Quy chế Hoạt động của Ban chấp hành Đoàn Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa – Khóa X, nhiệm kỳ 2012 – 2017

3788

QUY CHẾ

Hoạt động của Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

tỉnh Khánh Hòa – Khóa X, nhiệm kỳ 2012 – 2017

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 114 QĐ/ĐTN ngày 28/12/2012

của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Khánh Hòa ).

—–

CHƯƠNG I

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN CHẤP HÀNH,

BAN THƯỜNG VỤ, THƯỜNG TRỰC TỈNH ĐOÀN

 

Điều 1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành

1. Quyết định quy chế hoạt động và chương trình làm việc của Ban Chấp hành, quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh Đoàn.

2. Quyết định và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ chương trình công tác Đoàn và phong trào Thanh Thiếu nhi hàng năm. Việc tổng kết, xây dựng chương trình công tác hàng năm trước trong tháng 01 năm sau.

3. Xem xét cho ý kiến các báo cáo định kỳ 6 tháng và 1 năm của Ban Thường vụ,  Ủy ban kiểm tra Tỉnh Đoàn.

4. Bầu Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó Bí thư, bầu Uỷ ban kiểm tra và Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh Đoàn, lập ra Hội Đồng Đội tỉnh.

Quyết định việc cho rút tên và bầu bổ sung các chức danh do Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn bầu ra.

Quyết định kỷ luật và xem xét giải quyết khiếu nại kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đoàn.

5. Quyết định triệu tập và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội, Hội nghị Đại biểu toàn tỉnh của Đoàn; giới thiệu nhân sự để bầu Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn khóa XI.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn

1. Quyết định các chủ trương cụ thể nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc và Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ X.

Nghiên cứu đề xuất với Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh những chủ trương, cơ chế, chính sách đối với công tác Đoàn và phong trào Thanh Thiếu nhi.

2. Quyết định Quy chế hoạt động của Hội Đồng Đội; Quy chế thi đua khen thưởng của Đoàn, quy chế hoạt động Nhà thiếu nhi trong tỉnh.

3. Quyết định việc thành lập, giải thể các tổ chức Đoàn trực thuộc.

4. Quyết định hoặc xem xét phân công nhiệm vụ Bí thư, các Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn; bổ nhiệm, miễn nhiệm, tạm đình chỉ công tác, kỷ luật và luân chuyển công tác đối với chức danh Trưởng ban, Phó ban thuộc cơ quan chuyên trách Tỉnh Đoàn theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ; giới thiệu cho Ban Chấp hành xem xét và quyết định nhân sự đại diện của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở cấp tỉnh tham gia ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, HĐND, Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.

5. Chỉ đạo chuẩn bị dự thảo văn kiện và Đề án nhân sự Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XI để trình Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn.

 Quyết định triệu tập và chuẩn bị các nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn.

6. Thay mặt Ban Chấp hành làm nồng cốt chính trị trong việc định hướng công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên; giới thiệu nhân sự để Hội LHTNVN Tỉnh, Hội sinh viên  hiệp thương giữ các chức danh chủ chốt.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thường trực Tỉnh Đoàn

1. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chương trình công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn; chuẩn bị các nội dung trình Ban Thường vụ xem xét quyết định các chủ trương công tác Đoàn, phong trào Thanh Thiếu Nhi; giải quyết các công việc hằng ngày của Đoàn; ban hành các văn bản nhằm quán triệt, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh.

2. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn trong mối quan hệ với Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt Trận tổ quốc Tỉnh, các Đoàn thể, các tổ chức Kinh tế – Xã hội và quan hệ quốc tế của Đoàn; phối hợp với các sở, ban, ngành, các cấp ủy Đảng giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và luân chuyển cán bộ chủ chốt các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc; các ban, đơn vị của cơ quan Tỉnh Đoàn; giải quyết những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của tuổi trẻ và chính sách đối với cán bộ Đoàn, Hội, Đội.

3. Nghiên cứu những vấn đề mới để chọn chỉ đạo điểm và tổng kết, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn.

4. Quyết định tổ chức và điều hành bộ máy cơ quan Tỉnh Đoàn để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực.

Tổ chức công tác thông tin, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phục vụ việc chỉ đạo công tác Đoàn và phong trào Thanh Thiếu nhi.

