TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 6/2022

365

KỶ NIỆM 111 NĂM BÁC HỒ
RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (05/6/1911-05/6/2022):
“Những áng thơ tái hiện lịch sử”

Người đi tìm hình của nước” là tên một bài thơ của Chế Lan Viên in trong tập Ánh sáng và phù sa, xuất bản năm 1960. Bài thơ không ghi năm sáng tác nhưng toàn tập có ghi: 1955-1960. Nghĩa là bài thơ này được viết trong chặng thời gian đó. Đây là chặng thời gian chín trở lại của các nhà thơ lãng mạn xuất hiện trong phong trào Thơ Mới (1932-1945).

Chế Lan Viên là một trong khoảng bốn, năm nhà thơ tiêu biểu có công khai sáng và khẳng định một bước phát triển của nền thơ dân tộc, đưa nền thơ cổ điển nước ta bước sang thời kỳ hiện đại, hòa nhập với thơ ca đương đại thế giới. Cách mạng Tháng Tám, hầu hết các nhà thơ của phong trào Thơ Mới hội tụ dưới cờ mặt trận Việt Minh giành chính quyền và sau đó lên chiến khu, cầm bút, cầm súng kháng chiến chống Pháp.

Đóng góp cách mạng của lớp văn nghệ sĩ ấy rất có ý nghĩa nhưng tạo nên diện mạo văn chương cho cuộc chiến chín năm (1946-1954) lại thuộc về lứa đàn em của họ, những người chưa nổi tiếng trước 1945. Riêng về thơ, đó là Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Cầm, Hữu Loan… Và Chế Lan Viên, trong nghĩ ngợi của tôi, ông là người tiêu biểu nhất trong thế hệ ấy.

Đóng góp và ảnh hưởng của ông trong nền thơ nước ta là thật sự to lớn. Ánh sáng và phù sa là tập thơ cắm mốc cho chặng thành tựu mới và bền chắc của ông. Bài thơ Người đi tìm hình của nước là minh chứng trội nhất về những đổi thay, cả tầm vóc lẫn tài năng của lứa nhà thơ từ thung lũng đau thương lãng mạn sang cánh đồng vui cách mạng.

Ngay đầu đề bài thơ và cũng có thể coi là một câu thơ thứ nhất của bài, đã cho thấy một cách tìm tòi hình tượng của tác giả. Theo tư liệu lịch sử: Năm 1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, 21 tuổi, quê ở Nghệ An, đã đến con tàu biển mang tên Đô đốc Latouche Tréville của một thương gia Pháp, đang đậu ở Bến Nhà Rồng, Sài Gòn, xin việc. Sau một ngày làm việc thử, anh được nhận vào làm phụ bếp. Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành theo con tàu cùng 72 thủy thủ rời đất nước ra đi tại Bến Nhà Rồng.

Từ khi Pháp đánh Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược nước ta năm 1858, các cuộc nổi dậy chống Pháp cứu nước của dân ta đã liên tiếp nổ ra nhưng đều thất bại. Con đường giành lại nước của hệ tư tưởng phong kiến đều không đủ cả thế và lực để đánh thắng thực dân Pháp. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành muốn tìm một hướng đi khác. Anh hướng về các nước phương Tây, nơi có sức sản xuất cao hơn, nơi đã có tư tưởng dân chủ tự do làm tiền đề cho các cuộc cách mạng thể chế của họ.

Cuộc ra đi ấy của Nguyễn Tất Thành, tức anh Ba trên tàu biển Latouche Tréville đã kéo dài ba mươi năm, từ 1911-1941. Bài thơ của Chế Lan Viên bao quát chặng thời gian ấy. Bắt đầu từ cuộc tiễn đưa lặng thầm lưu luyến của dân, của nước trong câu thơ đầu tiên và kết thúc bài với hình ảnh Bác nâng hòn đất quê hương nơi biên giới Cao Bằng khi chân Người vừa chạm tới.

