Đề án Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2020

1279

       ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
BAN CHẤP HÀNH TỈNH KHÁNH HÒA      Khánh Hòa, ngày 22 tháng 05 năm 2013
                   ***
          Số: 04 ĐA/ĐTN

ĐỀ ÁN
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa
tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2020
——————–

Căn cứ Quyết định số 324/QĐ – TTg, ngày 18 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2020;
Căn cứ hướng dẫn số 03 HD/ĐTN ngày 27/02/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới năm 2013;
Căn cứ công văn số 1176/UBND-VX ngày 11/03/2013 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai Quyết định số 324/QĐ – TTg, ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2020;
Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Khánh Hòa khóa X (2012-2017) xây dựng Đề án Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh Khánh Hòa tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020 với các nội dung cụ thể như sau:
Phương châm hành động: “Tư duy mới, kỹ thuật mới, sản phẩm mới, nếp sống mới”
I. MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA
1. Nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi về chủ trương xây dựng nông thôn mới. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp bộ Đoàn và tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ thực hiện những công trình, phần việc thanh niên cụ thể tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
2. Thông qua hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới, tiếp tục tạo sự chuyển biến về chất lượng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trên địa bàn nông thôn; tăng tỷ lệ tập hợp và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho thanh thiếu nhi ở nông thôn.
3. Các hoạt động phải được tổ chức thường xuyên, rộng khắp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, tập trung vào các hoạt động tuyên truyền và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới.
II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHÍNH
1. Hằng năm, 100% cơ sở Đoàn thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.
2. Tổ chức gặp mặt tuyên dương thanh niên nông thôn sản xuất kinh doanh giỏi và tổ chưc ngày hội nhà nông đua tài (hai năm/lần).
3. Hằng năm, 100% cơ sở Đoàn có tổ chức hoạt động, có công trình thanh niên hoặc phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới.
4. Hằng năm, từ 80 đến 100% thanh niên nông thôn được tuyên truyền, tư vấn, tiếp cận các thông tin về học nghề và việc làm.
5. 100% các Đoàn xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 mô hình phát triển kinh tế thanh niên sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đồng thời giúp đỡ được cho ít nhất 02 thanh niên thoát nghèo bền vững.
6. 100% các Đoàn xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 mô hình liên kết thanh niên cùng sản xuất kinh doanh.
7. Hằng năm, 100% cơ sở Đoàn có ít nhất 01 đội hình thanh niên xung kích bảo vệ môi trường và tổ chức được ít nhất 02 hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, đảm nhận xây dựng ít nhất 02 đoạn đường thanh niên tự quản xanh, sạch, đẹp.
8. Hằng năm, 100% Cơ sở Đoàn có hoạt động tham gia tu sữa đường giao thôn nông thôn và nạo vét kênh mương nội đồng
9. Phấn đấu đến cuối năm 2015, cơ bản các xã trong chương xây dựng nông thôn mới của Tỉnh có đèn chiếu sáng tại các trục đường chính giao thông nông thôn.
10. Phấn đấu đến năm 2015, 100% Đoàn xã, phường, thị trấn mỗi năm tổ chức ít nhất 05 đám cưới nếp sống mới cho thanh niên.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới
– Tổ chức các diễn đàn, hội thảo tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp tham gia xây dựng nông thôn mới.
– Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về hoạt động của đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện truyền thông, các bảng tin, website của tổ chức Đoàn.
– Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên trẻ về xây dựng nông thôn mới từ cấp cơ sở.
– Phổ biến rộng rãi các ấn phẩm, các tài liệu hướng dẫn tổ chức Đoàn và thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới đến đông đảo đoàn viên thanh niên, nhân dân.
– Hằng năm tổ chức các hội thi tuyên truyền xây dựng nông thôn mới với chủ đề “Thanh niên với xây dựng nông thôn mới”.
– Định kỳ hai năm/lần tổ chức hoạt động tuyên dương, vinh danh các điển hình thanh niên nông thôn vượt khó làm giàu thông qua trao các giải thưởng, liên hoan thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi.
2. Tổ chức các hoạt động tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn
– Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia thiết kế, thi công các công trình hạ tầng nông thôn; xây dựng đường trục thôn – xóm; đường ngõ – xóm, đường trục chính nội đồng, hệ thống kênh mương do xã quản lý và các công trình phúc lợi khác. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tu sữa, dọn vệ sinh đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng.
– Vận động và xây dựng mô hình gia đình mẫu từ các hộ gia đình trẻ đi đầu trong cải tạo nhà cửa, vườn, ao, chuồng trại, làm đẹp hệ thống hàng rào, cổng nhà…
– Thường xuyên tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, vận động thanh thiếu nhi tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng. Vận động nhân dân thay đổi thói quen, sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải. Đồng thời triển khai có hiệu quả Chương trình bảo vệ dòng sông quê hương.
– Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên xung kích bảo vệ môi trường nông thôn, đảm nhận các đoạn đường thanh niên tự quản, bến tàu an toàn – sạch – đẹp, nhà tiêu hợp vệ sinh, làng xã xanh – sạch – đẹp; thành lập các đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, đội tình nguyện xanh, lực lượng tình nguyện viên thu gom rác ở nông thôn.
– Đẩy mạnh thực hiện Công trình Thanh niên “Thắp sáng đường quê”, vận động các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các thành phần xã hội và bà con nhân dân cùng tham gia thực hiện tốt Công trình Thanh niên “Thắp sáng đường quê”.
– Ngoài các hoạt động thường xuyên, các hoạt động xây dựng nông thôn mới cần tập trung cao điểm trong Tháng Thanh niên và chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè hàng năm.
3. Thanh niên tham gia phát triển kinh tế nông thôn
– Tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, môi trường, chế biến nông sản, thực phẩm, vật liệu mới cho đoàn viên, thanh niên, nhất là khu vực nông thôn, miền núi.
