TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 9/2021

1177

KỶ NIỆM 76 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG
(19/8/1945 – 19/8/2021)
QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(02/9/1945 – 02/9/2021)

Quyền con người và quyền công dân trong Tuyên ngôn độc lập

Là một áng văn lập quốc ngắn gọn, súc tích, Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ là một văn bản pháp lý hiện đại, khai sinh một nước Việt Nam mới, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam mà còn khẳng định quyền con người – một giá trị phổ quát của nhân loại và quyền công dân đã, đang và sẽ được thực thi ở cả phương diện lý luận cũng như trong thực tiễn.

Bản Tuyên ngôn Độc lập bằng 3 thứ tiếng Việt – Anh – Pháp do VNTTX phát đi ngày 15/9/1945, thông báo với toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới. Đây là bản tin phát sóng đầu tiên của VNTTX

Tuyên ngôn độc lập và vấn đề quyền con người, quyền công dân

“Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”. Hiểu một cách khái quát thì đó là “những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người”. Với ý nghĩa đó, quyền con người là tự nhiên, vốn có, không do chủ thể nào ban phát; được áp dụng bình đẳng với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc, trong mọi hoàn cảnh,  không thay đổi theo thời gian và không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, lãnh thổ hay tư cách cá nhân, môi trường sống của họ.

Quyền con người “được thể hiện và bảo đảm bằng các quy định của pháp luật, dưới các hình thức điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, nguyên tắc pháp luật chung và các nguồn khác của luật quốc tế”. Quan niệm này cho thấy tính nhân đạo, nhân văn vì con người; đồng thời, cũng là cơ sở để con người có thể đấu tranh với những biểu hiện vi phạm về quyền con người ở nơi này hay nơi khác, quốc gia này hay quốc gia khác.

Gần gũi với khái niệm quyền con người, nhưng quyền công dân có nội dung “thu hẹp” hơn quyền con người và gắn liền với nhà nước (nhà nước pháp điển hóa các quyền tự nhiên của con người dưới hình thức các quyền công dân). Đó là “tập hợp những quyền tự nhiên được pháp luật của một nước ghi nhận và bảo đảm, nhưng chủ yếu dành cho những người có quốc tịch của nước đó”. Vì thế, quyền công dân không áp dụng chung cho tất cả các quốc gia mà là được áp dụng trong một quốc gia nhất định; và đi lền cùng đó là các quốc gia khác nhau có hệ thống quyền công dân khác nhau.

Thực tế, quyền công dân chỉ là những quyền con người được các nhà nước thừa nhận, áp dụng cho riêng công dân của mình; thể hiện vị thế của mỗi cá nhân trong quan hệ với quốc gia mà cá nhân đó là công dân và có nội hàm hẹp hơn so với quyền con người; đồng thời, chỉ được áp dụng trong lãnh thổ quốc gia và có thể bị thay đổi theo thời gian.

Về bản chất, cả quyền con người và quyền công dân đều là những gì mà một cá nhân con người được phép làm và được thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ bởi các chủ thể khác; đều biểu thị mối quan hệ của cá nhân con người với cộng đồng nhân loại (quyền con người) và với quốc gia nơi mà người đó có quốc tịch (quyền công dân); đều xoay quanh một chủ thể chung (của quyền), đó chính là con người và một chủ thể chung (có nghĩa vụ) chính là là cộng đồng nhân loại mà thể chế chính trị – pháp lý trung tâm là nhà nước.

Lịch sử nhân loại kể từ khi xã hội có sự phân chia giai cấp và nhà nước, có bóc lột và bị bóc lột, có áp bức và bị áp bức thì cũng đã có những cuộc đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của con người và công bằng trong xã hội. Tư tưởng về giải phóng con người, thực hiện quyền con người được hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử của nhân loại, gắn liền với từng quốc gia, dân tộc. Đấu tranh cho quyền con người luôn là tâm điểm của các cuộc đấu tranh dân tộc, giai cấp; gắn liền với các cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc, giai cấp, con người và diễn ra trên mọi phương diện chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội…

Chủ nghĩa Mác – Lênin khi bàn về quyền con người đã thể hiện rõ sự thống nhất trong tư tưởng của các ông về con người và về quyền của con người; về tự do và dân chủ; về con đường đấu tranh để giải phóng con người và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Con người theo C.Mác “là tổng hòa những quan hệ xã hội” và “tự do là cái vốn có của con người đến mức mà ngay cả những kẻ thù của tự do; cũng thực hiện tự do, trong khi chống lại việc thực hiện đó, chúng muốn chiếm lấy, với tư cách là vật trang sức quý giá nhất, cái mà họ đã bác bỏ, với tư cách là vật trang sức của bản tính loài người”… Hơn nữa, “cái quan niệm cho rằng tất cả mọi người, với tư cách là con người, đều có một cais gì chung, rằng trong phạm vi cái chung đó mọi người đều bình đẳng, dĩ nhiên là một quan niệm rất cũ rồi”, bởi rằng, con người là sản phẩm của xã hội, của những quan hệ xã hội mà xã hội thì luôn vận động, cho nên con người và quyền con người cũng thay đổi, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh.

