TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 8

265

 KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (01/8/1930-01/8/2020)

NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG

          Lịch sử Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng cứu nước của các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, mà sự kiện tạo ra bước ngoặt căn bản trong việc hình thành con đường cứu nước của dân tộc là khi Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin vào tháng 7/1920.

         Những nỗ lực của Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối trong việc truyền bá hệ tư tưởng Mác xít và tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng…  đã góp phần tích cực làm nên sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, đó là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

          Sau Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền – cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác – Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng.

Đặc biệt, ngày 1/8/1930, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1/8”. Đây là Tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Ngay sau khi phát hành, Tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc son lịch sử, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng.

          Đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng – văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

          Ngày 1/8/1930 được chọn là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam.

 CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG CỦA NGÀNH TUYÊN GIÁO QUA 90 NĂM (1930 – 2020)

1.Cao trào cách mạng (1930 – 1931) và Xô Viết Nghệ Tĩnh

Ngay sau khi thành lập, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thành lập Đảng và đường lối cách mạng của Đảng; phổ biến rộng rãi Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; đề ra nhiều khẩu hiệu phản ánh nguyện vọng bức thiết của quần chúng lao động…; qua đó đã làm dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước. Hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, binh lính đã nổ ra quyết liệt trên nhiều tỉnh, thành phố, đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Công tác tuyên truyền trong nhân dân được tiến hành công khai, sâu rộng, mà trọng tâm là tuyên truyền các chính sách của cách mạng: xoá nợ, giảm tô, chia lại công điền cho nông dân, thủ tiêu mọi thứ thuế, ban bố các quyền dân chủ, xét xử bọn phản động, bài trừ hủ tục, tổ chức học văn hoá… Nhiều tờ báo của Đảng và các địa phương ra đời. Thơ ca cách mạng được lưu truyền. Sách, báo, tài liệu cách mạng được phổ biến rộng rãi.

Trọng tâm của công tác tư tưởng thời kỳ này là công tác tuyên truyền và đào tạo cán bộ tuyên huấn. Công tác tư tưởng tập trung giác ngộ chính trị cho đảng viên và quần chúng, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, chuyển tư tưởng yêu nước của nhân dân ta theo lập trường của giai cấp công nhân. Công tác tuyên truyền thường xuyên tố cáo tội ác của đế quốc và tay sai, chống lại các thủ đoạn lừa bịp của chúng, chống chủ nghĩa quốc gia cải lương; gắn chặt với cuộc đấu tranh hàng ngày của quần chúng đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, kết hợp các khẩu hiệu kinh tế với khẩu hiệu chính trị, thông qua đấu tranh mà nâng cao trình độ chính trị, rèn luyện đảng viên và quần chúng. Đối với cán bộ, đảng viên, công tác tư tưởng đã coi trọng việc giáo dục tính chất giai cấp của Đảng, bồi dưỡng lý luận Mác – Lênin và phẩm chất đạo đức cách mạng, phân rõ ranh giới tư tưởng vô sản với các tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, giữ vững đường lối chính trị đúng đắn, quan điểm tư tưởng vô sản, chống các tư tưởng phi vô sản, đào tạo một đội ngũ cán bộ kiên cường, trung thành, tận tụy với cách mạng.

2. Đấu tranh chống khủng bố, khôi phục và phát triển phong trào cách mạng (giai đoạn 1932 – 1935)

Thời gian này, công tác tư tưởng đã được tiến hành kịp thời, sắc bén, bám sát thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin vào lý tưởng và thắng lợi của cách mạng, đẩy lùi các hiện tượng bi quan, dao động; nêu gương sáng về tinh thần hy sinh, bất khuất vì lợi ích cách mạng của những người cộng sản; góp phần quan trọng vào việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng trước sự khủng bố tàn bạo của địch, chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh rộng lớn hơn về sau.

3. Cuộc vận động dân chủ chống phản động thuộc địa và tay sai, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình (giai đoạn 1936 – 1939)

Trong thời kỳ này, Trung ương Đảng chủ trương phát triển mạnh mẽ công tác báo chí, xuất bản, phát hành, huấn luyện, đào tạo cán bộ thông qua việc phát triển xuất bản sách báo công khai và chọn đảng viên có trình độ viết sách, viết bài; mỗi chi bộ lập“bình dân thư xã” mua và đọc sách, báo cách mạng; khuyến khích quần chúng mua và đọc sách, báo. Các cấp đảng bộ tái bản những tài liệu tuyên truyền của Trung ương, lập ra Ban huấn luyện chăm lo đào tạo cán bộ, bồi dưỡng chính trị cho đảng viên và quần chúng. Nhiều tác phẩm văn hóa hiện thực phê phán ra đời. Phong trào Truyền bá quốc ngữ phát triển sâu rộng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ta đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử Viện dân biểu Bắc kỳ và Viện dân biểu Trung kỳ (1937 – 1938).

Công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng tạo ra một cao trào cách mạng sôi nổi, đây được coi là cuộc tổng diễn tập thứ hai cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, đó là: đấu tranh cho tự do dân chủ, cải thiện đời sống và hoà bình, chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh; tạo điều kiện cho đường lối, chủ trương của Đảng đi sâu vào quần chúng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hoá dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ khí thế của phong trào cách mạng, tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tiến bộ tham gia vận động cách mạng.

