Cả nghìn người dự phiên điều trần tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc tại Nam Phi lặng đi khi thấy Trần Thị Hoan bước lên bục phát biểu trên đôi chân chỉ còn từ đầu gối trở lên, cánh tay trái thiếu mất bàn tay.
Ngày 19/12, Tòa án chống đế quốc được tổ chức tại Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 17 tại Nam Phi. Nhiều nước đã cử đại biểu tới tham dự phiên điều trần để tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc. Đoàn Việt Nam tới để lên án quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh gây hậu quả nặng nề, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong vụ kiện đòi công lý cho các nạn nhân da cam.
Cả nghìn đại biểu trong hội trường như lặng đi khi thấy Trần Thị Hoan, nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam, khó khăn bước lên bục phát biểu, trên đôi chân chỉ còn từ đầu gối trở lên, một cánh tay trái thiếu mất bàn tay. Bằng vốn tiếng Anh khá tốt, Hoan đã kể cho bạn bè quốc tế nghe nỗi bất hạnh của những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, trong đó cô chính là một minh chứng sống.
Hoan được sinh ra trong một gia đình nông dân ở Đức Linh (Bình Thuận). Từ khi lọt lòng, Hoan đã thiếu 2 chân và một tay, do mẹ cô bị nhiễm chất độc da cam khi đi làm đồng. Do gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và học tập nên năm 8 tuổi, Hoan được chuyển tới Làng Hòa bình Từ Dũ (TP HCM), trung tâm dành cho nạn nhân chất độc da cam.
Hoan đứng thuyết trình tại Tòa án chống đế quốc được tổ chức tại Festival thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 17 ở Nam Phi. Ảnh: Tiến Dũng. |
“Tại đây, tôi nhận được sự chăm sóc và dạy dỗ khá tốt. Và đến giờ, tôi vẫn sống cùng với 60 trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, họ phải chịu đựng những chứng bệnh kinh khủng như nứt cột sống, dị dạng bẩm sinh… Tôi thường xuyên phải chứng kiến cảnh những nạn nhân chất độc da cam qua đời”, Hoan nói.
Thừa nhận mình là người may mắn, Hoan cho hay Việt Nam hiện vẫn còn hàng trăm nghìn trẻ em nạn nhân chất độc da cam không được chữa trị, phải nằm lỳ trên giường cho tới lúc chết và họ cần được chăm sóc, chữa trị ngay từ bây giờ.
“Dù không có chân và thiếu một tay, nhưng tôi vẫn cố gắng học tập, tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP HCM và được Công ty May mắn ở TP HCM nhận vào làm. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng và giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam khác. Các bạn có đồng ý không?”, Hoan nói trong nước mắt.
Tại phiên tòa này, đại diện đoàn Việt Nam còn nêu ra những số liệu vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam. Theo đó, trong 10 năm (1961-1971), Mỹ đã thực hiện chừng 20.000 chuyến bay để rải 80 triệu lít chất độc da cam xuống 25.000 thôn, làng của Việt Nam. Tội ác chưa từng có trong lịch sử nhân loại này đã khiến 3 triệu ha rừng tự nhiên bị phá hủy, khoảng 4,8 triệu người dân Việt Nam nhiễm chất độc dioxin, trong đó 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam.
Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã khởi kiện 37 công ty hoá chất Mỹ. Vụ kiện hy hữu, phức tạp này đã bị Toà án Tối cao Mỹ bác đơn yêu cầu xét xử vào năm 2009. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bền bỉ, kiên trì theo đuổi vụ kiện, kêu gọi bạn bè quốc tế lên tiếng ủng hộ đấu tranh đòi công lý. Việc kiên quyết theo đuổi vụ kiện này liên quan trực tiếp đến cuộc chiến chung của nhân loại chống chiến tranh và chống việc sử dụng vũ khí hàng loạt.
Chăm chú lắng nghe phần trình bày của đoàn Việt Nam, anh Drew Bowering (Canada) cho rằng: “Chúng ta cần có trách nhiệm giúp đỡ các nạn nhân da cam để họ có điều kiện sống tốt hơn. Tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh đòi lại công lý của nạn nhân da cam Việt Nam trong vụ kiện các công ty hoá chất Mỹ”.
Tháng 10/2008, Hoan từng là một trong hai đại diện của Việt Nam đi tới nhiều thành phố lớn của Mỹ để tham gia tuyên truyền, giao lưu về tác hại của dioxin cũng như cuộc sống hiện tại của các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Mục đích của chuyến đi là để vận động dư luận Mỹ ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam đối với các công ty hóa chất Mỹ. |
Theo Vnexpress