Nói thế để thấy rằng, quyền tự do và bình đẳng là quyền cốt lõi nhất của con người, nhưng các quyền đó không thể và không được thực thi trong một xã hội/quốc gia/dân tộc đang bất bình đẳng – đang chịu sự bất bình đẳng – đang bị thống trị bởi một quốc gia khác. Nói thế cũng để thấy rằng, Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên khi đất nước đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp; khi mà ở nơi đó, mọi quyền sống của con người và quyền dân tộc đều không được thực thi, nên Người nhận thức sâu sắc rằng, ở nơi đó những người dân bị mất nước không có quyền con người và càng không có quyền công dân.

Yêu nước và thương dân, nguyện vọng thiết tha của Hồ Chí Minh là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” và “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”. Vì thế, Hồ Chí Minh đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân mình khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân.

Trong hành trình bôn ba, trải nghiệm và khảo cứu tình hình, đời sống chính trị của các quốc gia ở nhiều châu lục, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, quyền con người nói chung, quyền công dân nói riêng và quyền tự quyết của mỗi dân tộc chỉ có thể có được/được thực thi khi đất nước được độc lập, tự do, khi người dân là chủ/được làm chủ. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, quyền con người, quyền công dân và quyền dân tộc chỉ có thể trở thành hiện thực thông qua  một cuộc “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; trong đó, về phương diện xã hội thì: “a) Dân chúng được tự do tổ chức. b) Nam nữ bình quyền,v.v.. c) Phổ thông giáo dục theo công nông hóa”; về phương diện chính trị thì: a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập…;  về phương diện kinh tế thì: “a) Thủ tiêu hết các thứ quốc trái…c) Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo…f) Thi hành luật ngày làm 8 giờ”.

Xuất phát từ điều kiện cụ thể của đất nước và kế thừa có chọn lọc những nội dung hợp lý của tư tưởng nhân quyền hiện đại, tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là vận dụng sáng tạo tư tưởng giải phóng con người, giải phóng xã hội của chủ nghĩa Mác – Lênin, những nội dung quan trọng nêu trên được khẳng định trong Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được chính Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam kiên cường đấu tranh và giành lại bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên bố ngày 2/9/1945 trước toàn dân và thế giới không chỉ tuyên bố sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định tính hợp pháp của nước đó và Chính phủ lâm thời do Người đứng đầu mà còn mang một giá trị đặc biệt khi diễn ra đúng thời điểm chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc.

Có thể thấy, quyền con người, quyền công dân, mối quan hệ giữa quyền con người và quyền công dân Hồ Chí Minh đã nêu ra/thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không chỉ được thực thi tại Việt Nam mà còn ngày càng được điều chỉnh, bổ sung, mở rộng, quy định rõ ràng và hoàn thiện hơn trong các bản Hiến pháp; trong chủ trương, chính sách của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Trong thực tế, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và thực thi các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập, ký kết, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Trong đó, phải kể đến Luật đầu tư 2014, Luật doanh nghiệp 2014, Luật trưng cầu dân ý 2015, Luật quy hoạch 2017, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Luật tiếp cận thông tin 2018…

Có thể nói, 75 năm trôi qua kể từ khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nỗ lực để hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền công dân; từng bước chế định, hoàn thiện, xác định và quy định rõ ràng hơn về quyền con người và quyền công dân. Việc thực thi 2 quyền này ở Việt Nam chính là nhằm để mỗi người dân/công dân Việt Nam ngày càng được thụ hưởng tốt hơn quyền con người, quyền công dân gắn với quá trình xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước, nhất là trong 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Minh chứng sinh động này cũng cho thấy, không chỉ dừng chỉ ở đó mà Việt Nam còn đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế – xã hội, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021,v.v.. và là thành viên có trách nhiệm với Liên hợp quốc để hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

Nguồn: Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương

PHONG TRÀO XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH- ĐỈNH CAO CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG 1930-1931
DO ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÃNH ĐẠO

Dưới tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933, thực dân Pháp đã thi hành chính sách bót nghẹt sản xuất, đời sống nhân dân rơi vào khó khăn. Bên cạnh đó thực Pháp còn tiến hành khủng bố, bắt bớ nhiều chiến sĩ yêu nước (sau khởi nghĩa Yên Bái 9/2/1930). Chính điều đó đã đưa đến nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhiều cuộc đấu tranh đã liên tiếp nổ ra. Bên cạnh phong trào đấu tranh của công nhân, nhiều cuộc đấu tranh của nông dân cũng nổ ra trong đó đỉnh cao là cuộc đấu tranh của nông dân hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh.

Tranh “Phong trào Xô viết Nghệ tĩnh” trưng bày tại bảo tàng Lịch sử quốc gia

http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3099/15056/9-1930-dien-ra-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh-djinh-cao-cua-phong-trao-cach-mang-1930-1931-do-djang-cong-san-viet-nam-lanh-djao.html

Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia

NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN
23-9-1945

Sau khi giành được độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ phải cùng lúc đối mặt với hàng chục phe phái chống phá ở trong nước và hơn 300.000 quân nước ngoài chiếm đóng từ Bắc tới Nam. Tại hội nghị toàn quốc tháng 8/1945, Đảng đã vạch rõ: quân Đồng Minh sắp vào nước ta và thực dân Pháp đang âm mưu khôi phục lại địa vị thống trị của mình ở Đông Dương.

