Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh để chọn cán bộ có tâm, có tầm

637

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III

Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5-9-1960. Ảnh tư liệu

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ có thể chia thành các nội dung quan trọng: Đánh giá cán bộ; huấn luyện cán bộ; sử dụng cán bộ; chính sách cán bộ; chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Người cho rằng: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Không chỉ so sánh giàu hình ảnh về vị trí, vai trò của cán bộ, cũng như công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ cán bộ, để dây chuyền, cũng như bộ máy có thể vận hành trơn tru, hiệu quả. Người đúc kết: “Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm…”.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng 6 nội dung quan trọng. Về vấn đề cán bộ, Người viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người chỉ rõ những biện pháp tiến hành công tác huấn luyện cán bộ, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, chính sách cán bộ. Người đặc biệt chú ý chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, nổi bật là 4 vấn đề phải tránh. Đó là: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bạn bè; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mà ghét những người chính trực; ham dùng những người tính tình hợp với mình và không dùng những người không hợp với mình, bất kể người đó có năng lực ra sao; hiện tượng cục bộ địa phương…

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là những chỉ dẫn hết sức cụ thể, dễ hiểu, dễ hình dung và có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Tư tưởng ấy được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn cách mạng vô cùng phong phú của Người và chính Người thường xuyên gương mẫu thực hành. Tin yêu, độ lượng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nghiêm khắc với cán bộ vi phạm kỷ luật. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”.

Khi cán bộ vi phạm kỷ luật, tha hóa biến chất, cho dù ở vị trí công tác nào, Người cũng kiên quyết xử lý. Tiêu biểu là năm 1950, Người chỉ đạo xử lý nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và 2 đồng phạm vì tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Nghiêm khắc khước từ đơn xin tha tội chết của tử tù Trần Dụ Châu, Người nói: “… nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm minh một cán bộ cao cấp tha hóa, biến chất – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng. Khi được Tòa án nhân dân Tối cao xin ý kiến về vụ án liên quan đến nhân vật này, sau khi cân nhắc, Bác Hồ đã đi đến quyết định, đồng thời nêu quan điểm: “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là sự kết tinh của nghệ thuật dùng người của cha ông truyền lại, đồng thời được phát triển cho phù hợp với điều kiện cách mạng trong tình hình mới. Chính nhờ đó, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng ta đã quy tụ được nhiều hiền tài đoàn kết một lòng, một dạ vì lý tưởng cách mạng, không quản ngại hy sinh. Thành quả và minh chứng sống động, thuyết phục nhất cho tính thực tiễn và tính cách mạng của tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ chính là thành công của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa xuân năm 1975 và những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước.

Không chỉ thấm nhuần tư tưởng về công tác cán bộ của Người, Đảng ta còn không ngừng phát triển nhận thức lý luận, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau…

Mỗi kỳ đại hội Đảng toàn quốc, công tác cán bộ luôn là một trong những vấn đề quan trọng được xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng, về những thành tựu cũng như hạn chế cùng nguyên nhân. Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết 10 năm Đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TƯ, ngày 18-6-1997 “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”.

Sau 23 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TƯ, đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt. Sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước, giúp đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín lớn mạnh nhất từ trước đến nay.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, Đảng ta đã tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, lấy phòng ngừa làm trọng, lấy xây là chính; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích “trị bệnh cứu người”. Đảng kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước. Rõ nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự…

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” chỉ rõ yêu cầu, nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành. Qua đó khẳng định mục tiêu là phải lựa chọn được những đồng chí thật sự tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn.

Đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người có một trong 6 nhóm khuyết điểm đã được chỉ ra. Đó là những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…

Với quyết tâm chính trị, cùng kinh nghiệm kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn, chắc chắn Trung ương và các cấp ủy Đảng sẽ có quyết sách phù hợp để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, làm nòng cốt xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TIẾN SĨ NGUYỄN TRI THỨC(Tạp chí Cộng sản)

Theo http://www.hanoimoi.com.vn