– Phối hợp với các cấp ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình liên kết phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
– Tổ chức các hình thức giúp các hộ gia đình thanh niên vươn lên thoát nghèo, xóa hộ đói do thanh niên làm chủ hộ và hàng năm tiến hành giúp đỡ các hộ thanh niên nghèo thoát nghèo bền vững.
– Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn thanh niên lập dự án vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ, đội, nhóm trợ vốn giúp nhau lập nghiệp trong thanh niên, phát huy nội lực và đẩy mạnh phong trào tiết kiệm, tích lũy trong đoàn viên, thanh niên, động viên đông đảo thanh niên nông thôn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
– Tổ chức tuyên dương, tôn vinh các điển hình thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, nhất là những thanh niên vượt khó làm giàu thông qua tổ chức một số loại hình hoạt động, như: Liên hoan thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, Gặp gỡ điển hình thanh niên nông thôn tiên tiến làm theo lời Bác…
4. Tổ chức các hoạt động cho thanh niên tham gia xây dựng đời sống văn hóa nông thôn
– Thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong thanh thiếu nhi. Phối hợp khai thác và sử dụng có hiệu quả các điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi ở cơ sở. Hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học.
– Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các hoạt động lễ, hội lành mạnh; tham gia tu sửa, làm đẹp các công trình, di tích lịch sử, văn hoá của địa phương.
– Vận động thanh niên nông thôn gương mẫu thực hiện các quy ước của cộng đồng, nhất là thực hiện tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang.
– Tiếp tục duy trì và phát triển các loại hình câu lạc bộ gia đình trẻ, câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ kỹ năng xã hội và câu lạc bộ sở thích khác, làm sinh động hoạt động của Đoàn ở nông thôn, đồng thời góp nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho thanh thiếu nhi ở nông thôn; chú trọng thành lập và duy trì hoạt động của các Đội thanh niên tuyên truyền ca khúc cách mạng ở các địa phương.
– Tăng cường hỗ trợ cơ sở Đoàn ở nông thôn thành lập các tổ, trung tâm tư vấn pháp lý cung cấp kiến thức, thông tin về pháp luật, tình yêu, hôn nhân, gia đình, tệ nạn xã hội và cách phòng tránh trong thanh niên nông thôn.
– Tổ chức cho thanh niên đi đầu trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu; khôi phục các phong tục tập quán đẹp đang có nguy cơ mai một ở các địa phương.
5. Thanh niên xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn
– Hỗ trợ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương về nghề nghiệp, việc làm và các hoạt động hòa nhập với cộng đồng. Mỗi năm, các Đoàn xã có kế hoạch giúp đỡ thanh niên chậm tiến trở nên tiến bộ.
– Duy trì và tổ chức hoạt động của các Đội thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở. Đồng thời xây dựng các đội hình thanh niên làm nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn.
– Vận động đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; thường xuyên nêu gương đoàn viên, thanh niên có thành tích tiêu biểu trong việc tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, phát trên đài truyền thanh thôn, xã.
6. Thực hiện Công trình Thanh niên “Thắp sáng đường quê”
– Hằng năm Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện công trình Thanh niên “Thắp sáng đường quê” trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
– Đoàn Thanh niên tỉnh huy động các lực lượng đoàn viên, hội viên tham gia ngày công thực hiện công trình.
7. Xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền ở nông thôn
– Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động, sử dụng phầm mềm quản lý đoàn viên cho đội ngũ bí thư chi đoàn cơ sở; thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên mới và quản lý đoàn viên trên địa bàn.
– Phối hợp thực hiện Đề án đưa trí thức trẻ về công tác tại xã, phường, thị trấn để bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (trước mắt thực hiện thí điểm tại Thành phố Nha Trang).
– Khuyến khích các cơ sở Đoàn xây dựng website tuyên truyền hoạt động Đoàn – Hội của đơn vị mình.
– Lựa chọn, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú để giới thiệu phát triển đảng. Tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên xung kích đi đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và giám sát hoạt động của chính quyền trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội – quốc phòng, an ninh.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
– Kinh phí thực hiện Đề án: Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn kinh phí của ngân sách Tỉnh, lồng ghép các chương trình, dự án, ngân sách của các địa phương, huy động xã hội hóa.
Căn cứ đề án Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020 được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt và các mục tiêu, giải pháp của Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nhiệm vụ và dự toán thực hiện Đề án từng năm, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để lồng ghép các nguồn vốn, tổng hợp báo cáo để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
V. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN – ĐỀ XUẤT – KIẾN NGHỊ
1. Lợi ích của đề án
– Mục tiêu của đề án là góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh thiếu nhi trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới.
– Phát huy vai trò xung kích của thanh thiếu nhi trong việc tuyên truyền và tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.
– Nâng cao hiệu quả tập hợp và đa dạng hóa các hình thức đoàn kết và tập hợp thanh niên thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới như: hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức nhiều nội dung sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội tại cơ sở.
2. Đề xuất
– Trên cơ sở các giải pháp đề án đề ra sẽ mag lại hiệu quả thiết thực, cải thiện bộ mặt nông thôn tại các xã xây dụng nông thôn mới. Đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020.
3. Kiến nghị
– Để thực hiện tốt các giải pháp của đề án, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên thực hiện tốt các nội dung cụ thể như sau:
3.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
– Phối hợp với Tỉnh đoàn Khánh Hòa trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án theo cơ chế quản lý của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh để trình duyệt theo quy định.

