TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 10/2022

364

KỶ NIỆM 66 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM
(15/10/1956 – 15/10/2022)

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là một tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên Việt Nam. Về danh nghĩa, đây là tổ chức thanh niên lớn nhất tại Việt Nam, quy tụ nhiều tổ chức thanh niên thành viên, bao gồm cả Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang: đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên đóng góp xứng đáng cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam – một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt.

Tháng 02/1950, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội là sự thể hiện khối đoàn kết của toàn thể thanh niên Việt Nam trong mặt trận thanh niên vì mục tiêu kháng chiến thắng lợi.

Từ ngày 08/10 đến ngày 15/10 năm 1956, Đại hội đại biểu thanh niên Việt Nam toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, để mở rộng và củng cố khối đoàn kết thanh niên toàn quốc phát huy mọi lực lượng lớn mạnh của thanh niên cùng toàn dân đấu tranh củng cố hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thực hiện và bảo vệ quyền lợi tương lai của tuổi trẻ góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

Tháng 12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với 400 đại biểu tham dự. Đại hội đã quyết định lấy ngày 15/10/1956 (ngày cuối cùng của Đại hội thành lập Hội LHTN Việt Nam) là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam.

Từ khi thành lập đến nay Hội LHTN Việt Nam đã trải qua 8 kì Đại hội, được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999 và Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005 vì “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động thanh niên tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

 

NHỮNG CỘT MỐC TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM
(15/10/1956 – 15/10/2022)

– Tháng 6-1946: Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời, sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt.

– Tháng 2-1950: Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

– Từ ngày 8 đến 15-10-1956: Triệu tập đại hội để thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam và lấy tên là Hội LHTN Việt Nam.

– Ngày 20-12-1960: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, sau đó, Hội LHTN giải phóng miền Nam được thành lập.

– Tháng 12-1961: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với hơn 400 đại biểu tham dự.

– Từ ngày 20 đến 21-9-1976: Hội LHTN Việt Nam và Hội LHTN giải phóng miền Nam tổ chức hội nghị, thống nhất lấy tên chung là Hội LHTN Việt Nam.

– Ngày 8-12-1994: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III khai mạc tại Hà Nội với 400 đại biểu. Đại hội quyết định lấy ngày 15-10 là ngày truyền thống hằng năm của Hội LHTN Việt Nam.

– Từ ngày 13 đến 15-1-2000: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV được tổ chức tại Hà Nội với 599 đại biểu tham dự.

– Từ ngày 25 đến 27-2-2005: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội với 798 đại biểu tham dự.

– Từ ngày 26 đến 27-4-2010: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội với 995 đại biểu tham dự.

– Từ ngày 27 đến 29-12-2014: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII được tổ chức tại Hà Nội với 800 đại biểu tham dự.

– Từ ngày 10 đến 12-12-2019: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII được tổ chức tại Hà Nội với 996 đại biểu tham dự.

 

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng
(15/10/1930 – 15/10/2022)
23 năm Ngày “Dân vận” của cả nước (15/10/1999 – 15/10/2022)

Các đồng chí vui lòng truy cập đường link để tải toàn bộ đề cương tuyên truyền của Ban Dân vận Trun gương.

http://www.danvan.vn/Uploads/2022/9/18/De%20cuong%2092%20nam%20Dan%20van.pdf

 

VÌ SAO NGÀY 23/10/1961 TRỞ THÀNH NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN?

Ngày 23-10-1962, trong Hội nghị bàn về công tác tổ chức của Bộ Chính trị, Bác nhấn mạnh: “Cán bộ phải có trách nhiệm với dân, với nước; lên xuống không sao, đi đâu cũng được…”  Ngoài ra, ngày 23-10 còn đánh dấu một số sự kiện đặc biệt như ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, ngày thành lập trường Quốc học Huế – cái nôi đào tạo hiền tài…

Một số sự kiện trong nước diễn ra ngày 23-10

Ngày 23-10-1896, trường Quốc học Huế thành lập. Nhiều học trò của trường sau này đã trở thành danh nhân văn hóa, những nhà cách mạng tiền bối, những nhà khoa học lớn, các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của nước ta với những tên tuổi tiêu biểu như: Hồ Chí Minh, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu, Tố Hữu, Tạ Quang Bửu, Hải Triều, Nguyễn Khánh Toàn, Xuân Diệu, Huy Cận… Từ năm 1975 đến nay, trường có nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, trở thành một trong ba trường trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm trường PTTH chất lượng cao.

