Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga. Ảnh: TTXVN. |
Cục thăm dò địa chất Trung Quốc đã sử dụng tàu thăm dò “Tan Bao Hao” tiến hành đo đạc, khảo sát khoa học từ vùng biển phía tây quần đảo Hoàng Sa đến phía bắc quần đảo Trường Sa.
Bản tin của Tân Hoa Xã hôm 2/8 đưa thông tin này và gọi hai vùng biển này là Tây Sa và Nam Sa. Hoạt động trên diễn ra trong khoảng 13/6-30/7.
Trước sự việc này, ngày 8/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc nêu rõ quan điểm của Việt Nam, phản đối các hoạt động của phía Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Theo TTXVN, bà Nga cũng cho biết Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động tương tự.
Trên Biển Đông, nơi có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong những tháng gần đây xuất hiện tình trạng căng thẳng do một loạt vụ việc xâm phạm chủ quyền do tàu của Trung Quốc tiến hành.
Tháng 5 và 6 vừa rồi, tàu của Trung Quốc quấy phá hoạt động của các tàu Việt Nam trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa hoàn toàn của Việt Nam. Hà Nội tố cáo Bắc Kinh đang muốn biến khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cử các tàu ngư chính đến khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam – hành động này bị Hà Nội phản đối và yêu cầu chấm dứt.
Philippines cũng tố cáo tàu của Trung Quốc nhiều lần vi phạm vùng nước mà Manila tuyên bố chủ quyền. Manila còn tính đưa vụ việc ra tòa án quốc tế để phân xử. Tuy nhiên đề xuất này gặp phải sự bất đồng của Bắc Kinh. Vì thế Philippines dự tính sẽ nhờ Liên Hợp quốc phân định rõ các vùng biển trên Biển Đông.
Tháng 9 tới, Manila sẽ làm chủ nhà của một hội nghị các luật gia quốc tế nhằm tìm hiểu khả năng phân định rõ vùng nào là biển tranh chấp chủ quyền, vùng nào không. Kế hoạch này được đưa ra sau khi các nước ASEAN và Trung Quốc đạt một thỏa thuận về hướng dẫn thực thi DOC – một văn bản có từ năm 2002 thể hiện tinh thần mong muốn duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Một số quốc gia khác như Mỹ, Australia và Nhật đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về căng thẳng hiện nay và mong muốn các bên giải quyết bằng phương cách hòa bình.
Trung Quốc vẫn khẳng định rằng chỉ có thể giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên trực tiếp liên quan, và còn cảnh báo các nước khác – như Mỹ – không nên can thiệp.
Theo Vnexpress