TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 8/2022

551

KỶ NIỆM 76 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8 THÀNH CÔNG
(19/8/1945-19/8/2022)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Cuộc Cách mạng này có ý nghĩa lịch sử to lớn, sâu sắc đối với dân tộc ta và quốc tế. Năm tháng có thể lùi xa vào chiều sâu lịch sử nhưng những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám đối với công cuộc hội nhập quốc tế hiện nay, vẫn giữ nguyên giá trị, cần được các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững để vận dụng vào thực tiễn một cách thiết thực và hiệu quả cho quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng hiện nay.

Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách phát-xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ðảng ta, mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên đã trở thành đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước.

Trở lại lịch sử chúng ta thấy rõ, từ cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã thi hành chính sách thống trị vô cùng tàn bạo. Chúng chia cắt đất nước ta, xóa tên nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, thẳng tay chém giết những người yêu nước, cướp đoạt ruộng đất, tài nguyên, bóc lột dân ta đến tận xương tủy, thực hiện chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn làm cho nòi giống ta suy nhược.

Khi phát-xít Nhật xâm lược Ðông Dương, thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, dân ta chịu ba tầng áp bức: quân phiệt Nhật, thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói thảm thương.

Kế thừa và nâng lên tầm cao mới truyền thống kiên cường bất khuất chống ngoại xâm của ông cha, nhiều bậc chí sĩ yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp giành độc lập, nhưng đều thất bại vì không có một đường lối cứu nước đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin – lý luận cách mạng tiên tiến của thời đại – đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn và sáng lập ra Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Ðảng, nhân dân ta đã tiến hành các cao trào cách mạng, vượt qua nhiều hy sinh, tổn thất để giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, đem lại cuộc biến đổi xã hội chưa từng có và tạo ra bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc. Không những thế, cuộc Cách mạng Tháng Tám, còn là đòn chí mạng đánh vào một mắt xích yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân đế quốc, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên giành độc lập tự do.

Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm lịch sử quý báu, mãi mãi soi sáng các chặng đường cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay. Có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu sau đây:

          Một là, xây dựng một đảng Mác – Lênin có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ sáng suốt, thường xuyên vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân, có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bài học này giữ vị trí hàng đầu, bởi vì, sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam, được toàn dân tộc tôn vinh là đảng cầm quyền, hơn 70 năm qua, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, trong mọi thời kỳ phát triển của cách mạng nước ta, Đảng luôn luôn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ sáng suốt, vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân, có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội nhập quốc tế hiện nay, là một công cuộc hết sức to lớn, toàn diện, sâu sắc và triệt để, trong khi tình hình kinh tế, chính trị và quân sự trên thế giới, trong khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến cách mạng nước ta. Điều đó, làm cho bài học này càng có giá trị lý luận, thực tiễn hết sức sâu sắc.

Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xác định rõ: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng”1. Các nội dung và biện pháp thực hiện trên từng lĩnh vực về chính trị, tư tưởng, tổ chức,… được Đại hội xác định rất sâu sắc và triệt để, các Hội nghị Trung ương Đảng sau Đại hội đã, đang triển khai thực hiện bài bản, toàn diện và mạnh mẽ trong toàn Đảng. Vấn đề đặt ra lúc này là, các cấp bộ Đảng, từng cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc, tập trung mọi nỗ lực cùng toàn Đảng thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối đã được vạch ra. Bởi vì, xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cấp bộ Đảng và từng cán bộ, đảng viên. Từng cán bộ, đảng viên, từng tế bào của Đảng có vững mạnh, trong sạch, thì toàn Đảng mới trong sạch, vững mạnh, mới có đủ năng lực để lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế đang diễn ra hết sức sôi động.

          Hai là, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phương châm “thêm bạn bớt thù” của Cách mạng Tháng Tám vận dụng cho quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Đây là bài học ông, cha đã thực hiện trong suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, được Đảng và Bác Hồ kế thừa, phát triển, nâng lên tầm cao mới kể từ thời kỳ vận động, tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn khác nhau vận dụng bài học này, có sự uyển chuyển cho phù hợp với tình hình thời cuộc. Nhờ huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và phương châm chỉ đạo chiến lược “dĩ bất biến ứng vạn biến” cách mạng nước ta đã vượt qua thời kỳ “ngàn cân treo sợi tóc”, ra sức chống giặc đói, giặc dốt và thù trong, giặc ngoài ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Sau đó, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, thu non sông về một mối, thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định, nhờ huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chúng ta đã đạt đươc nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, trước bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi hết sức phức tạp, bất lợi cho cách mạng nước ta vào nửa cuối thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI.

Quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, bài học huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và “thêm bạn bớt thù” càng có ý nghĩa sâu sắc. Bởi vì, cùng với hơn 90 triệu người dân ở trong nước, chúng ta có hơn 6 triệu kiều bào đang sinh sống trên khắp thế giới. Huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thì không chỉ vốn và tri thức của trong nước, mà kiều bào ta ở nước ngoài cũng được đầu tư ngày càng to lớn, toàn diện cho sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nhân, trí thức Việt kiều đã về nước đầu tư, hàng năm lượng kiều hối thu về trên chục tỷ USD, nhiều tri thức khoa học, kinh nghiệm tổ chức quản lý kinh tế, xã hội của thế giới được chuyển giao phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đó là những minh chứng về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng, Nhà nước vận dụng sáng tạo, phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta, khởi nguồn từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Về đường lối đối ngoại trong thời gian tới, Đại hội XII của Đảng, chỉ rõ: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,… nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”2. Nghiên cứu Đường lối đối ngoại của Đảng, trong chặng đường tiếp theo của cách mạng nước ta, cho thấy, bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám đã được nâng lên tầm cao mới. Đó là, sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với thu hút các nguồn lực của quốc tế để phát triển đất nước trong tiến trình hội nhập. Triển khai thực hiện thắng lợi chủ trương chỉ đạo chiến lược của Đảng, nhất định đất nước ta sẽ ngày càng phồn thịnh sánh vai với các cường quốc năm châu.

          Ba là, giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Bài học kinh nghiệm này, bắt nguồn từ Phương hướng chiến lược của cách mạng nước ta được xác định trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng,  “Làm cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất để đi tới xã hội cộng sản”. Về thực chất đó là đường lối, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được thực hiện một cách nhất quán, sâu sắc và triệt để từ trong quá trình vận động tiến tới Cách mạng Tháng Tám, đồng thời được vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội nhập quốc tế là quá trình nền kinh tế, xã hội nước ta mở rộng hợp tác, giao lưu với tất cả các quốc gia, các vùng lãnh thổ trên thế giới, mỗi quốc gia có trình độ kinh tế, chế độ chính trị khác nhau. Quá trình hội nhập càng sâu rộng, thì tính phức tạp, khó khăn càng lớn, nhất là trong thời gian gần đây, nước ta vừa ký và cam kết thực hiện các Hiệp định thương mại thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và một số hiệp định thương mại khác. Sự tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế và các vấn đề phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế có tác động hết sức to lớn đối với vấn đề giữa vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì lẽ đó, giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong giai đoạn hiện nay, vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Cần lưu ý rằng, bài học chỉ được vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo khi mọi cấp, mọi ngành, từng cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có nghĩa lịch sử sâu sắc không những đối với mỗi người dân Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn, đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng, Nhà nước và mỗi chúng ta. Các bài học kinh nghiệm cơ bản được rút ra trên đây, có mối quan hệ nhân quả, bài học này là tiền đề, là điều kiện của bài học kia tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Quá trình vận dụng, cần nắm vững nội dung của từng bài học và kết hợp chặt chẽ giữa các bài học, thì hiệu quả đạt được cho công cuộc xây dựng đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế sẽ hết sức to lớn, toàn diện. Nhất định Tổ quốc Việt Nam, thân yêu của chúng ta sẽ ngày càng cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, như lúc sinh thời Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong muốn./.

                                                            Đại tá, PGS. TS. Hoàng Minh Thảo
                                                  Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng

KỶ NIỆM 111 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
(25/8/1911 – 25/8/2022)

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP – người Anh Cả, vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một nhà chiến lược tài ba, nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, một con người tài đức, nhân nghĩa vẹn toàn…vừa vĩnh biệt chúng ta.

