Chương trình Phối hợp hoạt động Đoàn – Hội – Đội năm học 2011 – 2012

204

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO – ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                             TỈNH KHÁNH HÒA                                                         Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

                             Số:18/CTr-SGDĐT-TĐ                                     Khánh Hòa, ngày 31 tháng 8 năm 2011

 

CHƯƠNG TRÌNH

Phối hợp hoạt động Đoàn – Hội – Đội năm học 2011 – 2012

 

– Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 12/2008/NQ-BGDĐT-TWĐTN ngày 28/3/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo & Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiệm vụ năm học 2010 – 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Căn cứ chương trình số 834/CTr-BGDĐT-TWĐTN ngày 10/8/2011 của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về chương trình phối hợp hoạt động giữa Ngành Giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm học 2011 – 2012. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa và Sở Giáo dục & Đào tạo thống nhất ban hành chương trình phối hợp hoạt động Đoàn – Hội – Đội trong năm học 2011 – 2012, cụ thể như sau:

I. YÊU CẦU:

1. Tiếp tục triển khai toàn diện, sáng tạo, có hiệu quả các nội dung Nghị quyết liên tịch số 12/2008/NQ-BGDĐT-TWĐTN ngày 28/3/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo & Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Rà soát, đầu tư các giải pháp, nguồn lực cho các nội dung phối hợp kết quả còn hạn chế, tiến tới đánh giá toàn diện về thực hiện Nghị quyết này vào cuối năm 2012.

2. Tập trung triển khai thực hiện tốt những nội dung trọng tâm trong năm học 2011 – 2012 tạo sự chuyển biến tích cực, tác động sâu rộng, hiệu quả đến công tác học sinh, sinh viên và công tác Đoàn, Hội, Đội trong các nhà trường.

II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM:

1. Tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên và cán bộ giáo viên trẻ đối với các nhiệm vụ của đất nước, của Ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên:

1.1. Đa dạng hóa các hình thức học tập, tìm hiểu và quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng ngay từ đầu năm học mới. Ngành giáo dục chủ trì tổ chức học tập, quán triệt vào “Tuần sinh hoạt công dân – học sinh, sinh viên” đầu năm học, đầu khóa học; Đoàn Thanh niên chủ trì tổ chức các hoạt động tìm hiểu, học tập Nghị quyết ngoài giờ lên lớp, phù hợp với điều kiện từng đơn vị.

1.2. Tuyên truyền trực quan, trực tiếp về Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X. Ngành giáo dục tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn Thanh niên chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 298 KH/TWĐTN ngày 14/7/2011 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc tổ chức Đại hội các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X.

1.3. Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị 33/2006/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

1.4. Tổ chức cung cấp thông tin định kỳ, có trọng tâm cho học sinh, sinh viên về tình hình biển Đông, về chiến lược phát triển kinh tế biển, Luật pháp Quốc tế và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của quốc gia đối với các vùng biển, lãnh hải, các đảo, các quần đảo, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, chú trọng sinh viên, học sinh chuyên nghiệp cuối cấp và cán bộ, giảng viên trẻ. Ngành giáo dục phối hợp, tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên triển khai Chương trình vì thân nhân các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo, Học kỳ quân đội và giáo dục truyền thống quân đội, lòng yêu nước cho học sinh, sinh viên.

1.5. Tổ chức tốt hoạt động sinh hoạt tập thể trong tuần đầu năm học mới đối với học sinh trung học; tổ chức các diễn đàn, sinh hoạt chuyên đề về “Văn hóa ứng xử trong học đường”, “Phòng chống bạo lực học đường”; phối hợp tốt với chính quyền địa phương, cơ quan công an triển khai các hoạt động “Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Ngày hội đọc”. Mỗi cơ sở giáo dục có ít nhất 01 hành động cụ thể về nội dung này. Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu về Tín dụng học tập dành cho học sinh, sinh viên, trong đó chú ý tuyên truyền tốt tới học sinh trung học phổ thông cuối cấp.

1.6. Triển khai tổ chức định kỳ ít nhất mỗi học kỳ 02 chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; trong đó chú trọng các chủ đề giao lưu gắn với nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm trong năm học như: Thắp sáng ước mơ người giáo viên nhân dân, Thắp sáng ước mơ sinh viên 5 tốt, Thắp sáng ước mơ người lính đảo, Thắp sáng ước mơ doanh nhân trẻ, Thắp sáng ước mơ học sinh 3 rèn luyện, Thắp sáng ước mơ làm giàu từ biển, Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam…

1.7. Tuyên truyền, cổ động trên website, bản tin nội bộ, bản tin nhà trường, các khu vực phù hợp như giảng đường, ký túc xá, nhà thi đấu, hội trường, thư viện, cổng trường… về cuộc vận động “Học sinh 3 rèn luyện” đối với các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề; chương trình “Khi tôi 18” đối với các cơ sở giáo dục trung học phổ thông nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của sinh viên, học sinh đối với các hoạt động quan trọng này.

1.8. Tăng cường phối hợp nắm bắt và định hướng dư luận học sinh, sinh viên, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế, những vấn đề biển đảo, chủ quyền và phối hợp với các lực lượng khác đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài nhà trường. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 01 tổ công tác để triển khai chỉ đạo, xử lý các vấn đề trên. Hình thành mô hình thống nhất từ Trung ương đến các nhà trường trong triển khai công tác này.

1.9. Tiếp tục triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; trong đó chú trọng tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và huấn luyện, đào tạo, trang bị kỹ năng cần thiết cho học sinh, sinh viên.Tuyên truyền, giới thiệu các ấn phẩm cần thiết cho học sinh, sinh viên và các nhà trường tự trang bị, như ấn phẩm “Một số kỹ năng cần thiết dành cho học sinh bậc Trung học phổ thông” do Ban tổ chức chương trình “Khi tôi 18” cấp Trung ương và Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành.

2. Tạo môi trường, cổ vũ, động viên học sinh, sinh viên và cán bộ giáo viên trẻ nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy, công tác:

2.1. Tập trung tổ chức các diễn đàn về phương pháp học tập, phương pháp nghiên cứu khoa học, phát triển các câu lạc bộ học thuật, các hình thức chia sẻ tài liệu học tập. Trong đó, Đoàn Thanh niên chủ trì tổ chức, các nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cử các thầy cô giáo kinh nghiệm, có uy tín hỗ trợ, cố vấn chuyên môn. Phối hợp tổ chức chương trình Học cùng người giỏi.

2.2. Tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các cuộc vận động, các phong trào, hoạt động theo lĩnh vực, khối đối tượng như: “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Khi tôi 18”… Tiến hành đánh giá, xét chọn, tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu trong các cuộc vận động này.

2.3. Phát động và tổ chức thúc đẩy các hoạt động của cán bộ, giáo viên trẻ với sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng hành với sinh viên, học sinh trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo gắn liền với phong trào “3 trách nhiệm”. Có hình thức tuyên dương các điển hình cán bộ, giáo viên trẻ.

2.4. Tích cực tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia chương trình truyền “SV 2012” dành cho các trường đại học, cao đẳng, “Khi tôi 18” dành cho các trường Trung học phổ thông và “Tiếp bước cha anh” dành cho các trường Trung học cơ sở.

2.5. Tổ chức tốt chương trình Tư vấn mùa thi – Tiếp sức mùa thi – Tiếp sức đến trường và chiến dịch học sinh, sinh viên tình nguyện hè. Tuyên truyền công tác chữ thập đỏ nhân Ngày Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5), Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ (23/11). Đặc biệt cần thường xuyên tuyên truyền công tác hiến máu tình nguyện trong học sinh, sinh viên.

