Suốt đời làm theo lời Bác dạy

81

Gần 80 năm tuổi đời, 59 năm tuổi Đảng, nhưng Tiến sĩ (TS) khoa học lịch sử Bùi Thị Hồng Tiến – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh, Giám đốc Quỹ Khuyến học, khuyến tài Khánh Hòa vẫn nỗ lực làm việc để góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp phục vụ nhân dân. Đó cũng là thực hiện lời dạy của Bác Hồ sau khi bà được vinh dự gặp Người.

Vinh dự gặp Bác Hồ

Gần 64 năm đã qua kể từ ngày được gặp Bác Hồ, nhưng TS Bùi Thị Hồng Tiến vẫn bồi hồi mỗi khi nhắc lại. Ngày 31-12-1958, Bác Hồ đến thăm Trường Chu Văn An (Hà Nội) và xưởng đúc lưỡi cày của trường. Đúng hôm đó, cô học sinh lớp 7/10 Bùi Thị Hảo (tên khai sinh của TS Tiến), cũng là nữ công nhân của xưởng đúc phải nghỉ vì bệnh. Nghe bạn kể lại, cô tiếc lắm, lập tức viết thư gửi Bác: “Thưa Bác, hôm nay Bác đến thăm trường cháu, Bác vào xưởng đúc của cháu mà cháu lại bị ốm không ở xưởng… Lòng cháu cứ nao nao mãi, tiếc mãi…”. Cô báo cáo kết quả học tập và việc tham gia dạy bình dân học vụ, việc đúc lưỡi cày phục vụ sản xuất với Bác, rồi bày tỏ: “… mong Bác gửi cho cháu một chữ ký của Bác”.

 

Hơn cả mong đợi, 10 ngày sau, cô vinh dự được cùng 5 học sinh xuất sắc của Thủ đô đến gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. “Bác ân cần hỏi thăm việc học tập của từng cháu. Đến lượt tôi, nghe tôi thưa xong, Bác rút trong túi ra lá thư và nói: “Thư cháu viết, Bác đã xem rồi”. Tôi bùi ngùi, xúc động vô cùng, vì Người bận trăm công nghìn việc mà vẫn quan tâm đến lá thư của một học sinh. Sau đó, Bác chia kẹo cho chúng tôi. Tất cả đều nâng niu để dành không ăn. Bác đã cho mỗi cháu một chiếc hộp để đựng kẹo mang về. Rồi Bác căn dặn: “Các cháu hãy cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để sau này phục vụ nhân dân”. Tất cả đồng thanh: “Thưa Bác, chúng cháu xin vâng lời Bác dạy”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao quà lưu niệm cho TS Tiến và các cá nhân tại chương trình “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng” năm 2022

 

Ươm mầm những ước mơ

Khắc ghi lời dạy của Người, cô nữ sinh xung phong đi xây dựng đường sắt ở Thái Nguyên khi mới 16  tuổi, rồi tiếp tục đi học, làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Giao thông vận tải Trung ương, sau đó giảng dạy rồi trở thành Hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh). Bà đã cùng ban giám hiệu tích cực đào tạo, bồi dưỡng cho hàng ngàn cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh…

Trước khi nghỉ hưu (năm 2000), TS Tiến tâm niệm phải làm gì đó để tiếp tục cống hiến, phục vụ nhân dân như lời căn dặn của Bác năm nào. Nghĩ là làm, năm 1998, bà tham gia Hội Khuyến học tỉnh với mong muốn góp sức thắp sáng ước mơ cho trẻ em nghèo hiếu học. Hơn 20 năm, dù làm Chủ tịch hay Phó Chủ tịch hội, bà luôn nỗ lực cùng lãnh đạo hội và các ngành xây dựng tổ chức hội phát triển rộng khắp. Từ hơn 10 cán bộ trong ban vận động thành lập hội, đến năm 2013, toàn tỉnh đã có tổ chức khuyến học ở các cấp huyện, xã. Cuối năm 2014, hơn 80% trường học có hội khuyến học; 235 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có ban khuyến học. Bà còn làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý, Giám đốc Quỹ Khuyến học, khuyến tài Khánh Hòa. Trong 10 năm, bà cùng các ủy viên đã vận động hơn 200 doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân ủng hộ quỹ để trao hơn 11.100 suất phần thưởng, học bổng cho học sinh, sinh viên với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Tiến sĩ Tiến trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học năm học 2021-2022

