Một trong những nhiệm vụ thuộc Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (viết tắt là Đề án 146) là tổ chức đào tạo giáo viên dạy các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục từ Tiểu học đến Trung học phổ thông về phương pháp STEM/STEAM.
Nhằm thực hiện nhiệm vụ trên, ngày 17/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 526/KH- BGDĐT về Triển khai thực hiện giáo dục STEM cấp Tiểu học và chủ trì, phối hợp với UNICEF xây dựng tài liệu tập huấn giáo viên cấp Tiểu học về giáo dục STEM và chọn 15 tỉnh/thành phố để tổ chức tập huấn, triển khai thí điểm diện rộng các nội dung về giáo dục STEM cấp Tiểu học; ban hành văn bản hướng dẫn triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Thực hiện những kế hoạch và văn bản đã ban hành, các địa phương trên toàn quốc đã xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông với lộ trình triển khai cụ thể. Trong đó, ưu tiên triển khai thí điểm ở các thành phố trực thuộc Trung ương và một số địa phương trước khi nhân rộng quy mô toàn quốc. Bên cạnh đó, triển khai thí điểm hoạt động tập huấn, đào tạo giáo viên dạy các hoạt động giáo dục liên quan đến tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, kỹ thuật và nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông về phương pháp STEM với nhiều hoạt động bổ ích.
Tại tỉnh Bình Định
Ngày 25/9/2022, tổ chức triển khai chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trường Đại học FPT tổ chức Ngày hội STEM, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục trong tỉnh giao lưu, trao đổi với các đơn vị thuộc Trường Đại học FPT trong ngày hội FSHOOLS STEM DAY 2022.
Đồng thời, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo trực tuyến về phát triển các Chương trình trải nghiệm STEM cho học sinh, sinh viên vào ngày 18/8/2022. Hội thảo, điểm cầu chính đặt tại Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo. Tham gia hội thảo có lãnh đạo và công chức, viên chức phụ trách các Chương trình trải nghiệm của 11 phòng Giáo dục và Đào tạo và 55 trường THPT tham gia…
Tại tỉnh Lạng Sơn
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các hoạt động giáo dục liên quan đến tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, kỹ thuật và nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông về phương pháp STEM/STEAM; triển khai Chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông.
Triển khai thí điểm phát triển giáo dục STEM ở một số trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới với tỉ lệ số đơn vị tham gia thí điểm trên tổng số cơ sở giáo dục các cấp học thì đến năm học 2021 – 2022:
– Cấp tiểu học có:
05/252 trường (1,98%)
134/3.297 lớp (4,06%)
5.722/75.371 học sinh (7,6%)
– Cấp THCS có:
05/224 trường (2,2% số trường)
97/1.598 lớp (6,1% số lớp)
3.675/48.787 (7,5% số học sinh)
– Cấp THPT có:
05/30 trường (16,7% số trường)
140/644 lớp (21,7% số lớp)
4.939/23.079 học sinh (21,4% số học sinh)
Đến nay, 100% các trường THCS, THPT đều có giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng về giáo dục STEM.
Với kết quả bước đầu tại một số địa phương có thể thấy những nỗ lực trong công tác đào tạo và tập huấn, song giáo dục STEM vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, cần có những nghiên cứu chuyên sâu, chính sách đầu tư phù hợp để hệ thống Giáo dục STEM phát triển nhanh chóng hơn nữa và đạt những kết quả tích cực hơn.
Công tác đào tạo giáo viên dạy các hoạt động giáo dục liên quan đến tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, kỹ thuật và nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông về phương pháp STEM/STEAM cần được chú trọng hơn nữa. Hoạt động này cần tiếp tục được quan tâm triển khai nhân rộng đối với những kỹ thuật, cách làm hay, các hình thức sáng tạo kinh nghiệm từ các mô hình đã thí điểm trong thời gian qua để từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số theo Đề án 146.
nguồn: https://dx.gov.vn/