TRIẾT LÝ GIÁO DỤC TRONG “THƯ GỬI CÁC HỌC SINH” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

1243

Cách đây 73 năm, trong ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi các học sinh (tháng 9 năm 1945), trong đó chứa đựng những xúc cảm mừng vui, những tin tưởng kỳ vọng của Người vào thế hệ trẻ – những lớp người sẽ kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của cha ông, mở ra kỷ nguyên, viễn cảnh tươi sáng, giàu đẹp cho đất nước.

Viết cho lứa tuổi học trò trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, phong kiến; nạn đói với hơn hai triệu người chết vẫn còn ám ảnh; đa số người dân không được đến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt và tình cảm thiêng liêng, sâu sắc cho tuổi thơ trong ngày tựu trường đầu tiên của năm học mới – năm học quan trọng, có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với cuộc đời mỗi người mà đối với cả non sông, đất nước.

Bằng lối xưng hô thân mật như lời đối thoại của người anh lớn chia sẻ những xúc cảm với các em nhỏ nhân buổi khai trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh không giấu nổi niềm vui khi “đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp nơi” với niềm vui mừng, hớn hở của các em nhỏ sau những tháng hè xa cách; sau “bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường” nay được gặp lại thầy, gặp lại bạn. Và điều vui mừng hơn là từ nay các em được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, “một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Đó là sự thực, là thành công và mục tiêu của cách mạng: giành lại độc lập, tự do cho đất nước, mang lại hạnh phúc, hòa bình cho nhân dân, để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Câu nói của Bác phản ánh đúng hiện thực lịch sử, khi các em chính là chủ nhân tương lai, không chịu cảnh áp bức và sự ép buộc của một nền học vấn nô lệ trước đây, chỉ đào tạo ra những kẻ tay sai, làm tôi tớ cho thực dân, đế quốc. Câu nói còn thể hiện triết lý, phương châm giáo dục của nước Việt Nam mới sẽ đào tạo các em trở thành những con người hữu ích cho xã hội. Đó là nền giáo dục tôn trọng sự sáng tạo, khuyến khích tài năng, sở trường riêng của từng cá nhân, phát huy những năng lực sẵn có, những tố chất bẩm sinh và thiên hướng, thế mạnh của từng em nhằm tạo ra những người có đức, có tài, những con người XHCN để xây dựng thành công CNXH ở nước ta. Điều này thể hiện tính ưu việt của nền giáo dục mới, và những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ và thầy cô giáo sẽ quyết tâm thực hiện sứ mệnh cao cả đó, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho tuổi đến trường. Đây cũng là tư tưởng tiến bộ, mang tầm thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục.

Để có được nền độc lập, hòa bình là những hy sinh, cống hiến thầm lặng của ông cha và nhiều thế hệ đi trước. Trong không khí hân hoan của ngày khai trường, Người không quên nhắc nhở các em phải ra sức thi đua học tập, rèn đức, luyện tài, xứng đáng với niềm mong mỏi, kỳ vọng và sự hy sinh của cha anh. Ý thức về trách nhiệm với non sông, đất nước, hướng về nguồn cội để hiểu được giá trị của ngày hôm nay, Người mong mỏi “các em hay cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”, nỗ lực vượt qua những khó khăn để chinh phục những đỉnh cao tri thức, trở thành người công dân có ích, đóng góp nhiều sức lực vào công cuộc kiến thiết nước nhà, xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Người kỳ vọng, tin tưởng mãnh liệt vào thế hệ trẻ, bằng tình yêu quê hương đất nước, bằng sức mạnh truyền thống cha ông, các em sẽ làm cho non sông, đất nước ngày càng tươi đẹp, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Người nhấn mạnh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Cũng trong thư, Người khuyên các em sau những giờ học tập ở trường lớp cần quan tâm đến công việc chung của đất nước, tùy vào điều kiện, sức khỏe, gắn lý thuyết với thực tiễn, học đi đôi với hành.

Có thể nói trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tình cảm thiêng liêng dành cho thiếu niên, nhi đồng – những tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng nhưng sinh vào lúc vận nước gian nan nên chịu nhiều thiệt thòi, vất vả (Trẻ em như búp trên cành / Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan / Chẳng may vận nước gian nan / Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng). Vì thế, viết thư cho các em nhân ngày khai trường đầu tiên, Người không giấu nổi những xúc cảm hồi hộp, vui sướng, tự hào, mong ước, kỳ vọng và quyết tâm của Chính phủ sẽ tạo ra môi trường giáo dục tốt đẹp nhất cho tuổi học trò. Ngay cả trước lúc “đi xa” trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân hãy dành nhiều thời gian quan tâm chăm lo, giáo dục bồi dưỡng cho thế hệ trẻ: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

73 năm qua, giáo dục Việt Nam khắc ghi lời Bác dặn đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, không ngừng đổi mới sáng tạo, mang lại cơ hội giáo dục tốt nhất cho nhiều giai tầng, lứa tuổi, tạo nguồn nhân lực quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân ngày khai trường của năm học mới, đọc lại Thư gửi các học sinh càng thấy sức nghĩ và tầm tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp “trồng người” đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự và tinh thần thời đại sâu sắc.