Chúng ta trở lại với đầu đề bài thơ. Chế Lan Viên không bằng lòng với một đề bài chỉ có lượng thông tin, ông muốn có một hình tượng: Đi tìm đường cứu nước đã được biểu hiện bằng hình ảnh đi tìm hình của nước, tìm cái hình hài, cái dạng thức tồn tại của đất nước.

Đất nước lúc đó đang trong vòng nô lệ, dạng thức tồn tại đó phải được thay đổi: Đất nước phải được tồn tại ở dạng thức độc lập, tự do, nhưng cái độc lập tự do ấy nó như thế nào? Làm thế nào để đạt được? Bác Hồ phải đi tìm hình thức tồn tại ấy: Quân chủ hay cộng hòa. Độc lập hay liên hiệp…

Tám câu thơ đầu dựng lại phút ra đi. Bác Hồ không có ai để chia tay khi ấy, Bác chia tay với đất nước, với hình ảnh của làng mạc quê hương. Hai thời điểm xúc động nhất được thơ lưu giữ: Đấy là lúc quay lại nhìn không còn thấy đất liền nữa: Làng xóm khuất, và khi đêm buông xuống, giấc ngủ đầu tiên xa đất nước, làm sao ngủ được, chỉ nằm nghe tiếng sóng vỗ dưới thân tàu, nhưng ngay con sóng ấy cũng không còn là sóng quê hương. Tàu ra với hải phận quốc tế, trời nước bấy giờ không còn dấu vết của Việt Nam. Xa đất nước hẳn rồi. Nghĩ càng thương đất nước. Tình cảm tác giả đối với Bác dồn lại trong câu thơ: Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác.

Năm đoạn tiếp theo, hai mươi câu liên tiếp, có thể coi là lời bình luận về thời thế lúc đó. Tác giả nhìn lại từ chỗ đứng một nhà thơ lãng mạn hồi ấy: Yên tâm với giấc mơ con, cuộc đời con, hạnh phúc nhỏ nhoi tội nghiệp. Tác giả thấy cái “sự nghiệp” khóc cười của mình trong văn chương chỉ như một thứ trò chơi lòng ta thành con rối.

Những phẩm chất anh hùng của quá khứ oanh liệt Lý, Trần, Lê, Tây Sơn… như đã thành rêu phong trong lòng lớp người an phận. Có sự khác biệt về chất giữa người cách mạng và người thi sĩ lãng mạn thời ấy. Người thi sĩ đi tìm hình cho một bài thơ, một quê hương mơ mộng hay một đấng vô hình sương khói nào đấy, đôi lúc đã quên mất hình của nước. Cả hai đều có nỗi lòng với dân với nước nhưng tầm vóc khác nhau.

Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba-lê?… Năm khổ thơ tiếp là những hoạt động và nỗi lòng của Bác những ngày sống ở quê người. Tác giả phải tôn trọng những sự kiện có thực đã được kể trong tập Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (tác giả Trần Dân Tiên).

Cái tài trong bút pháp của Chế Lan Viên là theo sát sự kiện nhưng vẫn giữ được tính khái quát và tính trữ tình. Các câu thơ phóng khoáng, tài hoa và trí tuệ. Mùa đông Ba-lê (Paris). Bác Hồ thường phải nướng một viên gạch để tối ngủ ôm trong lòng cho đỡ lạnh. Chế Lan Viên viết: Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá. Câu thơ thành một biểu tượng hàm chứa ý nghĩa rộng hơn. Tâm trí Bác ngày đêm hướng về Tổ quốc. Ý ấy đã thành hình ảnh đầy sức lay động:

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà. Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?... Dòng suy tưởng tám câu chính là một cách phác họa hình của nước trong tương lai: Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?(…) Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?

Tác giả vẫn bám vào tứ thơ ở đầu bài. Hình nước ở đây còn ở dạng nghi vấn với các dấu hỏi (?) liên tiếp. Đến đoạn dưới, sau khi đã đọc luận cương của Lênin, cái nhìn đó mới ở dạng khẳng định, các câu hỏi biến mất:

Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát/Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân/Những kẻ quê mùa đã thành trí thức/Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng.

