Chuyện kể về Bác Hồ với các chiến sĩ và tướng lĩnh

3472
Có hàng ngàn câu chuyện cảm động về Bác Hồ với các chiến sĩ và tướng lĩnh. Dưới đây là một vài chuyện theo dòng sự kiện và thời gian được tái hiện từ ký ức lịch sử. Đó là “Những năm tháng không thể nào quên” như lời Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Mùa hè năm 1946, Bác đến thăm chiến sĩ bộ đội làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở Sơn Động, Bắc Giang
Được tin Bác đến thăm, mọi người hết sức vui mừng, làm tổng vệ sinh doanh trại cho gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp để kịp đón Bác. Đồng chí Đinh Đức Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang trao đổi với đồng chí Trần Văn Giang, chỉ huy đơn vị bộ đội địa phương lúc dó, nhắc nhở anh em chiến sĩ làm thật tốt công tác chuẩn bị để đón Bác được chu đáo.
Công tác tiễu phỉ trừ gian, bảo đảm an ninh trật tự rất vất vả, đời sống của chiến sĩ lại rất thiếu thốn. Lính Quốc dân Đảng Trung Hoa vừa mới rút, bộ đội ta tiếp quản doanh trại phải mất bao công sức tổng vệ sinh doanh trại mới tạm sạch sẽ. Nhiều chiến sĩ tiễu phỉ bị sốt rét phải đưa vào bệnh viện. Anh em chiến sĩ chia nhau công việc, làm cổng chào, trang trí hội trường, thu xếp lại nhà ăn, nơi ở của cán bộ, chiến sĩ để kịp đón Bác.
Khi đến, Bác lại không đi theo cổng chính doanh trại đã trang trí cờ hoa và đông đủ cán bộ chỉ huy và các chiến sĩ đang chờ Bác đến. Bác đi lối cổng sau vào đến cơ quan doanh trại, kiểm tra từ phòng ở, nhà bếp, nhà vệ sinh mà mọi người không hề biết. Thế là kế hoạch đón Bác bị đảo lộn hết.
Bác đi cùng đồng chí Đinh Đức Thiện, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh. Mọi người đã nhìn thấy Bác ở cổng sau, chạy thật nhanh đến chào Bác. Đồng chí Trần Văn Giang, chính trị viên Tiểu đoàn Bắc Giang ra đón Bác.
Bác thân mật bắt tay từng người một, nhìn mọi người và nói với đồng chí Giang (sau này là một vị tướng, có nhiều lần gặp Bác) một câu rất hóm hỉnh:
– Chú chỉ huy ở đây phòng thủ thế nào mà “quân địch” vào giữa doanh trại mới biết?
Đồng chí Giang lúng túng mời Bác vào tiểu đoàn bộ. Bác hỏi:
– Chú định làm gì mà dẫn Bác vào tiểu đoàn bộ?
– Thưa Bác, mời Bác vào uống nước và ăn trái cây.
Đồng chí Giang đáp lời Bác như vậy. Bác xua tay:
– Cảm ơn chú, Bác vừa uống nước rồi. Bác ít thì giờ. Bác muốn thăm nơi ăn, ở, làm việc của các chú một chút chứ thì giờ đâu mà uống nước ăn quả.
Nói xong, Bác bảo đưa Bác đi kiểm tra nhà vệ sinh và nhà ăn. Thấy một dãy nhà quét vôi trắng xóa, Bác gật đầu rồi quay lại cười, nói với đồng chí Thiện:
– Chừng được tin Bác sắp đến nên các chú mới quét vôi sáng nay hay tối qua phải không?
Anh em thật thà báo cáo Bác là mới quét hôm tổng vệ sinh doanh trại. Bác khen, thường xuyên giữ sạch sẽ thế này thì tốt. Bác lại hỏi: Nhà bếp, nhà ăn của các chú đâu? Đưa Bác tới thăm. Bác nhìn một lúc lâu và có vẻ hài lòng thấy nhà bếp, nhà ăn đều sạch sẽ, gọn gàng. Nhìn mọi người một lượt rất trìu mến, rồi Bác nói:
– Nhà ăn này thoáng và sạch đấy. Nhưng lấy cánh cửa làm bàn ăn à?
