Ngày 24-2, sau một thời gian giữ giá, Bộ Tài chính đã có thông báo cho phép tăng giá xăng dầu, mức tăng từ 2.110-3.550 đồng/lít và yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối dừng sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Từ 10g sáng qua, nhiều cây xăng trong tỉnh Đắk Lắk đã mở cửa bán lại. Trong ảnh: nông dân ở huyện Cư M’Gar đã mua được dầu để tưới cà phê – Ảnh: Thái Bá Dũng |
Giá xăng dầu mới áp dụng từ 10g sáng 24-2: (đơn vị: đồng/lít)
Loại |
Giá cũ |
Giá mới |
Tăng |
Xăng RON 92 |
16.400 |
19.300 |
2.900 |
Diesel 0,05S |
14.750 |
18.300 |
3.550 |
Dầu hỏa |
15.100 |
18.200 |
3.100 |
Dầu mazut |
12.690 |
14.800 |
2.110 (đồng/kg) |
Bộ Tài chính đã có văn bản giải thích về việc điều hành giá xăng dầu và giá điện.
Vẫn thấp hơn các nước
Giải thích về việc cho giá xăng, đặc biệt là dầu diesel, tăng mạnh lần này, Bộ Tài chính nêu lý do giá xăng dầu thế giới năm 2010 đã tăng 28,7% nhưng giá xăng dầu trong nước cơ bản ổn định. Nhà nước đã giảm thuế 10.089 tỉ đồng, quỹ bình ổn chi 6.396 tỉ đồng. Do giá xăng dầu thị trường thế giới tiếp tục dao động ở mức cao trong khi các giải pháp tài chính đã được sử dụng hết và tiềm lực không còn, vì thế phải điều chỉnh mức như trên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định mức trên chưa phải là quá cao vì nếu tính đủ chi phí, tính đủ thuế và không sử dụng quỹ bình ổn thì phải điều chỉnh giá hiện hành tăng thêm đối với xăng: 6.493 đồng/lít, diesel: 6.260 đồng/lít, dầu hỏa: 6.692 đồng/lít, mazut: 4.334 đồng/kg.
Với mức tăng giá xăng thêm 2.900 đồng/lít, Bộ Tài chính khẳng định thực tế chỉ bằng 44,66% mức đáng lẽ phải điều chỉnh nếu Nhà nước thu đủ các yếu tố trong quy định cơ cấu giá cơ sở. Diesel tăng 3.550 đồng/lít cũng mới bằng 56,71%, dầu hỏa bằng 46,32%, dầu mazut bằng 48,70% mức đáng lẽ phải điều chỉnh. Với mức điều chỉnh mới, giá xăng trong nước vẫn thấp hơn giá xăng của Lào khoảng 5.100 đồng/lít và của Campuchia khoảng 4.200 đồng/lít, của Trung Quốc khoảng 3.200 đồng/lít.
Định hướng điều hành giá xăng dầu sắp tới cũng đã được Bộ Tài chính nêu rất rõ: “Từ quý 2-2011 trở đi nếu giá thế giới tăng sẽ tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm sẽ khôi phục mức thuế nhập khẩu, sau đó mới thực hiện giảm giá bán”.
Bỏ bao cấp điện vì quá tràn lan
Phân tích cụ thể về quyết định giá điện, Bộ Tài chính cho biết đúng ra ngành điện còn khoản chi phí gần 28.000 tỉ đồng phải tính vào giá thành để quy ra giá bán. Cụ thể, nếu tính đủ các chi phí cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN), theo ông Nguyễn Tiến Thỏa – cục trưởng Cục Quản lý giá, giá điện năm 2011 sẽ phải tăng tới 62%. Do không thể cho tăng theo mức này nên các chi phí trên sẽ phải khoanh lại, tính vào các năm sau. Đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết với các phát sinh thực tế khác chưa tính trong đợt điều chỉnh giá điện ngày 1-3, có thể sẽ được đưa vào kỳ điều chỉnh giá điện tiếp theo ngay trong năm 2011 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế điều chỉnh giá điện tự động. Như vậy có nghĩa giá điện còn có thể tăng lần nữa trong năm 2011.
Giải thích về việc buộc phải tăng giá điện, Bộ Tài chính cho biết nếu năm 2011 không điều chỉnh giá điện thì ngành điện sẽ lỗ thêm 29.500 tỉ đồng, tổng số các năm sẽ là 57.417 tỉ đồng – như vậy là gần bằng tổng số nợ mà Vinashin đang gánh.