Khi Chế Lan Viên viết những câu này (khoảng trước 1960) cuộc sống miền Bắc đã là hiện thực của các câu thơ. Tác giả rất tôn trọng một chi tiết trong ký ức của Bác, đó là lúc bác được tiếp thu đường lối giải phóng dân tộc qua Luận cương của Lênin. Bác đã khóc và đã reo. Dựa vào thực tế nhưng sáng tạo trong diễn đạt tình cảm, Chế Lan Viên đã làm sống lại trạng thái cảm xúc của Bác:

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp. (…) Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.

Bài thơ này là một mẫu mực về phương diện kết cấu, tung và hứng. Ở trên đã đặt ra vấn đề đi tìm hình thì ở đây tác giả để nhân vật trữ tình của mình thấy hình: Hình Đảng lồng trong hình Nước. Nói theo kiểu chính trị: Chủ nghĩa yêu nước đã dẫn Bác tới chủ nghĩa Mác – Lênin và ở thời điểm ấy, chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin với chính đảng của giai cấp công nhân mới bảo đảm cho cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi.

Hai khổ thơ cuối bài, tám câu, có thể coi như phần kết của bài thơ: Bác đã tìm thấy đường và giờ đây Bác lên đường. Bác về nước qua đường Liên Xô, tới Mátxcơva khi Lênin vừa từ trần. Câu thơ nói việc thật nhưng ý nghĩa rộng hơn, có sức khái quát: Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc. Bài thơ mở đầu bằng sự ra đi, kết thúc bằng sự trở về.

          Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.

Câu kết này sử dụng giai thoại khi qua biên giới Cao Bằng, Bác đã nâng lên một hòn đất của quê hương. Tác giả thấy hòn đất ấy như một quả trứng hồng mà trong lòng nó đã thấy cái phôi non trẻ mang hình đất nước ngày mai. Chiếu lên đầu đề bài thơ càng cho thấy sự chặt chẽ trong bút pháp Chế Lan Viên.

                                                              Nguồn: Nhà thơ Vũ Quần Phương

Lời dặn dò trong Di chúc của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng

 

Trong muôn vàn tình thân yêu của Bác Hồ dành cho nhân dân, có một tình yêu lớn dành cho thiếu niên, nhi đồng. Những tình cảm gần gũi thân thương, nồng ấm và những lời dạy mà sinh thời Người dành cho thiếu niên, nhi đồng đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta. 

Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc của mình, Bác đã hai lần nhắc đến nhi đồng, đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta!…”. Đoạn kết thúc, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”

Trong cuộc đời cách mạng của Bác, thiếu niên, nhi đồng là đối tượng được Bác Hồ quan tâm đặc biệt: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan/Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng…” . Trẻ em như búp trên cành là quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là quan niệm của dân tộc ta về thiếu nhi, về việc chăm sóc thiếu nhi. Búp trên cành mơn mởn, tươi non, đẹp đẽ, lá cành xum xuê trong tương lai nhưng dễ bĩ gãy, dễ bị tổn thương nên phải nâng niu. Bác luôn dành tình thương yêu đặc biệt, động viên thế hệ măng non của đất nước, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, bác viết thư gửi các cháu: “Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô… Nhưng nước Việt Nam ta, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Cho nên, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng.“Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.

Trong mùa khai trường đầu tiên của nền giáo dục tự chủ năm 1945, Người đã gửi thư cho học sinh bày tỏ sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng lớn lao vào thế hệ tương lai:“Nước nhà mong chờ ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Từ nhận thức sâu sắc rằng, tương lai của đất nước phụ thuộc vào một trong những nhân tố rất quan trọng – đó là chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Bác từng căn dặn cha mẹ, các cấp, ngành, đoàn thể, các thầy cô giáo: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”, và “giáo dục trẻ em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Và Người cũng ân cần nói với thiếu niên, nhi đồng: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”…