Anh Thiện thưa với Bác là trước khi rút đi, bọn Quốc dân Đảng Trung Hoa phá phách ghê quá. Chúng chẻ cả bàn ghế làm củi đun. Hiện giờ, anh em đang thiếu thốn quá.
Bác im lặng và quan sát những thứ bày trên cánh cửa: Một đĩa nhỏ đựng cá kho, một bát con đựng nước kho cá làm nước chấm, một nửa tàu lá chuối đựng đầy rau muống luộc.
Thoáng một nét tư lự trên khuôn mặt hồn hậu của Bác. Mặt Bác lại thoáng một nét vui khi được báo cáo là bộ đội giúp dân tát ao, đồng bào bán cho bộ đội hai rổ cá. Bác nói:
– Lao động giúp dân thế là tốt. Lại có cá ăn. Chú Thiện, chú Bình có ngửi thấy mùi thơm của cá kho không? Các chú kho cá với gì thế này? Khế à? Tốt. Gì nữa đây? À, chuối xanh. Chú nào kho cá mà khéo thế?
Mấy đồng chí anh nuôi (cấp dưỡng) được Bác khen, vui quá, lại đừng gần Bác. Bác còn nói thêm:
– Các chú đã bao giờ ăn cá kho với quả sung chưa? Cũng ngon lắm. Hôm nào thử xem.
Mọi người cười vui rạng rỡ. Bác lại hỏi:
– Thế các chú luộc rau mà không uống nước rau à?
Anh em thưa với Bác là vì không có chậu đựng nước rau nên phải để cả nồi nước rau to bên chân tường, ai muốn chan thì ra đấy múc. Bác yên lặng, một thoáng không vui. Bác hỏi chỉ huy đơn vị:
– Chú Giang, lính của chú ăn mỗi bữa mấy bát? Có đủ cơm không?
– Thưa Bác, số đông anh em ăn ba bát. Một số đồng chí ăn hai bát. Vài đồng chí ăn khỏe hơn như đồng chí Rùa, giữ kho tiểu đoàn, ăn năm bát mà vẫn chưa đủ. Được cái rau muống nhiều nên ăn vẫn no ạ.
Mấy anh em vỗ tay, đẩy anh Rùa lại gần Bác.
– Thưa bác, Thùng Văn Rùa đây ạ.
Bác hơi ngạc nhiên:
– Thùng Văn Rùa? Họ chi lạ vậy?
Anh em cười xôn xao, giải thích với Bác vì Nguyễn Văn Rùa ăn khỏe quá, “bất thùng chi thình” nên anh em đùa, đặt cho họ tên anh Rùa là Thùng Văn Rùa. Bác xoa bụng Rùa nói vui:
– Chú Rùa này tốt bụng với anh em lắm đây. Tướng Thùng Văn Rùa mà cầm quân chống giặc đói thì chắc gay go quyết liệt lắm nhỉ?
Rồi Bác bước ra sân, vừa đi thong thả vừa nói với mấy đồng chí lãnh đạo:
– Chú Thiện, chú Bình này. Bác đề nghị tỉnh cho bộ đội ít tiền mua đĩa đựng rau, chậu đựng nước rau và mấy cái muôi để múc chan.
Sau đó, Bác nói chuyện với bộ đội. Giọng Bác trầm trầm, ấm áp vang động vào mỗi con tim chiến sĩ. Bác đã nghe Tỉnh ủy báo cáo về thành tích tiễu phỉ của các chú, lại hết lòng giúp dân sản xuất và xóa nạn mù chữ, làm công tác tuyên truyền vận động giỏi, giữ kỷ luật nghiêm, chịu khó học tập chính trị, quân sự, văn hóa. Nơi ăn, chốn ở gọn gàng sạch sẽ. Thế là tốt. Bác khen các chú.
Rồi như chợt nhớ ra, Bác nói thêm:
– Nhưng Bác vẫn thấy ở sân kho còn một đống rác to, sao các chú không đốt đi? Vừa sạch sân, vừa chống muỗi, lại có tro bón cho các luống rau, gốc chuối.
Bác ôn tồn nhắc mọi người phải đọc nhanh, viết thạo, hàng ngày chăm đọc báo, thể thao, ca hát, tăng gia. Phải chịu khó luyện tập quân sự, chuẩn bị đối phó với mọi tình hình, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Nói ngắn gọn mấy câu rồi Bác hỏi:
– Các chú nghe có rõ không? Có làm được không?
