THÀNH CỔ DIÊN KHÁNH

4155

Từ thành phố Nha Trang, đi đường 23/10 đến thị trấn Diên Khánh, rẽ phải vào đường Lý Tự Trọng, đi khoảng 500m là đến cổng Đông của Thành Diên Khánh.

Thành Diên Khánh là tòa thành được xây dựng ở phủ Diên Khánh, còn là cơ quan hành chính của địa phương dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Ngày nay, một phần tòa thành tên gọi cũ vẫn còn nhưng chức năng đã ít nhiều thay đổi.

 

Ngược dòng lịch sử, những dòng người di cư đến miền đất mới thường chọn nơi định cư ở cạnh những dòng sông, con suối để thuận tiện trong sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Người Việt đến vùng đất dinh Thái Khang (sau này là dinh Bình Hòa hay tỉnh Khánh Hòa) chủ yếu định cư ở những vùng đồng bằng do các con sông lớn tạo thành là sông Dinh (Ninh Hòa), sông Cái (Nha Trang, Diên Khánh). Đồng thời với quá trình di dân khẩn hoang, lập làng, các chúa Nguyễn cũng xây dựng các thiết chế về chính trị khá vững vàng, đầy đủ từ dinh, phủ đến thôn, sách cùng đội ngũ quan lại, nha sai quản lý, điều hành các công việc của nhà nước phong kiến. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XVIII trở đi, các chúa Nguyễn và một số quan lại bảo thủ trong các chính sách kinh tế – xã hội và có lối sống hưởng thụ xa hoa. Để đáp ứng nhu cầu, chúng tăng thuế khóa, quan lại tranh nhau vơ vét bóc lột của nhân dân, khiến cho cuộc sống muôn dân đói khổ, cơ cực.

Năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo chống lại ách thống trị của chúa Nguyễn. Chính sách cai trị hà khắc của chúa Nguyễn đã khiến nhân dân Diên Khánh tham gia ủng hộ phong trào Tây Sơn. Từ năm 1773 đến năm 1792, nhân dân Diên Khánh yên ổn làm ăn dưới triều đại Tây Sơn.

Năm 1775, sau khi đánh bại quân của Tống Phúc Hiệp và Nguyễn Khoa Thuyên ở núi Tam Phong (đèo Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh), để tăng cường bảo vệ ở phía Nam và biến đây thành căn cứ quan trọng trong các cuộc tấn công vào Gia Định, quân Tây Sơn đã xây dựng ở Khánh Hòa nhiều đồn trại, thành lũy như: đồi Trại Thủy, khu Thủy Xưởng (Nha Trang), Hoa Châu (Diên Khánh), Du Lâm (Ba Ngòi), pháo đài Ninh Hải, đồn Hòn Khói (Ninh Hòa), Tam Độc, Sơn Tập (Vạn Ninh)…

Năm 1792, vua Quang Trung băng hà, nội bộ nhà Tây Sơn lủng củng, quân Nguyễn Ánh nhân cơ hội này ra sức phản công nhằm lập lại triều đại. Tháng 3 năm Quý Sửu, Nguyễn Ánh đem bộ binh đánh Phan Rí. “Đến tháng 5 thì thuyền của Nguyễn Vương vào cửa bể Nha Trang rồi lên đánh lấy phủ Diên Khánh và phủ Bình Khang”[1]Đến tháng 7, quân Nguyễn Ánh đã chiếm được hai phủ Diên Khánh và Bình Khang. Sau khi xem xét phủ sở Diên Khánh, Nguyễn Ánh thấy đây là một vị trí chiến lược, với vị trí giao thông thuận tiện đường thủy (sông Cái) và đường bộ từ Bắc vào Nam, lại gần cửa biển Nha Trang, nên đã cho xây dựng thành Diên Khánh làm căn cứ quân sự kiên cố để chiến đấu lâu dài với quân Tây Sơn.

Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) đã cho xây Thành Diên Khánh thuộc địa phận hai xã Phú Mỹ và Trường Thạnh, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh, dinh Bình Khang, giao cho Nguyễn Văn Thành trấn thủ. Sau đó, ông cho dời lỵ sở của dinh cũ từ xã Phước Đa, huyện Quảng Phước, phủ Bình Khang về Thành Diên Khánh và đây trở thành trung tâm chính trị, quân sự của dinh Bình Khang.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết về Thành tỉnh Khánh Hòa:
Chu vi 636 trượng 7 thước 4 tấc, cao 7 thước 5 tấc, mở 4 cửa, hào rộng 4 trượng, sâu 6 thước, xây bằng đất ở địa phận hai xã Phú Mỹ và Phúc Thịnh huyện Phúc Điền. Trước kia lỵ sở của dinh ở địa phận xã Đa Phúc huyện Quảng Phúc, sau dời đến chỗ hiện nay, tức là thành Diên Khánh cũ – Xét: Thành Diên Khánh trước là thủ sở Nha Trang, năm Quý Sửu (1793) quân nhà vua tiến đánh Quy Nhơn, lúc trở về, xa giá dừng ở Diên Khánh, xem xét thế đất, sau nhân bảo cũ Hoa Bông đắp thành bằng đất. Thành mở sáu cửa, đều có nhà lầu, bốn góc thành có núi đất, ngoài thành đào hào, ngoài hào có trại; các cửa đều có cầu treo để qua hào, trước sau có núi sông bao bọc, thật là nơi thiên hiểm, nay bỏ bớt hai cửa. Pháo đài và núi đất vẫn còn, phía bắc thành dựa lưng vào sông cái, thường bị nước lũ xói vào nên năm Minh Mệnh thứ 4 đắp đê chắn ngang sông, lại đào cừ để dẫn nước về phía bắc.[2]
Theo Phương Đình dư địa chí: “Năm Quý Sửu vua Thế tổ Cao Hoàng đế lấy lại đất ấy vẫn gọi là Bình Khang doanh (đặt chức thỉ lưu, cai bạ, ký lục) lại đắp thành Diên Khánh ở thú sở Nha Trang, núi sông thật là thiên hiểm, tục gọi là Nha Trang thành”[3]

