Một lãnh đạo quyết đoán có tư duy đột phá

306
Ông được bầu giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ liên tục 2000 – 2005 và 2005 – 2010. Tỉnh ủy Khánh Hòa giai đoạn này dưới sự lãnh đạo của ông đã có những bước đột phá, tạo tiền đề vững chắc để Khánh Hòa phát triển như hôm nay. Ông là Nguyễn Văn Tự mà mọi người vẫn vừa thân mật, vừa kính trọng gọi ông là anh Tám. 
 
* Tư duy mang tính đột phá
 
Thời gian đã có một độ lùi nhất định để nhìn lại tình hình những năm đầu của Khánh Hòa thập niên 2000. Khánh Hòa khi đó, tuy đã có những bước phát triển khá nhanh so với khu vực Nam Trung bộ, lọt vào danh sách các tỉnh thuộc “Câu lạc bộ 1.000 tỷ” về thu ngân sách nhưng nhìn chung quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ bé, hạ tầng cơ bản vừa thiếu, vừa yếu. Để bứt phá vươn lên, cần có tư duy và cách làm mang tính đột phá.
 
Bước đột phá đầu tiên có thể nói chính là chủ trương của Tỉnh ủy xin ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ cho phép đưa sân bay Cam Ranh thành sân bay dân sự và đưa một phần bán đảo Cam Ranh vào mục đích phát triển kinh tế. Những năm đầu 2000, bán đảo Cam Ranh còn là vùng đất quân sự tuyệt mật, hậu cứ trực tiếp cho Trường Sa, có mấy ai dám có ý tưởng táo bạo như vậy. Ông cùng Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiên trì làm việc, thuyết phục Trung ương đồng ý với chủ trương này. Sau quá trình làm việc, tranh thủ ý kiến của bao nhiêu chuyên gia, cuối cùng Bộ Chính trị cũng đồng ý. Tỉnh cấp tốc xây dựng tuyến đường Nha Trang đi sân bay Cam Ranh (đại lộ Nguyễn Tất Thành bây giờ). Ngày 19-5-2004, sân bay Cam Ranh đón chuyến bay dân sự đầu tiên bay từ Hà Nội trong niềm vui vỡ òa của cả lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh. Tiếp theo là tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo quản lý Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, quản lý phần đất rộng lớn trước đây là đất quân sự để phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh. Trong một đợt công tác ra Trường Sa năm 2008 cùng với một số đồng chí trong Bộ Tư lệnh Hải quân, ai cũng thực sự khâm phục Khánh Hòa đã kiên trì thuyết phục được Trung ương đồng ý theo hướng này.
 
Ông Nguyễn Văn Tự – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa năm 2006.
Một bước đột phá nữa đó là Tỉnh ủy quyết tâm thuyết phục Bộ Quốc phòng di chuyển sân bay Nha Trang ra khỏi thành phố. Có thể nói từ ngày thống nhất chủ trương đến ngày có quyết định chuyển giao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh không biết bao nhiêu lần họp, ra biết bao nhiêu văn bản. Cá nhân ông tranh thủ những lần ra Hà Nội họp, những dịp lãnh đạo ghé thăm Nha Trang để gặp gỡ, thuyết phục. Để rồi ngày 12-12-2009 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký văn bản đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng dân sự đối với khu đất cũ của sân bay Nha Trang theo đề nghị của Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh. Theo đó, chuyển nhiệm vụ huấn luyện bay đào tạo phi công của Trung đoàn Không quân 920 tạm thời đến sân bay Cam Ranh, xây dựng khu sân bay quân sự mới tại địa điểm khác đồng thời quy hoạch sử dụng khu đất thuộc sân bay Nha Trang cho phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo nhu cầu quốc phòng cho TP. Nha Trang. Kể từ khi có Thủ tướng đồng ý cho đến khi Bộ Quốc phòng chính thức giao đất sân bay cho Khánh Hòa cũng mất đến 7 năm, đủ hiểu cái sự phức tạp của vấn đề.
 