Cả đoàn quân hô vang:
– Thưa Bác, rõ ạ, hiểu ạ, làm được ạ.
Rồi Bác tạm biệt mọi người, Bác còn phải đi, đi nhiều, thăm nhiều đồng bào, chiến sĩ và còn hàng núi công việc phải làm. Thôi, chào các chú, Bác đi đây.
Khi xe Bác đã đi xa, anh em cán bộ, chiến sĩ nhìn nhau. Anh Cao nói:
– Hay thật, kế hoạch đón Bác bị đảo lộn hết. Nhà khách Bác không vào, trái cây Bác không ăn, bục cao Bác không đứng. Kèn không thổi. Trống không đánh. Lời hứa hẹn chưa kịp nói. Khẩu hiệu Hồ Chủ tịch muôn năm thì chưa đợi chỉ huy, mọi người cứ thỏa sức hô.
Bác của chúng ta là như thế. Anh em chúng ta đối với Bác là như thế.
Bác đến thăm công binh xưởng Lam Sơn trong một hang núi tỉnh Cao Bằng, năm 1950
Cuối năm 1950, sau chiến thắng Biên giới, Bác đến thăm cán bộ, chiến sĩ công binh xưởng Lam Sơn trong một hang núi đá tỉnh Cao Bằng. Mấy chục anh em công nhân quân giới, trong đó có nhiều người dân tộc thiểu số quây quần bên Bác, nghe Bác báo tin chiến thắng. Ai cũng nức lòng phấn khởi. Một chiến sĩ trẻ đứng dậy, thắc mắc:
– Thưa Bác, biên giới ta thắng lớn. Pháp thua to nhưng cháu sợ nhỡ Pháp là một nước lớn, thua to nó cay cú đổ thêm quân và vũ khí vào nữa thì sao?
Bác nhìn đồng chí chiến sĩ đó rồi cười bảo:
– Chú tháo chiếc dép ở chân chú ra. Một chiếc thôi.
Đồng chí đó ngỡ ngàng không hiểu tại sao. Anh em giục, “Bác đã bảo thì cứ tháo dép ra”. Tháo xong chiếc dép cao su đen, chiến sĩ đưa Bác. Bác xua tay:
– Bác không cần. Chú cứ cầm lấy và giơ chiếc dép lên, dọa đánh Bác đi.
– Thưa Bác, cháu không dám ạ – Chiến sĩ rụt rè đáp.
– Thì chú cứ dám xem nào! Chú đóng vai thực dân Pháp xâm lược mà!
Chiến sĩ bấy giờ mới rụt rè đưa chiếc dép lên trước mặt Bác. Bác nhắc:
– Giơ cao lên, phải dữ tợn vào chứ? Thêm quân, thêm vũ khí cơ mà.
Bác quay ra hỏi xung quanh:
– Chú nào cho Bác mượn cái gậy hay cái đòn gánh, cái cuốc cũng được.
Anh em đưa cái cuốc vào. Bác khen tốt và cầm lấy cái cuốc. Bác làm động tác giơ thật cao như sắp bổ vào đầu đồng chí Hải đang cầm dép.
Bác hỏi:
– Thế này thì ai sợ ai nào?
Tất cả mọi người từ nãy đến giờ nín thở theo dõi một “hoạt cảnh nhỏ”, giờ mới hiểu ra, cười ồ, đồng thanh đáp:
– Ta không sợ địch ạ!
– Địch sợ ta ạ!
Bác trả lại cái cuốc cho người vừa đem ra, vỗ vai đồng chí Hải rồi nói to:
– Mình sợ nó mà không dám đánh thì mình mất nước. Mình không sợ nó thì mình mới đánh được nó. Mình đã đánh nó đau, nó có tăng quân, tăng vũ khí, mình lại tiếp tục đánh nó đau hơn thì nhất định nó phải thua mình.
Thật là thấm thía về những lời Bác dạy và cũng thật là cảm động trước thái độ ân cần, cử chỉ hồn nhiên, gần gũi của Bác với các chiến sĩ.
Bác Hồ với vị tướng tư lệnh phòng không – không quân
Thượng tướng Phùng Thế Tài là một trong những vị tướng chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân đã có vinh dự gặp Bác nhiều lần.