5. Quyết định cho bầu bổ sung và công nhận Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban kiểm tra các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc. Phối hợp với Cấp ủy Đảng về công tác nhân sự đối với chức danh Bí thư, Phó bí thư các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc.

Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, tạm đình chỉ công tác, kỷ luật; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ chủ chốt của cơ quan Tỉnh Đoàn theo thẩm quyền. Phối hợp với Cấp ủy cơ quan Tỉnh Đoàn lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức cán bộ và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức thuộc cơ quan Tỉnh Đoàn.

6. Quyết định triệu tập và chuẩn bị hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn.

 

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH,

ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, BÍ THƯ VÀ CÁC PHÓ BÍ THƯ TỈNH ĐOÀN

 

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Ban Chấp hành

1. Chấp hành nghiêm Điều lệ Đoàn, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh, các Nghị quyết, Quyết định và chủ trương công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; có trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện tốt những nội dung chương trình công tác của Đoàn thuộc lĩnh vực, địa phương, đơn vị công tác hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách.

2. Tham gia đầy đủ các kỳ họp của Ban Chấp hành (trường hợp có lý do không thể tham dự phải xin phép và được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh Đoàn); có trách nhiệm trong thảo luận và quyết định các vấn đề của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn.

Tham gia hoạt động trong các tiểu ban, các tổ công tác hoặc các hình thức khác do Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thành lập và có trách nhiệm giải quyết công việc được giao theo thẩm quyền.

3. Đề xuất với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành về các chương trình hoạt động liên quan đến lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách.

Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về tình hình công tác Đoàn và phong trào Thanh Thiếu Nhi, hoạt động của Đoàn, Hội, Đội và việc thực hiện các Nghị quyết của Đoàn.

4. Có quyền ứng cử, đề cử vào Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh Đoàn và xin rút tên khỏi Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn và các chức danh lãnh đạo khác của Đoàn.

5. Có quyền chất vấn và được trả lời chất vấn về những nội dung liên quan đến hoạt động của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh Đoàn, các cá nhân Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn khác. Đồng thời có trách nhiệm trả lời chất vấn về các vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn.

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn

1. Tham gia xây dựng các nghị quyết và các chương trình công tác của Ban Thường vụ; chủ trì chuẩn bị các chương trình và nội dung công tác được phân công phụ trách; tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn.

2. Nghiên cứu, đề xuất hoặc trực tiếp giải quyết những công việc trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách trên cơ sở nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và sự ủy nhiệm của đồng chí Bí thư Tỉnh Đoàn.

3. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ được phân công phụ trách một số công tác hoặc một số chương trình công tác Đoàn, có trách nhiệm giải quyết công việc được giao theo thẩm quyền.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bí thư Tỉnh Đoàn

1. Là người lãnh đạo cao nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa, chủ trì điều hành công việc và kết luận các phiên họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn.

2. Chịu trách nhiệm trước Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn về việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đoàn, các Nghị quyết chương trình công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.

3. Là ngườiđại diện cao nhất của tổ chức Đoàn, cùng với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ giữ mối quan hệ và phối hợp với các cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các Đoàn thể và các tổ chức liên quan khác.

4. Phụ trách chung các mặt công tác của Đoàn; trực tiếp chỉ đạo các mặt công tác quan trọng, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng các nội dung công tác trọng tâm của Đoàn và phong trào Thanh Thiếu nhi; đề xuất những vấn đề về chương trình công tác lớn để Ban Chấp hành, Ban Thường vụ quyết định; trực tiếp phụ trách công tác tổ chức cán bộ, công tác tuyên giáo.

5. Thay mặt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ký các Nghị quyết, Quyết định, Báo cáo, Tờ trình và các văn bản quan trọng của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.

6. Trả lời chất vấn, tiếp thu phê bình của các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành liên quan đến trách nhiệm của Bí thư.

7. Là thủ trưởng cơ quan chuyên trách Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, giữ mối quan hệ chặt chẽ với Cấp ủy cơ quan giải quyết các vấn đề có liên quan tới công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng cơ quan, xây dựng Đảng, thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ cơ quan Tỉnh Đoàn. 