Tư liệu lịch sử khác còn ghi lại, thành Diên Khánh do Hoàng tử Cảnh trực tiếp trông coi việc xây dựng, nhân lực để đắp thành gồm 3.000 quân Bình Thuận, 100 dân Thuận Thành và trong hơn một tháng thì xong. Thành Diên Khánh là nơi tích trữ lương tiền ở Gia Định, Bình Thuận chở ra để dùng cho quân đội bắc phạt nên nhiều lần bị quân Tây Sơn vào đánh.[4]

* Thành Diên Khánh xưa:
Lúc xây dựng, thành được xây trên khu đất trống, có hình dáng nhô cao như lưng con rùa là linh vật tượng trưng cho sự trường tồn, vững chãi. Phía ngoài là hệ thống hào sâu. Phía trong có hai bậc thang dùng làm đường lên xuống. Các góc Thành được đắp nhô ra ngoài để dễ dàng quan sát hai bên. Bên trong mỗi góc được đắp thành một khoảng đất rộng dùng làm chỗ trú quân. Mỗi góc thành đều đắp một ụ đất cao khoảng 2m để đặt súng đại bác, gọi là pháo đài góc. Đây là đặc điểm nổi bật của kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban. Trên thành được trồng nhiều tre, cây có gai để tăng độ bền của thành và tạo thành một hàng rào phòng ngự theo truyền thống của người Việt. Hệ thống hào bên ngoài thành sâu từ 3m đến 5m, rộng hẹp không đều nhau tùy theo địa hình. Dưới lòng hào thường xuyên có nước và có nhiều chướng ngại vật. Phía ngoài hào có đường hào ngoại. Vào trong thành phải đi qua cầu bắc qua hào nước.

Tường thành chạy uốn khúc theo hình lục giác, dài khoảng 2.694m, xây cao chừng 3,5m. Mặt ngoài Thành được đắp hơi thẳng đứng, mặt trong được đắp thoai thoải, hai bên cổng có các bậc thang dùng làm đường lên xuống.

Mỗi cổng có xây vọng lâu để lính canh nhìn được ra xa. Trong góc đắp các ụ đất cao để đặt súng đại bác phòng thủ, phía ngoài sát chân thành có hào nước bảo vệ, ngoài hào là trại lính, trước mỗi cổng có cầu vòm sắt bắc qua để vào trong.

Theo nội các triều Nguyễn, thành Diên Khánh được xây dựng năm Gia Long thứ 13 (1814) từ Phú Đa đến Phú Mỹ và Phước Thạnh (hoặc Trường Thạnh). Thành mới có hình dạng đa giác không đều (con rùa), với chu vi 2.679,83m, cao 3,39m, hào nước 19,08m. Lần này chỉ có bốn cổng ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) hai cửa Tả, Hữu đã bị lấp chỉ còn lại bốn cửa Đông, Tây, Tiền, Hậu. Hai bên các cổng có xây bậc cấp để lên mặt thành. Phía trên cổng thành có lầu tứ giác, mái uốn cong, lợp ngói âm dương.

* Thành Diên Khánh ngày nay:
Bốn cổng Thành xây giống nhau. Cổng Thành không có hoa văn trang trí cầu kỳ mà chỉ ghi tên từng cổng bằng chữ Hán: Đông môn (門 ), Tây môn (門 西), Tiền môn (門 前), Hậu môn (門 后). Các cổng được xây bằng gạch nung cỡ 4,5cm x 14cm x 28cm, trát vôi vữa, tạo thành một hình khối dài khoảng 15m. Vòm cuốn ở giữa rộng 2,88m, cao 2,44m tạo thành lối đi phía dưới.

Mặt ngoài Thành xây thẳng đứng, mặt trong xây tường gạch cao 1,7m, dài 5m. Đường đi trên bờ thành rộng 5,35m.
Hai bên các cổng xây bậc cấp rộng 3m để đi lên phía trên cổng Thành. Phía trên cổng Thành xây lầu tứ giác với mỗi cạnh 3,30m; bốn cửa ở bốn hướng rộng 1,30m, cao 2,5m; trên cùng là cổ lầu có mái uốn cong lợp ngói âm dương. Cổ lầu cao 4,1m so với nền. Hai bên lầu tứ giác được xây lan can cao 0,85cm.