Năm 1968, Bác Hồ đã 78 tuổi, sức đã yếu nhiều so với trước nhưng Bác vẫn thường xuyên quan tâm, chăm lo cho đồng bào và chiến sĩ bộ đội. Bác đến thăm Quân chủng Phòng không – Không quân.
Bác muốn nghe giới thiệu về chiếc máy bay trinh sát điện tử không người lái chúng ta mới bắn rơi gần như còn nguyên vẹn. Bí thư đảng ủy Quân chủng Đặng Tính và Tư lệnh Phùng Thế Tài cùng đông đủ cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan tham mưu đón Bác. Đúng 9 giờ Bác đến. Bác hỏi, từ sáng đến giờ các chú làm gì? Anh Tính trả lời:
– Thưa Bác, Đảng ủy Quân chủng đang họp kiểm điểm Đảng ủy và góp ý kiến phê bình các đảng ủy viên ạ.
– Tự phê bình và phê bình à? Tốt! Thành chế độ thường xuyên được thì càng tốt.
Anh Phùng Thế Tài rót nước bưng đến mời Bác. Bác hỏi liền:
– Chú Tài đã tự phê bình chưa? Bác chỉ tay vào anh Tài rồi cười bảo – “Ông tổ cáu gắt đấy nhé! Gần đây có tiến bộ không đấy?”.
– Thưa Bác, cháu mới kiểm điểm xong hôm qua. Lần này cháu có tiến bộ so với trước nhưng cháu vẫn còn nhiều khuyết điểm lắm. Lần kiểm điểm nào cháu cũng được các đồng chí trong Đảng ủy ưu tiên dành cho nhiều thời gian nhất.
Bác nhìn tất cả mọi người, cái nhìn đầy thương yêu và độ lượng. Bác ôn tồn nói:
– Vì lợi ích cách mạng, vì yêu thương đồng chí, các chú cần thẳng thắn phê bình nhau. Phê bình là điều rất cần thiết. Nhưng điều cần thiết, quyết định nhất lại là tinh thần thành khẩn tiếp thu sự phê bình của đồng chí, đồng đội. Đó cũng là cái thước đo đạo đức cách mạng, tinh thần vì nước vì dân của mỗi cán bộ.
Vào một buổi tối cuối năm 1967, với cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng, đồng chí Phùng Thế Tài được Bác Hồ gọi lên hỏi tình hình. Ngay phút đầu tiên Bác đã hỏi về B52, vẻ mặt trầm ngâm, Bác nói:
– Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị.
Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, nhất định Mỹ sẽ thua – Bác nhìn ra cửa sổ, chỉ tay lên bầu trời Hà Nội. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua ở đây. Vì vậy, nhiệm vụ của các chú rất nặng nề. Thực hiện lời dạy của Bác, được sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, một bản kế hoạch được khởi thảo để đánh B52 được xây dựng từ năm 1969 tại Bộ Tham mưu Quân chủng.
Đầu tháng 10/1972, tài liệu “Cách đánh B52” của bộ đội tên lửa được thông qua lần cuối và phổ biến cho các đơn vị. Hội nghị tên lửa toàn quân chủng được triệu tập. Ngày 22/11/1972, Trung đoàn 263 thực hành chiến đấu ở Nghệ An theo đúng hướng dẫn của tài liệu “Cách đánh B52” đã bắn rơi một chiếc B52 buộc chúng phải rút về biên giới Lào – Thái.
Bộ Tổng tham mưu chỉ thị: “… Có khả năng Mỹ đánh phá trở lại Bắc vĩ tuyến 20 với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc chúng dùng B52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng… Vì vậy mà toàn quân chủng phải ráo riết chuẩn bị ngay từ đầu tháng 9/1972”. Các bệ phóng tên lửa đã sẵn sàng phóng đạn để tiêu diệt siêu pháo đài bay B52.
Ít ngày sau, bộ đội tên lửa đã cùng với quân dân cả nước lập chiến công lừng lẫy “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần không nhỏ đi đến thắng lợi cuối cùng.
Chiến công lừng lẫy đó đã đến từ ngọn nguồn khởi đầu, từ dự báo thiên tài của Bác đến sự quan tâm đặc biệt Bác dành cho cán bộ, chiến sĩ phòng không không quân cùng với lòng dũng cảm, mưu trí sẵn sàng chiến đấu hy sinh của bộ đội phòng không không quân.