4. Cao trào giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám (giai đoạn 1939 – 1945)

Công tác tuyên giáo trong thời kỳ 1939 – 1945 đã gắn chặt và phục vụ thiết thực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầy gian khổ, khó khăn nhưng rất oanh liệt, vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Thông qua công tác tuyên giáo góp phần phát huy cao độ lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất của dân tộc, nổi dậy tự giải phóng mình khỏi ách nô lệ của đế quốc và tay sai. Đó là kịp thời truyền đạt các nhận định và chủ trương của Đảng, đưa ra những khẩu hiệu sát hợp hướng dẫn tư tưởng và hành động của quần chúng; đấu tranh sắc bén với các tư tưởng tự ti, nô lệ, các khuynh hướng sai lầm, rụt rè, do dự hoặc nóng vội, manh động… với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, thậm chí táo bạo như: tuyên truyền xung phong, tuyên truyền vũ trang, biểu tình vũ trang; cổ vũ nhân dân nổi dậy với khí thế mạnh mẽ áp đảo quân thù. Đó là góp phần bồi dưỡng, đào tạo hàng loạt cán bộ về chính trị, về kinh nghiệm tổ chức, phát động quần chúng, giáo dục đảng viên nêu cao vai trò tiên phong cách mạng, gắn bó chặt chẽ với quần chúng, chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, quyết tâm đấu tranh cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân.

Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối độc lập tự chủ và đầy sáng tạo của cách mạng Việt Nam; đồng thời cũng là thành tựu to lớn của công tác tuyên giáo trong việc tuyên truyền, vận động cách mạng, biến chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng thành phong trào cách mạng của quần chúng trong quá trình đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, phong kiến.

5. Tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng xã hội mới (giai đoạn 1945 – 1946)

Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chính quyền cách mạng mới ra đời gặp muôn vàn khó khăn. Nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có ngành tuyên giáo, là đoàn kết toàn dân bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, chống thù trong, giặc ngoài, góp phần đưa cách mạng tiến lên. Công tác tuyên giáo lúc này tập trung giáo dục ý chí kiên cường, bất khuất, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ độc lập, tự do; cổ vũ nhân dân thực hiện ba nhiệm vụ lớn: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.

Ngay sau khởi nghĩa, Bộ Tuyên truyền được thành lập, tiếp quản các cơ sở tuyên truyền, báo chí của chế độ cũ. Các binh chủng chủ lực của công tác tuyên giáo lần lượt ra đời như Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã. Báo của Đảng, Mặt trận Việt Minh và nhiều tổ chức đoàn thể đã được phát hành công khai, rộng rãi. Công tác tuyên truyền tập trung tố cáo âm mưu và tội ác của thực dân Pháp ở miền Nam, khơi dậy ý chí quyết tâm chống xâm lược, ủng hộ đồng bào miền Nam kháng chiến. Nhiều tỉnh thành trên cả nước diễn ra các cuộc mít tinh, biểu tình, biểu dương lực lượng chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ có nhiều hình thức động viên phong phú để quyên góp thuốc men, quần áo, vũ khí chi viện cho cuộc kháng chiến ở miền Nam. Hàng vạn thanh niên nô nức tham gia tòng quân, xung phong “Nam tiến”. Tại Nam Bộ, công tác tuyên truyền được tiến hành sâu rộng nhằm nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng.

Tháng 11/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc, xác định tính chất cách mạng nước ta và hai nhiệm vụ chiến lược là kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chế độ mới. Công tác tuyên truyền tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân, chống nạn mù chữ. Khắp nơi có khẩu hiệu “Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”, nhiều ca dao, hò vè được sáng tác để cổ vũ phong trào… Kết quả sau một năm, đã có 2 triệu người thoát nạn mù chữ.

Cuộc vận động xây dựng đời sống mới, giáo dục tinh thần yêu nước, đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính”, chống các hủ tục, lạc hậu cũng được tuyên truyền sâu rộng. Nạn trộm cắp, cờ bạc, các hủ tục trong ma chay, cưới xin được xoá bỏ ở nhiều nơi, công tác thông tin ở cơ sở, phong trào văn nghệ cách mạng có tính quần chúng, nhất là ca hát, thể dục thể thao phát triển rộng rãi.

Tháng l/1946, Chính phủ quyết định tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp và lập Chính phủ chính thức. Công tác tuyên truyền, vận động bầu cử thực sự là một cuộc đấu tranh gay gắt chống lại sự phá hoại của quân đội Tưởng và bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách ở miền Bắc, thực dân Pháp ở miền Nam. Với khẩu hiệu phổ biến mọi nơi là: “Tất cả cử tri tới thùng phiếu”; “Mỗi lá phiếu là một viên đạn diệt thù”, công tác tuyên giáo đã góp phần giúp cuộc Tổng tuyển cử thành công, thu hút đại đa số cử tri đi bỏ phiếu bầu cho các ứng cử viên của Mặt trận Việt Minh, kể cả ở miền Nam dưới bom đạn của thực dân Pháp.