Từ ngày Bác đi xa, lớp trước tiếp lớp sau, lớp này qua lớp khác, các cháu thiếu nhi tiếp tục phấn đấu thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy, noi theo những tấm gương oanh liệt, anh hùng Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, Nguyễn Bá Ngọc…, hàng triệu các cháu trong phong trào nghìn việc tốt đã đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng với niềm tin yêu của Người. 50 năm thực hiện Di huấn của Người, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ Hiến pháp, các Bộ luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc. Đặc biệt, vấn đề về quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 (Điều 14, 15 và hàm chứa trong một số điều khác) và trong tất cả các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 (gồm cả lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2001), Hiến pháp năm 2013 tiếp tục đề cập, quan tâm đến quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, sẽ góp phần xây dựng và phát triển xã hội sau này. Vấn đề trẻ em được thể hiện tại Khoản 1, Điều 37 Hiến pháp như sau: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Tại khoản 2 điều 58 đã quy định: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát huy đầy đủ quyền của trẻ em, với cách tiếp cận mới, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em năm 2016. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Luật Trẻ em là bảo đảm hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên hiệp quốc và các điều ước quốc tế khác có liên quan. Kết luận Hội nghị lần thứ ba của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa XI ngày 14-9-2018 về “Nâng cao vai trò của Đoàn trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2018-2022” nhận định: Hiện nay cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em, trong đó có hơn 12 triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng. Thiếu nhi Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành chăm lo; ngày càng có điều kiện, môi trường sống tốt hơn trong sinh hoạt, học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí và có sự phát triển tốt hơn về thể chất và tinh thần. Đặc biệt là sự rút ngắn về khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước; những tấm gương tích cực trong học tập, rèn luyện, là con ngoan, trò giỏi, có hiếu với ông bà, cha mẹ, hăng hái tham gia nhiều hoạt động xã hội, phù hợp với lứa tuổi của các cháu thiếu niên, nhi đồng trong cả nước; những tấm gương “nghèo vượt khó” của các cháu có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đầy nghị lực và ý chí vươn lên ở vùng sâu, vùng xa, ở những nơi chịu những tổn thất nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra,… Nhận định trên cho thấy, chúng ta đang từng bước thực hiện tốt tư tưởng của Hồ Chí Minh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương, mỗi cấp bộ đoàn, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên hãy dành sự quan tâm, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và yêu thương thiếu niên, nhi đồng thông qua những việc làm thiết thực. Luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “Chăm sóc, giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ..”; “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Trích: Tạp chí xây dựng Đảng

KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 – 11/6/2022)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua lần thứ IV – 12/1966. Ảnh tư liệu.

“Mục đích thi đua ái quốc là:

Diệt giặc đói,

Diệt giặc dốt,

Diệt giặc ngoại xâm.

Cách làm là: dựa vào:

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân, để gây:

Hạnh phúc cho dân.

Vì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:

Làm cho mau,

Làm cho tốt

Làm cho nhiều.

Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện một khẩu hiệu:

Toàn dân kháng chiến,

Toàn diện kháng chiến.

Trong Thi đua ái quốc, chúng ta:

Vừa kháng chiến,

Vừa kiến quốc.

Kết quả đầu tiên của Thi đua ái quốc sẽ là:

Toàn dân đủ ăn đủ mặc,

Toàn dân biết đọc, biết viết,

Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm,

Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.

Thế là chúng ta thực hiện:

Dân tộc độc lập,

Dân quyền tự do,

Dân sinh hạnh phúc.

Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra.

Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin:

Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,

Đồng bào công nông thi đua sản xuất,

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,

Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,

Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.

Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi.

Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.

Hỡi toàn thể đồng bào,

Hỡi toàn thể chiến sỹ,

Tiến lên!

HỒ CHÍ MINH

(Theo: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tập 5, tr. 556-558).

 

THEO DÒNG LỊCH SỬ

          01/6: Kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6/1950 – 01/6/2022)

05/6: Ngày Môi trường thế giới; Kỷ niệm 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2022)

11/6: Kỷ niệm 74 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2022); Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng (11/6/1912 – 11/6/2022)

21/6: Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022)

26/6: Kỷ niệm 35 năm Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6/1987 – 26/6/2022)

28/6: Kỷ niệm 21 năm Ngày gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2022)

 

NHỮNG CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 6/2022

Quy định mới về thành lập, chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 25/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.

Trong đó, Nghị định quy định doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.

Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.