Sinh ra nơi vùng quê giàu lòng yêu nước, đồng chí sớm đi theo con đường cách mạng khi mới 14 tuổi, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản ở tuổi 29 và là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam khi tròn 37 tuổi. Đã đảm đương nhiều cương vị: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại biểu quốc hội, …suốt quá trình công tác ấy, Đại tướng luôn luôn một lòng vì Đảng, vì dân, vì cách mạng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ, 1954. (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những chặng đường đấu tranh cách mạng gian lao mà anh dũng, kiên cường của Đảng và nhân dân ta. Nhiều mốc son lịch sử của dân tộc in đậm tên tuổi của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp. Tháng 12- 1944, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; chỉ huy đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần ngay những ngày sau đó. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xem như kiến trúc sư tài ba, một tướng lĩnh huyền thoại “những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy lịch sử”.

 

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội lập tháng 11- 1946. Trong ảnh: Đ.c Võ Nguyên Giáp đứng hàng thứ 2, vị trí thứ 2 từ phải sang.. (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, nhất là chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc. Trước những quyết định của lịch sử, ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức điện, nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện ấy như một lời hịch non sông, tiếp sức mạnh cho toàn quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đại biểu xem Triển lãm 25 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9- 1970. (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Không chỉ là một nhà tài thao lược, trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn, đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có công góp phần xứng đáng vào việc hình thành học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn. Học thuyết kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới. Là một Tổng Tư lệnh “văn võ song toàn”, một người chỉ huy “đức tài trọn vẹn”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà khoa học , nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam, xứng đáng là học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng đã giành trọn niềm tin yêu, kính trọng của toàn Đảng, của nhân dân, toàn quân ta; của bạn bè quốc tế, của nguyên thủ nhiều nước và của cả những người trước đây là đối thủ của Đại tướng trên chiến trường…

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một pho sử vàng, một huyền thoại gắn liền với cuộc kháng chiến giành và bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Ông là nhà lãnh đạo kiệt xuất, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “bậc chí sĩ hiền nhân,thương dân yêu nước”. Với quân đội, ông là người Anh Cả mẫu mực, chân thành, là vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh tài ba, lỗi lạc…Với bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ông là một chiến lược gia quân sự xuất sắc vì những chiến công hiển hách lẫy lừng của ông đã cổ vũ và góp phần cho cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức…Đại tướng là một con người mẫu mực, một nhân cách lớn bởi tầm cao trí tuệ và đạo đức sáng trong, nhân văn; là niềm tự hòa của dân tộc Việt Nam anh hùng, của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân anh hùng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ ở mặt trận chụp lưu niệm, chiến dịch Biên giới, 1950. (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Một người con ưu tú của dân tộc đã nằm xuống, để lại cho Đảng ta, nhân dân ta lòng biết ơn sâu sắc và niềm tiếc thương vô hạn. Đất mẹ yêu thương sẽ dang rộng vòng tay đón Đại tướng về nơi yên nghỉ ngàn thu.

Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Cộng sản kiên trung, mẫu mực, một thiên tài quân sự, chúng ta nguyện sống, học tập, công tác, chiến đấu theo tấm gương sáng ngời của đồng chí mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hằng tự hào, quý mến, tin yêu.

Nguồn: baotanglichsu.vn

THEO DÒNG LỊCH SỬ THÁNG 8

 

CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 8/2022

Cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng

Có hiệu lực từ ngày 15/8/2022, Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ban hành ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Nghị định quy định cơ quan nhà nước công khai trên môi trường mạng các thông tin cho tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công nghệ thông tin, phải bảo đảm cung cấp các thông tin như sau:

Văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý hành chính thuộc thẩm quyền ban hành hoặc được giao chủ trì soạn thảo, trong đó nêu rõ: hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành, số ký hiệu, ngày ban hành, ngày hiệu lực, trích yếu, tệp văn bản cho phép tải về, cung cấp công cụ tìm kiếm văn bản.

Thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất, tích hợp từ cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, sơ đồ tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử chính thức của cán bộ, công chức làm đầu mối liên hệ;…

UBND cấp xã được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn

Có hiệu lực từ ngày 8/8/2022, Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Theo đó, đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung gồm:

1- Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cấp nước sạch.

2- Ủy ban nhân dân cấp xã.

3- Doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước (sau đây gọi là doanh nghiệp có vốn nhà nước) có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về sản xuất, kinh doanh nước sạch.

4- Cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch.