6. Động viên toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến, thi đua yêu nước, giết giặc, lập công; đẩy mạnh cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới và đi tới thắng lợi quyết định (giai đoạn 1946 – 1954)

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ… đã có mặt trên các chiến trường nóng bỏng, phản ánh, động viên chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu, sản xuất của chiến sĩ, đồng bào cả nước. Thời gian này, công tác khoa giáo tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, vận động trí thức. Công tác tuyên huấn đã động viên phong trào thi đua yêu nước, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Công tác tuyên truyền, cổ động tập trung nêu cao ý nghĩa chiến thắng Việt Bắc, phổ biến Lời kêu gọi ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống tư tưởng chủ quan, khinh địch, vạch trần âm mưu lập chính quyền bù nhìn Bảo Đại của thực dân Pháp, cổ vũ cho phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực kháng chiến, kiến quốc.

Năm 1954, quân ta tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Công tác tuyên giáo tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong cán bộ và chiến sĩ ngoài mặt trận, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tích cực tiến công, ý chí quyết thắng, quyết tâm chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, khắc phục tư tưởng tiêu cực, ngại gian khổ hy sinh, uốn nắn tư tưởng chủ quan, khinh địch khi có thắng lợi, biểu dương các gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh. Qua đó góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Điểm nổi bật của công tác tuyên truyền thời kỳ này là đã đi vào từng nhà, từng người; gắn tuyên truyền đường lối kháng chiến với cổ động hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể của kháng chiến từng thời kỳ, ở mọi lúc, mọi nơi…; thường xuyên biểu dương gương điển hình tiên tiến; mọi hoạt động văn học, nghệ thuật, giáo dục, báo chí… đều hướng vào phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Công tác thông tin ở cơ sở, phong trào văn nghệ quần chúng đã phát triển mạnh mẽ; lĩnh vực khoa giáo được quan tâm và đẩy mạnh. Nhìn chung, trong kháng chiến chống Pháp, công tác tuyên giáo đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, góp phần huy động sức mạnh của toàn dân tộc tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

7. Quán triệt và thực hiện nhiệm vụ củng cố miền Bắc, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở miền Nam (giai đoạn 1954 – 1960)

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7/1954) và Nghị quyết Bộ Chính trị về khôi phục kinh tế, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ và tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, công tác tuyên huấn đã giúp cấp ủy tổ chức lực lượng tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Chính phủ đối với vùng mới giải phóng; vạch trần luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của địch, vận động đồng bào tham gia đấu tranh thực hiện tốt công tác tiếp quản. Biểu dương các phong trào “Nhường cơm sẻ áo”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”… tác động tích cực đến quần chúng. Tập trung quán triệt và giúp cấp ủy đảng triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch của Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường tổ chức học tập lý luận Mác – Lênin cho cán bộ, đảng viên; giáo dục giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho đảng viên; về hợp tác hóa nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội…

Giai đoạn này, công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu trong việc khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua như Gió Đại PhongSóng Duyên Hải, Tiếng trống Bắc LýCờ Ba nhất… Đây cũng là giai đoạn công tác tuyên giáo đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên lĩnh vực khoa giáo, như: giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ củng cố miền Bắc, công tác tuyên giáo đã động viên phong trào quần chúng ủng hộ, cổ vũ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, phản đối Mỹ – Diệm vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp khủng bố đồng bào miền Nam, phá hoại hiệp thương, tổng tuyển cử, động viên phong trào đấu tranh chính trị, tiến tới Đồng khởi ở miền Nam.

8. Đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (giai đoạn 1961 – 1965)

Công tác tuyên giáo tập trung tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Nhiều điển hình xuất sắc xuất hiện trong phong trào quần chúng đã trở thành ngọn cờ cổ vũ phong trào thi đua như: Gió Đại PhongSóng Duyên Hải, Tiếng trống Bắc LýCờ Ba nhất …

Trong những năm 1960 – 1964, nhân dân miền Nam đã đồng khởi nổi dậy và đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, công tác tư tưởng đã luôn chú trọng tới việc quán triệt phương hướng, nhiệm vụ, phương châm đấu tranh trong tình hình mới; coi trọng việc phổ biến những kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời tích cực tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước phát động phong trào thi đua “Dũng sĩ diệt Mỹ”, nâng cao quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

9. Miền Bắc vừa xây dựng vừa chiến đấu, chi viện cho miền Nam, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà (giai đoạn 1965 – 1975)

Với mục tiêu đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng trong việc động viên quân dân miền Bắc chuyển hướng xây dựng kinh tế sang thời chiến, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ và tích cực chi viện cho miền Nam. Các phong trào văn hóa – văn nghệ phát triển mạnh; công tác xây dựng Đảng về tư tưởng kịp thời chuyển hướng để bảo đảm yêu cầu lãnh đạo quân dân ta thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp bách của miền Bắc: tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đảng viên, học tập kết hợp chặt chẽ với phê bình và tự phê bình, phát huy tính tiền phong, gương mẫu; công tác tuyên truyền đối ngoại được tăng cường, tích cực tranh thủ các diễn đàn quốc tế, thông qua các hoạt động ngoại giao, nêu cao tính chính nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.

