Đại hội Đảng lần thứ XI thành công tốt đẹp

204

Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tặng hoa chúc mừng tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – ảnh: L.Q.P
Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết

* Danh sách và tiểu sử tóm tắt của 14 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI
* Toàn văn Nghị quyết Đại hội XI

Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư

Sáng qua, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã họp phiên bế mạc. Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết  điều khiển phiên bế mạc.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên BCH Trung ương khóa X, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Ủy viên Đoàn Thư ký Đại hội đọc Báo cáo kết quả biểu quyết một số vấn đề trong các văn kiện Đại hội. Ông Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Đoàn Thư ký Đại hội đọc toàn văn Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội XI của Đảng, Đại hội đã biểu quyết với 100% ý kiến đồng ý thông qua.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đọc Báo cáo kết quả bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI.

Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã được BCH Trung ương khóa XI bầu làm Tổng bí thư nhiệm kỳ 2011 – 2015.

BCH Trung ương khóa XI cũng đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 14 người. Trong đó có 9 người tái đắc cử, gồm các ông: Nguyễn Phú Trọng (Chủ tịch Quốc hội), Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng Chính phủ), Trương Tấn Sang (Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng), Nguyễn Sinh Hùng (Phó thủ tướng thường trực), Lê Hồng Anh (Bộ trưởng Công an), Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng), Phạm Quang Nghị (Bí thư Thành ủy Hà Nội), Lê Thanh Hải (Bí thư Thành ủy TP.HCM), Tô Huy Rứa (Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương). 5 vị mới được bầu vào Bộ Chính trị, gồm các ông: Đinh Thế Huynh (Tổng biên tập Báo Nhân Dân), Ngô Văn Dụ (Chánh văn phòng Trung ương Đảng), Trần Đại Quang (Thứ trưởng Bộ Công an), Nguyễn Xuân Phúc (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn  phòng Chính phủ) và bà Tòng Thị Phóng (Phó chủ tịch Quốc hội).

BCH Trung ương khóa XI cũng đã bầu Ban Bí thư gồm: ông Ngô Xuân Lịch (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), ông Trương Hòa Bình (Chánh án TAND tối cao), bà Hà Thị Khiết (Trưởng ban Dân vận T.Ư) và  bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH).

BCH Trung ương khóa XI cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 Ủy viên, do ông Ngô Văn Dụ làm Chủ nhiệm.

 

Đại hội XI nhận được 176 điện chúc mừng của các nước

Trong phiên bế mạc hôm qua,  Đại hội XI của Đảng đã nhận thêm thư, điện chúc mừng  của 18 đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế vừa mới gửi đến. Như vậy, Đại hội đã nhận được tổng cộng 176 điện mừng của các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế.

Sau khi BCH Trung ương khóa XI ra mắt, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X Nông Đức Mạnh phát biểu ý kiến và tặng hoa chúc mừng tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau đó, Đại hội đã biểu quyết với 100% ý kiến đồng ý thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Đại hội, khẳng định BCH Trung ương khóa mới sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân phát huy những truyền thống quý báu và kinh nghiệm vẻ vang của Đảng ta, tăng cường sự đoàn kết nhất trí, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, luôn luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, kiên định tinh thần độc lập tự chủ, phát huy dân chủ, sáng tạo, không ngừng nỗ lực phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng bí thư nêu quyết tâm hoàn thành mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Đại hội XI đề ra.

 

Chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ra mắt Đại hội – ảnh: L.Q.P



Kết quả bầu cử rất tập trung

Tại cuộc họp báo ngay sau khi ĐH XI bế mạc, Tổng bí thư mới đắc cử Nguyễn Phú Trọng nhận xét: hiếm có ĐH nào bầu BCH Trung ương có số dư nhiều như ĐH này, hơn 24,57% (số dư danh sách bầu Ủy viên Trung ương chính thức – pv). “Vậy nhưng chúng ta chỉ cần bầu một lần đủ số lượng 175 Ủy viên chính thức, người trúng cử phiếu thấp nhất là 67%, rất nhiều người phiếu quá bán nhưng vẫn không vào được BCH Trung ương vì số lượng quyết định chỉ có vậy”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Ông đồng thời cho biết, khi BCH Trung ương khóa mới tiến hành bầu Bộ Chính trị vào chiều 18.1, số dư cũng lên tới 70%, trong khi yêu cầu đặt ra chỉ khoảng 15 – 20%. Bầu Ban Bí thư số dư còn nhiều hơn thế nhưng khi bầu, kết quả rất tập trung. Bầu các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng tương tự. Tổng bí thư khẳng định: “Kết quả bầu cử như vậy là rất tốt”.