Cũng vào những năm tháng ấy, Bác đến thăm một đơn vị trực chiến. Các chiến sĩ ngày đêm bên các khẩu pháo cao xạ trên các nóc nhà cao tầng, canh giữ cho bầu trời Hà Nội bình yên. Nắng hè chói chang, nóng như lửa đốt. Nhìn xung quanh bệ pháo, không thấy một chai nước ngọt nào cho chiến sĩ, lòng Bác xót xa. Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ – thư ký của Bác, đem tất cả tiền tiết kiệm vẫn giữ cho Bác, mua hết nước giải khát và gửi ngay cho các đơn vị trực chiến phòng không.
Những ngày Bác ốm nặng, dù rất mệt, Bác vẫn ngày đêm nghĩ về chiến sĩ bộ đội. Được tin bộ đội phòng không – không quân vừa bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ, Bác đã gửi lẵng hoa chúc mừng quân chủng phòng không – không quân. Đây là lẵng hoa cuối cùng Bác gửi cho tập thể cán bộ, chiến sĩ trước lúc đi xa.
Bác Hồ với các cháu gái dũng sĩ diệt Mỹ từ chiến trường miền Nam
Với miền Nam đi trước về sau, tình thương yêu của Bác với đồng bào, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió là vô hạn, cảm động không nói lên lời. “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi” – Đó là lời Bác đã đi vào lịch sử. Vì miền Nam mà Bác từ chối không nhận cho riêng mình một tấm huân chương nào. Vì miền Nam mà Bác hy sinh cả cuộc sống riêng tư. Đã bao lần Bác thiết tha đề nghị Trung ương và Bộ Chính trị thu xếp cho Bác một chuyến đi thăm đồng bào chiến sĩ trong đó. Không thể thực hiện được, Bác càng thương nhớ miền Nam da diết.
Và mỗi khi có đoàn cán bộ miền Nam ra, được tin, Bác đều thăm hỏi ân cần. Trong số cán bộ, chiến sĩ miền Nam, có các cháu gái là dũng sĩ diệt Mỹ, lập nhiều chiến công xuất sắc có vinh dự được ra thăm Bác.
Bác biết rõ hơn ai hết, nơi chiến trường ác liệt, các cháu gái phải chịu đựng một cuộc sống gian nan vất vả như thế nào. Nhìn các cháu mà lòng Bác muôn phần xót xa – những gương mặt gầy xanh, những bím tóc thưa, khô cứng, dấu tích của chiến trường, Bác ứa nước mắt.
Đã có lần Bác dặn bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế và các thầy thuốc, phải tìm cách chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ, nhất là các cháu gái, sao cho các cháu sau này, khi chiến tranh kết thúc, trở về cuộc sống đời thường, các cháu vẫn còn có thể làm vợ, làm mẹ được. Tấm lòng của Bác như thế nên khi ở bên Bác, các chiến sĩ gái dũng sĩ diệt Mỹ xúc động nghẹn ngào. Bác an ủi động viên, các cháu ra đây với đồng bào, chiến sĩ miền Bắc, được gặp Bác thì phải vui lên, sao cứ khóc vậy? Lời Bác ấm áp dịu dàng làm các cháu càng khóc nhiều hơn.
Một cháu thay mặt các bạn nói với Bác:
– Thưa Bác, gian khổ mấy chúng cháu cũng chịu được. Hy sinh mấy chúng cháu cũng không sợ. Chúng cháu chỉ sợ nhất khi phải nghe tin “Bác Hồ trăm tuổi” (ý là Bác mất).
Bác lắng nghe, lòng Bác vô cùng xúc động. Bác quay sang bên cạnh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng với Bác tiếp các cháu. Bác hỏi Thủ tướng, người Bác vẫn thường gọi là “chú Tô”:
– Chú Tô, năm nay Bác bao nhiêu tuổi rồi?
Thủ tướng đáp:
– Thưa Bác, năm nay Bác 79 tuổi.
Bác nói với các cháu:
– Bác nói đánh Mỹ 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, chứ Bác có nói đánh Mỹ 21 năm đâu. Còn 21 năm nữa, Bác mới trăm tuổi kia mà. Các cháu đánh Mỹ giỏi, thắng lợi mau tới gần, Bác vui, Bác khỏe, các cháu sẽ gặp Bác.
Có ngờ đâu đấy là lần cuối cùng, các cháu được gặp Bác.