Cổng trường Quốc học Huế thập niên 1920

Ngày 23-10-1961, trước yêu cầu vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759, sau đó nâng quy mô và đổi tên thành Đoàn 125 (tháng 1-1964). Đơn vị có nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược tới những nơi mà Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới được, vì thế, phải thiết kế, cải hoán những con tàu chuyên dụng thành tàu có hai đáy, đặc biệt là phải tạo dáng giống tàu đánh cá của nước ngoài để tránh sự nghi ngờ của địch.

Đối phương đã thực hiện những kế hoạch phong tỏa quy mô lớn suốt từ vịnh Bắc Bộ cho tới vịnh Thái Lan với một hệ thống tuần tiễu ngoài biển, trên các con sông và kênh rạch nhưng vẫn không thể tìm ra manh mối của một con đường tiếp tế trên biển. Bởi lẽ, một số con tàu của Đoàn tàu không số khi chỉ chớm bị phát hiện, sắp bị vây bắt thì thủy thủy đoàn đã tự đánh đắm và thủ tiêu con tàu.

Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn 125 được tăng cường nhiều thuyền trưởng, thủy thủ, nhân viên kỹ thuật đào tạo cơ bản, hầu hết là đảng viên, đoàn viên, có sức khỏe, khả năng chịu đựng sóng gió, có bản lĩnh cách mạng kiên cường, xử lý khôn khéo, táo bạo các tình huống để giành thắng lợi trong từng chuyến đi. Cùng với tuyến đường vận tải trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn, tuyến vận tải chiến lược trên Biển Đông đã khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Một con tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu

Trong buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự thành công của Đường Hồ Chí Minh trên biển khẳng định tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ; thể hiện khát vọng độc lập dân tộc, ý chí, nghị lực, sự mưu trí sáng tạo, là một kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mà Quân chủng Hải quân, trực tiếp là Đoàn 125 anh hùng xây đắp lên.

Chủ tịch nước cũng đánh giá: Đường Hồ Chí Minh trên biển là công lao, là kỳ tích của cả dân tộc, là nét độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam; đồng thời là biểu tượng cao đẹp của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ, ý chí, nghị lực, quyết tâm giành độc lập tự do cho đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trong tham luận gửi tới Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Đường Hồ Chí Minh trên biển-Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” ngày 19-10-2021, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã đúc kết: Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi toàn quân, trực tiếp là hải quân và các lực lượng tác chiến trên biển cần phải giữ gìn và phát huy truyền thống của Đoàn tàu không số năm xưa.

Phát biểu tại hội thảo, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Trải qua 60 năm nhìn lại, Tàu không số chính là một huyền thoại, có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc giải phóng miền Nam. Nhờ có Tàu không số đem vũ khí vào miền Nam mà quân đội ta trưởng thành nhanh chóng và phát triển thành những đơn vị chủ lực lớn, quyết định thắng lợi cuối cùng”.

Bên cạnh đó, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo cũng nhấn mạnh: Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ chủ trương đúng đắn, kịp thời này, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cán bộ, chiến sĩ Tàu không số đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, thông tuyến và vận chuyển vũ khí đến những địa bàn chiến lược, lập nên kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo dấu chân Người

Ngày 23-10-1921, Nguyễn Ái Quốc dự cuộc biểu tình do Đảng Xã hội và Liên hiệp Công đoàn tổ chức để phản đối việc hành quyết hai nhà hoạt động xã hội bị nhà cầm quyền Mỹ kết án tử hình một cách độc đoán.

Ngày 23-10-1945, tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, mọi thành viên tán thành ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỗi buổi họp nên dành nửa giờ để báo cáo, còn thì bàn những vấn đề to.

Ngày 23-10-1945, Hồ Chủ tịch thăm Nha Công an Bắc bộ. Tại khu giam giữ phạm nhân của Ty Công an quận Nhất, Hà Nội, Bác căn dặn cán bộ: “Nên săn sóc những người bị giam và xét ngay, xét kỹ cho người ta khỏi oan uổng”.