Quy định mới về liên kết đào tạo nghề với nước ngoài

Nghị định 24/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.

Nghị định 24/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài quy định tại Nghị định 15/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019.

Theo đó, về các hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài, Nghị định 24/2022/NĐ-CP quy định: Liên kết đào tạo với nước ngoài được thực hiện theo các chương trình đào tạo sau đây:

a) Chương trình đào tạo do hai bên xây dựng; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài và của Việt Nam;

b) Chương trình đào tạo của nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài;

c) Chương trình đào tạo của nước ngoài chuyển giao; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài và của Việt Nam.

Liên kết đào tạo với nước ngoài được thực hiện toàn phần tại Việt Nam hoặc thực hiện một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài do các bên liên kết đào tạo quyết định.

Mức giảm giá cước dịch vụ bưu chính không vượt quá 50% giá cước gần nhất

Có hiệu lực từ 1/6/2025, Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính.

Trong đó, Nghị định bổ sung Điều 15đ về khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính.

Cụ thể, việc khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.

Mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo theo quy định.

Lãnh sự danh dự thực hiện chức năng lãnh sự không vì mục tiêu lợi nhuận

Nghị định số 26/2022/NĐ-CP  ngày 14/4/2022 về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/6/2022

Về nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự, Nghị định nêu rõ: Cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự chỉ được phép thực hiện các chức năng lãnh sự tại khu vực lãnh sự nhất định tại Việt Nam sau khi được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam./.

Chính sách mới về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp 

Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 9/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 24/6/2022.

Theo quy định, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định nêu trên được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị  định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Sử dụng hoá đơn giấy đến 30/6/2022 

Theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đang sử dụng kể từ 19/10/2020  đến hết ngày 30/6/2022 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014.

Trường hợp từ ngày 19/10/2020 đến ngày 30/6/2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP hoặc Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018, nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo các hình thức nêu trên thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế xây dựng dữ liệu hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn.

Từ 1/6, cấp hộ chiếu phổ thông qua Cổng dịch vụ công 

Từ ngày 1/6/2022, người dân có thể khai cấp hộ chiếu phổ thông (không gắn chíp) qua Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, thanh toán trực tuyến, nhận hộ chiếu qua bưu chính hoặc tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Thực hiện Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) và Quyết định số 10695/QĐ-BCA ngày 25/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an năm 2022, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp hộ chiếu phổ thông (hộ chiếu không gắn chíp điện tử) cho công dân Việt Nam ở mức độ 4.

Theo đó, công dân Việt Nam ở trong nước có căn cước công dân gắn chíp điện tử hoặc căn cước công dân 12 số còn giá trị, có khả năng thanh toán lệ phí trực tuyến qua hệ thống thanh toán điện tử, có thể đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an để đăng ký hồ sơ, thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hộ chiếu qua bưu chính hoặc đến nhận trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi có kết quả.

Về quy trình trình thực hiện, công dân truy cập Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an tại địa chỉ https://dichvucong.bocongan.gov.vn, đăng nhập, điền đầy đủ thông tin đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu X01, địa chỉ email, tải lên ảnh chân dung (để in trên hộ chiếu), lựa chọn hình thức nhận hộ chiếu (qua dịch vụ bưu chính hoặc đến cơ quan xuất nhập cảnh nhận trực tiếp), địa chỉ nhận hộ chiếu, thanh toán lệ phí trực tuyến khi được cán bộ tiếp nhận hồ sơ gửi yêu cầu.

Trường hợp công dân không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ công mức độ 4 hoặc có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp thì áp dụng quy trình đăng ký, tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp hộ chiếu hiện hành.

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh 

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư 01/2022/TT-VPCP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2022.

Theo Thông tư, Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Văn phòng UBND cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương; tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Văn phòng UBND cấp tỉnh là đầu mối Cổng Thông tin điện tử, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; quản lý Công báo và phục vụ các hoạt động chung của UBND cấp tỉnh; giúp Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý công tác quản trị nội bộ của Văn phòng; tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ, dân tộc (đối với địa phương không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc).

Theo: baochinhphu.vn