừng người, một rừng cờ, một rừng hoa. Những biểu ngữ “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”… căng dọc, ngang khắp phố phường Hà Nội. Hàng triệu triệu người con đất Việt, cả non sông đất nước Việt Nam, chăm chú lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người khẳng định với dân tộc, với thế giới, với loài người một chân lý: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một nhà nước cách mạng non trẻ ra đời giữa vòng vây thù địch của bè lũ thực dân, đế quốc và các thế lực phản động trong và ngoài nước. Bác Hồ và Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng đi tới bến bờ vinh quang. Phải nói, nếu không có bộ óc vĩ đại của Người và không có sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta… thì tình thế sẽ ra sao? Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thật sự in đậm dấu ấn tài năng và uy tín của Bác Hồ kính yêu.

Báo Nghệ An