3.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
– Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí kinh phí ngân sách nhà nước được duyệt cho Tỉnh đoàn Khánh Hòa để thực hiện Đề án theo quy định.

3.3. Trách nhiệm của các Sở, Ngành, Cơ quan liên quan
– Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Tỉnh đoàn Khánh Hòa trong việc tổ chức các hoạt động cụ thể nêu trong Đề án theo thẩm quyền được phân công.

3.4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị – xã hội
– Căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp với Tỉnh đoàn Khánh Hòa trong triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

3.5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
– Hàng năm bố trí kinh phí nguồn ngân sách của huyện, thị xã, thành phố cho Đoàn thanh niên cấp mình thực hiện Đề án.
– Chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp của địa phương phối hợp triển khai thực hiện Đề án.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cấp tỉnh
– Trên cơ sở Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án, tỉnh đoàn sẽ chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng nội dung cụ thể, các giải pháp khả thi để thực hiện.
– Thành lập ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện đề án trong các cấp bộ Đoàn.
– Chủ động huy động các lực lượng trong và ngoài địa phương, các doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực cho Đoàn thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới.

2. Cấp huyện
– Tổ chức triển khai thực hiện khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia đề án Đoàn thanh niên xây dựng nông thôn mới.
– Huy động lực lượng thanh niên tại các xã xây dựng nông thôn mới có công trình, phần việc cụ thể để chỉ đạo điểm thực hiện đề án.

3. Chế độ thông tin báo cáo
– Định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm các đơn vị báo cáo về tỉnh đoàn Khánh Hòa qua Ban Thanh niên công nhân nông thôn và đô thị số 06 Hoàng Hoa Thám – Nha Trang, ĐT: 058.3820.111, Email: bantncnntdt@tinhdoankhanhhoa.org.vn để tổng hợp trình lãnh đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trên đây là Đề án Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh Khánh Hòa tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020. Mọi thông tin chi tiêt liên hệ Tỉnh đoàn Khánh Hòa (qua Ban Thanh niên Công nhân Nông thôn và Đô thị – Tỉnh Đoàn; Số 06 Hoàng Hoa Thám – Nha Trang – Khánh Hòa; ĐT: 0583.820.111, email: bantncnntdt@tinhdoankhanhhoa.org.vn).

Nơi nhận:
– Ban Bí thư TWĐ (b/c);
– TT Tỉnh ủy, UBND tỉnh (b/c);
– Ban TN nông thônTWĐ (b/c);
– Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn(p/h);
– Sở Tài chính, Kế hoạch đầu tư(p/h);
– Sở LĐ TB&XH, Sở GD&ĐT(p/h);
– Mặt trận và các đoàn thể(p/h);
– UBND các H,TX, TP(p/h);
– Các Ban tỉnh đoàn (t/h);
– Các H, T,TĐ và đoàn trực thuộc (t/h);
– Lưu VP, Ban TNCNNTĐT.

TM. BAN CHẤP HÀNH
BÍ THƯ

(đã ký)

 

Hồ Văn Mừng