Chuyện kể về tình cảm của Bác Hồ dành cho thân mẫu: “Mừng cho các cháu, Bác càng thương nhớ mẹ”

5276

Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Người là hiện thân tuyệt diệu về tình yêu thương. Trong hành trình cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người, có rất nhiều mẫu chuyện hay thể hiện tình yêu thương sâu xa mà Người đã dành cho thân mẫu của mình.

“Mừng cho các cháu, Bác càng thương nhớ mẹ” là một câu chuyện xúc động: Hôm ấy khi xe ô tô đén Quảng Oai-  Hà Tây một đoàn các em bé gái cổ quàng khăn đỏ, em mặc áo hoa xen em mặc áo trắng, tay cắp sách vừa ở trong trường ra, líu ríu như chim sổ lồng.

Nhìn thấy các cháu vui, Bác Hồ cũng vui theo. Người nói với chú Vũ Kỳ và các chú ngồi cùng xe:

– Này! Các chú thấy không, các cháu được ăn mặc đẹp, được đi học, cháu nào cũng vui vẻ phấn khởi, Bác mừng cho các cháu.

Rồi giọng Bác bỗng trầm hẳn xuống.

– Lúc này Bác rất nhớ mẹ của Bác. Mẹ Bác rất thông minh, lại là con gái ông đồ nho. Thế mà mẹ Bác lại không được đến lớp, đến trường đâu các chú ạ. Cũng như phụ nữ ngày xưa, từ nhỏ mẹ Bác đã phải lo việc nhà.

Mọi người cùng đi không nén nổi cảm xúc trước tình cảm của Bác đối với mẹ Bác là cụ Hoàng Thị Loan”- (theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ trích trong “Bác Hồ với thiếu nhi và phụ nữ”).

Bà Hoàng Thị Loan (1868 – 1901), thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vốn xuất thân dòng dõi nho gia, ngay từ thưở nhỏ, Bác Hồ đã được ảnh hưởng rất lớn từ nền nếp, gia phong của mình. Tâm đức sáng tựa sao khuê của ông ngoại là Hoàng Xuân Đường, nhân cách cao đẹp và sự uyên thâm của người cha, người thầy Nguyễn Sinh Sắc, đức hi sinh thầm lặng và trái tim dịu dàng, nhân ái của người mẹ Hoàng Thị Loan, những kỉ niệm sâu sắc của tuổi ấu thơ bên các anh chị của mình… tất cả đều có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, tình cảm, tâm hồn của cậu con trai Nguyễn Sinh Cung thuở nhỏ.

Đặc biệt, được gần gũi bên mẹ, cậu con trai thông minh thuở nhỏ đã học tập được rất nhiều vẻ đẹp ở người mẹ. Đức siêng năng chăm chỉ, tính chịu khó, sự hiếu học, thái độ lễ phép, tính cương trực, lòng thương người.v.v.Chính người mẹ mẫu mực ấy đã từng ngày chắt chiu, ấp ủ, gieo những hạt mầm tốt trong đạo đức, nhân cách của Người. Hình ảnh người mẹ thông minh, ngày ngày bên khung dệt, có gương mặt hồng hào với sắc lụa đào, có mái tóc đen óng mượt đã gieo vào lòng đứa con ngây thơ những ấn tượng không thể mờ phai. Nhưng rồi, nghiệt ngã thay, chỉ mới có hơn mười tuổi đời, Bác đã vĩnh viễn xa mẹ. Từ đó, ký ức tuổi thơ chứa chan tình thương gia đình và nỗi đau đớn từ ngày mất mẹ là những ám ảnh lớn đối với Bác. Sau này, dù đã trở thành vĩ nhân, ở đâu, lúc nào, Bác cũng luôn luôn dành cho mẹ mình một tình cảm rất thiêng liêng.

Người mẹ của Bác như bao phụ nữ thời xưa, phải sống theo khuôn phép, chuẩn mực của lễ giáo phong kiến, phải “tam tòng tứ đức” (“tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” và “công dung ngôn hạnh”). Những chữ “tòng” đó làm cho người phụ nữ suốt đời bị lệ thuộc, cam chịu thân phận, chịu nhiều bất công, ngang trái, không có quyền định đoạt số phận và tương lai cho bản thân. Còn trong “tứ đức”, chữ “công” cũng chỉ là“ nữ công gia chánh”, chỉ giới hạn trong công việc gia đình như thêu thùa, may vá, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, … Người phụ nữ có thông minh cũng không được cho ăn học và nếu có được ăn học thì cũng không được dự thi như nam giới. Mẹ của Bác là con gái một thầy đồ nho uyên bác và nhân đức, người sẵn lòng nhận cụ Nguyễn Sinh Sắc làm con nuôi, làm học trò, làm con rể để nối chí lớn. Mẹ của Bác cũng chỉ hằng ngày lo toan việc nhà, lo cho chồng quanh năm đèn sách, luôn chú tâm rèn cặp con cái. Chính những chăm lo âm thầm đầy trách nhiệm của người mẹ như bao người mẹ Việt Nam vốn chịu nhiều thua thiệt trong cái xã hội cũ ấy đã hằn sâu trong ký ức của Người.

Cho nên, trong câu chuyện kể, khi nhìn cảnh các cháu gái được ăn mặc đẹp và được vui vẻ đến trường, Bác vui mừng khôn xiết. Bác đang vui rồi giọng bỗng trầm hẳn xuống, thật xúc động: “Lúc này Bác rất nhớ mẹ của Bác.” Bác vui mừng bởi “ham muốn tột bậc”, tâm nguyện một đời của Người rằng làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cùng được học hành. Và Bác luôn dành vô vàn tình thương cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Nhưng trong phút giây vui mừng khôn xiết ấy, Bác không khỏi chạnh lòng thương nhớ mẹ mình. Thân mẫu của Bác, như các bà, các mẹ Việt Nam, có lẽ hạnh phúc lớn nhất của họ là được hi sinh một đời cho gia đình, chồng con, cháu chắt của mình.

Câu chuyện về tình cảm Bác Hồ dành cho thân mẫu Bác ngắn gọn, nhẹ nhàng mà lắng sâu, gợi trong mỗi chúng ta hôm nay không ít suy ngẫm. Trong “trái tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” của vị lãnh tụ vĩ đại dân tộc luôn dành một cho người mẹ yêu kính của mình một chỗ riêng sâu thẳm nhất. Và nhớ lời Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tỏ lòng tri ân thân mẫu Bác nhân một lần viếng mộ: “Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Cụ – người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam, người mà mọi người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi ghi ơn”, chúng ta càng thêm trân trọng cảm phục, tri ân và yêu kính thân mẫu Người và Người; để từ đó, ta biết tự hào, quý trọng, tôn vinh hơn vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam truyền thống, đặc biệt là đức hy sinh thầm lặng, cao cả của họ và biết nâng niu, trân trọng hơn tình mẫu tử thiêng liêng và bất diệt.

Tổng hợp.