Hồ Chủ tịch tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 26-4-1960. Ảnh tư liệu
Xây dựng phong cách người đứng đầu là vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, nhất là khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Nội dung này được Người đề cập rõ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, ra đời cách đây hơn 70 năm; trong đó nhấn mạnh: “Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”(1). Đây chính là cách thức tốt nhất để phòng, chống nguy cơ suy thoái của Đảng khi trở thành Đảng cầm quyền. Bởi lẽ, những khuyết điểm, sai lầm, trong đó có sai lầm về phong cách lãnh đạo của người đứng đầu chính là kẻ địch bên trong, còn nguy hiểm hơn kẻ địch bên ngoài. Mặt khác, nếu các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, thì cũng như người “giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”(2).
Xây dựng phong cách lãnh đạo của người đứng đầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn diện, trong đó cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
Một là, xây dựng phong cách kết hợp giữa nhiệt tình cách mạng với tính khách quan, khoa học. Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo, quản lý trước hết phải có nhiệt tình cách mạng, bởi đây là yếu tố cơ bản, động lực cho mọi hành động. Tuy nhiên, nhiệt tình cách mạng chỉ phát huy hiệu quả khi nó tuân theo các quy luật khách quan và kết hợp chặt chẽ với tri thức khoa học. Không khách quan, khoa học thì nhiệt tình cách mạng sẽ trở thành duy tâm, duy ý chí, dẫn tới thực hiện sai đường lối, chính sách, hành động trái quy luật, làm cản trở bước tiến của cách mạng. Nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ có hiệu quả khi họ thực sự am hiểu và có vốn kiến thức phong phú, sâu rộng về công việc, lĩnh vực mà mình phụ trách. Tri thức khoa học được hình thành trong quá trình học tập, nghiên cứu, lăn lộn với thực tế, đời sống để không ngừng thu thập kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cũng như bồi dưỡng nhạy cảm chính trị trước những diễn biến mới của cách mạng và tình hình thế giới. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và chính trị của mình”(3).
Tác phong khoa học là yếu tố đầu tiên, tiền đề căn bản để xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu. Phong cách, tác phong khoa học của người đứng đầu cũng như của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng, tạo nền tảng để hình thành cách lãnh đạo đúng đắn, khoa học và sáng tạo, không rập khuôn, máy móc. Từ đó, có sự chỉ đạo đúng đắn trong công việc, cách nhìn nhận và đánh giá đúng con người, sử dụng đúng người, đúng việc, trọng dụng người tài. Phong cách khoa học gồm các tiêu chí: Phải có thói quen điều tra, nghiên cứu, khảo sát, thâm nhập vào đời sống thực tiễn; xác định rõ mục tiêu công tác, lộ trình, bước đi, biện pháp thích hợp; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu nhưng linh hoạt về phương pháp; tích cực kiểm tra, giám sát, kiểm soát, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Hai là, xây dựng tác phong dân chủ nhưng quyết đoán. Hồ Chí Minh khẳng định: Chế độ ta là chế độ dân chủ, vì “dân là chủ”, nên cách lãnh đạo cũng phải dân chủ. Dân chủ trong Đảng là tất cả đảng viên đều được tự do bày tỏ chính kiến trong sinh hoạt đảng để thống nhất về quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nghị quyết. Phong cách dân chủ thể hiện ở việc người đứng đầu cần lưu ý bàn bạc, trao đổi, lắng nghe ý kiến trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là ý kiến phản biện trái chiều. Dân chủ nhưng phải tập trung và luôn luôn phòng tránh căn bệnh dân chủ hình thức; dân chủ tập trung để không dẫn đến độc đoán, chuyên quyền. Cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu, người có trọng trách trong một tập thể, vừa phải thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của tập thể; đồng thời, phải quyết đoán, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và dám ra quyết định, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, dẫn đến tình trạng người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn sáng kiến, không còn hăng hái trong khi làm việc. Trong quá trình làm việc, người lãnh đạo, quản lý có ý thức tập thể cao, tạo ra bầu không khí làm việc dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, nhưng không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, thì không thể có những quyết định kịp thời, đáp ứng yêu cầu và công việc cũng không thể tiến triển được. Đồng thời, lưu ý các cán bộ lãnh đạo, quản lý là những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết. Những việc quan trọng mới cần tập thể quyết định. Người cho rằng, trách nhiệm và tính quyết đoán của người đứng đầu phải luôn được đề cao, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công việc. Người lãnh đạo giỏi cần có cách làm việc dân chủ, tập thể, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể; đồng thời, phải quyết đoán đưa ra những quyết sách đúng trong những thời điểm quyết định.
