Bác đi vào cõi vĩnh hằng đã hơn 1/2 thế kỷ nay, thương nhớ Bác ta thêm một lần nhận rõ “Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc” (Chế Lan Viên), Bác vẫn đang ở bên ta, cổ vũ, động viên mỗi việc tốt ta làm, nhắc nhở, uốn nắn chúng ta từ những việc làm sai, làm hỏng. Bác vẫn thường nhắc nhở chúng ta, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình như một thói quen “rửa mặt hàng ngày”, phải “giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Sự quan tâm của Người – ân cần và chu đáo. Tình thương yêu của Người – rộng lớn và sâu xa, luôn thắp sáng trong ta ngọn lửa của đức tin và niềm hy vọng. Sức cảm hóa đầy thuyết phục của Người làm muôn người xúc động, bởi Người rất đỗi chân thành. Thần thái của Người luôn toát lên sự thấu hiểu, thấu cảm nỗi lòng, tâm trạng và ý nguyện của mỗi chúng ta. Người nói tự trái tim mình, chạm vào trái tim ta, nên chân lý hóa thành đạo lý, lẽ phải hòa trong tình thương, cảm nhận trực giác không cần giải thích.
“Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” – Giai điệu ấy ngân vang từ một bài ca quen thuộc làm ấm lòng người chiến sĩ trên đường ra mặt trận và cũng ấm lòng mỗi người chúng ta, những ngày đã qua, hôm nay, mai sau và mãi mãi.
Kỷ niệm về Bác Hồ với quân đội, với chiến sĩ bộ đội và với các tướng lĩnh theo dòng sự kiện và hồi tưởng sống động và cảm động tâm hồn ta. Ta nhớ mãi từ những ngày đầu, Bác nhen đốm lửa đến những lần Bác đi chiến dịch, kiểm tra trận địa, căn dặn tướng sĩ, chăm sóc dân công và thương binh, từ chủ trì lễ thụ phong hàm Đại tướng đầu tiên trong lịch sử quân đội ta ở An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên đến buổi tiễn đưa Tổng Tư lệnh, Tổng Chính ủy ra mặt trận Điện Biên với lời dặn “ngoài biên ải tướng quân toàn quyền, chắc thắng mới đánh, đã đánh thì phải thắng”. Lịch sử quân đội ta đã viết lên những bản hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh với Điện Biên Phủ Việt Bắc, ngày 07/5/1954, với Điện Biên Phủ trên không, đánh bại B52 của giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, 12/1972 và đại thắng mùa Xuân, tháng 4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Bắc Nam sum họp một nhà. Đó là những mốc son chói lọi, những trang sử vàng truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ”. Chúng ta đã làm theo lời Bác, giữ trọn lời thề với Bác, biến niềm tin son sắt, ý chí mãnh liệt và nghị lực phi thường của Bác thành hiện thực, thỏa lòng mong ước của Người: “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”, “Đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào”. Bác đã viết trong Di chúc, “Chúng ta tự hào đã đánh thắng hai đế quốc to”. Chỉ tiếc rằng, trong ngày toàn thắng, Bác của chúng ta không còn nữa. Giờ đây, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, quân dân ta đã và đang tiếp tục thực hiện lời Bác dạy “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đó là điều mong muốn cuối cùng, là tâm nguyện thiêng liêng của Người.
Mỗi bước đi trong cuộc hành trình lịch sử, trước thời cơ, vận hội lớn đan xen cùng những thách thức nghiệt ngã – như hiện nay, lời Bác lại âm vang, thúc giục chúng ta “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Vào lúc này, khi quân và dân ta đang nỗ lực ngày đêm trong lao động, sản xuất và chiến đấu để giữ vững độc lập chủ quyền của Tổ quốc, nuôi dưỡng và phát triển tiềm lực quốc gia, làm cho dân giàu, nước mạnh, đất nước thịnh vượng, phú cường, chúng ta càng thấm thía hơn lời Bác dạy “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”. Vào lúc này, đó thực sự là một thông điệp phát triển mà chúng ta nhận được từ Người.