 Thành công của công tác tuyên giáo giai đoạn này là tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng hái lao động, sản xuất, chiến đấu. Miền Bắc, công tác tuyên giáo tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, như “Vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, Phụ nữ ba đảm đang”, chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, động viên lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường đánh giặc với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Với miền Trung, tập trung tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước và truyền thống cách mạng, tất cả một lòng “Xe cho qua, nhà không tiếc; Đường cho thông, không tiếc máu xương”.  Ở miền Nam, công tác tuyên giáo đã cổ vũ quần chúng đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang ở khắp mọi nơi, trên cả ba vùng: vùng núi, đồng bằng và đô thị; khơi dậy lòng căm thù giặc, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, không quản ngại hy sinh, tạo nên nhiều phong trào thi đua giết giặc, lập công: “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Xuống đường đòi tự do, dân chủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”… Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đã được chuyển hóa bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong suốt 21 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã lãnh đạo công tác tuyên giáo thực hiện cuộc vận động chính trị nhằm quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Công tác tuyên giáo đã thành công trong việc bồi dưỡng ý chí quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

10. Thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế (giai đoạn 1975 – 1985)

Đất nước vừa trải qua 30 năm chiến tranh, phải đối phó với các cuộc chiến tranh biên giới, bị đế quốc Mỹ và các thế lực đế quốc bao vây cấm vận, kinh tế – xã hội nước ta lâm vào khủng hoảng kéo dài, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, công tác tuyên giáo đã tập trung động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao ý chí khắc phục khó khăn, quyết tâm vượt qua thử thách, nhanh chóng thực hiện thống nhất đất nước; cổ vũ khí thế phấn đấu nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc, từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu quan trọng của đất nước, tạo điều kiện cho các bước phát triển tiếp theo. Đặc biệt là qua thực tiễn, đã từng bước chuẩn bị lý luận cho công cuộc đổi mới đất nước.

11. Thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế (giai đoạn 1986 – 2020)

          Tại Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Kể từ đó đến nay đã gần 35 năm, nhiệm vụ, chức năng là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, tham mưu giúp các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa giáo; công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp đổi mới và đã đạt được những thắng lợi bước đầu. Sự đóng góp của công tác tuyên giáo được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nổi bật, đó là:

          + Tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

          + Củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

          + Góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng chăm lo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

          + Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội an toàn, lành mạnh, xây dựng con người mới Việt Nam.

Đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, công tác tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương đã có sự chuyển biến sâu sắc và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cụ thể:

          – Công tác tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các lĩnh vực công tác tuyên giáo ngày càng chủ động, nhạy bén, sáng tạo, sát với yêu cầu của thực tiễn. Toàn Ngành đã chủ động tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương ban hành trong nhiệm kỳ; nghiên cứu, tham mưu có chất lượng nhiều vấn đề quan trọng trên lĩnh vực tuyên giáo, đồng thời phục vụ tích cực cho việc xây dựng, ban hành, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy địa phương để tháo gỡ khó khăn, bất cập cũng như những định hướng chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tuyên giáo trong tình hình mới.

Việc tham mưu, đề xuất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đặc biệt là việc biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục, với nhiều nội dung và cách làm mới, đã tạo sức lan toả sâu rộng trong xã hội, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.

         + Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống, đạo đức, lối sống trong các trường phổ thông; công tác lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là giáo dục chính trị trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề được chú trọng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được chủ động triển khai, ngày càng nền nếp, bài bản hơn. Công tác triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức. Việc tổ chức học tập, quán triệt triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 khóa XII được đổi mới từ chỗ học tập, quán triệt bằng hình thức trực tiếp thì nay được kết hợp phương pháp trực tuyến với nội dung ngắn gọn, súc tích, giúp cho cán bộ, đảng viên nắm vững, hiểu rõ những nội dung cơ bản, cốt lõi của các nghị quyết; thời gian tổ chức sớm hơn, nội dung thảo luận, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết khả thi hơn, sát hợp hơn với thực tế địa phương, đơn vị.

Toàn Ngành đã chú trọng tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức tham mưu về công tác lý luận chính trị; tập trung chỉ đạo, định hướng các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu một số vấn đề về đường lối, chính sách, phương thức lãnh đạo, thực hiện dân chủ trong Đảng; khẳng định và làm rõ một số giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống yêu nước tiếp tục được coi trọng và tăng cường, từng bước được đổi mới, đa dạng về nội dung và phương thức. Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống và nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử Đảng được cấp ủy các cấp quan tâm triển khai.

          + Công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của thực tiễn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền được coi trọng, tập trung chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không ngừng đổi mới theo hướng chủ động, sáng tạo, hiệu quả; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng; tuyên truyền kinh tế – xã hội; tuyên truyền quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức tạo sức lan tỏa trong xã hội. Công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên cũng đã được ban tuyên giáo các cấp chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trên internet, mạng xã hội được quan tâm. Việc chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền trên báo chí được đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, từng bước tạo lập môi trường thông tin trong sạch, lành mạnh trên báo chí và trên không gian mạng. Công tác sắp xếp, quy hoạch báo chí được thực hiện đồng bộ với nhiều phương pháp hiệu quả. Công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội từng bước được đổi mới theo hướng chủ động, sớm và sát thực tiễn hơn; nhất là trước các vấn đề phức tạp, nhạy cảm mà đông đảo nhân dân quan tâm.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa – văn nghệ bám sát nhiệm vụ chính trị, đúng định hướng, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước và từng địa phương.

          Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu; thông tin về thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đường lối đối ngoại; quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới; về quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam; các vấn đề chủ quyền biên giới lãnh thổ, vấn đề Biển Đông, tôn giáo, dân tộc, dân chủ nhân quyền… được tăng cường.

          + Công tác tham mưu trên các lĩnh vực khoa giáo ngày càng chủ động, có nhiều chuyển biến quan trọng. Ngành Tuyên giáo đã tập trung chỉ đạo, định hướng chính trị trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ công tác khoa giáo như: đổi mới giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; phát triển y tế, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới. Chủ động tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết chỉ thị, nghị quyết này trong tình hình mới.

          + Công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả. Chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa có chuyển biến tích cực, rõ nét hơn so với trước; nhất là việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, phản bác quan điểm sai trái thù địch, xuyên tạc trên Internet, mạng xã hội và tăng cường cung cấp thông tin chính thống, tổ chức đối thoại, định hướng thông tin trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

SỰ TRƯỞNG THÀNH, LỚN MẠNH CỦA NGÀNH TUYÊN GIÁO QUA 90 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

1. Hệ thống tuyên giáo các cấp ngày càng được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ tuyên giáo không ngừng phát triển về số lượng, lớn mạnh về chất lượng

Trải qua 90 năm, công tác tuyên giáo của Đảng ngày càng khẳng định sự trưởng thành, phát triển và lớn mạnh không ngừng.

Tổ chức bộ máy hệ thống tuyên giáo cấp ủy đảng các cấp từng bước được đổi mới, kiện toàn chất lượng hoạt động ngày một được nâng lên. Đến nay, đã có 659 Ban Tuyên giáo quận, huyện, thị uỷ; 42 tỉnh, thành phố thành lập được hệ thống tuyên giáo cơ sở xã, phường, thị trấn (65%), một số tỉnh, thành ủy đang tiến hành xây dựng, nhiều nơi đang triển khai thực hiện thí điểm thành lập hệ thống tuyên giáo xã, phường, thị trấn.

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo giai đoạn đầu còn ít, lực lượng cán bộ “mỏng”, qua mỗi thời kỳ cách mạng, lực lượng ấy ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Hiện nay, tổng số cán bộ tuyên giáo chuyên trách của cấp ủy đảng từ Trung ương đến cấp huyện và tương đương trên cả nước là khoảng trên 3.800 người (cấp Trung ương: 319 người; cấp tỉnh, thành ủy: khoảng 1.200 người; cấp quận huyện, thị: 2.300 người). Lực lượng cán bộ tuyên giáo ngày càng đông đảo, không chỉ có đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tuyên giáo của cấp ủy, mà còn có đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các phóng viên, biên tập viên báo chí, các chuyên gia, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức, cùng đông đảo đội ngũ cộng tác viên. Tính đến cuối năm 2019, chỉ tính riêng đội ngũ Báo cáo viên Trung ương đã có 490 người. Số lượng Báo cáo viên cấp tỉnh và tương đương là 3.945 người, Báo cáo viên cấp huyện và tương đương là 39.107 người; tuyên truyền viên ở cơ sở là 179.094 người (số liệu năm đến tháng 10/2017). Số cộng tác viên dư luận xã hội trên cả nước là 17.398 người (trong đó cấp Trung ương: 60 người; cấp tỉnh: 1.953 người; cấp huyện: 15.445 người).

Nhìn chung, các lực lượng, binh chủng làm công tác tuyên giáo ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên giáo đều là những đồng chí có năng lực, đạo đức, tâm huyết, có trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, có năng lực, kiến thức chuyên môn, hiểu biết nghiệp vụ, trách nhiệm với công việc; nhiều đồng chí có bề dày kinh nghiệm, đã trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo, công tác ở nhiều lĩnh vực (cấp ủy, chính quyền, đoàn thể).

Trong bối cảnh hiện nay, xuất phát từ nhiệm vụ cách mạng mới, xu thế thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch không ngừng chống phá quyết liệt bằng mọi thủ đoạn, phương thức nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta; đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo ngày càng khẳng định bản lĩnh tư tưởng, năng lực tham mưu mới, sáng tạo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Thành công của cách mạng Việt Nam luôn có sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên trách và bán chuyên trách các cấp qua mọi giai đoạn cách mạng.

2. Ngành Tuyên giáo ngày càng thể hiện tính chủ động, tính chiến đấu, vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp đổi mới xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế

Công tác tham mưu của ngành Tuyên giáo với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy Đảng mang tầm chiến lược và ngày càng thực hiện tốt vai trò đi trước mở đường, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.

Nội dung, phương thức công tác tuyên giáo đổi mới, sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn; chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên; tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của cán bộ tuyên giáo các cấp ngày càng được phát huy. Công tác tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử đã có bước đổi mới tích cực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội với tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Công tác tư tưởng, tuyên giáo ngày càng nhanh nhạy đi trước mở đường, khắc phục căn bản tình trạng “chạy theo, nói lại”, “tầm chương trích cú”. Đặc biệt, đã sớm phát hiện và chủ động chỉ đạo, định hướng tuyên truyền những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, như vấn đề xây dựng Luật Đặc khu, vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, vấn đề Formosa, vụ việc cá chết ở Hồ Tây…

Công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được chú trọng đẩy mạnh, đạt hiệu quả thiết thực; việc đấu tranh, phản bác các quan điểm, sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng dần đi vào nền nếp và hoạt động ngày càng hiệu quả. Từ chỗ mới chỉ có một số bài viết đấu tranh nhỏ lẻ, rải rác trên báo chí; đến nay, ngành Tuyên giáo đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phản bác quan điểm sai trái, thù địch; bước đầu kết hợp hài hòa các biện pháp kỹ thuật, pháp lý, kinh tế và tuyên truyền, giáo dục để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, quan điểm xấu độc nhất là trên không gian mạng, làm lành mạnh hóa môi trường thông tin truyền thông, internet và mạng xã hội.

