Vai trò lãnh đạo của Đảng trong đại thắng mùa Xuân năm 1975

129

Đảng đã nắm chắc tình hình đề ra đường lối đúng đắn giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian xác định chính xác. Sau Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ rút quân đội về nước, cục diện chính trị, quân sự ở miền Nam Việt Nam tồn tại hai vùng, với hai chính quyền quản lý: Vùng thuộc chính quyền và quân đội Sài Gòn quản lý; vùng giải phóng do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và quân Giải phóng quản lý. Thế nhưng, khi thực hiện Hiệp định, chính quyền và quân đội Sài Gòn liên tiếp vi phạm, lấn chiếm, có nơi chúng thực hiện chiến dịch lớn, buộc quân Giải phóng phải đánh trả để bảo vệ vùng giải phóng, giữ vững hiện trạng. Mỹ tuy rút hết quân về nước, nhưng vẫn tiếp tục ủng hộ, viện trợ cho chính quyền Sài Gòn hòng duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam.
x
Trước âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cần có sự thống nhất nhận thức và xác định rõ hơn con đường phát triển và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã họp và đề ra quyết sách chiến lược cho cách mạng miền Nam để đi tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội nghị chỉ rõ: “Trong mỗi khả năng phát triển của tình hình, sẽ còn có nhiều tình huống phức tạp. Song, dù tình hình phát triển theo khả năng nào, con đường tiến lên giành thắng lợi của cách mạng miền Nam chỉ có thể là con đường bạo lực diễn ra dưới hình thức này hay hình thức khác. Ta phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó chắc thắng với khả năng xấu nhất là địch gây lại chiến tranh”. “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”; với phương hướng là, luôn luôn giương cao ngọn cờ hòa bình và chính nghĩa, đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao, buộc địch phải thi hành Hiệp định để thắng địch, vấn đề giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực của cách mạng là yêu cầu vừa bức thiết vừa cơ bản trong giai đoạn mới. “Chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn”. Nghị quyết 21 (khóa III) của Trung ương Đảng nhanh chóng được quán triệt trong toàn Đảng, đặc biệt với Trung ương Cục và các Đảng bộ  ở miền Nam.

Khi thời cơ đến, Đảng kịp thời lãnh đạo chớp lấy thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1974, quân Giải phóng đẩy mạnh các cuộc tiến công chiến lược đánh nhiều trận tiêu diệt quân chủ lực Sài Gòn, đập tan hầu hết các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, mở rộng vùng giải phóng. Với sự phát triển mạnh mẽ trên chiến trường miền Nam, ngày 07/01/1975, Bộ Chính trị họp và có quyết sách quan trọng. “Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều dịch tổng hợp liên tiếp, đánh chiếm những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ  ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thì tất yếu sẽ đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Thực hiện tiến công và nổi dậy trên quy mô lớn. Mở những chiến dịch hợp đồng binh chủng; kết hợp tiến công vào quân chủ lực của ngụy với phá “bình định” nông thôn của chúng; phát triển đấu  tranh chính trị; đẩy mạnh công tác binh vận; phá hủy cơ sở hậu cần và phương tiện chiến tranh của địch. Bộ Chính trị cũng đề ra kế hoạch tác chiến trên từng chiến trường: Nam Bộ, Khu V – Tây Nguyên, Trị – Thiên. Miền Bắc phải chi viện tối đa cho chiến trường miền Nam; đồng thời, chủ động đối phó nếu Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá trở lại. Đó là kế hoạch tác chiến năm 1975, kế hoạch tiếp theo cho năm 1976 sẽ do kết quả năm 1975 để quyết định. Đó cũng là quyết sách của Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976.

Chiến thắng Phước Long ngày 6/1/1975 của quân Giải phóng cho thấy, khả năng giải phóng miền Nam đã phát triển lớn hơn, nhanh hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Mỹ có khả năng quay lại hay can thiệp bằng không quân, hải quân để cứu vãn chính quyền và quân đội Sài Gòn hay không? Đại sứ Mỹ tại Sàn Gòn Matin, ngày 9/1/1975, đã báo cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu biết: “Việc yểm trợ bằng máy bay của Mỹ lúc này chưa được phép”.

