Tùy bút: Tuổi trẻ Cam Lâm hành trình về Côn Đảo

245

Huỳnh Uy Viễn

Bí thư Huyện Đoàn Cam Lâm

 

 

Chuyến hành trình về với Côn Đảo anh hùng được BTV Huyện đoàn Cam Lâm tổ chức cho 14 thành viên đại diện cho tuổi trẻ của 14 xã thị trấn, là những gương cán bộ, ĐVTN điển hình, tiêu biểu sau hơn một năm phát động đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI do Huyện đoàn phát động. Trên khuôn mặt của từng thành viên, tôi cảm nhận ai ai cũng toát lên niềm tự hào, sự trân trọng và niềm háo hức được đến với Côn Đảo anh hùng.

Chuyến tàu số 09 chở đoàn xuất phát từ cảng Bến Đầm, sau 14 giờ lên đênh trên biển, Côn Đảo hiện ra như một chú gấu dũng mãnh đang săn mồi. Với 16 hòn đảo lớn nhỏ và rộng khoảng 72 km vuông, Côn Đảo trong mắt tôi là một hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ, biển xanh ngắt và những bãi cát trãi dài, trắng mịn óng ả hiện ra dọc theo tuyến đường về trung tâm thị trấn. Trong cơn mưa phùn suốt cả hành trình chuyến đi với những cơn gió mạnh ùa vào nhưng trong lòng mỗi thành viên đều ấm áp, dào dạt cảm xúc, niềm tự hào và rạo rực khi được đến với một huyện Côn Đảo anh hùng. Với niềm tự hào ấy đã dần xóa hết mệt nhọc.

Nghĩ ngơi được vài tiếng, 14 giờ, cả đoàn đã lên xe bắt đầu cuộc hành trình quay lại với lịch sử cách đây hơn 35 năm. Với 113 năm cai trị của bọn Thực dân Đế quốc, Côn Đảo được ví như là địa ngục trần gian, là nơi giam cầm và tra tấn hết sức giả man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với những người tù chính trị, những nhà cách mạng cộng sản, những anh hùng lịch sử của dân tộc. Điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi là Dinh chúa đảo – nay là Nhà Bảo tàng Côn Đảo. Những hình ảnh tra tấn người tù chính trị rất dã man, tàn độc của bọn thực dân, đế quốc; những di vật còn ghi dấu một thời khổ ải của những người chiến sĩ cách mạng. Tất cả như nối kết, tái hiện lại một thời tăm tối, đau thương nhưng rất đỗi kiên cường, bất khuất của người Cộng sản nơi “Địa ngục trần gian”.

Nhận diện Địa ngục trần gian

Con đường dẫn đến Trại giam Phú Hải giờ đây sạch sẽ và rợp bóng mát, bởi hàng cây đại thụ hai bên đường. Những hàng rào dây thép gai dường như vẫn còn nguyên vẹn, cổng trại giam, nhà khám âm u, tăm tối. Khoảng sân rộng, yên tĩnh trong Trại cải huấn – một hình thức mị dân để che đậy nhằm bưng bít thủ đoạn giam hãm, tra tấn những người Cộng sản bằng nhiều hình thức man rợ của bọn thực dân, đế quốc. Cả đoàn được tận mắt chứng kiến những xà lim tăm tối, ngột ngạt, gông cùm mà những người chiến sĩ Cộng sản đã phải gánh chịu. Những phòng giam mà từ trước đến nay các bạn chỉ được nghe, thấy qua sách báo, tranh ảnh thì giờ đây nó đang hiển hiện, phơi bày thực tế. Chuồng cọp, là cách thức giam cầm và tra tấn với những hình thức dã man, tàn độc như thời trung cổ với cái tinh vi, ác hiểm thời hiện đại, đã khiến những ai một lần đến đây chứng kiến đều phải rùng mình, căm phẫn. Từ các hình thức tra tấn như: rắc vôi bột, tạt nước xuống tù nhân trong mùa nóng, để thân thể người tù nóng dần và lỡ loét, đến cách thức tắm nước lạnh, dơ bẩn vào mùa đông… có lẽ không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được cái man rợ, độc ác của bọn thực dân Pháp dùng để tra tấn những người chiến sĩ yêu nước của ta.

Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt trong cách thức giam cầm, tra tấn tù nhân của đế quốc Mỹ so với bọn thực dân Pháp đoàn chúng tôi đã đến tham quan Chuồng Cọp kiểu Mỹ. Nhìn vẽ bề ngoài tưởng chừng người tù sẽ dễ thở hơn. Nhưng không, nếu như dưới thời cai trị của thực dân Pháp, người tù chính trị bị tra tấn đau đớn, dã man về mặt thể xác thì ở thời đế quốc Mỹ càng khủng khiếp hơn khi tinh thần của những người yêu nước bị bọn đế quốc và tay sai đem ra băm dằm, tra khảo. Những điểm chúng tôi đến kế tiếp như cầu tàu 914, Cầu Ma Thiên Lãnh, Trại giam Phú Tường, Phú Bình, nhà trưng bày Võ Thị Sáu, nghĩa trang Hàng Dương với 2000 ngôi mộ,… đều tái hiện lại một phần sự áp bức, tra tấn dã man mà các chiến sĩ cộng sản phải chịu đựng trong thời gian bị giam cầm tại đây.Và hình ảnh mà có lẽ cả đoàn không thể quên được đó chính là Nghĩa trang Hàng Dương, Đoàn đã đến viếng và thắp hương cho cả 20.000 chiến sĩ đã ngã xuống. Được biết ở đây chỉ có 713 ngôi mộ có tên, số còn lại là mộ khuyết danh, thậm chí có cả những ngôi mộ được chôn tập thể. Đoàn đến thắp hương mộ nguyên Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, các chiến sĩ yêu nước, đặc biệt đến phần mộ nữ liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu, đoàn đã ngậm ngùi thắp hương và đồng ca bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” trong nước mắt.

Rời Côn Đảo, đoàn đã mang theo những hồi ức khó quên về một mãnh đất hào hùng, buất khuất. Chính nơi đây đã có biết bao chiến sĩ cách mạng, những nhà yêu nước bị tù đày đến nát thịt, tan xương nhưng vẫn không lay chuyển được dũng khí cách mạng, buộc kẻ thù phải thốt ra rằng “sắt chúng tôi có thể uốn mềm nhưng chí khí cách mạng của các ông, các bà chúng tôi không sao khuất phục được”…

Chuyến hành trình về Côn đảo là bài học lịch sử hết sức quý báu không thể nào quên, để tuổi trẻ chúng ta hôm nay càng thêm trân trọng sự hy sinh của cha ông, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước. Côn Đảo sẽ mãi mãi là trang sử vẻ vang, mang giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Trở lại đất liền mang theo biết bao dấu ấn lịch sử, biết bao xương máu của hàng chục ngàn người tù chính trị càng hun đút trong mỗi chúng tôi thêm tự hào và nguyện phấn đấu xây dựng quê hương đất nước ngày càng đàng hoàng và to đẹp hơn.