15 công ty bị ghét nhất ở Mỹ

100

American Airlines, Nokia hay Toyota đều nằm trong số những công ty bị ghét nhất nước Mỹ năm 2010, theo bình chọn của 24/7 Wall St.

Danh sách 15 công ty bị ghét nhất nước Mỹ năm 2010 được đưa ra dựa trên 6 tiêu chí: ý kiến của nhân viên, lượng cổ đông so với các hãng khác trong cũng lĩnh vực, sự thay đổi giá trị thương hiệu, lượng phản hồi tiêu cực trên các kênh truyền thông, đánh giá của người tiêu dùng và nhà chức trách, chỉ số hài lòng của người tiêu dùng. Các tiêu chí này đều được 24/7 Wall St. tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau.

Dưới đây là danh sách 15 công ty bị ghét nhất nước Mỹ năm 2010.

1. American Airlines

American Airlines
American Airlines năm 2010 không được nhiều thiện cảm.

American Airlines nằm trong danh sách này do bị đánh giá là có chất lượng dịch vụ khách hàng kém và thường xuyên cất cánh không đúng giờ. Năm ngoái, cổ phiếu của American Airlines cũng kém khởi sắc so với các hãng khác. Theo hãng nghiên cứu Glassdoor, chỉ 36% số nhân viên được hỏi là ủng hộ Giám đốc điều hành Gerard Arpey. Năm 2010, theo Chỉ số hài lòng của người tiêu dùng Mỹ do Đại học Michigan thực hiện, hãng này chỉ nhận được 63 điểm, trở thành doanh nghiệp kém thứ 9 trong số 181 công ty được đánh giá. Cũng trong năm đó, theo khảo sát của Travel and Leisure đối với các hãng hàng không về việc đúng lịch trình cất cánh, American Airlines là hãng vận tải tồi nhất.

2. Nokia

Tuy Nokia là hãng di động lớn nhất thế giới nhưng danh tiếng về chất lượng smartphone của họ lại không hay một chút nào. Trong đánh giá về điện thoại di động và smartphone năm 2010 của JD Power, hãng đã nhận được số điểm thấp nhất. Đánh giá này dựa trên tiêu chí sự hài lòng của khách hàng về thiết kế, mức độ dễ dàng sử dụng và hài lòng về tổng thể. Hãng sản xuất smartphone duy nhất có số điểm thấp hơn là Palm. Theo một nghiên cứu mới đây của Brandwatch, Nokia có lượng phản hồi tiêu cực lớn thứ ba trên Twitter. Đánh giá hàng năm của BrandZ cho thấy thương hiệu Nokia đã mất 58% giá trị trong năm vừa qua. Đồng thời, cổ phiếu của họ cũng mất giá 20%.

3. Toyota

Toyota bị mất điểm vì vụ triệu hồi xe.
Toyota bị mất điểm vì vụ triệu hồi xe tại Mỹ.

Tại Mỹ, Toyota đã có uy tín tới 30 năm, vượt xa bất kỳ đối thủ nào. Thế nhưng, những vụ tai nạn liên quan đến lỗi kỹ thuật, các vụ kiện tụng cùng đợt triệu hồi 8,8 triệu xe đã khiến danh tiếng của nhà sản xuất xe hơi này bị tổn hại. Do đó, thị phần của Toyota tại thị trường Mỹ từ 18% năm 2009 đã giảm xuống còn 15,5% năm 2010. Theo khảo sát của JD Power, Toyota có số điểm thấp nhất về mức độ thoải mái, phong cách, thiết kế và về tổng thể xe.

4. Best Buy

Best Buy
Best Buy

Cả hệ thống cửa hàng và trang thương mại điện tử của Best Buy đều có số điểm rất thấp trong một vài khảo sát. Theo đánh giá của Consumer Report, chuỗi đại lý của hãng bị liệt ở mức kém thứ ba, còn BestBuy.com thì được xem là cửa hàng trực tuyến tồi nhất. Hãng cũng không đạt được doanh thu như mong muốn. Năm ngoái, cổ phiếu của Best Buy đã rớt giá hơn 10%, thấp hơn tất cả các hãng kinh doanh trong cùng lĩnh vực.