Đảng lãnh đạo chọn đúng hướng và mục tiêu tiến công chiến lược làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến tranh, theo hướng có lợi cho ta. Thực hiện những kết luận của Bộ Chính trị, ngày 9/1/1975, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã bàn và cụ thể hóa kế hoạch tác chiến chiến lược trong hai năm 1975 và 1976. Theo đó, mở đầu năm 1975, sẽ mở chiến dịch tiến công địch ở Tây Nguyên, hướng chính là Nam Tây Nguyên, mục tiêu chính là đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Trong chỉ đạo chiến tranh, việc chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đó được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thảo luận kỹ và đi đến quyết định: Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên được thành lập và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vào chiến trường Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo. Ngày 17/2/1975, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên thảo luận để thực hiện thắng lợi quyết định của Bộ Chính trị và Thường vụ Quân ủy Trung ương. Với sự chuẩn bị tốt nhất, sáng 10/3/1975, quân Giải phóng tiến công Buôn Ma Thuột, 11 giờ ngày 11/3/1975, ta đã giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột.

Trong ngày 11/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo diễn biến ở chiến trường Tây Nguyên và chiến thắng Buôn Ma Thuột. Phân tích tình hình địch và lực lượng cách mạng. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cho rằng, ta có khả năng giành thắng lợi to lớn với nhịp độ nhanh hơn dự kiến. Ngày 16/3/1975, địch còn lại ở Plâyku và Kon Tum rút về đồng bằng ven biển theo đường số 7. Ta truy kích địch rút chạy diễn ra trong tám ngày đêm, từ ngày 17/3/1975 đến ngày 24/3/1975 giành thắng lợi. Ngày 25/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Ngay từ khi mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, các chiến trường Nam Bộ và các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ đã đẩy mạnh tiến công địch. Trước đó, ngày 8/2/1975, Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Trị – Thiên. Quân khu Trị – Thiên và Quân khu V phối hợp với mặt trận Tây Nguyên. Kế hoạch Chiến dịch tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ được quyết định và thực hiện. Ngày 21/3/1975 ta mở màn Chiến dịch giải phóng Huế và đến ngày 25/3/1975, thành phố Huế được giải phóng. Cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng bắt đầu ngày 28/3/1975 và đến ngày  29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng. Từ chiến thắng đó, ta đẩy mạnh tiến công giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung.

Cùng với đó, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo huy động nhân lực, vật lực tạo nên sức mạnh vượt trội giành chiến thắng. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Hội đồng  chi viện miền Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị gửi điện cho lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam về xúc tiến gấp kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn – Gia Định, lập Ban Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn. Bức điện nêu rõ: “Chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 35% sinh lực địch, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hai quân đoàn địch, tiêu diệt khoảng 40% các binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá hơn 40% cơ sở vật chất hậu cần, giải phóng 12 tỉnh, đưa tổng số dân vùng giải phóng lên gần 8 triệu”. Ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. “Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”. “Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Như vậy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

Với quyết sách chiến lược của Bộ Chính trị, ngày 6/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, đã ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Ngày 9/4/1975, Bộ Chính trị có điện gửi các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và các đồng chí lãnh đạo đang ở chiến trường về kế hoạch tiến công Sài Gòn với tinh thần chuẩn bị tốt nhất trên tất cả các hướng bảo đảm toàn thắng. Từ chiến thắng trên các chiến trường, Bộ Chính trị đã họp ngày 14/4/1975 để nghe Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình Mặt trận Sài Gòn và các phương hướng, chủ trương đề ra. Bộ Chính trị nhất trí với phương hướng, chủ trương ấy và “đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Từ vai trò lãnh đạo của Đảng, đã làm cho thế và lực của ta ngày càng mạnh, càng đánh càng thắng, làm cho quân đội và chính quyền Sài Gòn ngày càng thất bại, lục đục. Ngày 21/4/1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Ngày 22/4/1975, điện của Bộ Chính trị nhấn mạnh việc nắm vững thời cơ, kịp thời phát động tổng tiến công và nổi dậy của quần chúng Sài Gòn – Gia Định: “Thời cơ để mở cuộc Tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị… Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định giành toàn thắng”. Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu ngày 26/4/1975 và thắng lợi hoàn toàn lúc 11 giờ 30  ngày 30/4/1975, thành phố Sài Gòn được giải phóng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã toàn thắng.


Những quyết sách của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thể hiện tầm cao trí tuệ và trách nhiệm của Đảng đối với đất nước và dân tộc. Đó cũng là sự phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, vừa kế thừa những di sản truyền thống của dân tộc, vừa phát triển độc đáo, sáng tạo với tinh thần tiến công liên tục, quyết thắng và chắc thắng. Sự thống nhất cao độ giữa quyết sách của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh với hành động trên các chiến trường, từng mặt trận và chiến dịch đã tạo nên sức mạnh to lớn quyết định thắng lợi. Sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường thể hiện tài thao lược của các đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh, chỉ huy bảo đảm hiện thực hóa những quyết định chiến lược của Đảng. Tập trung, thống nhất, trách nhiệm, kỷ luật, thần tốc, táo bạo là nét nổi bật trong lãnh đạo của Đảng bảo đảm giành thắng lợi cuối cùng.