Tại cuộc họp báo này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn trả lời câu hỏi của một số phóng viên.

Không vì mục đính đánh bóng mình

* Tại ĐH lần này, nhiều ĐB kiến nghị triển khai chất vấn rộng rãi trong Đảng mà nhiệm kỳ vừa qua chưa thực hiện được theo Nghị quyết ĐH X. Tổng bí thư sẽ mang kinh nghiệm 5 năm điều hành các phiên chất vấn sôi động, hiệu quả ở nghị trường để triển khai chất vấn trong Đảng ở nhiệm kỳ này như thế nào. Cá nhân Tổng bí thư có sẵn sàng để các đảng viên chất vấn mình không?

– Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hoạt động chất vấn là một trong những hình thức bảo đảm dân chủ, cho đến kỳ ĐH X vừa rồi, Đảng cộng sản VN đã có chủ trương chất vấn trong Đảng và cũng đã có nêu vấn đề tại các kỳ họp Trung ương, ai có vấn đề gì cần chất vấn thì cứ nêu. Chất vấn trong Đảng khác chất vấn trong QH vì chất vấn ở QH đặt ra các vấn đề sôi động hằng ngày, nóng bỏng, thiết thân, liên quan đến đời sống người dân, đến an sinh xã hội, còn Hội nghị Trung ương bàn các chủ trương chiến lược, hiện nay chưa có chất vấn nhiều nhưng thời gian tới, theo phát triển chung, cần có chất vấn trong Đảng, vấn đề là xây dựng quy chế như thế nào, tạo điều kiện cho mọi người sinh hoạt, trao đi đổi lại thẳng thắn. Tôi từng nói nhiều lần ở QH, chất vấn chí ít để hiểu lẫn nhau, gợi cho nhau suy nghĩ, cùng thấy trách nhiệm và cùng tìm giải pháp.

Tổng bí thư quan tâm tạo dấu ấn của mình trong lĩnh vực nào?

– Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thực sự, tôi làm cái gì không nghĩ với mục đích để tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng mình. Trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ là thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng, cứ làm cho tốt nghị quyết của Đảng là đã tốt rồi. Đương nhiên trong khi phát triển toàn diện, triển khai thực hiện toàn diện các văn kiện thì phải có trọng tâm. Vấn đề xây dựng Đảng đang được dư luận và nhân dân rất quan tâm. Một trong những bài học rút ra từ ngày Đảng xây dựng khối đoàn kết. Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết là vấn đề chiến lược.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên quốc tế về những đối phó của Việt Nam với thách thức về kinh tế như lạm phát cao, nợ nước ngoài…, Phó chánh VP Trung ương Nguyễn Văn Thạo cho biết: Lạm phát cao và nợ nước ngoài Việt Nam là một trong những nội dung được đặt ra khi thảo luận về dự thảo văn kiện ĐH XI, tuy nhiên, tất cả vấn đề này (nợ nước ngoài, lạm phát…) đều vẫn trong tầm kiểm soát. Tất nhiên, chúng tôi không chủ quan, lơ là. Tới đây ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, với những giải pháp trọng tâm để thực hiện là sẽ cơ cấu lại nền kinh tế, tái cấu trúc kinh tế theo hướng phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế và tiếp tục thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Cầm An

Trong phiên bế mạc hôm qua, Đại hội có các đại biểu khách mời: Ông Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ông Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; ông Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; ông Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội và các ông nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ các khóa; các ông nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V; các ông Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI; đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các nhân sĩ, trí thức; đại biểu các tôn giáo; đại biểu thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam.

 

Nhiều hoạt động sôi nổi mừng thành công của Đại hội XI

Nhằm chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XI, kỷ niệm 81 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2011), Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo Thành đoàn TP.HCM tổ chức Chương trình đi bộ tuần hành vào sáng 22.1.2011 tại Công viên 30 Tháng 4; dự kiến có hơn 1 vạn đoàn viên thanh niên, sinh viên tham gia.