 

Không chỉ vậy, từ khoản phụ cấp công việc và nghiên cứu khoa học, bà còn trao tặng quỹ 225 triệu đồng, trong đó ủy nhiệm hỗ trợ một số trường hợp khó khăn hoàn thành ước mơ học đại học. Nhờ học bổng của quỹ, sự hỗ trợ của bà Tiến và các cán bộ Trung tâm Khoa học về phụ nữ và trẻ em, em Hồ Thị Kim Trâm (huyện Vạn Ninh) đã khắc phục được cảnh vừa học vừa làm chăm mẹ bệnh, tốt nghiệp kỹ sư ngành chế biến Trường Đại học Nha Trang loại giỏi, giúp mẹ nuôi em ăn học. Cũng từ suất học bổng này, 8 năm trước, cậu bé chăn bò thuê Nguyễn Tự Cường (huyện Diên Khánh) đã vơi đi nỗi lo cơm áo, an tâm học 6 năm Trường Đại học Y Dược Huế. Hiện nay, bác sĩ Cường tiếp tục học thạc sĩ và bác sĩ nội trú; khám bệnh miễn phí cho người nghèo vào cuối tuần. Anh mơ ước sau này mở được phòng khám từ thiện ở quê nhà để giúp người nghèo bằng chính nghề nghiệp của mình, như bà Tiến từng hỗ trợ anh.

Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Tiến động viên bác sĩ Cường nỗ lực học tập

 

Làm khoa học vì nhân dân

Với tâm niệm “làm khoa học vì nhân dân”, TS Tiến đã sáng lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học về phụ nữ và trẻ em (nay là Trung tâm Khoa học về phụ nữ và trẻ em). Bà Trịnh Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục tỉnh, thành viên Trung tâm Khoa học về phụ nữ và trẻ em vẫn nhớ, khi xưa, bà Tiến cùng các thành viên trung tâm lặn lội đến những xã nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa phát phiếu, tìm hiểu đời sống phụ nữ nghèo; vào từng túp lều của các bà mẹ có con mưu sinh trên bãi rác để có những tư liệu khoa học chân thực nhất, từ đó tìm giải pháp giúp họ thoát nghèo. “TS Tiến luôn nhiệt huyết với khoa học”, bà Châu nói.

Sau khi về hưu, TS Tiến đã làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, được nghiệm thu loại khá và xuất sắc, được ứng dụng vào thực tế. Bà cũng có 5 bản nhận xét tham gia phản biện nhiều chương trình, dự án của tỉnh; 11 báo cáo tại các hội thảo khoa học; 2 bài viết trên Diễn đàn Trí thức; 12 bài viết trong các bản tin khoa học…, góp phần xây dựng Đảng và phát triển cộng đồng. Với tư cách Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế – xã hội UBMTTQ Việt Nam tỉnh, bà còn chuẩn bị kế hoạch, nội dung để hội đồng tham mưu tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm về phát triển kinh tế – xã hội tỉnh. Sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 09, Tỉnh ủy có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09, bà đã đề xuất tổ chức hội thảo khoa học về các giải pháp xây dựng, phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; chuẩn bị nội dung hội nghị hiến kế giải pháp phát triển nghề nuôi biển công nghệ cao thân thiện với môi trường ở vùng biển tỉnh…

Vừa qua, bà phải điều trị bệnh gần 1 tháng, nhưng vừa đỡ bệnh, bà lại tiếp tục làm việc. Bà hồn hậu nói: “Được làm việc, cống hiến cho cộng đồng, tôi rất vui, rất hạnh phúc, mà khi hạnh phúc thì người cũng khỏe ra”. Hạnh phúc ở tuổi 79 của TS Tiến chính là được làm việc khi còn sức khỏe để góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp phục vụ nhân dân.