Vào đúng ngày Quốc khánh, 02/9/1969, Bác vĩnh biệt chúng ta. Ta cũng không thể nào quên, những giây phút cuối cùng trên giường bệnh, lòng Bác vẫn chỉ hướng tới đồng bào, chiến sĩ cả nước. Cô y tá quân đội 21 tuổi Nguyễn Thị Oanh, người Vĩnh Phúc được cử đến chăm sóc Bác nhớ lại, Bác muốn nghe một câu hò Huế, một câu hát ví dặm quê nhà, một làn điệu dân ca quan họ. Thương Bác quá, nghẹn ngào mà không hát được. Cố lắm mới hát được một câu “Người ơi người ở đừng về”. Bác khen và nói với đồng chí Vũ Kỳ tặng hoa cho cháu. Đây là bông hoa cuối cùng Bác tặng cho cá nhân.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy: “Tao còn sống là nhờ Bác Hồ”
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1936, tên thật là Nguyễn Văn Hoa là con thứ bảy trong gia đình. Do người Nam Bộ hay gọi tên theo thứ tự nên dần dần cái tên Nguyễn Văn Bảy trở thành tên chính. Ông sinh tại xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Gần đây đoàn làm phim tài liệu “50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ” đã tìm đến nhà ông ở tận ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp để nghe ông kể chuyện những lần xuất kích trên không bắn rơi máy bay Mỹ, những lần gặp Bác, nhớ lời Bác căn dặn thật cảm động. Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang là người từng ái mộ ông bỗng dưng trở thành người dẫn chuyện, bởi ông cũng là người ái mộ chị 50 năm trước. Ông kể lại câu chuyện như là chuyện cổ tích của đời ông. Với giọng khề khà chân chất, ông kể về cuộc đời ông, hồi nhỏ nhà rất nghèo, suốt ngày đi chăn bò, chỉ được học hết lớp ba, về ở nhà chăn bò, làm ruộng. 17 tuổi trốn nhà, đi theo cách mạng, làm du kích. Năm 1954, 18 tuổi tập kết ra Bắc. Trước khi đi tập kết, bố mua cho một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ mà ông còn chưa đọc được chữ số. Năm 1960, được chuyển từ sư đoàn bộ binh sang không quân rồi được chọn đi học lái máy bay ở Liên Xô. Hồi ấy, để được học lái máy bay thì ít nhất cũng phải học hết lớp 10/10 (tương đương lớp 12 bây giờ), trong khi ông mới chỉ có lớp 3 thôi. Phải học văn hóa ở trường Bổ túc văn hóa Lạng Sơn đúng một tuần theo phương châm “cần gì học đó”, nghĩa là bỏ qua hết mọi môn khác, chỉ học toàn đại số, mỗi ngày một lớp, chỉ cố ghi nhớ các hình vẽ, định lý, định luật… để học lái máy bay. Đoàn học viên Việt Nam được đào tạo lái máy bay MIG-17 chỉ có 34 người. Vậy mà Nguyễn Văn Bảy lọt được. Sau 5 năm học tập, năm 1965, tốp phi công đầu tiên của Việt Nam lái máy bay trở về Gia Lâm, sẵn sàng chiến đấu. Lần đầu tiên, phi công Nguyễn Văn Bảy cất cánh tấn công máy bay Mỹ là 10 giờ ngày 19/6/1965. Do chưa có kinh nghiệm nên bị máy bay Mỹ áp đảo bắn bị thương. Biết là bị thương mà ông vẫn nhất định không nhảy dù, bởi ông nghĩ nhảy dù là cứu mình nhưng coi như mất máy bay. Ông cố lái về và hạ cánh an toàn mới biết mình còn sống, coi lại thì đuôi máy bay nát hết, tới 84 lỗ đạn.
Vậy mà qua những lần tham chiến trên mặt trận không đối không, Nguyễn Văn Bảy đã bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ, 2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4 được xếp hạng ACES của thế giới. Ông là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES (một danh hiệu có từ thế chiến II, dành cho những phi công quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên).
Thấy nét mặt cả đoàn tỏ vẻ kinh ngạc, ông cười khà khà giải thích: “Cái máy bay nó cũng giống như cơ thể con người mình vậy, hễ trúng chỗ hiểm thì một phát nó cũng rơi, nhưng không trúng thì dù bị thương bấy bá nó vẫn sống nhăn, điều khiển được, nghĩa là nó chưa sao, máy móc vẫn tốt, vậy sao không ráng cứu nó”.