Ba là, xây dựng phong cách lãnh đạo luôn sâu sát cơ sở, gần gũi với quần chúng. Làm việc sâu sát, đi vào thực tế, hòa mình với quần chúng để thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý là vấn đề có tính nguyên tắc xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Đối với Hồ Chí Minh, người cán bộ lãnh đạo biết lắng nghe, thấu hiểu và phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo của quần chúng sẽ đoàn kết, quy tụ được nhân dân, tạo nên động lực và sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Hồ Chí Minh là điển hình về phong cách lãnh đạo sâu sát, gần gũi với quần chúng nhân dân. Trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955 – 1965), theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Trung bình mỗi năm có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần lãnh tụ gặp gỡ quần chúng. Ngoài ra, hằng ngày qua đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi lên, thấy có những ý kiến hay, cần tiếp thu, những việc gấp cần giải quyết, Người đều dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm, yêu cầu nghiên cứu và giải quyết.
Người lãnh đạo, người đứng đầu phải có phong cách quần chúng, phải luôn hòa đồng với quần chúng, học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng. Chỉ trên cơ sở sâu sát quần chúng, người cán bộ lãnh đạo mới biết đời sống thực, khả năng thực của quần chúng, biết được những mong muốn, băn khoăn trăn trở của nhân dân để kịp thời uốn nắn và tháo gỡ cùng nhân dân. Lãnh đạo sâu sát quần chúng sẽ nâng cao được tính khách quan, minh bạch, tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Bốn là, xây dựng phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm. Gương mẫu, nêu gương, nói đi đôi với làm là một nội dung không thể thiếu đối với người đứng đầu. Người lãnh đạo, người đứng đầu phải tiên phong trong mọi công việc; dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đồng thời giữ được cốt cách tốt, không tha hóa. Nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ là lời nói suông mà chủ yếu là hành động, nói ít, làm nhiều. Muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, người lãnh đạo, người đứng đầu phải luôn thực hiện nói đi đôi với làm. Ðây là nguyên tắc trước hết, cực kỳ quan trọng của việc nêu gương. Thực tế cho thấy, người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nói nhiều làm ít, hoặc nói một đằng làm một nẻo, hay nói mà không làm thì không ai tin, sẽ mất uy tín trước quần chúng, trước cấp dưới. Chỉ có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu mới có được sự tin yêu của tập thể, quần chúng, của cấp dưới.
Người đứng đầu làm gương là phải biết hy sinh lợi ích, quyền lợi cá nhân, hy sinh phần thưởng. Trong điều hành, làm gương là dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đặc biệt là dám trình bày những ý tưởng mới, những đột phá và dám chịu trách nhiệm về những ý tưởng mới của mình. Làm gương trong sinh hoạt là lời nói phải chuẩn mực, rõ ràng, dứt khoát, không nửa vời, nước đôi, tạo ra những chuẩn giá trị của người lãnh đạo.
Năm là, xây dựng phong cách khéo dùng người, trọng dụng người tài. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ và chính cách sử dụng cán bộ của Người là mẫu mực của việc “khéo dùng người, trọng dụng nhân tài”. Người nhấn mạnh đến việc phải chủ động phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Trọng dụng nhân tài là công việc thường xuyên, liên tục; phải tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”(4). Việc dùng người phải đúng năng lực và sở trường, bởi lẽ: “Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”(5). Dùng người mà không đúng, công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Đồng thời, phải có gan cất nhắc cán bộ, cất nhắc những người có tài, có đức để họ được cống hiến cho Đảng, cho cách mạng và nhân dân. Người cho rằng, một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết.
Xây dựng phong cách lãnh đạo của người đứng đầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh không nằm ngoài những quy định chung trong phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên; đồng thời, có yêu cầu cao hơn, thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trên cương vị lãnh đạo, quản lý. Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là bài học quý để mỗi cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, nhằm không ngừng hoàn thiện mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
_____________
1. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 272.
2, 3. Sđd, Tập 5, tr. 273, 293.
4. Sđd, Tập 4, tr. 43.
5. Sđd, Tập 5, tr. 88.
Đại tá, ThS. Đinh Xuân Thủy, Học viện Lục quân
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử