Đi tìm lời giải cho bài toán bạo lực học đường

187

Trung Kiên


Bạo lực học đường đang là một trong những vấn đề nổi cộm của giáo dục và cho đến nay nó vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tình trạng này sẽ có nguy cơ bùng phát và lan rộng trong các trường học dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn.

 

Tình trạng bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở những thành phố lớn mà hầu như xảy ra ở mọi địa phương với mức độ nghiêm trọng khác nhau và ngày càng diễn biến phức tạp.

 

Chỉ trong khoảng một năm trở lại đây đã có không ít những vụ việc học sinh đánh nhau, thanh toán lẫn nhau, học sinh đánh cả thầy giáo ngay trên bục giảng. Gần đây các clip nữ sinh hành hung bạn xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn mạng. Đây thật sự là hiện tượng đáng báo động về tình trạng bạo lực học đường nói chung và bạo lực của các nữ sinh nói riêng. Các clip và hình ảnh này đang gây ra những luồng dư luận xấu trong xã hội. Đơn cử một vài trường hợp sau:

Vụ học sinh nữ của trường Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) chỉ vì một cái “nhìn đểu” mà một nữ sinh lớp 10 đã đánh bạn dã man ngay tại trường trước sự chứng kiến của rất nhiều học sinh khác nhưng không em nào dám can ngăn.

 

Hay là vụ một học sinh lớp 7 của trường THCS An Châu – Châu Thành – An Giang đánh thầy giáo ngất xỉu trên bục giảng…

Những sự việc trên là hồi chuông cảnh báo cấp bách về tình trạng bạo lực học đường và sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức của một bộ phận học sinh hiện nay.

 

Nguyên nhân những vụ việc này có thể do học sinh bị tiêm nhiễm từ lối cư xử, hành xử của các thành phần xấu bên ngoài nhà trường, thậm chí của những người lớn trong gia đình. Nhiều học sinh có cha mẹ hoặc người thân là những người hành nghề tự do trong xã hội và họ có cách cư xử theo kiểu xã hội đen không đúng chuẩn mực, chính lối hành xử đó đã vô tình ảnh hưởng đến suy nghĩ của các em và dẫn đến cách cư xử không hay trong nhà trường và với bạn bè.

 

Một phần là hiện nay cũng còn rất ít sân chơi lành mạnh cho học sinh, nên các em dễ tìm đến các trò giải trí bằng phim ảnh, game online đầy bạo lực chính nó đã ảnh hưởng không ít đến việc hình thành bản tính hung hăng trong nhân cách học sinh.

 

Mặt khác do thiếu sự quan tâm của gia đình và nhà trường. Cha mẹ chạy theo kinh tế, thầy cô chạy theo giờ hành chính, người lớn thiếu lòng yêu trẻ khiến các em không gần gũi, không được chia sẻ tâm tư nguyện vọng, vô tình đã làm cho các em thành những học sinh cá biệt và dễ dẫn đến những hành vi bạo lực.

 

Nhiều ý kiến khác cho rằng giáo dục trong nhà trường hiện nay thiên về dạy chữ hơn dạy làm người. Một số giáo viên vẫn chưa gương mẫu, có những hành vi xúc phạm, xâm hại học sinh. Hiện tượng đối xử không công bằng làm các em bức xúc rồi trở nên quậy phá như một cách lấy lại cân bằng.

 

Trước thực trạng bao lực học đường ngày càng có chiều hướng gia tăng như hiện nay thì thật khó để có một giải pháp loại trừ hoàn toàn hiện tượng này nhưng vấn đề là làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất. Theo tôi cần có những giải pháp sau:

Một là: Cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục đạo đức và nhân cách cho học sinh. Xây dựng mô hình “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Chú trọng giáo dục cho học sinh nhận biết được những giá trị sống, cách ứng xử giữa con người với con người. Giáo dục lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết cho học sinh.

 

Hai là: Tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em, có thể là các cuộc thi, các hội diễn văn nghệ, thể thao… Thành lập các câu lạc bộ hoạt động vì xã hội với những hình thức mới lạ thu hút các em học sinh tích cực tham gia hoạt động…

 

Ba là: Đoàn thanh niên phối hợp với các lực lượng khác thành lập các trung tâm tư vấn học đường và phát triển mô hình tư vấn học đường rộng rãi ở các trường học để kịp thời phát hiện, giúp đỡ và hỗ trợ các học sinh có những biểu hiện bạo lực. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng phó các tình huống trong cuộc sống cho học sinh, sinh viên và thanh niên.

 

Bốn là: Đối với nhà trường nên quan tâm hơn nữa đến việc dạy người, dạy kỹ năng sống cho học sinh. Về phía gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến việc học tập và rèn luyện của con em mình. Không nên khoán trắng việc dạy dỗ cho nhà trường và cũng đừng bao giờ thờ ơ trước các hành vi bạo lực, người lớn chúng ta phải là những tấm gương sáng cho các em noi theo.

 

Để làm được những điều này đòi hỏi phải có quyết tâm cao, cùng với sự phối hợp chặt chẽ và quan tâm của các lực lượng xã hội và các cấp các ngành có chức năng.