3 hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản

Theo Nghị định số 44/2022/NĐ-CP  ngày 29/6/2022 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản có hiệu lực từ ngày 15/8/2022, việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu nhà ở và thị trường bất động sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và các pháp luật khác có liên quan.

Trong đó, có 3 hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gồm:

1- Qua Cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (http://www.batđongsan.xaydung.gov.vn); cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng.

2- Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu.

3- Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản và bên khai thác, sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký cấp quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gửi phiếu yêu cầu cho cơ quan, đơn vị được giao quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo các hình thức sau: Nộp trực tiếp theo hình thức văn bản cho Bên cung cấp; Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện; Đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Bên cung cấp.

Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu, Bên cung cấp xem xét cấp quyền truy cập quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản hợp lệ; trường hợp từ chối cung cấp quyền khai thác, sử dụng, Bên cung cấp phải trả lời nêu rõ lý do.

Vận chuyển vật liệu để rơi vãi sẽ bị phạt đến 4 triệu đồng

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022,  phạt tiền từ 2- 4 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.

Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số

Có hiệu lực từ 15/8/2022, Thông tư 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ nhà ở gồm: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN chưa có nhà ở, hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương. Nội dung hỗ trợ áp dụng theo quy định tại điểm c khoản 5 Mục III Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có đất sản xuất, có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, thì được chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất.

Xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện, văn hóa cơ sở

Thông tư 02/2022/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.

Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng I được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55.

b) Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng II được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

c) Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng III được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

d) Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng IV được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

* Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.

Cách xếp lương viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 08/2022/TT-BTTTT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin có hiệu lực từ 15/8/2022.

a- Chức danh công nghệ thông tin hạng I, an toàn thông tin hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) có 6 bậc, từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

b- Chức danh công nghệ thông tin hạng II, an toàn thông tin hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

c- Chức danh công nghệ thông tin hạng III, an toàn thông tin hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

d- Chức danh công nghệ thông tin hạng IV, an toàn thông tin hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06. Trường hợp viên chức có trình độ cao đẳng trở lên được tuyển dụng vào vị trí việc làm có yêu cầu chức danh nghề nghiệp hạng IV thì được xếp vào bậc 2; nếu có thời gian tập sự thì trong thời gian tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 2 của chức danh nghề nghiệp hạng IV.

Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc là 300.000 đồng/chứng chỉ

Thông tư 38/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng, lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, được áp dụng từ 8/8/2022.

Theo Thông tư, mức thu lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân được quy định như sau:

Mức thu lệ phí cấp lần đầu, điều chỉnh hạng, chuyển đổi: Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức 1.000.000 đồng/chứng chỉ; chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân 300.000 đồng/chứng chỉ.

Mức thu lệ phí cấp lại, bổ sung nội dung, điều chỉnh, gia hạn chứng chỉ bằng 50% mức thu lệ phí nêu trên.

Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài: 2.000.000 đồng/giấy phép.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới nhà ở

Đây là nội dung tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở thuộc một trong các trường hợp sau:

1- Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền – móng, khung – tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).

2- Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhỏ hơn 8m2.

3- Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.

Giảm lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới

Có hiệu lực từ 1/8/2022, Thông tư số 36/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 199/2016/TT-BTC về thu nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

Cụ thể, lệ phí cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới; Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho xe cơ giới, linh kiện, thiết bị, xe máy chuyên dùng, xe bốn bánh có gắn động cơ, xe đạp điện; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được giảm từ 50.000 đồng/giấy xuống còn 40.000 đồng/giấy.

Riêng Giấy chứng nhận cấp cho xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (không bao gồm xe cứu thương) giảm từ 100.000 đồng/giấy xuống còn 90.000 đồng/giấy.

Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi

Thông tư số 04/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ 1/8/2022. So với hiện hành, Thông tư 04/2022/TT-NHNN đã phân chia quy định lãi suất rút trước hạn tiền gửi trong trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi và rút trước hạn một phần tiền gửi.

Thông tư 04/2022/TT-NHNN nêu rõ, có 4 hình thức tiền gửi rút trước hạn gồm: 1- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn; 2- Tiền gửi có kỳ hạn; 3- Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do TCTD phát hành; 4- Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các TCTD.

Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

Trong trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi. Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

Nguồn: baochinhphu.vn