Lãnh đạo, tổ chức, ban hành quy chế hoạt động và điều hành bộ máy cơ quan Tỉnh Đoàn để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Bí thư thường trực

1. Giúp Bí thư điều hành công việc hàng ngày của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn;  giúp Bí thư tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đoàn, theo dõi đôn đốc kiểm tra, chỉ đạo công tác Đoàn trong phạm vi lĩnh vực và địa bàn được phân công phụ trách; giúp Bí thư quản lý, điều hành và phối hợp hoạt động chung giữa các Ban chuyên môn ở cơ quan chuyên trách Tỉnh Đoàn.

2. Phối hợp với Cấp ủy, Công Đoàn, Chi đoàn cơ quan Tỉnh Đoàn chăm lo đời sống và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động ở cơ quan Tỉnh Đoàn; tham gia chuẩn bị các nội dung họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các nội dung làm việc với các ban, ngành đoàn thể.

3. Thường xuyên báo cáo công việc với Bí thư, thay mặt Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn ký các văn bản thuộc lĩnh vực công tác được phân công phụ trách và một số văn bản của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khi được Bí thư ủy quyền.

Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của các Phó Bí thư

1. Có trách nhiệm tham gia các quyết định chung của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, được phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác.

2. Chủ trì chuẩn bị các chương trình, kế hoạch, Đề án; tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thuộc lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

3. Thay mặt Ban Thường vụ giải quyết công việc trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách hoặc được Bí thư ủy quyền.

4. Thường xuyên báo cáo kết quả công tác với Bí thư, giữ mối liên hệ với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành; lãnh đạo các ban Tỉnh Đoàn, các lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách và có chế độ làm việc định kỳ với lãnh đạo các ban, đơn vị được phân công theo dõi để nắm tình hình, chỉ đạo việc thực hiện chương trình công tác, giải quyết các vấn đề phát sinh.

 

 

CHƯƠNG III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC

Điều 9. Nguyên tắc làm việc

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Điều 10. Chế độ hội nghị

1. Hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn

1.1 Ban chấp hành Tỉnh Đoàn làm việc theo chương trình họp thường kỳ 03 tháng một lần, họp bất thường, họp Ban Chấp hành mở rộng khi cần thiết.

1.2 Ban Thường vụ điều hành hội nghị Ban Chấp hành và có trách nhiệm thông báo nội dung, chương trình hội nghị, cung cấp tài liệu và thông tin cần thiết tới từng Ủy viên Ban Chấp hành trước khi tiến hành hội nghị 3 ngày.

1.3 Các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra khi cần thiết được mời dự các hội nghị Ban Chấp hành, trừ những nội dung Ban Chấp hành cần bàn riêng.

2. Hội nghị Ban Thường vụ

2.1 Ban Thường vụ làm việc theo chương trình toàn khóa, họp thường kỳ 01 tháng một lần và họp bất thường khi cần thiết.

2.2 Các tài liệu dự thảo được gởi đến Ban Thường vụ phải được chuẩn bị nội dung chu đáo, gởi trước những tài liệu cần thiết cho các thành viên trước 3 ngày.

Điều 11. Chế độ thông tin, báo cáo và đi cơ sở

1. Hàng tháng, Ban Thường vụ báo cáo kết quả chỉ đạo điều hành gửi Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy, và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn.

2. Mỗi năm một lần, Ban Thường vụ tiến hành kiểm điểm việc lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đại hội khóa X, của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn.

3. Ba tháng một lần, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn báo cáo công tác với Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn. Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành nghe Ủy ban Kiểm tra Tỉnh Đoàn báo cáo công tác kiểm tra.       

4. Các Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ đi công tác cơ sở phải có kế hoạch cụ thể, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, nắm bắt tình hình, chỉ đạo trực tiếp hoặc kiến nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn; việc đi cơ sở phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức.

 

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 12. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn có trách nhiệm thực hiện nghiêm Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, khóa X.

Điều 13. Giao cho Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Ban Tổ chức – Kiểm tra Tỉnh Đoàn, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh Đoàn, Văn phòng Tỉnh Đoàn chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì chưa phù hợp, kịp thời phản ánh về Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Chỉ có hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Khánh Hòa mới có quyền sửa đổi quy chế này.

Quy chế này được Hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh đoàn lần thứ II ngày 22/11/2012  thông qua./.

        

BAN CHẤP HÀNH TỈNH ĐOÀN