5. Charter Communications

Charter Communications có số điểm thấp nhất trong số các công ty được xếp hạng trong năm 2010. Họ chỉ đạt 60/100 điểm về mức độ hài lòng của khách hàng. Từ lâu, công ty đã nhận được nhiều lời phàn nàn từ khách hàng do thanh toán nhầm lẫn và dịch vụ khách hàng kém. Charter cũng nhận được thái độ không mấy thiện cảm từ phía các nhà đầu tư. Hãng đã tuyên bố phá sản vào cuối năm 2009, cổ phiếu cũng hoàn toàn mất giá.

6. Citigroup

Citibank sa sút do khủng hoảng tài chính.
Citibank sa sút do khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Citigroup đã rơi xuống cuối nhiều bảng xếp hạng về mức độ hài lòng của khách hàng. Nguyên nhân là các vụ kiện do phân biệt đối xử với nhân viên, trong đó có vụ buộc tội ngân hàng này lấy cớ tình hình suy thoái để sa thải nhân viên nữ. Lượng tiền cứu trợ tài chính không nhỏ cũng khiến hình ảnh của Citigroup bị xấu đi, đó là số tiền cứu trợ lớn hơn bất kỳ ngân hàng nào nhận được.

7. AT&T

AT&T nhận phải nhiều phản ứng tiêu cực do dịch vụ 3G yếu kém. Consumer Reports gần đây cho biết AT&T là nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động tồi nhất nước Mỹ đối với hầu hết các loại hình dịch vụ của mình. Theo khảo sát của ChangeWave Research trên 4.000 người tiêu dùng, hãng này cũng có số điểm thấp nhất trong số các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ di động.

8. Bank of America

Bank of America
Bank of America

Bank of America có hàng loạt lý do để nằm trong số những doanh nghiệp bị ghét nhất nước Mỹ. Khảo sát của Zogby/MSN về mức độ hài lòng của khách hàng đã đưa ngân hàng này vào vị trí đội sổ bảng xếp hạng. Nhiều khách hàng phàn nàn về chi phí cao, dù đây là một phản ứng thường thấy đối với các hãng kinh doanh dịch vụ tài chính. Một trong những nguyên nhân khiến công chúng có thái độ tiêu cực với hãng là do số tiền cứu trợ tài chính nhận được. Ngoài ra, Bank of America còn có những hành động vi phạm trong kinh doanh. Cổ phiếu của họ đã mất giá đáng kể so với các đối thủ, khiến cho các nhà đầu tư phải nản lòng.

9. Dell

Chuỗi cửa hàng điện tử của Dell cũng góp mặt trong danh sách này. Niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm máy tính xách tay của hãng suy giảm do sản phẩm phải thường xuyên sửa chữa và một số vấn đề nghiêm trọng khác. Dell vấp phải nhiều phản ứng không mấy tích cực do che đậy báo cáo tài chính sai lệch và vi phạm luật kinh doanh. Theo New York Times, gần đây, Dell đã bán ra không ít máy tính lỗi cho dù nhiều nhân viên của hãng biết điều này. Năm qua cũng là một năm kém hiệu quả đối với cổ phiếu của Dell.

10. Dish Network

Dish Network được đánh giá thấp chưa từng có. Theo khảo sát của MSN/Zogby, 31,2% khách hàng của Dish Network tỏ ra không hài lòng với hãng. Nghiên cứu của Glassdoor cho thấy hình ảnh của công ty đã trở nên rất xấu trong mắt nhân viên. Giám đốc điều hành Charlie Ergen chỉ nhận được được 22% ủng hộ trong số nhân viên được hỏi. Cổ phiếu của họ cũng mất giá.