Qua mỗi giai đoạn cách mạng, ngành Tuyên giáo không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, nhạy bén, đổi mới công tác tham mưu, không ngừng sáng tạo, tự làm mới mình, bắt kịp sự phát triển thời đại công nghệ 4.0, tổ chức triển khai các nhiệm vụ đồng bộ, bài bản có trọng tâm, trọng điểm, góp phần quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, lao động, sáng tạo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giữ vững ổn định kinh tế chính trị, trật tự an toàn xã hội.

MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH TUYÊN GIÁO TRONG THỜI GIAN TỚI

  1. Một số bài học kinh nghiệm

Một là, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trọng tâm hàng năm; nắm bắt kịp thời, chính xác tình hình tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, tăng cường công tác dự báo để chủ động tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy giải quyết tốt, đúng và trúng các vấn đề, các sự việc diễn ra, nhất là các vấn đề, sự việc có tính chất phức tạp, nhạy cảm.

Hai là, luôn xác định tinh thần trực chiến trên mặt trận tư tưởng của Đảng; đối diện, không né tránh những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động công tác tuyên giáo; nâng cao tính chủ động, sáng tạo và nhạy bén chính trị, để tham mưu đúng và trúng những giải pháp xử lý các vấn đề mới, khó, phức tạp, cũng như những vấn đề thường xuyên thuộc lĩnh vực công tác tuyên giáo ở mỗi thời điểm, địa bàn cụ thể.

Ba là, quan tâm đầu tư, tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh vững vàng, nhạy bén chính trị, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết, có khả năng tập hợp, đoàn kết, thuyết phục quần chúng. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần được xây dựng theo hướng chuyên sâu, có cơ cấu hợp lý, có tính ổn định tương đối, bộ máy tinh gọn để nâng cao hiệu quả công việc. Ưu tiên chuẩn hóa nghiệp vụ và hiện đại hóa phương tiện tác nghiệp của đội ngũ cán bộ tuyên giáo để luôn đáp ứng yêu cầu mới.

Bốn là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm công tác tuyên giáo; tăng cường phối hợp giữa ngành Tuyên giáo với các ban, bộ, ngành, địa phương.

Năm là, chủ động, kiên quyết phản bác có cơ sở khoa học và sức thuyết phục các quan điểm sai trái, thù địch nhất là đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội; vừa tận dụng lợi thế của các phương tiện truyền thông mới phục vụ cho công tác tuyên giáo. 

2. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tuyên giáo trong thời gian tới

          (1). Chủ động bám sát, dự báo đúng tình hình thế giới, khu vực và trong nước, thực hiện tốt chức năng định hướng chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, quan tâm phát hiện những điểm mới trong đời sống xã hội, nâng cao chất lượng tham mưu các cấp ủy đảng trong từng lĩnh vực công tác tuyên giáo. Trước mắt là tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

          (2). Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; nâng cao chất lượng việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả, khả thi. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng.

          (3). Thể hiện rõ vai trò tiên phong, chủ lực trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; gắn nhiệm vụ xây dựng Đảng với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

          (4). Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; lấy cơ sở lý luận và thực tiễn để tăng khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác tuyên giáo. Bảo đảm tính thống nhất trong chỉ đạo theo kế hoạch chung của toàn Ngành, phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo của tuyên giáo các cấp, các lĩnh vực, các địa phương. Tăng cường sự phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.

          (5). Nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Từ đó, chủ động dự báo tình hình, lên các phương án kế hoạch công tác tư tưởng, không để bùng phát thành “điểm nóng”.

          (6). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tính chiến đấu, tính hiệu quả và tính thuyết phục, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn đất nước. Trước mắt, chỉ đạo và tổ chức tốt công tác tuyên truyền thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các sự kiện trọng đại của đất nước năm 2020, đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, đồng thuận trong xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, lập thành tích chào mừng Đại hội XIII của Đảng.

          (7). Đổi mới sâu sắc, quyết liệt hơn nữa công tác định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại; chú trọng công tác tham mưu thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo,dạy nghề, khoa học, công nghệ, y tế, thể dục, thể thao, dân số, gia đình, trẻ em..; góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng nguồn lực con người và tiềm lực khoa học, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

          (8). Chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

          (9). Động viên, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, các nhân tố tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, tạo đà quan trọng thực  hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.

          (10). Tổ chức đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở, dự kiến nhu cầu, chủ động tạo nguồn và triển khai kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

 

TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8 THÀNH CÔNG

(19/8/1945-19/8/2020)

—–

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Cuộc Cách mạng này có ý nghĩa lịch sử to lớn, sâu sắc đối với dân tộc ta và quốc tế. Năm tháng có thể lùi xa vào chiều sâu lịch sử nhưng những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám đối với công cuộc hội nhập quốc tế hiện nay, vẫn giữ nguyên giá trị, cần được các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững để vận dụng vào thực tiễn một cách thiết thực và hiệu quả cho quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng hiện nay.

Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách phát-xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ðảng ta, mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên đã trở thành đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước.

Trở lại lịch sử chúng ta thấy rõ, từ cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã thi hành chính sách thống trị vô cùng tàn bạo. Chúng chia cắt đất nước ta, xóa tên nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, thẳng tay chém giết những người yêu nước, cướp đoạt ruộng đất, tài nguyên, bóc lột dân ta đến tận xương tủy, thực hiện chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn làm cho nòi giống ta suy nhược.

Khi phát-xít Nhật xâm lược Ðông Dương, thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, dân ta chịu ba tầng áp bức: quân phiệt Nhật, thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói thảm thương.

Kế thừa và nâng lên tầm cao mới truyền thống kiên cường bất khuất chống ngoại xâm của ông cha, nhiều bậc chí sĩ yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp giành độc lập, nhưng đều thất bại vì không có một đường lối cứu nước đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin – lý luận cách mạng tiên tiến của thời đại – đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn và sáng lập ra Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Ðảng, nhân dân ta đã tiến hành các cao trào cách mạng, vượt qua nhiều hy sinh, tổn thất để giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, đem lại cuộc biến đổi xã hội chưa từng có và tạo ra bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc. Không những thế, cuộc Cách mạng Tháng Tám, còn là đòn chí mạng đánh vào một mắt xích yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân đế quốc, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên giành độc lập tự do.

Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm lịch sử quý báu, mãi mãi soi sáng các chặng đường cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay. Có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu sau đây:

          Một là, xây dựng một đảng Mác – Lênin có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ sáng suốt, thường xuyên vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân, có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

          Bài học này giữ vị trí hàng đầu, bởi vì, sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam, được toàn dân tộc tôn vinh là đảng cầm quyền, hơn 70 năm qua, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, trong mọi thời kỳ phát triển của cách mạng nước ta, Đảng luôn luôn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ sáng suốt, vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân, có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội nhập quốc tế hiện nay, là một công cuộc hết sức to lớn, toàn diện, sâu sắc và triệt để, trong khi tình hình kinh tế, chính trị và quân sự trên thế giới, trong khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến cách mạng nước ta. Điều đó, làm cho bài học này càng có giá trị lý luận, thực tiễn hết sức sâu sắc.

          Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xác định rõ: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng”1. Các nội dung và biện pháp thực hiện trên từng lĩnh vực về chính trị, tư tưởng, tổ chức,… được Đại hội xác định rất sâu sắc và triệt để, các Hội nghị Trung ương Đảng sau Đại hội đã, đang triển khai thực hiện bài bản, toàn diện và mạnh mẽ trong toàn Đảng. Vấn đề đặt ra lúc này là, các cấp bộ Đảng, từng cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc, tập trung mọi nỗ lực cùng toàn Đảng thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối đã được vạch ra. Bởi vì, xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cấp bộ Đảng và từng cán bộ, đảng viên. Từng cán bộ, đảng viên, từng tế bào của Đảng có vững mạnh, trong sạch, thì toàn Đảng mới trong sạch, vững mạnh, mới có đủ năng lực để lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế đang diễn ra hết sức sôi động.

          Hai là, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phương châm “thêm bạn bớt thù” của Cách mạng Tháng Tám vận dụng cho quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Đây là bài học ông, cha đã thực hiện trong suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, được Đảng và Bác Hồ kế thừa, phát triển, nâng lên tầm cao mới kể từ thời kỳ vận động, tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn khác nhau vận dụng bài học này, có sự uyển chuyển cho phù hợp với tình hình thời cuộc. Nhờ huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và phương châm chỉ đạo chiến lược “dĩ bất biến ứng vạn biến” cách mạng nước ta đã vượt qua thời kỳ “ngàn cân treo sợi tóc”, ra sức chống giặc đói, giặc dốt và thù trong, giặc ngoài ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Sau đó, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, thu non sông về một mối, thống nhất đất nước.

          Có thể khẳng định, nhờ huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chúng ta đã đạt đươc nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, trước bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi hết sức phức tạp, bất lợi cho cách mạng nước ta vào nửa cuối thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI.

          Quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, bài học huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và “thêm bạn bớt thù” càng có ý nghĩa sâu sắc. Bởi vì, cùng với hơn 90 triệu người dân ở trong nước, chúng ta có hơn 6 triệu kiều bào đang sinh sống trên khắp thế giới. Huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thì không chỉ vốn và tri thức của trong nước, mà kiều bào ta ở nước ngoài cũng được đầu tư ngày càng to lớn, toàn diện cho sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nhân, trí thức Việt kiều đã về nước đầu tư, hàng năm lượng kiều hối thu về trên chục tỷ USD, nhiều tri thức khoa học, kinh nghiệm tổ chức quản lý kinh tế, xã hội của thế giới được chuyển giao phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đó là những minh chứng về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng, Nhà nước vận dụng sáng tạo, phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta, khởi nguồn từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

          Về đường lối đối ngoại trong thời gian tới, Đại hội XII của Đảng, chỉ rõ: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,… nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”2. Nghiên cứu Đường lối đối ngoại của Đảng, trong chặng đường tiếp theo của cách mạng nước ta, cho thấy, bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám đã được nâng lên tầm cao mới. Đó là, sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với thu hút các nguồn lực của quốc tế để phát triển đất nước trong tiến trình hội nhập. Triển khai thực hiện thắng lợi chủ trương chỉ đạo chiến lược của Đảng, nhất định đất nước ta sẽ ngày càng phồn thịnh sánh vai với các cường quốc năm châu. 