Ông kể tiếp: Bị đạn lần đầu thì mấy lần xuất kích sau tao rút kinh nghiệm riêng cho mình: “Người Việt Nam đánh giặc theo cách của người Việt Nam, đi học ở nước ngoài cũng chỉ để tham khảo thôi. Ở nước ngoài khác, nước mình khác, nước mình đánh theo kiểu du kích, du là chạy, kích là đánh, nghĩa là vừa chạy vừa đánh”. Rồi ông cười ha hả: “Máy bay nó to, hiện đại hơn mình, bay nhanh hơn mình nhiều lần, trang bị toàn súng hiện đại, trong khi MIG-17 của mình chỉ có 3 khẩu pháo với 200 viên đạn, bởi vậy mình phải bay sát nó mới bắn được, mà mình gần nó quá thì nó không bắn được mình. Mình phải lợi dụng cái lợi thế này nên khi vừa thấy nó tao xiết cò là nó rơi ngay. Máy bay mình chỉ bay 1500km/giờ mà nó bay 2800km/giờ. Nó bay cái vèo, tao hít khói nó còn không kịp, nhưng tao buộc nó phải đánh, dù tao đánh 1 chọi 10. Khi bay lên, ra đa chỉ huy dẫn đường cho mình, bay đến mục tiêu, khi phát hiện được mục tiêu rồi thì đó là việc của phi công, tao nhào vô thì nó phải tránh tao. Nó muốn bắn mình thì nó phải quay lại nhưng hỏa tiễn nó phải cách 2 km mới bắn được, còn tao chỉ cần 200 – 300 mét là tao nhả đạn. Bắn trúng đã tay lắm, trúng lưng nghe tiếng bụp bụp nó sướng, giống như mình giựt câu được con cá bự vậy, cứ thấy một thằng nhảy dù ra là bay về được rồi. Chuyện tiếp theo bắt nó là việc của dân quân…
Chuyện phi công Việt Nam Nguyễn Văn Bảy chiến đấu trên không, bắn rơi máy bay Mỹ như một huyền thoại. Lời kể của ông giản dị, mộc mạc vậy thôi mà sao thấm thía, sâu sắc vậy, bởi toát lên qua những lời ông kể là cả một tổng kết lớn về lòng dũng cảm, mưu trí, bình tĩnh làm chủ hoàn cảnh trong những cuộc đọ sức với kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần.
Đúng như ông nói, “đánh phải mưu trí, chớ không phải liều mạng ưỡn ngực ra cho nó đánh là chết không kịp ngáp”. Thấm thía nhất là câu nói này của ông: “Tao nghiệm rồi, trong khi đánh nhau thằng nào sợ chết thì mới chết, còn mình bảo vệ Tổ quốc nên không biết sợ là gì, cứ bay lên là quyết chiến thôi”.
Ông kể, “nhưng tao chỉ bắn được 7 chiếc, năm 1967 được tuyên dương anh hùng thì Bác Hồ không cho tao đi đánh nữa. Bác muốn bảo toàn lực lượng miền Nam và muốn tao phải có mặt trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn”. Rồi đơn vị cho tao đi học ở Liên Xô một năm, khóa học về chỉ huy. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, phi công Nguyễn Văn Bảy khắc ghi trong lòng lời Bác dặn trước lúc lên đường đi học lái máy bay ở Liên Xô ngày ấy.
Bác nói, “chú là người miền Nam phải học giỏi, lái giỏi để khi thống nhất đưa Bác về miền Nam thăm đồng bào”.
Khi Bác mất, ngày 09/9/1969, vào thời điểm thiêng liêng xúc động nhất trong lễ tang Bác Hồ, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện hai biên đội MIG-17 và MIG-21 bay thật thấp qua Quảng trường Ba Đình nghiêng cánh chào vĩnh biệt Bác. Phi đội trưởng của nhóm MIG-17 là anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, vừa bay vừa khóc và nhớ tới lời Bác năm nào. Năm mươi năm Bác đi xa nhưng Bác vẫn mãi mãi sống trong lòng dân, trong trái tim mọi người, trong trái tim các chiến sĩ bộ đội, các tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy./.