Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác tổ chức cán bộ trong bài báo “Nhiều” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

168
Trong bài báo, đoạn nói về có quá nhiều người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh, tuy chỉ có 200 chữ nhưng biểu đạt nhiều thông điệp cần phải thấm nhuần và thực hiện.
– Thông điệp thứ nhất, Người phê phán nghiêm khắc tình trạng “phung phí sức lao động”7. Chúng ta đang khắc phục và xóa bỏ tình trạng này bằng cách xác định thật rõ vị trí việc làm và đặt đúng người vào từng vị trí việc làm đó.
– Thông điệp thứ hai, về cải cách, về đổi mới, Người nhấn mạnh: “Phải chủ động tìm ra và kiên quyết sửa đổi những chỗ không hợp lý trong sản xuất, trong công tác”8.
Người còn đòi hỏi phải “dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân để tiến lên không ngừng, đạt năng suất ngày càng cao”9. Theo Người, “đó là biểu hiện cao nhất của ý thức làm chủ xã hội của giai cấp công nhân”10.
Tinh thần và lời văn từ thông điệp này của Người cho thấy: cần một thái độ nhìn thẳng vào sự thật, từ đó phải kiên quyết sửa đổi. Thái độ phải đi liền với hành động. Phải thay đổi cách nghĩ để thay đổi cách làm. Năm 1947, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Ngay ở phần đầu tác phẩm, Người đã nêu rõ “phê bình và sửa chữa”, tập trung vào sửa chữa ba chứng bệnh mà cán bộ hay mắc phải: bệnh chủ quan trong nhận thức, bệnh hẹp hòi trong việc dùng người và thói ba hoa, nói nhiều làm ít, phù phiếm, khoa trương…11.
Năm 1986, tại Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng, khi khởi xướng đường lối đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh “trước hết, phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế” và tiến hành “đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống”. Trải qua thực tiễn đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong hoạch định cũng như tổ chức thực hiện đường lối, chính sách. Học tập và làm theo tư tưởng – đạo đức – phong cách Hồ Chí Minh là giải pháp chiến lược không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh mà còn trong đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển xã hội và hiện đại hóa đất nước.
Điều quan trọng trong thông điệp của Người là muốn cải cách, đổi mới thành công phải vượt qua rất nhiều lực cản, phải “dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân”… Người từng nói: thói quen rất khó đổi. Có nhiều cái cũ, cái xấu đã tỏ ra lỗi thời nhưng vì đã quá quen, người ta vẫn cho là thường. Có những cái mới, cái tốt tiến bộ nhưng chưa quen người ta vẫn chống lại: “Cái tốt mà lạ người ta có thể cho là xấu, cái xấu mà quen người ta cho là thường”12. Do đó, để cải cách, đổi mới phải vượt qua những cái cũ, những thói quen xấu, vượt qua những sức ỳ có sẵn ở những nếp cũ, thói quen cũ, kiên quyết đổi mới hướng tới những cái mới, tiến bộ.
Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái xấu và cái tốt là hết sức gian nan, phức tạp. Đổi mới mang ý nghĩa cách mạng, trước hết phải cách mạng hóa từ tâm lý, ý thức của mỗi người, phải tự đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy trong mỗi chủ thể (con người và tổ chức), thiết chế bộ máy đến thể chế, chính sách và cơ chế.
Mặt khác, “những sự tính toán cá nhân”, liên quan trực tiếp đến động cơ, đến đạo đức. Những sự tính toán cá nhân đó, Người gọi  là chủ nghĩa cá nhân, làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cho mình trước hết, chỉ muốn mọi người vì mình. Lợi cho mình thì quan tâm, còn hại cho người khác, cho công việc chung của xã hội thì mặc. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “bệnh mẹ”, bệnh gốc, đẻ ra vô số các thứ bệnh con khác, là kẻ thù nguy hiểm nhất, là “giặc nội xâm”, ẩn nấp trong mỗi người, phá từ trong phá ra, làm suy yếu tổ chức, làm hư hỏng cán bộ.
Khi nhấn mạnh, “phải dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ những lực cản nặng nề cả vô hình lẫn hữu hình trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Chỉ có vượt qua những lực cản, san bằng các trở ngại này thì mới dẫn đến động lực thúc đẩy để tiến lên không ngừng.
– Thông điệp thứ ba, mang ý nghĩa quản lý tổ chức và con người, “phải luôn luôn cố gắng sắp xếp để có thêm nhiều người trực tiếp sản xuất. Còn số người không trực tiếp sản xuất thì càng ít càng tốt, nhưng phải thông thạo công việc, đủ sức gánh vác nhiệm vụ”13. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quản lý nhân lực lao động là người lao động trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội phải nhiều, phải bổ sung thêm nhiều và người lao động gián tiếp, phải ít, càng ít càng tốt, do đó phải giảm thiểu xuống mức ít nhất, muốn vậy phải chọn người thông thạo công việc để tinh gọn đi liền với hiệu quả. Điều này đã được Đảng ta xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII. Rất mừng là trong các đề án vị trí việc làm được phê duyệt của các cơ quan, tổ chức thời gian qua cho thấy, số vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ đã giảm đi rất nhiều.
Bộ phận trực tiếp sản xuất tăng, bộ phận gián tiếp sản xuất giảm, đó là hướng đi tất yếu, đổi mới cơ cấu nhân lực trong sản xuất, trong kinh tế, tạo nên tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, sự phồn vinh giàu có của xã hội, tránh lãng phí các nguồn lực mà nguồn lực lớn nhất, quan trọng và quyết định nhất là nguồn lực con người, là sức lao động.
Giảm đi nhiều điều không hợp lý, tăng lên nhiều điều hợp lý trong sản xuất và công tác cũng có ý nghĩa là khuyết điểm thì phải khắc phục và ưu điểm thì phải phát huy. Cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành một ưu điểm lớn, rất có lợi(14). Muốn vậy, phải cố gắng nữa, cố gắng mãi để tiến bộ nữa, tiến bộ mãi. Đó là phương châm và mục đích của cải cách, của đổi mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa trong sự nghiệp đổi mới lâu dài hướng tới phát triển bền vững ở nước ta./.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
– Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên, Hội đồng Lý luận Trung ương
Theo Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước
Tâm Trang (st)