Link: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/61816/ngay-nam-bo-khang-chien-23-9-1945.html

Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia

NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ TRONG THÁNG 9:

– Kỷ niệm 52 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/9/1969 – 02/9/2021);

– Kỷ niệm 91 năm Ngày Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 – 12/9/2021);

– Kỷ niệm 44 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp quốc (20/9/1977 – 20/9/2021);

– Kỷ niệm 76 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2021);

– Kỷ niệm 81 năm Ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940 – 27/9/2021);

– Kỷ niệm 33 năm ngày mất của Tổng Bí thư Trường Chinh (30/9/1988 – 30/9/2021).

INFOGRAPHIC TUYÊN TRUYỀN

1. Những điểm mới trong tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII

  1. Tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19

CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 9/2021

  1. Người dân làm sổ đỏ không cần nộp bản sao giấy tờ tuỳ thân

Theo Thông tư 09/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai, từ 1/9, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực đất đai, người dân khi đi làm các thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp sổ đỏ không cần phải nộp bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu. Thay vào đó, thông tin của người dân sẽ được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tư cũng quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất; đất do người dân nhận chuyển nhượng, thừa kế; đất do hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được giao nhưng đang sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất…

  1. Thêm nhiều quyền lợi mới về bảo hiểm xã hội

Ngày 1/9 là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH do Bộ LĐTB&XH ban hành hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội. Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi đối với người tham gia BHXH bắt buộc.

Cụ thể, bổ sung thêm trường hợp vợ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chồng vẫn được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con (trước đây chỉ quy định vợ không tham gia BHXH thì chồng mới được nhận khoản tiền này).

Cùng đó, bổ sung thêm trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên. Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên thì chế độ thai sản được hưởng tính theo số lượng con đã sinh, không kể còn sống hay đã mất (trước đây chỉ giải quyết chế độ thai sản cho con còn sống)…

Thông tư cũng thay đổi căn cứ tháng tiền lương tính hưởng mức hưởng chế độ ốm đau. Theo đó, người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Điều này khác với quy định cũ là được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của chính tháng đó.

  1. Chung cư hết niên hạn sử dụng phải cải tạo, xây dựng lại

Có hiệu lực từ 1/9, Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư  đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo Nghị định số 101/2015 trước đây.

Nghị định xác định rõ đối tượng nhà chung cư thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại, đó là: Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ; nhà chung cư hư hỏng chưa thuộc diện phá dỡ nhưng nằm trong khu chung cư có nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo xây dựng lại và nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền phải phá dỡ.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức bồi thường đối với nhà ở, đất ở riêng lẻ hoặc trụ sở làm việc; quy định cơ chế bồi thường đối với diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước, việc xử lý đối với diện tích đất thuộc công sản nằm xen kẹt trong khu chung cư để bảo đảm sự thống nhất với pháp luật đất đai hiện hành.

Đáng chú ý, Nghị định đã đưa ra chế tài chấm dứt thực hiện dự án để khắc phục tình trạng chậm triển khai thực hiện dự án.

  1. Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến ở cấp THCS và THPT

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT có rất nhiều quy định mới liên quan đến việc đánh giá học sinh THCS và THPT. Thông tư này chính thức bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến ở 2 cấp học này, chỉ còn giữ lại danh hiệu học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Một quy định mới khác là Thông tư này cũng không còn quy định xếp loại học lực của học sinh, dựa vào điểm trung bình các môn học như trước đây. Thay vào đó, học sinh được đánh giá bằng hình thức nhận xét và điểm số.

Các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ được nhận xét chứ không cho điểm. Với cả đánh giá thường xuyên và định kỳ, học sinh sẽ chỉ nhận được một trong hai mức là “đạt” hoặc “chưa đạt”.

Thông tư 22 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9, tuy nhiên việc đánh giá học sinh theo Thông tư này được thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2021 – 2022, áp dụng với học sinh lớp 6. Từ năm học 2022 – 2023, áp dụng với học sinh lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023 – 2024, áp dụng với học sinh lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024 – 2025, áp dụng với học sinh lớp 9 và lớp 12.

  1. Quy định mức trợ cấp ưu đãi đối với người có công

Từ ngày 15/9, Nghị định 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ về các quy định liên quan đến mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công có hiệu lực.

Theo Nghị định, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng. Mức chuẩn này là căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Theo đó, các đối tượng được hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng được Nghị định quy định cụ thể như sau: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4.872.000 đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1.361.000 đồng; thương binh là 1.094.000 đến 5.207.000 đồng tuỳ theo tỷ lệ tổn thương cơ thể; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng trợ cấp từ 1.234.000 đến 3.703.000 đồng tuỳ tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; các chế độ ưu đãi khác.

Nghị định này có hiệu lực từ 15/9 nhưng một số chế độ được áp dụng từ 1/7 và 1/1/2022.

Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-9-589745.html