“Nghiện Internet” là một trong những vấn đề đang diễn ra rất phổ biến ở nhiều lứa tuổi tại Việt Nam hiện nay. Nhiều người “nghiện Internet” đã rơi vào tình trạng bế tắc, không kiểm soát được hành vi của mình. Tại Việt Nam, theo điều tra quốc gia về thanh niên do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc tiến hành vào năm 2005 cho thấy 50% thanh thiếu niên ở thành thị và 13% thanh thiếu niên ở nông thôn đã sử dụng Internet. Phần lớn thanh thiếu niên trong nghiên cứu này, 69% trong số đó cho biết họ sử dụng Internet để trò chuyện và 62% cho biết họ sử dụng Internet để chơi trò chơi trực tuyến. Một nghiên cứu khác vào năm 2004 đã xác định Internet là một không gian mới ở Việt Nam, nơi mà thanh thiếu niên có thể trao đổi khá thoải mái . Mới nhất, theo số liệu báo cáo Digital Việt Nam 2020 tính đến tháng 1 năm 2020, có 68.17 triệu người sử dụng Internet chiếm 70% dân số, trong số đó có 65 triệu người dùng các trang mạng xã hội chiếm 67% dân số của cả nước. Trong đó, tổng số người sử dụng các dịch vụ có liên quan tới Internet tại Việt Nam đã chính thức tăng khoảng 6,2 triệu (tăng hơn 10,0% kể từ tháng 01 năm 2019 tính đến năm tháng 01 năm 2020. Cũng theo số liệu từ báo cáo này, trung bình hằng ngày một người ở nước ta dành 6 giờ 30 phút (tức hơn ¼ ngày) để sử dụng/truy cập Internet. Trong đó, khoảng 2 giờ 22 phút cho việc sử dụng các trang mạng xã hội, 2 giờ 09 phút cho việc xem truyền hình, 1 giờ 01 phút cho việc nghe nhạc và các dịch vụ trực tiếp và 1 giờ cho việc chơi điện tử . Điểm đáng chú ý là 70,1% người dùng các trang mạng xã hội ở nước ta có độ tuổi từ 13 đến 34. [kỹ yếu hội thảo khao học nghiện internet ở thanh thiếu niên Việt Nam: Thực trạng và giải pháp]
Vì vậy gia đình, xã hội và những nhân viên Công tác xã hội, bác sĩ tâm lý, những cơ quan có vai trò trách nhiệm chung tay vào cuộc để hỗ trợ nhóm đối thượng này nhằm giúp họ có thể làm chủ được cuộc sống của mình và thúc đẩy xã hội phát triển hơn. đã đến lúc chúng ta cần tập trung quan tâm đến vấn đề này để xây dựng các mô hình can thiệp, trị liệu cho những cá nhân bị “nghiện Internet”. Công tác xã hội cần tìm ra các yếu tố tác động và giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho nhóm đối đượng này cùng chung tay để phát triển xã hội, phát triển đất nước một cách bền vững
Các yếu tố tác động đến tình trạng “nghiện internet”
Những yếu tố tác động đến tình trạng “nghiện Internet” ở thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay có thể nhận diện, bao gồm: Đặc điểm của truyền thông trên mạng Internet; Sự phát triển của các phương tiện truyền thông di động và cơ sở hạ tầng Internet ở Việt Nam; Sự biến đổi của giáo dục gia đìnhvà nhà trường; Thiếu sân chơi trầm trọng các khu vực vui chơi, giải trí lành mạnh đặc biệt là ở khu vực thành thị. Cụ thể:
Sự phát triển của các phương tiện truyền thông di động và cơ sở hạ tầng Internet ở Việt Nam
Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông và cơ sở hạ tầng Internet ở nước ta được biểu hiện trên 3 khía cạnh, cụ thể:) tính đến tháng 1 năm 2020 ở nước ta có tới hơn 145,8 triệu số kết nối mạng dữ liệu di động tại Việt Nam, tương đương với khoảng 150% trên tổng dân số mà Việt Nam đang có. Trong đó, với 53% điện thoại di động có kết nối mạng từ 3G đến 5G, 89% di động kết nối có trả tiền. Điều đó có nghĩa là mỗi người có thể sử dụng nhiều thiết bị di động khác nhau để luân phiên sử dụng Internet vào các mục đích như: giải trí, công việc, học hành,…) Về cơ sở hạ tầng, tốc độ truy cập Internet vẫn tăng trưởng hàng năm. Cụ thể theo báo cáo, tốc độ truy cập Internet