Tối cùng ngày, Chương trình giao lưu nghệ thuật “Đảng cho ta mùa xuân” được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV1 từ 20 giờ đến 21 giờ 30. Chương trình do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.

P.V

Tiểu sử tóm tắt các Ủy viên Bộ Chính trị

Tiểu sử tóm tắt của ông Nguyễn Phú Trọng

 

Ngày sinh: 14.4.1944.
Quê quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Trình độ học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ.
Trình độ chuyên môn: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng); Cử nhân Văn – Đại học Tổng hợp.

Tóm tắt quá trình công tác

Từ 1963 đến 1967: Học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Từ tháng 12.1967 đến 8.1973: Cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản.

Từ tháng 9.1973 đến 4.1976: Nghiên cứu sinh khoa Kinh tế chính trị tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Từ tháng 5.1976 đến 8.1980: Cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản.

Từ tháng 9.1980 đến 8.1981: Học Nga văn tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Từ tháng 9.1981 đến 7.1983: Thực tập sinh; tốt nghiệp PTS khoa học lịch sử (chuyên ngành Xây dựng Đảng) tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.

Từ tháng 8.1983 đến 2.1989: Phó ban (1983-1987), Trưởng ban Xây dựng Đảng (1987-1989).

Từ tháng 3.1989 đến 8.1996: Ủy viên Ban biên tập (1989-1990), Phó tổng biên tập (1990-1991), Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (1991-1996).

Từ tháng 8.1996 đến 2.1998: Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban cán sự Đại học, trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VII, VIII, IX, X và XI.

Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X và XI

Từ tháng 2.1998 đến 1.2000: Phụ trách công tác Tư tưởng – Văn hóa và Khoa giáo của Đảng.

Từ tháng 1.2000 đến 6.2006: Bí thư Thành ủy Hà Nội (khóa XII, XIII, XIV).

Từ tháng 7.2007 – đến nay: Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày 19.1.2011, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI được bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

 

Ông Trương Tấn Sang

Ngày sinh: 21.1.1949.
Quê quán: Xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Trình độ học vấn: Cử nhân Luật. Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI. Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

 

 

 

Ông Phùng Quang Thanh

Ngày sinh: 2.2.1949.
Quê quán: Xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trình độ học vấn: Đại học khoa học Quân sự, Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. ĐBQH khóa XI, XII.

 

 

 

Ông Nguyễn Tấn Dũng

Ngày sinh: 17.11.1949.
Quê quán: Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Trình độ học vấn: Cử nhân Luật. Lý luận chính trị cao cấp.

– Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII, VIII, IX, X,XI. Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI. Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

 

 

Ông Nguyễn Sinh Hùng

Ngày sinh: 18.1.1946.
Quê quán: Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Trình độ học vấn: Tiến sĩ Kinh tế.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Phó thủ tướng Chính phủ. ĐBQH khóa X, XI, XII.

 

 

 

Ông Lê Hồng Anh

Ngày sinh: 12.11.1949.
Quê quán: Xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Trình độ học vấn: Cử nhân Luật, Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa IX, X, XI; Đại tướng An ninh nhân dân; Bộ trưởng Bộ Công an.

 

 

 

Ông Lê Thanh Hải

Ngày sinh: 20.2.1950.
Quê quán: Xã Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Trình độ học vấn: Cử nhân kinh tế, Cử nhân văn chương. Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI. Bí thư Thành ủy TP.HCM.

 

Ông Tô Huy Rứa

Ngày sinh: 4.6.1947.
Quê quán: huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Trình độ học vấn: Phó giáo sư – tiến sĩ Triết học. Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X (tháng 1.2009: tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X), XI; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

 

Ông Phạm Quang Nghị

Ngày sinh: 2.9.1949.
Quê quán: Xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Trình độ học vấn: Tiến sĩ Triết học. Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI. Bí thư Thành ủy Hà Nội.

 

Ông Trần Đại Quang

Ngày sinh: 12.10.1956.
Quê quán: Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Trình độ học vấn: Phó giáo sư – Tiến sĩ Luật. Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên BCH Trung ương khóa X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI. Thứ trưởng Bộ Công an.