Ta hiểu vì sao, với Quân đội nhân dân, Bác luôn luôn căn dặn “Trung với Nước, Hiếu với dân” đồng thời Người cũng luôn nhấn mạnh, “Trung với Đảng, Hiếu với Dân”. Nước với Dân, Đảng với Dân, Quân với Dân – đó là những mối quan hệ máu thịt, thủy chung son sắt, thống nhất hữu cơ, không thể tách rời. Bất cứ lúc nào, ở đâu, làm gì, nhất là trong những thời điểm bước ngoặt của lịch sử như hiện nay, khi Việt Nam chuyển mình hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa thì “Bộ đội Cụ Hồ” càng phải tỏ rõ sức mạnh quyết chiến quyết thắng, xứng đáng với Dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại.
Nhớ lại thưở ban đầu, từ hai bàn tay trắng, với 34 chiến sĩ, vài ba khẩu súng thô sơ, chân đất, đầu trần, giữa rừng sâu núi thẳm âm vang mười lời thề danh dự và xuất quân đánh thắng trận đầu Phay Khắt, Nà Ngần… để ngày nay, 3/4 thế kỷ trôi qua, quân đội ta đã có đủ binh hùng tướng mạnh, với Hải Lục Không quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, làm tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Lời Bác căn dặn năm xưa, giờ hồi tưởng và suy ngẫm ta mới càng thấm thía nhận ra tầm tư tưởng lớn lao và triết lý nhân sinh sâu thẳm của Bác Hồ.
Người Anh cả của chúng ta được Bác căn dặn từ buổi đầu gian khó rằng, “chính trị trọng hơn quân sự”, “người trước súng sau”. Vậy là, quân đội cách mạng do nhân dân sinh thành, nuôi dưỡng phải đặc biệt chú trọng tuyên truyền, mỗi chiến sĩ là một cán bộ tuyên truyền để ý Đảng thấm sâu trong lòng dân. Có dân rồi sẽ có súng và sẽ có tất cả. Tên gọi “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” đã bao hàm ý nghĩa đó. Đó cũng là bản chất của quân đội cách mạng mang danh hiệu cao quý “Quân đội nhân dân”. Ở tầm nhìn chiến lược, Hồ Chí Minh nhìn thấu vai trò của dân, sức mạnh của dân để rồi trong chỉ đạo khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam, Người nhấn mạnh “Chiến tranh nhân dân”, công phu tổ chức, xây dựng “Thế trận lòng dân”, công phu giáo dục rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là vì dân mà chiến đấu hy sinh, suốt đời tận trung với nước tận hiếu với dân. Người còn rất mực quan tâm giáo dục, rèn luyện các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, các tướng lĩnh về đạo làm tướng theo hệ chuẩn mực NHÂN – TRÍ – DŨNG – LIÊM – TRUNG, theo bốn đức CẦN – KIỆM – LIÊM – CHÍNH để làm tròn sứ mệnh người công bộc tận tụy, người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Với Quân đội nhân dân cũng như với tất cả mọi người chúng ta, quy luật của muôn đời, chân lý của mọi thời đại đều chỉ nổi bật chữ DÂN, cho nên phải ra sức thực hành dân chủ, dân vận và đại đoàn kết toàn dân tộc. Những sự thực hành đó đều hướng tới dân, đều vì dân, phải làm sao ăn ở cho được lòng dân, không làm điều gì trái ý dân. Những người lính, những người chiến sĩ trong đạo quân “Bộ đội Cụ Hồ” là như vậy, “khi sắp đến thì dân mong, khi ở thì dân thương, khi đi xa thì dân nhớ”. Cội nguồn sức mạnh để chiến thắng là ở đó mà cũng từ đó, uy tín, ảnh hưởng của “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng trong lòng dân.
Để phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” vào lúc này, không có gì thiết thực hơn là ghi nhớ và thực hành lời Bác: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Nguồn: Trang tin Điện tử Bảo tàng Hồ Chí Minh