Chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp: Vấn đề cốt lõi: Tìm người xứng đáng

140

Bàn về quy chế phối hợp giữa Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, năm 2011, hai bên cần tiếp tục tăng cường phối hợp, nâng cao một bước vai trò phản biện xã hội và giám sát tối cao, chăm lo đời sống nhân dân. Việc trọng tâm trước mắt là tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp vào ngày 22-5 tới đây.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, thời gian qua công tác phối hợp hoạt động theo quy chế giữa UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã góp phần củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế như khâu chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn trong thực hiện quy chế chưa thực sự sâu sát. Việc gửi văn bản tới Mặt trận để lấy ý kiến đóng góp thường chậm, thiếu đồng bộ nên không đủ thời gian và điều kiện để góp ý thật chất lượng. Ông Vũ Trọng Kim đề nghị UBTVQH tăng cường tham vấn ý kiến của Mặt trận khi quyết định những vấn đề lớn, liên quan đến quốc kế, dân sinh… Mặt khác, UBTVQH cũng cần tạo điều kiện cần thiết để Mặt trận và các tổ chức thành viên liên quan tham gia góp ý kiến trong quá trình soạn thảo và thẩm tra các dự án luật. Bởi lẽ, càng phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên thì càng giảm bớt thời gian để đơn vị chức năng giải quyết các ý kiến còn khác nhau và những vấn đề kỹ thuật, góp phần đẩy nhanh được tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Trước mắt, hai cơ quan cần hướng dẫn cụ thể các địa phương tổ chức tốt cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp sẽ diễn ra vào ngày 22-5 tới đây theo đúng tinh thần của Luật Bầu cử đại biểu QH và HĐND sửa đổi. Có một vướng mắc hiện nay là khâu tổ chức tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết yêu cầu, kiến nghị và khiếu nại, tố cáo của công dân do UBTVQH với Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam thực hiện chưa thực đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của mỗi cơ quan… Do đó, theo luật sư Nguyễn Thành Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội), UBTVQH và MTTQ cần phân công chỉ đạo chặt chẽ, tránh trùng lắp, chồng chéo trong công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người đủ tài đủ đức, tổ chức lấy ý kiến cử tri.

Trên thực tế, vấn đề các tỉnh, thành phố đang quan tâm số một là nhân sự, đó là việc giới thiệu ai và ai là người thực sự xứng đáng làm đại biểu nhân dân. Quy định về tiêu chuẩn của các ứng viên đã được ban hành. Bộ Nội vụ cũng đã hướng dẫn địa phương định ra bao nhiêu phần trăm nữ, bao nhiêu phần trăm người dân tộc, bao nhiêu phần trăm trẻ, bao nhiêu phần trăm ngoài Đảng, Tuy nhiên, qua hội nghị quán triệt công tác bầu cử, không ít tỉnh, thành phố nêu ý kiến nếu chọn được người xuất sắc thuộc đúng các thành phần trên thì rất khó. Đơn cử, đã là dân tộc ít người phải là già làng, trưởng bản có tiếng nói đại diện cho dân tộc đó, đã là nữ phải là người phụ nữ xuất sắc, đã là trẻ phải là thanh niên ưu tú, không thể lấy một người cho phù hợp cả 3 tiêu chí ấy. Chưa kể do đặc thù ngành, nhiều khối không thể có đại biểu nữ hay đại biểu trẻ tuổi. Trong trường hợp này, UBTVQH và MTTQ Việt Nam cần nghiên cứu cách xử lý linh loạt. Nên chăng cơ cấu đại biểu là người dân tộc hay nữ trong ngành công an thì không nhất thiết phải là người dân tộc hay là công an mà có thể là người đang làm việc ở lĩnh vực dân tộc, an ninh thì khi tham gia ý kiến về những vấn đề liên quan đến hai ngành này sẽ hiệu quả hơn.

Về vấn đề đại biểu TƯ ứng cử tại địa phương, ngoài việc gửi danh sách đại biểu, MTTQ Việt Nam và UBTVQH cần hướng dẫn gửi cả lý lịch những người được giới thiệu về ứng cử tại địa phương. Bởi MTTQ địa phương cần có những thông số cơ bản của những người ứng cử để làm cơ sở nghiên cứu và tổ chức hội nghị tiếp xúc lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Thực tế, những cuộc bầu cử trước đây TƯ không gửi lý lịch tóm tắt về nên MTTQ cấp dưới gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức hiệp thương. Điều đó là không phù hợp với yêu cầu thực tế.

Liên quan đến số dư đại biểu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho rằng: Kinh nghiệm từ đại hội Đảng vừa qua cho thấy, đại hội đã có tỷ lệ số dư không hạn định, vì vậy đã tạo được không khí sinh hoạt dân chủ. Chẳng hạn, bầu Ban Chấp hành TƯ dư gần 25% với ủy viên chính thức và 144% với ủy viên dự khuyết. Số dư bầu vào Bộ Chính trị lên tới 70%. Bài học này hoàn toàn có thể áp dụng cho việc bầu cử ĐBQH sắp tới.

Theo hanoimoi.com.vn