 

Bà Tòng Thị Phóng

Ngày sinh: 10.2.1954.
Quê quán: Phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Trình độ học vấn: Cử nhân Luật. Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI; Bí thư BCH Trung ương Đảng khóa X. Phó chủ tịch Quốc hội.

 

Ông Ngô Văn Dụ

Ngày sinh: 21.12.1947.
Quê quán: Xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trình độ học vấn: Cử nhân Kinh tế. Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, X, XI, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI. Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X (từ tháng 1.2009). Đại biểu Quốc hội khóa XII. Chánh văn phòng Trung ương Đảng.

 

Ông Đinh Thế Huynh

Ngày sinh: 15.5.1953.
Quê quán: Xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Trình độ học vấn: Tiến sĩ báo chí. Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân.

 

Ông Nguyễn Xuân Phúc

Ngày sinh: 20.7.1954.
Quê quán: Xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Trình độ học vấn: Đại học Kinh tế, Lý luận chính trị cao cấp.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

 

NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 12.1.2011 đến ngày 19.1.2011, tại thủ đô Hà Nội, sau khi thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình.

QUYẾT NGHỊ

I- Thông qua dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chỉ đạo Bộ Chính trị, căn cứ Báo cáo giải trình của Đoàn Chủ tịch Đại hội, kết quả biểu quyết, để hoàn chỉnh và chính thức ban hành.

II- Thông qua dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020.

Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chỉ đạo Bộ Chính trị, căn cứ Báo cáo giải trình của Đoàn Chủ tịch Đại hội, kết quả biểu quyết, để hoàn chỉnh và chính thức ban hành.

III- Tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X (2006 – 2010) và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011 – 2015 nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội XI :

1- Về đánh giá tình hình 5 năm 2006 – 2010

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thóai kinh tế toàn cầu, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội X; ứng phó có kết quả trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước; cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, các ngành đều có bước phát triển, quy mô nền kinh tế tăng lên. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao; phát huy dân chủ có tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt một số kết quả tích cực.

Kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001 – 2010 và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm cần quyết tâm khắc phục. Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra chưa đạt. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa chậm; chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý, phân hóa giàu nghèo tăng lên. Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu cản trở sự phát triển. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị – xã hội.

Những hạn chế, yếu kém nói trên có nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh; sự chống phá của các thế lực thù địch; những yếu kém vốn có của nền kinh tế; nhưng trực tiếp và quyết định vẫn là nguyên nhân chủ quan : Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức trên một số vấn đề cụ thể của công cuộc đổi mới còn hạn chế, thiếu thống nhất. Công tác dự báo trong nhiều lĩnh vực còn yếu. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước trên một số lĩnh vực và một số vấn đề lớn chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

2- Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X, có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đổi mới toàn diện, đồng bộ với những bước đi thích hợp. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Mở rộng, phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Hai là, phải thật sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng hợp lý, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Phát triển lực lượng sản xuất phải đồng thời xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp; củng cố và tăng cường các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế.

Ba là, phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thật sự phát huy dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, có sức chiến đấu cao, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Năm là, trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo phải rất nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn đất nước; chú trọng công tác dự báo, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới; tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

3- Dự báo tình hình thế giới và trong nước những năm sắp tới

Trên thế giới: Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn sẽ diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính – tiền tệ, điện tử – viễn thông, sinh học, môi trường… còn tiếp tục gia tăng.

Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển nhưng các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế. Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Kinh tế thế giới mặc dù có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất ổn; chủ nghĩa bảo hộ phát triển dưới nhiều hình thức; cơ cấu lại thể chế, các ngành, lĩnh vực kinh tế diễn ra mạnh mẽ ở các nước; tương quan sức mạnh kinh tế giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn có nhiều thay đổi. Cạnh tranh về kinh tế – thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao… giữa các nước ngày càng gay gắt. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai, dịch bệnh… sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội tiếp tục phát triển. Cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp vẫn diễn biến phức tạp.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông – Nam Á vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động nhưng còn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng và đan xen lợi ích mới. ASEAN tiếp tục đẩy mạnh liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng, có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực, song còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ở trong nước: Những thành tựu, kinh nghiệm của 25 năm đổi mới (1986 – 2011) đã tạo ra cho đất nước lực và thế, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước. Năm năm tới là giai đoạn kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau thời kỳ suy giảm; sẽ thực hiện nhiều hơn các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nước ta đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường thách thức nào. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp.