Ngày 23-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời tuyên bố với quốc dân sau khi ở Pháp về. Người đề ra những nhiệm vụ cấp bách trước mắt và kêu gọi toàn dân đồng tâm nhất trí với Chính phủ, ra sức tổ chức, ra sức công tác, tăng cường đoàn kết, mở mang kinh tế, xây dựng nước nhà, thực hành đời sống mới, để “làm cho Chính phủ và nhân dân Pháp trông thấy, làm cho toàn thế giới trông thấy rằng: dân Việt Nam ta đã đủ tư cách độc lập, tự do, không thừa nhận ta tự do độc lập thì không được”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 23-10-1962, trong Hội nghị bàn về công tác tổ chức của Bộ Chính trị, Bác nhấn mạnh: “Cán bộ phải có trách nhiệm với dân, với nước; lên xuống không sao, đi đâu cũng được…”

Ngay từ những ngày đầu sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ, “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Muốn thế thì phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân”. Khi bàn về đạo đức của người cán bộ cách mạng, Người cho rằng, cán bộ chỉ có giác ngộ chính trị chưa đủ, trình độ chuyên môn đơn thuần chưa đủ, có tinh thần trách nhiệm chưa đủ… mà còn phải thấm nhuần, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Người từng viết: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người từng căn dặn “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, để dân tin, dân quý, dân ủng hộ, người đảng viên phải làm trước, đi trước để dân làm theo, đi theo.

Trong sách “Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2007) có một câu chuyện gần dân của Bác. Chuyện là trong chuyến đi công tác tại tỉnh Hà Đông, Bác xuống tát nước cùng nông dân ngay trên bờ ruộng. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng xuống cầm dây gầu nhưng lóng ngóng không sao tát được nước. Bác Hồ nhìn đồng chí cán bộ, không nói gì. Cử chỉ của Bác càng làm người cán bộ nọ thêm bối rối, ân hận. Chỉ riêng một chi tiết này thôi cũng khiến chúng ta phải ngỡ ngàng. Bác xa đất nước hơn 30 năm, lại sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, nhưng công việc nhà nông Bác vẫn rành rẽ. Đó chính là trọng việc gần dân, không xa rời nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Ở Bác vừa toát lên vẻ thanh cao, vĩ đại lại vừa thật ấm áp, gần gũi.

Cũng từ căn cốt sâu xa đó, sau này, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong các cuộc họp của Chính phủ, hay trong các chuyến đi xuống cơ sở đều nhắc nhở cán bộ: Phải phát biểu ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, không giải thích, phân tích lòng vòng.

Là một quốc gia ven biển, Việt Nam luôn phải hứng chịu nhiều thiên tai, địch họa. Cùng với biến đổi khí hậu phức tạp, nhiều năm nay các tỉnh miền Trung, vùng núi nước ta liên tục bị bão, lũ tàn phá, triều cường xói lở bờ biển, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn thường xuyên… Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân cả trước, trong và sau thiên tai. Đợt bão lũ lịch sử tại một số tỉnh miền Trung cuối năm 2020 là một minh chứng rõ ràng.

Sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ, nhất là những tấm gương không quản ngại gian khổ, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhiều cán bộ chủ chốt, xả thân đi vào vùng tâm bão để hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn các công nhân và người dân gặp nạn tại Rào Trăng 3 đã làm xúc động hàng triệu trái tim và tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới. Cùng với sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, những việc làm này đã thiết thực góp phần phòng, chống lũ lụt, bảo vệ các công trình dân sinh, nhất là góp phần hạn chế đáng kể thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với những quyết sách nhằm thực hiện mục tiêu kép là chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế, Trung ương một mặt, điều chỉnh, điều chuyển, bổ nhiệm hàng trăm cán bộ chủ chốt ở các cấp để “tác ứng” tình hình thực tiễn; người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và một số bộ, ngành địa phương trực tiếp thị sát, chỉ đạo các “điểm nóng” dịch bệnh, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân y, lực lượng vũ trang, y tế xung phong tình nguyện vào tâm dịch để hỗ trợ và trực tiếp chữa bệnh cho người dân… Chính phủ đã chi ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ đối tượng người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng có thu nhập thấp… Đặc biệt, với yêu cầu “vì sự an toàn và tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết”, công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 miễn phí cho toàn dân được triển khai với chiến dịch “thần tốc”.

“Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đều đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, phấn đấu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân.

Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 23-10-1958, trang nhất Báo Quân đội nhân dân (QĐND) số 493 đăng tải tin với tiêu đề: “Tư tưởng được giải quyết thì việc gì cũng nhất định vượt qua”. Đây là lời căn dặn của Bác Hồ trong chuyến thăm một sư đoàn miền Nam ngày 19-10-1958.

Trang nhất Báo QĐND số ngày 23-10-1958 (phải) và ngày 23-10-1966

Ngày 23-10-1966, Báo QĐND đưa tin sự kiện Hồ Chủ tịch đến thăm và nói chuyện với Đại hội thi đua “Vì An ninh của Tổ quốc, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” của lực lượng Công an nhân dân.

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam

 

Ý NGHĨA THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM

Ngày 20/10 là ngày đầu tiên trong lịch sử của nước ta một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu.

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…

Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ.

Năm 1927 nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.

Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.

Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.

Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã. Ngày 1/5/1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.

Trải qua nhiều năm dù ở cương vị nào, người phụ nữ luôn luôn thể hiện vai trò tích cực, đảm đang, với tấm lòng nhân hậu đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Hằng năm, hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Việt Nam được chú ý một cách khá đặc biệt. Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… có rất nhiều hoạt động kỷ niệm bằng nhiều hình thức phong phú nhằm vinh danh nữ giới.

 

THEO DÒNG LỊCH SỬ THÁNG 10

– Kỷ niệm 26 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (02/10/1996 – 02/10/2022)

– Kỷ niệm 102 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (04/10/1920 – 04/10/2022)

– Kỷ niệm 61 năm Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (04/10/1961 – 04/10/2022)

– Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2022)

– Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và là Ngày Dân vận cả nước (15/10/1930 – 15/10/2022)

– Kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 – 15/10/2022)

– Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2022)

– Kỷ niệm 61 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2022)

 

CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 10/2022

Quy định mới về thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trên mạng có nội dung làm nhục, vu khống, bịa đặt, sai sự thật

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022. Nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, trường hợp áp dụng biện pháp xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật, gồm:

+ Khi thông tin trên không gian mạng được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật.

+ Khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế – xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin.

+ Các thông tin trên không gian mạng khác có nội dung được quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng theo quy định của pháp luật, gồm:

(c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

  1. e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Từ 1/10, trường hợp nào bị yêu cầu ngừng hoạt động hệ thống thông tin, thu hồi tên miền?

Có hiệu lực từ ngày 1/10/2022, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền.

Theo đó, 2 trường hợp áp dụng gồm:

1- Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng.

2- Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có hiệu lực từ ngày 10/10/2022.

Theo Nghị định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Từ 1/10, Bộ Giao thông vận tải giảm 4 đầu mối

Từ 1/10, cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải tại Nghị định số 56/2022/NĐ-CP giảm 4 đầu mối trực thuộc Bộ so với quy định tại Nghị định số 12/2017/NĐ-CP (từ 27 đầu mối xuống còn 23 đầu mối). Trong đó:

+ Hợp nhất Vụ Khoa học – Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường.

+ Tổ chức lại 3 Vụ: Kết cấu hạ tầng giao thông, Vận tải, An toàn giao thông thành 2 Vụ, theo đó giải thể Vụ An toàn giao thông.

+ Sáp nhập Vụ Đối tác công – tư vào Vụ Kế hoạch – Đầu tư.

+ Tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam.

Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử

Theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực từ ngày 20/10/2022, chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Cơ cấu tổ chức mới của Ủy ban Dân tộc

Theo Nghị định 66/2022/NĐ-CP ban hành ngày 20/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc có hiệu lực từ ngày 1/10/2022, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc gồm: 1- Vụ Kế hoạch – Tài chính; 2- Vụ Tổ chức cán bộ; 3- Vụ Pháp chế; 4- Vụ Hợp tác quốc tế; 5- Vụ Tổng hợp; 6- Vụ Chính sách dân tộc; 7- Vụ Tuyên truyền; 8- Vụ Dân tộc thiểu số; 9- Vụ Công tác dân tộc địa phương; 10- Thanh tra; 11- Văn phòng; 12- Học viện Dân tộc; 13- Trung tâm Chuyển đổi số; 14- Báo Dân tộc và Phát triển; 15- Tạp chí Dân tộc; 16- Nhà khách Dân tộc.

