Kế hoạch Tổ chức Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn tỉnh và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X

180

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH                     

 BCH TỈNH KHÁNH HOÀ                   Khánh Hòa, ngày 22 tháng 7 năm 2011

               ***

       Số : 209 KH/ĐTN

 

 

KẾ HOẠCH

Tổ chức Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn tỉnh

và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X

———

– Thực hiện Kế hoạch số 298 KH/TWĐTN ngày 14/7/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về việc “tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”;

 

– Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Khánh Hoà ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ X Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa, như sau:

 

I- YÊU CẦU :

1. Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ X phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phải quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; phát huy được trí tuệ và trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên trong công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội, đảm bảo Đại hội mỗi cấp được tổ chức một cách thiết thực, vui tươi, phấn khởi, hiệu quả và tiết kiệm.

 

2. Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ X là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đoàn nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội cấp mình nhiệm kỳ qua, làm rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm, xây dựng phương hướng, tìm ra những giải pháp tổ chức động viên tuổi trẻ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mình trong tình hình mới.

 

3. Việc bầu Ban Chấp hành Đoàn các cấp do Đại hội bầu ra phải bao gồm cán bộ, đoàn viên có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, tâm huyết và hoạt động thực tiễn, đảm bảo tiêu chuẩn quy định trong “Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành theo Quyết định 289-QĐ/TW, ngày 08 tháng 02 năm 2010, đồng thời có số lượng, cơ cấu phù hợp đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ mới.

4. Tạo được phong trào thi đua sôi nổi trước, trong và sau Đại hội.

 

II- NỘI DUNG ĐẠI HỘI :

1. Tổng kết công tác Đoàn và phong trào TTN nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ mới .

2. Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên.

3. Bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ mới (một số huyện, thị, thành Đoàn sẽ được chọn thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội).

4. Bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên.

 

III- XÂY DỰNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP:

1- Về tổng kết công tác đoàn và phong trào TTN nhiệm kỳ qua:

* Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và kiểm điểm hoạt động của BCH Đoàn cần chú trọng :

– Đánh giá đúng thực trạng tình hình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đoàn của cấp mình.

– Đánh giá sâu kết quả thực hiện 2 phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc” “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và các chương trình, đề án do Đại hội Đoàn toàn tỉnh và Đại hội các cấp quyết định.

 

– Đánh giá đúng những mặt công tác chính đã làm được và chưa làm được trong nhiệm kỳ qua; phân tích nguyên nhân rút ra những bài học kinh nghiệm.

 

* Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới:

– Phải đảm bảo quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, tình hình thanh niên và thực tiễn ở cơ sở, chú trọng xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phải phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị; đồng thời phải bám sát nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Đoàn viên, thanh thiếu nhi.

 

– Xác định rõ nội dung và biện pháp chính để thực hiện các mặt công tác chủ yếu của Đoàn như: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng; các phong trào hành động Cách mạng, công tác xây dựng và mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; công tác thiếu nhi … Chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, củng số tổ chức cơ sở Đoàn, nâng cao chất lượng đoàn viên; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

2- Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành:

Trên tinh thần phê và tự phê bình nghiêm túc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm tập thể của Ban chấp hành, Ban Thường vụ và các Ủy viên Ban chấp hành; chỉ ra những mặt được và những hạn chế yếu kém, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xây dựng và phân công nhiệm vụ Ban Chấp hành khóa mới hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp đề ra.

3- Chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Đại hội Đoàn các cấp:

Trên cơ sở các văn kiện của Đại hội, Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội xây dựng dự thảo Nghị quyết Đại hội gồm những nội dung cơ bản, quan trọng để Đại hội thảo luận, quyết định.

4- Thảo luận, góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội:

Việc tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện cần được tiến hành dân chủ, thu hút được sự tham gia của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, các đ/c lão thành Cách mạng, các đồng chí cán bộ Đoàn qua các thời kỳ…

Phần thảo luận dự thảo văn kiện tại các Đại hội cần tập trung đi thẳng vào những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, khuyến khích, trao đổi tranh luận, mở các diễn đàn thanh niên thảo luận các chủ đề lớn.

 

IV- CÔNG TÁC CHUẨN BỊ NHÂN SỰ BAN CHẤP HÀNH:

1- Tiêu chuẩn Ủy viên Ban chấp hành:

Nhân sự Ban Chấp hành các cấp phải bảo đảm các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chức danh được quy định theo Quy chế cán bộ Đoàn, đặc biệt cần chú ý những điểm sau:

– Có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức và năng lực thực tiễn, kinh nghiệm trong công tác, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ do Ban Chấp hành phân công; am hiểu và gắn bó với thanh niên.

– Có lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phong cách và phương pháp công tác tốt.

– Có trình độ học vấn, có kiến thức xã hội, có khả năng tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương công tác của Đoàn; tiếp thu và cụ thể hóa Nghị quyết của của Đảng, của Đoàn cấp trên và cấp mình, gắn với thực tiễn công tác Đoàn và tình hình của địa phương, đơn vị mình.