Về việc bỏ trợ giá 50kWh đầu tiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức Bộ Công thương công nhận việc này đã được nói đến từ nhiều năm nhưng năm nay mới thực hiện được và đây là một quyết định khó khăn. Bộ Tài chính trong văn bản giải thích cho rằng việc điều chỉnh giá bán điện sinh hoạt 50kWh đầu từ 600 đồng lên 1.242 đồng/kWh là nhằm giảm bao cấp tràn lan. Bộ Tài chính thông báo Chính phủ sẽ “chỉ thực hiện bù giá điện cho hộ nghèo đáp ứng đúng các tiêu chí nghèo mới với số tiền 30.000 đồng/tháng/hộ” thay vì bao cấp toàn dân qua 50kWh đầu như hiện nay.
Theo Bộ Tài chính, giá than bán cho sản xuất điện năm 2011 sẽ chỉ tăng 5%, mức này mới bằng 67-72% giá thành than năm 2010 và bằng 28-32% giá than xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các tổ chức, cá nhân tiêu dùng cũng nên chia sẻ, chịu sự điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu ở mức kiềm chế.
CẦM VĂN KÌNH
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao Giá dầu thô đã chạm ngưỡng 100 USD/thùng trước khi giảm xuống còn 99,19 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 23-2 trên thị trường New York (Mỹ) do tác động của tình trạng hỗn loạn tại Libya. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 10-2008. Một số người lo ngại giá dầu có thể vọt tăng thêm. Tuy nhiên, nhà kinh tế Leo Drollas thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng toàn cầu nhận định đây là khả năng không thể xảy ra. Trang Energy Source dẫn lời chuyên gia Drollas cho biết hiện nay đầu cơ dầu thô không mạnh như năm 2008 trong khi nguồn cung dự trữ cao hơn. Viễn cảnh của năm 2011 cũng sáng sủa hơn nhờ sản lượng khai thác dầu ở Iraq đang gia tăng mạnh. Các chuyên gia khác lạc quan dự báo giá dầu có thể sẽ giảm bởi giá nhiên liệu tăng cao sẽ đẩy lạm phát ở Trung Quốc và Ấn Độ tăng, buộc chính quyền các quốc gia này hãm phanh nền kinh tế. HIẾU TRUNG |
Các cây xăng đã bán lại
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, thời điểm tăng giá xăng dầu đã không xảy ra tình trạng xáo trộn tại các cây xăng trên địa bàn TP.HCM, nhiều người dân khi được hỏi cũng tỏ ra không bất ngờ với việc tăng giá trong nước, chỉ bất ngờ là mức tăng quá cao. Tại Đồng Nai, sau khi giá xăng dầu tăng, tình trạng bán xăng cầm chừng hoặc đóng cửa không còn như những ngày trước đó. Cụ thể những trạm xăng từng đóng cửa sớm bị phản ánh trước đây đã niêm yết giá mới giống các cây xăng khác để phục vụ khách hàng.
Tại Bình Dương: Hàng loạt cây xăng trong ngày 23-2 còn đóng kín cửa với lý do… cúp điện, thì nay đã mở cửa bán lại. Tại TP Buôn Ma Thuột và các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các cây xăng bán nhỏ giọt trước đây cũng đã bán lại bình thường. Lượng người đổ về các cây xăng cũng đông hơn ngày thường do trước đó không mua được xăng. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng cũng đè gánh nặng lên nhiều nông dân trồng cà phê. Anh Nguyễn Thanh Sơn, nông dân ở xã Cư Sue, Cư M’Gar, cho hay có 2 ha trồng cà phê đang ra hoa, mỗi ngày cần một lượng dầu rất lớn để chạy máy bơm, nay giá dầu lên khiến chi phí tăng mạnh.
Một số đầu mối lớn như Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro… đã tăng mức chiết khấu từ 200 đồng lên mức 400 đồng/lít xăng dầu. Ông Bùi Ngọc Bảo, tổng giám đốc Petrolimex, cho rằng đây là mức hợp lý, đủ đảm bảo cho hệ thống bán lẻ vận hành trong thời điểm hiện tại. Một số chủ cửa hàng, đại lý xăng dầu trên địa bàn TP.HCM nhận định tình hình buôn bán sẽ ổn định trở lại khi mức chiết khấu được tăng lên. Trong khi đó, trưởng phòng kinh doanh một công ty đầu mối xác nhận với Tuổi Trẻ với mức tăng lần này, đối với xăng doanh nghiệp đã có thể lãi, còn với dầu thì huề vốn.
Theo Tuổi Trẻ Online