11. Johnson & Johnson

Johnson & Johnson
Johnson & Johnson

Uy tín của Johnson & Johnson bị ảnh hưởng do việc thu hồi nhiều sản phẩm như Tylenol, Motrin và Rolaids. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết J&J đã tỏ ra chậm trễ khi đưa ra các quyết định thu hồi và thông báo đến công chúng. Một vài nhà máy của hãng đã bị kiểm tra về hoạt động sản xuất, đặc biệt là tại Puerto Rico. Giới phân tích của phố Wall cho rằng nhà máy đó có thể bị đóng cửa. J&J nhận phải nhiều nhận xét không mấy tốt đẹp, cổ phiếu của họ cũng kém khả quan trong năm qua.

12. McDonald’s

Trong khi thị trường ngày càng đòi hỏi những sản phẩm có chất lượng cao thì sản phẩm của McDonald’s lại điển hình cho thực phẩm có hại đối với sức khỏe. Do vậy, McDonald’s là một trong những doanh nghiệp bị chỉ trích dữ dội nhất. Trong số 181 doanh nghiệp được xếp hạng, McDonald’s có chỉ số hài lòng của khách hàng thấp nhất với 10%. Phản ứng tiêu cực đối với McDonald’s đã tăng vọt do phản đối từ cơ quan y tế và bảo vệ người tiêu dùng. Hãng này cũng bị buộc tội dùng đồ chơi miễn phí để thu hút trẻ em đến với các sản phẩm đồ ăn nhanh của mình. Tuy nhiên, bệnh béo phì và các bệnh khác liên quan đến thực phẩm có lượng calo và chất béo cao sẽ dần làm thay đổi thái độ của người tiêu dùng, nhất là khi có một loại thuế đặc biệt được áp lên loại thực phẩm này. Song, có vẻ như công việc kinh doanh của hãng vẫn không hề hấn gì. Năm qua, cổ phiếu của McDonald’s vẫn tăng gần 25%.

13. United Airlines

United Airlines
United Airlines

United Airlines chỉ nhận được số điểm 60 trong chỉ số hài lòng của khách hàng Mỹ. Đây là số điểm thấp nhất trong danh sách, bằng với Charter Communications. Chỉ số hài lòng của nhân viên chỉ là 2,1 trên thang điểm 5, đây là số điểm thấp nhất trong danh sách. Sau vụ liên minh với Continential, trước khi thôi chức hồi tháng 10/2010, cựu Giám đốc điều hành Glenn Tilton chỉ có tỷ lệ ủng hộ là 11%.

14. Bristish Petroleum

BP chật vật mới gột rửa tai tiếng sau sự cố tràn dầu.
BP chật vật mới gột rửa tai tiếng sau sự cố tràn dầu.

Bristish Petroleum là hãng điển hình nhất trong danh sách những công ty bị ghét nhất nước Mỹ. Sự cố tràn dầu vịnh Mexico sẽ mãi được ghi nhớ như một trong những thảm họa môi trường nhân tạo tồi tệ nhất trong lịch sử. Nghiên cứu cho thấy công ty nhận phải phản hồi tiêu cực nhiều hơn hầu hết các hãng khác. Hành động của cựu Giám đốc điều hành Tony Hayward sau vụ việc càng làm cho BP phải mang thêm tiếng xấu. Cổ phiếu của BP đã rớt giá hơn 20% trong năm qua.

15. DirecTV

DirecTV chỉ đạt 68 điểm về mức độ hài lòng của khách hàng, giảm 4,2% so với năm trước đó. Hãng truyền hình vệ tinh này nhận được nhiều lời phàn nàn bởi nhiều lý do. Hãng đã tự ý gia hạn hợp đồng với khách hàng lên 24 tháng khi lắp đặt thiết bị mới. Ngoài ra, khách hàng còn thường nhận được những khoản phí bất ngờ như phí hủy chương trình là 480 USD. Đã có rất nhiều ý kiến tỏ ra không hài lòng về hoạt động bán hàng qua điện thoại của hãng. Gần đây, DirecTV đã phải giải quyết vụ việc lừa dối người tiêu dùng về giá cả và chính sách ở tất cả 50 bang.

Theo Vnexpress