trung bình ở điện thoại là 21.56 MBPS (tăng 41% so với năm 2019) và ở máy tính là 43.26 MBPS (tăng 59%) so với năm 2019; Một điểm nhấn nữa thiết bị truyền thống Tivi, đặc biệt với sự ra đời của các dòng Tivi thông minh (Smart Tivi – tivi kết nối trực tiếp Internet) vẫn tỏ ra cực kỳ hiệu quả với mức độ tiếp cận lên tới 97% người trưởng thành. [kỹ yếu hội thảo khoa học nghiện internet ở thanh thiếu niên Việt Nam: Thực trạng và giải pháp] Nhờ đó những nội dung mà tivi đem tới cũng trở nên thú vị, đa dạng hơn và vẫn là “món ăn tin thần” không thể thiếu của giới trẻ
Sự phát triển mang tính đa dạng của các phương tiện truyền thông và sự cải thiện cơ sở hạ tầng cùng với đó là sự gia tăng tốc truy cập Internet đã tạo ra những điều kiện thuận lợi tối đa cho thanh – thiếu niên trong sử dụng, truy cập, khai thác, chia sẻ thông tin trên mạng Internet đặc biệt là các trang mạng xã hội, các ứng dụng Game Online. Sự thuận lợi dễ dàng trong việc sử dụng kết hợp với tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn về nội dung, khả năng cập nhật thông tin liên tục, cùng với tính năng tương tác mạnh mẽ của các ứng dụng trên Internet đã làm cho số đông giới trẻ với đa dạng những nhu cầu trên Internet trở nên lạm dụng, rồi lệ thuộc, dẫn đến “nghiện Internet” là điều khó tránh khỏi như những số liệu và kết quả nghiên cứu ở phần trên đã chỉ ra.
Sự biến đổi của giáo dục gia đình và nhà trường
Nhìn từ bề ngoài, nghiện Internet là vấn đề nằm ở thanh thiếu niên và các đặc điểm của Internet như nội dung đa dạng, mang tính hấp dẫn cập nhật liên tục tính kết nối, tương tác rất cao,… Nhưng qua các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đều có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận thấy mối tương quan chặt chẽ của những khiếm khuyết trong giáo dục gia đình như về thời gian, phương châm giáo dục, phương pháp giáo dục của bố mẹ, ông bà/người thân đối với vấn đề “nghiện mạng Internet” ở con cái trong gia đình.
Đối với giáo dục gia đình, nghiện Internet ở thanh thiếu niên xuất phát từ một số nguyên nhân: Thứ nhất, việc thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của các bậc cha mẹ đối với con cái; cùng với đó về thời gian quan tâm, chăm sóc một bộ phận cha mẹ dành cho con cái dường như bị suy giảm. Việc giao cho con cái những chiếc điện thoại thông minh, Ipad, Tivi thông minh có kết nối Internet để làm những công việc khác nhau là một ví dụ điển hình trong giáo dục gia đình hiện nay; Thứ hai, không ít gia đình vẫn/đang khoán trắng cho xã hội và nhà trường trong việc giáo dục/quản lý con em họ; Thứ ba, nhiều bậc cha mẹ còn thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục con cái một cách khoa học, phần lớn các bậc làm cha, làm mẹ có cách tiếp cận đối với vấn đề sử dụng Internet của con cái thiếu đúng đắn, thiếu tích cực dẫn đến cấm đoán hoặc bỏ mặc các em sử dụng theo sở thích mà không/thiếu kiểm soát. Theo đó, ở Việt Nam phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet – 68%, hoặc học từ bạn bè – 17%, rất ít học từ cha mẹ mình – 2% hoặc nhà trường 11%. [kỹ yếu hội thảo khoa học nghiện internet ở thanh thiếu niên Việt Nam: Thực trạng và giải pháp]