          Ba là, giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Bài học kinh nghiệm này, bắt nguồn từ Phương hướng chiến lược của cách mạng nước ta được xác định trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng,  “Làm cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất để đi tới xã hội cộng sản”. Về thực chất đó là đường lối, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được thực hiện một cách nhất quán, sâu sắc và triệt để từ trong quá trình vận động tiến tới Cách mạng Tháng Tám, đồng thời được vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          Hội nhập quốc tế là quá trình nền kinh tế, xã hội nước ta mở rộng hợp tác, giao lưu với tất cả các quốc gia, các vùng lãnh thổ trên thế giới, mỗi quốc gia có trình độ kinh tế, chế độ chính trị khác nhau. Quá trình hội nhập càng sâu rộng, thì tính phức tạp, khó khăn càng lớn, nhất là trong thời gian gần đây, nước ta vừa ký và cam kết thực hiện các Hiệp định thương mại thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và một số hiệp định thương mại khác. Sự tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế và các vấn đề phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế có tác động hết sức to lớn đối với vấn đề giữa vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì lẽ đó, giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong giai đoạn hiện nay, vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Cần lưu ý rằng, bài học chỉ được vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo khi mọi cấp, mọi ngành, từng cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc.

          Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có nghĩa lịch sử sâu sắc không những đối với mỗi người dân Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn, đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng, Nhà nước và mỗi chúng ta. Các bài học kinh nghiệm cơ bản được rút ra trên đây, có mối quan hệ nhân quả, bài học này là tiền đề, là điều kiện của bài học kia tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Quá trình vận dụng, cần nắm vững nội dung của từng bài học và kết hợp chặt chẽ giữa các bài học, thì hiệu quả đạt được cho công cuộc xây dựng đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế sẽ hết sức to lớn, toàn diện. Nhất định Tổ quốc Việt Nam, thân yêu của chúng ta sẽ ngày càng cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, như lúc sinh thời Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong muốn./.

                                                            Đại tá, PGS. TS. Hoàng Minh Thảo
                                                  Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng.

TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM TRONG THÁNG 8

—-

  • 1/8/1930: Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng
  • 10/8/2004: Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam
  • 19/8/1945: Ngày Cách mạng tháng Tám thành công
  • 19/8/1945: Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam
  • (20/8/1888 – 20/8/2020): Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng
  • (25/8/1911 – 25/8/2020): Kỷ niệm 109 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG THÁNG 8

—–

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 30/3/2020 về phòng, chống dịch bệnh Covid-19;

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới;

Thực hiện Công văn số 7422/UB-KGVX ngày 27/7/2020 của UBND tỉnh Khánh Hòa về triển khai thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch số 162-KH/TĐTN-ĐKTHTN, ngày 29/7/2020 về việc triển khai các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp trong phòng, chống dịch Covid-19.

 

THANH NIÊN VỚI PHÁP LUẬT

Những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 7

—-

  1. Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh như sau: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ.

Nghị quyết có hiệu lực từ 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

  1. Chính thức bỏ chế độ biên chế suốt đời với viên chức

Ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.

Theo đó, vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020;Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1/7/2020 đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

  1. Không thu học phí học sinh tiểu học

Tại kỳ họp thứ 7, ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Giáo dục 2019. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Về quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập, theo quy định của Hiến pháp 2013 thì Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” và theo Nghị quyết số 29-NQ/TW thì Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.

Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện đối với trẻ em mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở (Điều 99).

  1. Độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất lên đến 45 tuổi

Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996.

Luật này quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình. Theo đó, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên như sau:

Đối với đơn vị chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi;

Đối với đơn vị bảo đảm chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

  1. Người nước ngoài đã có thể chuyển đổi mục đích của thị thực

Để phù hợp với tình hình thực tế, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam .

Điểm đáng chú ý của Luật này ở chỗ, nếu như trước đây, thị thực không được chuyển đổi mục đích thì khi Luật này có hiệu lực (01/7/2020), người nước ngoài đã được cho phép chuyển đổi mục đích thị thực trong một số trường hợp cụ thể:

Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh; Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động; Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo qui định của pháp luật về lao động.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho lao động nước ngoài để phân biệt người nước ngoài được cấp giấy phép lao động và người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho luật sư nước ngoài để phân biệt người nước ngoài là nhà đầu tư và người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam.

  1. Thêm giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7 tới đây.

Nghị định này đã bổ sung thêm 03 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là:

– Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

– Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;

– Văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật.

(Nguồn:http://dangcongsan.vn/phap-luat/mot-so-chinh-sach-co-hieu-luc-tu-1-7-558262.html)

BAN TỔ CHỨC – KIỂM TRA TỈNH ĐOÀN