2.6. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thời tổ chức các hoạt động thiết thực để học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên trẻ thực hành tiết kiệm trong đó chú trọng về nội dung tiết kiệm chỉ tiêu, năng lượng và thời gian.

2.7. Tổ chức các hoạt động kết nối, tập hợp, đoàn kết và hỗ trợ lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Tổ chức khảo sát tình hình lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý hiệu quả và hình thành các tổ chức của học sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài do Đoàn Thanh niên thành lập hoặc nòng cốt chính trị.

2.8. Tổ chức tốt các hội nghị nghiên cứu khoa học của sinh viên, các cuộc thi Olympic, sáng tạo, các hoạt động khởi nghiệp; tăng cường các hoạt động biểu dương, tôn vinh các điển hình xuất sắc, các gương người tốt, việc tốt, thường xuyên tổ chức các giải thưởng, học bổng cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giảng viên, giáo viên – Tổng phụ trách Đội.

3. Tăng cường chính sách, tạo thuận lợi về cơ chế nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của Đoàn Thanh niên và các nhà trường trong sự nghiệp giáo dục & đào tạo thế hệ trẻ

3.1. Thực hiện nghiêm túc Quyết định 61/2005/QQĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách dành cho Đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội và Thông tư liên tịch số 23/TTLT-BGDĐT-BTC-TWĐTN ngày 15/1/1996 về hướng dẫn chế độ công tác và phụ cấp trách nhiệm đối với giáo viên – Tổng phụ trách Đội.

3.2. Các cơ sở giáo dục bố trí tối thiểu 2 tiết/tháng dành cho sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội và triển khai công tác học sinh,sinh viên. Điều chỉnh, bổ sung quy chế, quy định về công tác quản lý, đánh giá kết quả rèn luyện trong học sinh, sinh viên.

3.3. Đầu năm học, Ban Giám hiệu làm việc với Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên, Ban Thư ký Hội sinh viên, Hội đồng Đội cho ý kiến về chương trình công tác của Đoàn, Hội, Đội năm học mới, về đại hội Đoàn, về quy hoạch cán bộ Đoàn chủ chốt, xác định kinh phí, điều kiện đảm bảo. Định kỳ 3 tháng 1 lần đại diện Ban Giám hiệu nhà trường làm việc với Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Hội đồng Đội đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, nghe báo cáo tình hình sinh viên, học sinh và những kiến nghị, đề xuất của Đoàn, Hội, Đội.

3.4. Định kỳ mỗi học kỳ, lãnh đạo nhà trường tổ chức đối thoại, tiếp xúc, trao đổi với sinh viên, học sinh. Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên các nhà trường có trách nhiệm tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại này. Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong các hoạt động.

3.5. Tổ chức định kỳ các lớp bồi dưỡng nhận thức và thực hiện công tác phát triển Đảng viên trong đổi mới việc triển khai chương trình rèn luyện đoàn viên mới gắn với công tác đánh giá, xếp loại học sinh, sinh viên.

3.6. Phối hợp thực hiện, cụ thể hóa các chính sách động viên, khen thưởng đối với cán bộ Đoàn, Hội, Đội, cán bộ, giảng viên trẻ và học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong quy chế chi tiêu nội bộ của các cơ sở giáo dục & đào tạo.

3.7. Định kỳ đầu năm học và cuối năm học, các lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo họp với Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp để cụ thể hóa chương trình phối hợp này, xác định các trọng tâm, trọng điểm phối hợp, phân công trách nhiệm, kinh phí tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

3.8. Phối hợp nắm bắt, tổ chức lấy ý kiến và triển khai đến sinh viên, học sinh, cán bộ, giáo viên trẻ, giáo viên – Tổng phụ trách Đội những quyết định liên quan đến chế độ, chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ của người học và cán bộ, nhà giáo, nhất là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền lợi người học và có thể ảnh hưởng đến dư luận xã hội.

3.9. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện phong trào gây quỹ đội, phong trào Kế hoạch nhỏ, phong trào nuôi heo đất trong các trường Tiểu học, THCS, THPT đạt hiệu quả cao nhất.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục & Đào tạo và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa

– Họp giữa lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo và lãnh đạo Đoàn Thanh niên tỉnh bàn bạc thống nhất ban hành kế hoạch liên tịch hoạt động Đoàn – Hội – Đội năm học 2011 – 2012.

– Thống nhất phối hợp tổ chức một số hoạt động cấp tỉnh (Có phụ lục kèm theo) theo nguyên tắc: Đơn vị chủ trì có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, các thủ tục liên quan để tổ chức tốt các hoạt động đã được đề ra; đơn vị phối hợp thực hiện việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể đã được phân công trong từng hoạt động, chỉ đạo kịp thời cho cơ sở hưởng ứng các hoạt động được tổ chức; chủ động chuẩn bị tốt các nội dung, điều kiện đảm bảo tham gia các hoạt động toàn quốc.

– Tiến hành tổng kết việc thực hiện chương trình phối hợp năm học 2010 – 2011, trên cơ sở đó triển khai chương trình phối hợp năm học 2011 – 2012.

2. Các Phòng Giáo dục & Đào tạo và Đoàn Thanh niên các huyện, thị, thành phố, các Đoàn Trường Đại học, Cao Đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Trung học Phổ thông

– Các cơ sở giáo dục căn cứ chương trình phối hợp này để triển khai vào chương trình năm học, bố trí kinh phí, phân công các bộ phần chuyên môn tham mưu phối hợp với Đoàn Thanh niên thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện chương trình phối hợp này với cơ quan quản lý giáo dục theo quy định.

– Chủ động xây dựng kế hoạch liên tịch và tổ chức thực hiện nghiêm túc các hoạt động thuộc chương trình phối hợp này; Định kỳ hàng tháng, hàng quý lãnh đạo hai cơ quan tổ chức giao ban với cán bộ phụ trách Đoàn – Hội – Đội tại cơ sở để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời báo cáo về Sở Giáo dục & Đào tạo và Tỉnh Đoàn để có hướng chỉ đạo, giải quyết.

– Đoàn Thanh niên trong cơ sở giáo dục chủ động xây dựng chương trình hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị để tham mưu và thực hiện có hiệu quả.

-Các Phòng Giáo dục & Đào tạo và Đoàn Thanh niên các huyện, thị, thành phố duy trì công tác giao ban hàng tháng hoạt động Đội đối với các trường Tiểu học, THCS, THPT (Có cấp 2).

Trong quá trình thực hiện chương trình liên tịch này, nếu có những hoạt động phát sinh theo chỉ đạo các cấp, Sở Giáo dục & Đào tạo và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa sẽ họp bàn giao cho bộ phận chuyên môn phối hợp thực hiện.

3. Chế độ thông tin báo cáo:

– Chương trình phối hợp năm học 2011 – 2012 của đơn vị: Gửi về Sở Giáo dục & Đào tạo và Tỉnh Đoàn chậm nhất ngày 20/9/2011.

– Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp năm học 2011 – 2012 chậm nhất ngày 5/6/2011.

Lãnh đạo các đơn vị liên quan của Sở Giáo dục & Đào tạo và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa, các Phòng Giáo dục & Đào tạo, Đoàn Thanh niên các huyện, thị, thành phố, các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp triển khai thực hiện chương trình phối hợp này.

TM. BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ĐOÀN                 SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nơi nhận:

– TƯ Đoàn (Để b/c);

– Bộ GD&ĐT (Để b/c);

– Các huyện, thị, thành Đoàn (t/h);

– Các Phòng GD&ĐT (t/h);

– Các Đoàn trường ĐH,CĐ,THCN (t/h);

– Lưu VP, Ban TTN-TH.