Lúc 10 giờ 10 phút, sáng 14/12, giá vàng đã tăng gần 300.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước.
Giá vàng SJC giao dịch ở mức 36,33 – 36,40 triệu đồng/lượng, tăng gần 300.000 đồng/lượng so với cuối chiều 13/12 (chốt phiên giao dịch này, giá vàng SJC giao dịch ở mức 36,02 – 36,12 triệu đồng/lượng).
Giá vàng SBJ tại Sacombank giao dịch tại 36,30 – 36,40 triệu đồng/lượng.
Giá vàng rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết tại 36,35 – 36,45 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường New York, giá vàng đóng cửa phiên đêm qua là 1395/1396.
Giá vàng giao tháng 2/2011 tăng 13,10USD/oz tương đương 1% lên mức 1.398USD/ounce.
Giá vàng tăng nhanh trong những giờ giao dịch đầu phiên thị trường châu Á, tuy nhiên hướng tăng vẫn chưa thể phá vỡ vùng cản tâm lý 1.400 USD.
Lúc 10 giờ sáng 14/12, giá vàng giao dịch tại thị trường châu Á ở vùng 1.405 USD/oz với các tín hiệu đi lên vẫn rất khả quan.
Xu hướng tăng được kỳ vọng sẽ đẩy giá tăng lên vùng 1.409 USD/oz sau khi phá vỡ vùng 1.400 USD/oz. Mức giá hiện tại cũng đang nằm bên trên điểm pivot 1,391.03.
Tối nay, phiên họp của FED sẽ được diễn ra, dự đoán FED sẽ khẳng định lại chính sách nới lỏng tiền tệ của mình và bày tỏ quan điểm đối với các báo cáo kinh tế gần đây.
Hơn nữa, diễn biến thị trường vàng và tiền tệ thế giới cũng đang chờ đợi những động thái mới nhất của Trung Quốc. Các quan chức nước này quyết định sẽ không tăng lãi suất ngay lập tức sau khi báo cáo chính phủ cuối tuần trước cho thấy áp lực lạm phát đang gia tăng mạnh mẽ. Thay vào đó, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng nâng dự trữ bắt buộc lần thứ 6 trong năm nay và là lần thứ 3 trong vòng 5 tuần, đồng thời cam kết áp dụng chính sách kinh tế thận trọng nhằm kiềm chế lạm phát.
Có thể thấy, nỗi lo về khả năng Trung Quốc tiếp tục thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu hàng hóa thô trong nước. Đây có thể sẽ là nguyên nhân đi xuống trong ngắn hạn của toàn bộ thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, song song với thời điểm đó thì áp lực lạm phát tăng mạnh tại Trung Quốc lại sẽ hỗ trợ cho đà tăng cho thị trường hàng hóa, trong đó có cả vàng.
Tại thị trường châu Âu, nỗi lo về khủng hoảng nợ vẫn chưa thể chấm dứt. Mới đây, chuyên gia Scott Minerd thuộc Guggenheim cho biết Tây Ban Nha có thể sẽ trở thành một “Lehman của Châu Âu”. “Tôi cho rằng vẫn tồn tại nhiều dấu hiệu cho thấy cánh cửa khủng hoảng nợ đang hé mở và những gì mà thị trường phản ứng lại đang cho thấy chúng ta đang sống trong khủng hoảng châu Âu”.
Theo ông, chúng ta nên bán đồng euro và tăng cường mua vàng với tư cách là hầm trú ẩn an toàn.
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị triển vọng đầu tư năm 2011 của Reuters tuần này, chuyên gia đầu tư vàng Jim Rogers cho biết nắm giữ vàng vẫn là lựa chọn đầu tư khôn ngoan nhất cho dù nền kinh tế có suy thoái hay phục hồi. Theo ông, sự khan hiếm nguồn cung và ngân hàng Trung ương liên tục in tiền sẽ khiến kim loại quý trở thành một tài sản sáng giá.
“Bất kể khi nào các chính phủ in tiền, điều này đều có tác động tích cực đối với các tài sản có giá trị thật như vàng và bạc. Tới thời điểm sốt nhất, giá vàng có thể tăng lên trên 2.000USD/oz”./.