Các đơn vị quy định từ (1) đến (11) nêu trên là các đơn vị giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị quy định từ (12) đến (16) là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hàng hải

Nghị định số 69/2022/NĐ-CP ngày 23/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải có hiệu lực từ ngày 30/10/2022.

Nghị định sửa đổi một số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải gồm: 

– Thủ tục giao tuyến dẫn tàu (Điều 19 Nghị định số 70/2017/NĐ-CP);

– Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển (Điều 10 Nghị định số 37/2017/NĐ-CP);

– Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển (Điều 11 Nghị định số 37/2017/NĐ-CP);…

Xếp lương với các ngạch công chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Từ 6/10/2022, các ngạch công chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ được xếp lương theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BNNPTNT.

Cụ thể, ngạch kiểm lâm viên chính, kiểm ngư viên chính, thuyền viên kiểm ngư chính được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Ngạch kiểm dịch viên chính động vật, kiểm dịch viên chính thực vật, kiểm soát viên chính đê điều được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

Ngạch kiểm dịch viên động vật, kiểm dịch viên thực vật, kiểm soát viên đê điều, kiểm lâm viên, kiểm ngư viên, thuyền viên kiểm ngư được áp dụng hệ số lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Ngạch kỹ thuật viên kiểm dịch động vật, kỹ thuật viên kiểm dịch thực vật, kiểm soát viên trung cấp đê điều, kiểm lâm viên trung cấp, kiểm ngư viên trung cấp, thuyền viên kiểm ngư trung cấp được áp dụng hệ số lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Cách xếp lương viên chức ngành thông tin và truyền thông

Từ ngày 10/10/2022, Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức có hiệu lực sẽ áp dụng cách xếp lương của viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông.

Cụ thể, chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng I, phóng viên hạng I, biên dịch viên hạng I, đạo diễn truyền hình hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.

Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II, biên dịch viên hạng II, đạo diễn truyền hình hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III, biên dịch viên hạng III, đạo diễn truyền hình hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ 

Thông tư số 07/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ có hiệu lực từ ngày 15/10/2022. 

Trong đó, trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên trung cấp:

Viên chức được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên trung cấp, mã số V.01.02.03 có trình độ đào tạo trung cấp được xếp bậc 1, hệ số lương 1,86 (Viên chức loại B).

Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên trung cấp, mã số V.01.02.03 có trình độ đào tạo cao đẳng trở lên được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06 (Viên chức loại B).

Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên:

Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên, mã số V.01.02.02 có trình độ đào tạo đại học được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34 (Viên chức loại A1).

Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên, mã số V.01.02.02 có trình độ đào tạo thạc sỹ được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 (Viên chức loại A1).

Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu tữ viên, mã số V.01.02.02 có trình độ đào tạo tiến sĩ được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 (Viên chức loại A1).

Từ 8/10, điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm ô tô

Có hiệu lực từ ngày 8/10/2022, Thông tư số 55/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016/TT-BTC quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới.

Thông tư 55 quy định biểu giá dịch vụ đăng kiểm xe ô tô các loại được điều chỉnh tăng 10.000 đồng/xe so với hiện nay.

Cụ thể, xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: Mức giá tăng từ 560.000 đồng/xe lên 570.000 đồng/xe.

Máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự; rơ moóc, sơ mi rơ moóc: tăng từ 180.000 đồng/xe lên 190.000 đồng/xe.

Xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: tăng từ 350.000 đồng/xe lên 360.000 đồng/xe…

Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe), mức giá sẽ là 290.000 đồng/xe thay cho mức 280.000 đồng/xe hiện nay.

Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương, mức giá sẽ là 250.000 đồng/xe thay cho mức 240.000 đồng/xe hiện nay.

Từ 1/10, giảm 20-50% một số loại phí kinh doanh vận tải

Theo Thông tư số 59/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí, trong đó, giảm từ 20 – 50% một số loại phí hoạt động kinh doanh vận tải từ ngày 01/10 đến hết ngày 31/12/2022: 

+ Giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; lệ phí ra, vào cảng biển hoạt động hàng hải nội địa.

+ Giảm 20% mức thu đối với 07/10 nội dung thu phí trong 02 khoản phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.

+ Giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.

+ Giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa.

Từ 1/10: Bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô 

Có hiệu lực từ ngày 1/10/2022, Thông tư 11/2022/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ đã bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật sau:

1- Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

2- Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

3- Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.