Đối với giáo dục ở các nhà trường việc học tập căng thẳng do chương trình, nội dung nhiều/nặng cùng với đó là thiếu sự hỗ trợ của thầy cô trong học tập; môi trường học đường bất ổn (bất ổn trong môi trường học đường hiện diện thông qua tệ bắt nạt và mâu thuẫn giữa bạn bè đồng trang lứa), đặc biệt là hiện tượng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng số vụ và tính chất nguy hiểm (trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 1600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, riêng năm 2018 đã xảy ra hơn 2000 vụ, tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước; và gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm với bạn bè là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với việc tìm đến Internet ở thanh thiếu niên; Xa gia đình và ở nội trú đối với không ít học sinh trong trường học cũng là tác nhân khiến cho một bộ phận thanh thiếu niên tìm kiếm đến Internet để bù đắp cho những thiếu hụt về tình cảm. [kỹ yếu hội thảo khao học nghiện internet ở thanh thiếu niên Việt Nam: Thực trạng và giải pháp]
Thiếu sân chơi trầm trọng các khu vực vui chơi , giải trí lành mạnh đặc biệt là ở khu vực thành thị
Vui chơi giải trí là nhu cầu không thể thiếu đối với thanh, thiếu niên trong giai đoạn hiện nay, ngoài nhu cầu được học tập trong một môi trường tốt thì nhu cầu được học các bộ môn năng khiếu và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh là điều rất cần thiết, qua đó giúp thanh, thiếu niên phát triển toàn diện về đức – trí – thể – mỹ. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mạnh mẽ đã làm gia tăng mạnh mẽ quá trình đô thị hóa (nhìn một cách bao quát, có thể thấy, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 19,6% với 629 đô thị năm 2009 lên khoảng 36,6% với 802 đô thị năm 2016. Tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã có 819 đô thị (tăng 6 đô thị so với năm 2017); tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 38,4% (tăng 0,9% so với năm 2017) [kỹ yếu hội thảo nghiện internet ở thanh thiếu niên Việt Nam: Thực trạng và giải pháp] từ thành phố lớn cho đến các miền quê đang thu hẹp nhanh chóng không gian vui chơi cho thanh thiếu niên ở cả đô thị và vùng nông thôn. Trong các dịp hè, vấn đề sân chơi, nhất là sân chơi an toàn dành cho giới trẻ là vấn đề xã hội đang ngày càng trở nên bức thiết.
Từ thực tiễn trên đã sinh ra một số hệ lụy tiêu cực tới sự phát triển của thanh thiêu niên như: trong các tháng hè trẻ chủ yếu sử dụng/làm bạn với Smartphone, Ipad, máy tính với các trò game vô bổ, thậm chí độc hại ở trên Internet. Ở các làng quê, chính sự nghèo nàn của các dịch vụ giải trí và không gian vui chơi là những lý do khiến cho vô số các cơ sở kinh doanh điện tử, Internet trở nên đông đúc vào mỗi dịp hè, mà phần lớn các “khách hàng” ở độ tuổi 8 – 15 tuổi. Không ít em đã tập chơi và nghiện các trò chơi mang tính kích động, bạo lực, hoặc có nội dung đồi trụy, dễ làm phát sinh những suy nghĩ tiêu cực, những hành động lệch lạc, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Những nguyên nhân/nguồn gốc của hiện tượng “nghiện Internet” đã được các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà nghiên cứu ở các khoa học khác nhau chỉ ra khá toàn diện đầy đủ. Tuy vậy, những hệ lụy/tác động tiêu cực đó không đơn thuần chỉ mang lại những tác động tiêu cực cho xã hội, nó còn gây ra những tác động tiêu cực khác ảnh hưởng lớn tới sự phát triển toàn diện về nhân cách, phẩm chất, đạo đức và năng lực, sức khỏe, hành vi, tâm lý của thanh thiếu niên – những người chủ tương lai đất nước. Do đó, cốt lõi của vấn đề “nghiện Internet” ở thanh thiếu niên ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi cả xã hội, cả hệ thống chính trị cần nhận diện đúng đắn, đầy đủ các chiều cạnh của những yếu tố/điều kiện xã hội tác động đến hiện tượng này để có các biện pháp giáo dục phù hợp, mang tính khả thi từ gia đình, nhà trường, xã hội nhằm giảm thiểu nó trong tiến trình./.
ThS. Trương Khánh Vọng
Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa