Tìm hiểu về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội

183

 

– Hỏi: Xin cho biết thể lệ ứng cử và hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH)?

 

– Trả lời:

Công dân ứng cử ĐBQH (người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) theo quy định của Luật này phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử.

Hồ sơ ứng cử gồm:

 

a) Đơn xin ứng cử;

 

b) Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú;

 

c) Tiểu sử tóm tắt và 3 ảnh màu cỡ 4cm x 6cm.

 

Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở Trung ương giới thiệu ứng cử thì nộp hồ sơ tại Hội đồng bầu cử. Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử thì nộp hồ sơ tại Ủy ban bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi mình ứng cử.

 

Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật này thì Hội đồng bầu cử chuyển tiểu sử tóm tắt của những người được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở Trung ương giới thiệu đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh chuyển tiểu sử tóm tắt của những người được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở địa phương giới thiệu ứng cử và tiểu sử tóm tắt của những người tự ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đưa vào danh sách hiệp thương.

 

– Hỏi: Việc khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử sẽ được giải quyết như thế nào?

 

– Trả lời: Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, Hội đồng bầu cử. Những tổ chức này sẽ ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo thẩm quyền. Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của ban bầu cử, Ủy ban bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, Hội đồng bầu cử thì có quyền khiếu nại với Hội đồng bầu cử. Quyết định của Hội đồng bầu cử là quyết định cuối cùng. Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, Ban bầu cử ngưng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử. Hội đồng bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ QH khóa mới để giải quyết; không xem xét, giải quyết đối với những đơn thư tố cáo nặc danh.

 

– Hỏi: Việc kiểm phiếu được thực hiện ra sao?

 

– Trả lời: Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.

 

Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu không sử dụng đến và phải mời 2 cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu.

 

Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.

 

Những phiếu sau đây là phiếu không hợp lệ:

 

1. Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát;

 

2. Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;

 

3. Phiếu để số người được bầu quá số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu;

 

4. Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;

 

5. Phiếu có ghi tên người ngoài danh sách ứng cử, phiếu có viết thêm.

 

Trong trường hợp có phiếu nghi là không hợp lệ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ giải quyết.

 

Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên ghi trên phiếu bầu.

 

Những khiếu nại tại chỗ về việc kiểm phiếu do Tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi cách giải quyết vào biên bản.

 

Trong trường hợp Tổ bầu cử không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ vào biên bản giải quyết khiếu nại và chuyển đến Ban bầu cử.

 

Sau khi kiểm phiếu xong, Tổ bầu cử phải lập biên bản kết quả kiểm phiếu. Biên bản phải ghi rõ:

 

a) Tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu;

 

b) Số cử tri đã tham gia bỏ phiếu;

 

c) Số phiếu phát ra;

 

d) Số phiếu thu vào;

 

đ) Số phiếu hợp lệ;

 

e) Số phiếu không hợp lệ;

 

g) Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử;

 

h) Những khiếu nại nhận được, những khiếu nại đã giải quyết và kết quả giải quyết, những khiếu nại chuyển đến Ban bầu cử giải quyết.

 

Biên bản được lập thành 3 bản, có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký và 2 cử tri được mời chứng kiến việc kiểm phiếu. Biên bản được gửi đến Ban bầu cử và UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn chậm nhất là 3 ngày sau ngày bầu cử.

 

Theo baokhanhhoa.com.vn