Đoàn phải tránh bệnh hình thức và lãng phí

245

Đoàn phải tránh bệnh hình thức và lãng phí
Nhà văn, nhà sử học Văn Tùng

Sinh thời, Bác Hồ thường đến thăm bà con nông dân ngay trên đồng ruộng, công nhân trong nhà máy, công trường, các cháu học sinh, sinh viên tại trường học… Thế nhưng có lần Bác đã dành thời gian hiếm hoi của mình đến thăm cán bộ, nhân viên cơ quan T.Ư Đoàn, T.Ư Hội. Chúng tôi, những người có mặt hôm ấy luôn coi đây là niềm vinh dự và hạnh phúc lớn của tuổi trẻ.

Sự kiện lịch sử này diễn ra cách nay hơn nửa thế kỷ, song bản thân tôi luôn ngỡ như mới ngày nào, nhất là luôn khắc sâu vào tâm trí về lần đầu tiên trong đời được đưa hai bàn tay của mình ôm lấy bàn tay ấm áp của Bác, nghe những lời căn dặn của Người trong sự xúc động đến nghẹn ngào. Đó là vào một buổi sáng đầu tháng 11.1955 sau khi Hà Nội được giải phóng vừa tròn 1 năm với bộn bề công việc đặt ra.

10 giờ, chiếc Pôbêđa màu sữa chạy vào cổng, dừng lại ở mảnh sân nhỏ hồi ấy còn rải sỏi phát ra tiếng kêu lạo xạo. Bác đến, mọi người đồng loạt reo lên “Bác Hồ muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm!” khó ai ngăn được. Nhưng, ngóng mãi chẳng thấy Bác đâu. Hóa ra Bác không vào ngay phòng họp mà đi vòng ra phía sau ngôi nhà, đến tầng hầm đang được sử dụng làm nhà ăn tập thể trực tiếp hỏi chuyện anh nuôi đang trực bếp, đoạn mới quay lại bước lên cầu thang phía trái.

Trong tiếng hát theo nhịp vỗ tay hồi hộp của chúng tôi, Bác xuất hiện với nụ cười hiền từ, vẫy tay chào và ra hiệu cho mọi người ngồi xuống.

Bác nhìn khắp một lượt, hỏi anh Lam đang đứng sau Bác: “Có mấy cháu gái ở đây?”, “Thưa Bác, có 9 đồng chí ạ”. Bác nhìn các đồng chí nữ TNXP hỏi: “Thế các cháu có được bình đẳng với các cháu nam không?”, “Thưa Bác, có ạ”, cả phòng họp đồng thanh trả lời rõ to. Bác khoát tay: “Bác hỏi các cháu gái chứ sao tất cả trả lời thay!”. Vậy là cả Bác và tất cả các cháu cùng cười lên rất vui vẻ, tự nhiên. Bác vẫn đứng, có lẽ để cho các cháu ở hàng ghế sau có thể nhìn được Bác. Bác nói: “Đồng chí Nguyễn Lam cho Bác biết hôm nay có mặt đông đủ các cháu miền Bắc, miền Trung, miền Nam trong cơ quan, thế là chúng ta có một đại gia đình đoàn kết tại đây làm Bác rất vui. Nhưng các cháu đừng quên hiện giờ đồng bào miền Nam đang phải đấu tranh rất anh dũng để thống nhất đất nước, để Bắc Nam đoàn kết trong một nhà. Vì vậy, các cháu phải luôn ra sức học tập, hăng hái công tác để góp phần khôi phục kinh tế – xã hội ở miền Bắc, tích cực ủng hộ đồng bào miền Nam. Các cháu có đồng ý với Bác không?”. Cả phòng họp lại vang lên: “Thưa Bác, có ạ”.

Sau khi phân tích những hậu quả nặng nề của chiến tranh, những khó khăn to lớn cần vượt qua trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và thiên tai vừa xảy ra trên miền Bắc, Bác ân cần căn dặn: “Bác nghe các cháu đang chuẩn bị các Đại hội. Khai hội để đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng, để đẩy mạnh mọi mặt công tác thế là tốt. Trung ương và Bác đã cử đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Nguyễn Lam trực tiếp làm việc cùng các cháu. Nhưng để khai hội có kết quả trước hết phải thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng từ đó suy nghĩ đề ra nhiệm vụ. Hai là phải thực hành tiết kiệm, tránh hình thức, phô trương gây ra lãng phí. Và cuối cùng là sau khi khai hội xong phải đề ra kế hoạch thực hiện cụ thể rồi xem xét nơi nào thực hiện có hiệu quả để kịp thời nêu lên cho nơi khác noi theo. Bác nói vắn tắt như thế các cháu có làm được không?”.

Chúng tôi đều đồng thanh: “Thưa Bác, làm được ạ”. Bác gật đầu tỏ ý tán thành rồi Bác ngước mắt nhìn trên trần nhà nơi có một chùm đèn rất đẹp, nói tiếp: “Bây giờ, các cháu đang sống và làm việc tốt hơn khi ở chiến khu hoặc ở nông thôn, Bác đề nghị các cháu phải tranh thủ thời gian học tập nâng cao trình độ. Cách mạng tiến lên do đó cán bộ cũng phải tiến lên mới theo kịp; chẳng những học riêng cho mình mà còn cần giúp người khác cùng học. Hơn nữa, ngoài giờ làm việc và học tập cần đi vào quần chúng, dành thời gian tìm hiểu đời sống quần chúng, nhất là bà con lao động đang còn gặp nhiều khó khăn”.

Và Bác chỉ ra phía bên kia hồ Thiền Quang, ngay gần cơ quan, nói: “Trong thành phố đang có các xóm lao động đông đúc như các cháu thấy đấy, vậy các cháu có thể liên hệ với địa phương để tham gia giúp đồng bào, thí dụ như giúp xây dựng nếp sống vệ sinh phòng ngừa bệnh tật hoặc mở các lớp học văn hóa giúp cho người chưa biết chữ chẳng hạn… Như vậy, vừa có ích cho đồng bào, vừa có ích cho các cháu”.

Nghe Bác căn dặn, anh chị em chúng tôi đều tự liên hệ trong đó không ít đồng chí “giật mình” bởi lẽ tuy mới về thành chưa bao lâu song đã bắt đầu xuất hiện cái nếp “làm công tử bát phố” mỗi chiều thứ bảy, ngày chủ nhật, mấy ai lên được kế hoạch tự học, tự rèn luyện cho bản thân như Bác vừa ân cần nhắc nhở.