Một việc làm thể hiện tư duy mang tính đột phá nữa có thể kể đến, đó là Tỉnh ủy cho chủ trương quy hoạch tỉnh thành 3 khu vực kinh tế trọng điểm: khu vực vịnh Vân Phong, khu vực Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh. Các khu vục này có Ban chỉ đạo, có nghị quyết riêng, hàng năm có đánh giá tổng kết và bổ sung nhiệm vụ. Còn nhớ có lần trước cuộc họp Ban chỉ đạo, anh Tám cười vui: Nói thật, trước đây xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, Tỉnh ủy cũng cứ làm rập khuôn theo năm trước, chưa biết định hướng lâu dài là gì. Từ ngày có nghị quyết về 3 khu vực kinh tế trọng điểm mới thấy vấn đề sáng ra, làm việc tự tin, chủ động…
 
* Một lãnh đạo quyết đoán
Quyết đoán có lẽ là tính cách, phẩm chất chung của người lãnh đạo, với riêng ông Tám, chúng tôi chỉ xin kể lại một chuyện thế này.
 
Chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, nhiệm kỳ 2005 – 2010 tình hình Khánh Hòa rối bời bởi những vụ việc liên quan đến khiếu nại về đền bù giải tỏa, đặc biệt là vụ án Rusalka. Cả nước biết và theo dõi đến vụ án này với thông tin trên một tờ báo Nguyễn Đức Chi dùng 700 ngàn USD để bôi trơn lãnh đạo tỉnh và Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Một số lãnh đạo của tỉnh liên tục bị cơ quan điều tra của Bộ Công an mời ra Hà Nội làm việc, dư luận suốt ngày đồn đoán công an sẽ bắt người này, người kia… một không khí hoang mang bao phủ các cơ quan.
 
Trong bầu không khí rã rời ấy, ông vẫn có một lòng tin không lay chuyển là cán bộ của mình trong quá trình làm việc có sai sót, nhưng không cố tình, và thông tin “bôi trơn” kia là thông tin bậy! Ông đã chỉ đạo cho Văn phòng Tỉnh ủy khi đó làm việc với các sở, ngành liên quan, tập hợp tài liệu giải trình, bảo vệ quan điểm, cách làm của tỉnh và ông trực tiếp ký các văn bản này cho các cơ quan Trung ương xung quanh vụ Rusalka. Kết luận cuối cùng về vụ này như thế nào, xin không cần nhắc lại. Chỉ biết rằng những người trong cuộc khi đó đều hiểu rằng, trong tình hình đầy nghi ngờ đến mức ngột ngạt ấy, nếu người cầm lái không bản lĩnh, quyết đoán, chưa biết con tàu Khánh Hòa sẽ ra sao.
 
***
 
Cổ nhân có câu: “Nhân vô thập toàn”. Trên đời không có ai là hoàn hảo, đặc biệt với những người lãnh đạo, giữ nhiều trọng trách, công việc nhiều thì chắc chắn có những sai sót. Chỉ có những người không làm bất cứ việc gì thì mới không có sai sót mà thôi. Ông cũng vậy, có thể có những việc này khác, nhưng tựu trung, mọi người đều nhớ về ông với tính quyết đoán, tư duy mang tính đột phá. 
 
Có một câu chuyện vui. Khi ông về nghỉ chế độ, Văn phòng Tỉnh ủy có làm bữa cơm thân mật chia tay ông. Thầy trò ôn lại kỷ niệm bao nhiêu năm gắn bó, phục vụ Thường trực. Ông có nói đại ý, trước khi về nghỉ hưu, cho ông xin lỗi vì trong quá trình làm việc, ông tính nóng nảy, hay la anh em mỗi khi công việc chưa như mong muốn. Ông nói đoạn rồi bỗng nhiên cười xòa: “Nhờ tao nóng tính hay la, tụi bay mới mau trưởng thành đấy!”.
 
Báo Khánh Hòa