Nối liền với bốn cổng là hệ thống tường thành đắp bằng đất thoai thoải phía bên trong, hơi thẳng đứng phía bên ngoài. Các đoạn tường thàng bằng đất không còn nối liền mạch như xưa; tổng chiều dài tường thành bằng đất hiện nay dài 1.656m, cao 3m, bề mặt rộng 5m.

Hàng ngày nhân dân vẫn đi qua dưới các cổng Thành, ngoại trừ cổng Hậu nằm phía sau trường Mẫu giáo của thị trấn Diên Khánh.

Bên trong Thành: Thành Diên Khánh tuy cấu trúc xây dựng theo kiểu Vauban được thể hiện rõ ở tường thành với hệ thống pháo đài đường ngoài hào, nhưng cổng thành và các dinh thự xây cất trong Thành vẫn theo đặc điểm kiến trúc truyền thống của phương Đông. Theo một số tư liệu, trước đây có các công trình kiến trúc như: Hoàng cung, dinh Tuần vũ, Án sát, Lãnh binh, kho lương, nhà lao. .. được làm theo quy định của triều đình nhà Nguyễn và xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà cửa của Việt Nam.

Trong khu vực đơn vị Trung đoàn 974 hiện vẫn còn một khẩu pháo thần công nằm trên bệ pháo. Khẩu pháo được đặt trên bãi đất trống phía trước cổng Trung đoàn. Ngoài ra, ở đây còn có một ngôi miếu bị bỏ hoang. Sách “Đồng Khánh Dư địa chí lược”, phần “Từ miếu” của Khánh Hòa có ghi “Trong Thành của tỉnh có Thiên Y từ Thiên Y Thánh Nương”[5]. Hiện nay, ngôi miếu chỉ còn bốn bức tường và phía trên có dòng chữ Hán trong cuốn thư “Thánh Phi Miếu”, Bảo Đại năm thứ 6 (1931). Trong “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn có nhắc đến truyền thuyết về ngôi miếu Ba Cô, nhưng ngày nay ngôi miếu cũng không còn tồn tại. Sau khi khảo sát, tìm hiểu, chúng tôi phát hiện còn một góc tường của ngôi miếu nằm ở phía sau khu vực đóng quân Trung đoàn 974 (thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa) và đã bị cây mọc bao phủ.

Hiện nay, trong Thành là trụ sở các cơ quan của huyện Diên Khánh như: Huyện ủy Diên Khánh, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Diên Khánh, Liên đoàn lao động, … và các trường học: THCS Phan Chu Trinh, Tiểu học thị trấn Diên Khánh, Mầm non Hoa Phượng … cùng một số tổ dân phố của thị trấn Diên Khánh.

* Một số sự kiện lịch sử tiêu biểu diễn ra ở Thành Diên Khánh:
1.Những trận giao chiến giữa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn cuối thế kỷ XVIII;

2.Là trung tâm đầu não của phong trào Cần Vương ở Khánh Hoà do Trịnh Phong chỉ huy (1885-1886);
3.Là nơi giam giữ nhà chí sỹ yêu nước Trần Quý Cáp trong những ngày cuối cuộc đời của ông (1908);
4.Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng, tháng Tám năm 1945 và lễ ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời phủ Diên Khánh;
5.Tháng Giêng năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp truyền đạt chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương và chuyển lời thăm hỏi, khen ngợi của Bác Hồ về tinh thần chiến đấu của đồng bào Nha Trang – Khánh Hòa.

Cùng với sự bào mòn của thời gian, tòa Thành đã bị rêu phong và xói mòn mất nhiều đoạn tường đất, hào thành. Năm 2003, Thành Diên Khánh đã được trùng tu, sơn sửa bốn cổng, gia cố những nơi bị nứt tường giột nước mưa và một số đoạn tường thành. Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hoà tiến hành dự án tu bổ Thành Diên Khánh và khoanh vùng các khu vực bảo vệ nhằm tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Ghi nhận những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Thành cổ Diên Khánh, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa ban hành quyết định số 1288/VH-QĐ xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.

Nguyễn Thị Hồng Tâm

[1] Trần Trọng Kim 1999, Việt Nam sử lược, tr.421.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí (2006), tập 3, quyển XI, tr107.
[3] Nguyễn Văn Siêu 2001. Phương Đình dư địa chí,tr.265.
[4] Phan Khoang 2001. Việt sử xứ Đàng Trong, tr.541.
[5] Hình Phước Liên, Tạp chí Nha Trang (6/2016), số 249, Đồng Khánh Dư địa chí lược (Phần viết về tỉnh Khánh Hòa – kỳ 1), tr74-80.

 

Nguồn: https://ditichkhanhhoa.org.vn/index.php/2018/04/15/thanh-dien-khanh/