Nhìn chung, những tình hình và xu hướng nêu trên sẽ tạo ra cả những thời cơ và thách thức đan xen đối với sự phát triển của đất nước trong 5 năm tới.

4- Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 – 2015

Mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị – xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhiệm vụ chủ yếu:

– Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

– Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức. Tập trung giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

– Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị – xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

– Tiếp tục phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp; thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

– Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát và tư tưởng; thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu chủ yếu:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 – 2015: 7,0 – 7,5%/năm. Giá trị gia tăng công nghiệp – xây dựng bình quân 5 năm tăng 7,8 – 8%; giá trị gia tăng nông nghiệp bình quân 5 năm 2,6 – 3%/năm. Cơ cấu GDP: nông nghiệp 17 – 18%, công nghiệp và xây dựng 41 – 42%, dịch vụ 41 – 42%; sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 35% tổng GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, giảm nhập siêu, phấn đấu đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu. Vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm đạt 40% GDP. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 23 – 24% GDP; giảm mức bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP vào năm 2015. Giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động. Tỷ trọng lao động nông – lâm – thủy sản năm 2015 chiếm 40 – 41% lao động xã hội. Thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8 – 2 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng dân số đến năm 2015 khoảng 1%. Năm 2015, GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD. Tuổi thọ trung bình năm 2015 đạt 74 tuổi. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2015 đạt 42 – 43%.

Trong nhiệm kỳ khóa XI, trên cơ sở quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực đã nêu trong Báo cáo chính trị, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

– Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng;

– Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân;

– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước;

– Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân;

– Đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay;

– Tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc (suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trật tự, kỷ cương xã hội);

– Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này.

IV- Thông qua Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội XI. Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiếp thu ý kiến của Đại hội, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới.

V- Thông qua toàn văn Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi.

VI- Thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm 200 đồng chí, trong đó 175 Ủy viên Trung ương chính thức, 25 Ủy viên Trung ương dự khuyết.

VII- Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và các cấp ủy, tổ chức Đảng xây dựng chương trình hành động, các kế hoạch công tác để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối và những chủ trương đã nêu trong các văn kiện Đại hội XI.

VIII- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, năng động và sáng tạo, ra sức thi đua quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

65,04% đại biểu nhất trí về quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp

Biểu quyết thông qua các nội dung văn kiện ĐH XI chiều 18.1, có tới 65,04% (895) đại biểu chọn phương án đặc trưng kinh tế của XHCN mà nhân dân ta xây dựng “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”.

Theo kết quả biểu quyết về đặc trưng kinh tế XHCN, chỉ có 472 phiếu đồng ý với phương án 1 như dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, đó là “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” (chiếm 34,3% số phiếu).

Ngoài nội dung trên, nhiều nội dung dự thảo văn kiện khi biểu quyết đạt được sự tán thành đa số của các ĐB. Trong đó, Đại hội đã thống nhất giữ tên gọi Cương lĩnh như dự thảo: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)”; đồng ý sửa khoản 4, Điều 5 của Điều lệ Đảng “Đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp”; đồng ý bổ sung các khoản 2, 3, Điều 36 của Điều lệ Đảng về việc giao cấp ủy, từ cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên, thẩm quyền quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao)…

Phát biểu trước khi biểu quyết thông qua Điều lệ Đảng khóa XI, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Nguyễn Văn Chi đề nghị bổ sung vào Điều lệ Đảng nội dung mà ông nói là ĐH X đã bàn nhưng chưa đưa vào được, đó là quyền giám sát của đảng viên cấp dưới đối với đảng viên cấp trên để tránh lạm quyền, lộng quyền.

Về vấn đề này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi điều hành phiên họp sáng 19.1 cho biết, Đại hội tiếp thu và nghiên cứu kỹ, cân nhắc để đưa vào nội dung Quy chế thực hiện điều lệ Đảng trong thời gian tới, không bổ sung vào nội dung Điều lệ Đảng khóa XI.