– Nhiệt tình và có khả năng vận động TTN được cán bộ đoàn viên, thanh niên trong địa phương, đơn vị tín nhiệm.

Căn cứ vào các tiêu chuẩn trên, ở mỗi cấp bộ Đoàn cần cụ thể hóa để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

 

2- Độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành Đoàn các cấp:

Phấn đấu trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn từng cấp, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và ổn định. Cụ thể như sau:

+ Cấp cơ sở: Bình quân dưới 28 tuổi

+ Cấp huyện: Bình quân dưới 29 tuổi

 

3- Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành

* Chi đoàn và chi đoàn cơ sở:

– Có dưới 9 đoàn viên: Đại hội bầu Bí thư; nếu cần thiết thì có thể bầu thêm 01 Phó bí thư.

– Có từ 9 đoàn viên trở lên: Ban chấp hành có từ 3 đến 5 Ủy viên, trong đó có Bí thư và Phó bí thư..

* Đoàn cơ sở : Ban Chấp hành có từ 5 đến 15 ủy viên. Nếu Ban Chấp hành có dưới 9 Ủy viên thì có Bí thư và 01 Phó bí thư; có từ 9 ủy viên trở lên thì bầu Ban Thường vụ gồm Bí thư, Phó bí thư và các Ủy viên Thường vụ.

* Đoàn cấp huyện: Ban Chấp hành Đoàn cấp huyện có từ 15 đến 33 ủy viên; Ban Thường vụ có từ 5 đến 11 ủy viên. Trong Ban Thường vụ có Bí thư và từ 1 đến 2 Phó bí thư.

– Khi chuẩn bị danh sách bầu cử BCH, BTV khóa mới từ cấp cơ sở trở lên phải có số dư so với số lượng cần bầu ít nhất 15%. Bầu chức danh Phó bí thư ở các cấp nên có số dư.

4- Cơ cấu Ban chấp hành Đoàn các cấp

Ban Chấp hành Đoàn các cấp phải bảo đảm hợp lý giữa các cơ cấu:

– Cơ cấu hợp lý giữa các độ tuổi.

– Ủy viên Ban Chấp hành được tái cử và Ủy viên Ban Chấp hành mới.

– Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ chủ chốt, chuyên trách và kiêm nhiệm.

– Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ, đoàn viên thuộc các đối tượng, lĩnh vực (cán bộ, đoàn viên là công nhân, viên chức; cán bộ đoàn viên trong trường học; cán bộ trong đoàn viên trong lực lượng vũ trang; cán bộ đoàn viên ở khu vực nông thôn; cán bộ đoàn viên tiêu biểu, xuất sắc; nhà khoa hoạc trẻ, doanh nhân trẻ, vận động viên trẻ, tri thức trẻ tiêu biểu …).

– Tỷ lệ trong Ban Chấp hành bảo đảm:

+ Tỷ lệ Ủy viên Ban Chấp hành là nữ: Đối với các huyện, thị, thành Đoàn ít nhất 25%; đối với Đoàn trực thuộc tỉnh, tỷ lệ nữ không thấp hơn nhiệm kỳ trước. Trong Ban Thường vụ Đoàn từ cấp huyện trở lên, tỷ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ ít nhất 15%; phấn đấu trong thường trực các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc có cán bộ nữ.

+ Tỷ lệ ủy viên Ban Chấp hành là người dân tộc thiểu số: Bằng và phấn đấu cao hơn nhiệm kỳ trước (đối với các địa phương có đông thanh niên dân tộc).

– Nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, Ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đoàn các cấp phải được cấp ủy cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp phê duyệt (trong trường hợp chưa có cấp ủy thì có ý kiến của lãnh đạo đơn vị).

 

5- Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội

Thực hiện bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, chọn đơn vị đại hội điểm, bầu Bí thư trực tiếp theo tỷ lệ sau:

+ Cấp huyện: 15 ÷ 20%

+ Cấp cơ sở: 25 ÷ 30%

Ban Thường vụ Đoàn cấp trên trực tiếp lựa chọn, chỉ đạo các đơn vị bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội. Bầu trực tiếp Bí thư các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tại Đại hội do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn lựa chọn, quyết định trên cơ sở thống nhất với Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy và Đảng ủy cùng cấp.

 

6- Số lượng đại biểu Đại hội Đoàn các cấp

Số lượng Đại biểu Đại hội Đoàn các cấp do Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội quyết định trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế, khả năng tổ chức và ngân sách cho phép của cấp mình. Cụ thể:

– Cấp cơ sở:

+ Chi đoàn cơ sở: Tổ chức Đại hội Đoàn viên

+ Đoàn cơ sở có dưới 120 đoàn viên thì tiến hành Đại hội đoàn viên. Nơi có từ 120 đoàn viên trở lên thì tổ chức đại hội đại biểu, số lượng đại biểu triệu tập ít nhất 60 đại biểu; khuyến khích Đoàn cơ sở tổ chức Đại hội đoàn viên.

Cấp huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc: Từ 120 – 200 đại biểu

V- THỜI GIAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐOÀN VÀ ĐẠI HỘI ĐIỂM CÁC CẤP:

1. Thời gian tổ chức Đại hội Đoàn các cấp:

– Đại hội cấp cơ sở: Không quá 01 ngày và hoàn thành chậm nhất vào tháng 4 năm 2012 (Đối với các đơn vị có số lượng cơ sở nhiều thì được phép tổ chức Đại hội bắt đầu từ tháng 12/2011 nhưng vẫn tính nhiệm kỳ bắt đầu từ 2012).

– Đại hội cấp huyện: Không quá 02 ngày và hoàn thành chậm nhất vào tháng 7 năm 2012.

Các đơn vị chưa đến thời gian Đại hội được rút ngắn nhiệm kỳ; các đơn vị đã hết nhiệm kỳ được kéo dài nhiệm kỳ Đại hội, thống nhất Đại hội 4 cấp trong năm 2012.

* Đoàn trong các trường trung học phổ thông, Đoàn trung tâm giáo dục thường xuyên, Đoàn trường dạy nghề (có nhiệm kỳ theo năm học) tổ chức Đại hội trong học kỳ I năm học 2011-2012; Đoàn các trường Đại học, cao đẳng, tùy tình hình cụ thể, có thể đại hội muộn hơn nhưng phải hoàn thành trước tháng 6 năm 2012.

2- Thời gian tổ chức Đại hội điểm ở các cấp:

– Đại hội điểm cấp cơ sở (chậm nhất tháng 01/2012)

– Đại hội điểm cấp huyện (chậm nhất tháng 4/2012) – Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chọn 03 đơn vị Đại hội điểm (Thành Đoàn Nha Trang, Đoàn khối các cơ quan tỉnh và Đoàn trường Đại học Nha Trang).

Ban Thường vụ các huyện, thị, thành Đoàn và đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Đại hội điểm đối với các cấp bộ Đoàn trực thuộc.

 

VI- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1- Đối với cấp tỉnh :

– Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo Đại hội Đoàn.

– Xây dựng Đề án tổ chức Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 – 2017.

– Thành lập Ban tổ chức và các tiểu ban phục vụ cho Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ X.

– Xây dựng các dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành tỉnh Đoàn khóa IX trình Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ X để lấy ý kiến tại Đại hội Đoàn các cấp và lấy ý kiến rộng rãi trong đoàn viên thanh niên.

– Ban hành Hướng dẫn tổ chức Đại hội Đoàn các cấp.

 

2- Đối với cấp huyện và cơ sở:

– Ban Thường vụ Đoàn các cấp xây dựng đề án tổ chức Đại hội Đoàn và thành lập các tiểu ban: nội dung, nhân sự, tuyên truyền, hậu cần … giúp Ban Chấp hành chuẩn bị Đại hội cấp mình (Đoàn cơ sở quy mô đoàn viên nhỏ có thể thành lập các bộ phận hoặc tổ giúp việc).

– Xây dựng kế hoạch chỉ đạo Đại hội theo đúng tiến độ.

 

– Ban Thường vụ Đoàn cấp dưới báo cáo đề án tổ chức Đại hội, việc chuẩn bị văn kiện, đề án nhân sự với cấp ủy Đảng cùng cấp và Ban Thường vụ Đoàn cấp trên. Khi được cấp ủy Đảng cùng cấp và Ban Thường vụ Đoàn cấp trên đồng ý thì mới tiến hành Đại hội.

– Các huyện, thị , thành Đoàn và Đoàn trực thuộc cần chọn một số cơ sở để chỉ đạo điểm rút kinh nghiệm. Đối với tổ chức Đoàn cơ sở còn yếu kém, cần tập trung củng cố, kiện toàn trước khi tiến hành Đại hội.

Nhận được Kế hoạch này, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc khẩn trương báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng, xây dựng kế hoạch, đề án và chỉ đạo tổ chức Đại hội các cấp thuộc địa phương, đơn vị.

Giao cho Ban tổ chức – kiểm tra có trách nhiệm giúp Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này.

 

 

TM. BAN CHẤP HÀNH

BÍ THƯ                   

Nơi nhận:

– Ban Bí thư TW Đoàn (để b/c)

– BTV Tỉnh ủy (để b/c)

– Các ban TC,TG,DV Tỉnh ủy(để b/c)

– VP, BTC TW Đoàn(để b/c)

– Các huyện, thị, thành ủy và Đảng ủy tương đương

– Các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc

– Các đ/c ủy viên BCH Tỉnh Đoàn

– Các ban, bộ phận Tỉnh Đoàn

– Lưu VP, TCKT

Hồ Văn Mừng