Trung Quốc thu gom tài nguyên toàn cầu

112

 

Gỗ quý bị đốn hạ ở Madagascar – Ảnh: EIA
Nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc và bất ổn chính trị ở Madagascar đang góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác gỗ lậu tại đảo quốc thuộc châu Phi.

Hòn đảo phía đông nam lục địa châu Phi đang bị xâu xé bởi các phe phái liên quan đến cựu Tổng thống Marc Ravalomana và người lật đổ ông trong cuộc đảo chính hồi tháng 3.2009 là Andry Rajoelina. Các nhóm bảo vệ môi trường từng cảnh báo việc thiếu một chính quyền ổn định có thể khiến nạn khai thác gỗ bất hợp pháp tăng mạnh và điều tra mới nhất của các tổ chức phi chính phủ Global Witness và Environmental Investigation Agency (EIA) cho thấy vấn đề “di sản xanh” hết sức quý giá của Madagascar đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Từ tàn sát rừng…

Theo BBC, Global Witness và EIA điều tra theo yêu cầu của cơ quan phụ trách bảo vệ các vườn quốc gia của Madagascar. Sự ủy quyền chính thức này cho phép họ tiếp cận hồ sơ của các cơ quan hữu trách, chẳng hạn như những bản kê khai hàng hóa và dữ liệu thương mại.

Ngoài ra, những cuộc tiếp xúc với những người đốn gỗ và thương nhân cho thấy họ chẳng mảy may chú ý đến việc phải giữ bí mật hoạt động bất hợp pháp vì hầu như chính quyền không chú ý đến tình trạng này. Các nhóm thợ rừng không ngần ngại đưa các nhà điều tra, vốn giả dạng làm người mua, vào tâm điểm của khu vực khai thác gỗ như Vườn quốc gia Masoala. Khu rừng nguyên sinh này được LHQ công nhận là di sản thế giới nhưng tình trạng khai thác gỗ lậu nghiêm trọng khiến nó được đưa vào danh sách di sản bị đe dọa.

 

Ở Trung Quốc, giường làm bằng gỗ hồng Madagascar được bán với giá 1 triệu USD/cái nhưng chỉ khoảng 1% lợi nhuận còn ở lại với người dân địa phương Ông Alexander von Bismarck – thuộc tổ chức phi chính phủ EIA

Theo báo điện tử Mongabay.com, trong nhiều tháng sau cuộc đảo chính quân sự năm 2009, rừng Madagascar bị triệt hạ để khai thác các loại gỗ quý, trong đó có gỗ hồng và gỗ mun. Hàng chục ngàn héc-ta bị ảnh hưởng, bao gồm một số vườn quốc gia đa dạng sinh học nhất của hòn đảo này như Marojejy, Masoala và Makira.

Các tay buôn bán gỗ đe dọa, đánh đập những người nỗ lực ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép. Các tổ chức bảo tồn hoạt động trong khu vực bị vô hiệu hóa. Đáng chú ý là “chính quyền chuyển tiếp”, tức nhóm đảo chính nắm quyền kiểm soát Madagascar từ tháng 3.2009, hiện đóng vai trò tích cực trong việc khai thác gỗ. Andry Rajoelina, người đứng đầu chính quyền chuyển tiếp, gần đây đã cho phép xuất khẩu gỗ hồng dự trữ. Quyết định này mở đường cho cơn sốt khai thác gỗ hồng. Ngoài ra, việc các nước cắt phần lớn viện trợ cho Madagascar do tính bất hợp pháp của chính quyền Rajoelina tác động không nhỏ đến nỗ lực bảo vệ môi trường và thực thi pháp luật.

Báo The New York Times hồi tháng 5.2010 dẫn thông tin từ các tổ chức môi trường cho biết vào thời điểm đó, việc mua bán gỗ trái phép tăng ít nhất 25 lần so với hồi năm ngoái với giá trị đạt ít nhất 167 triệu USD.

 


Chiếc giường triệu đô ở Trung Quốc – Ảnh: EIA

… đến chiếc giường triệu đô ở Trung Quốc

Hồi tháng 10, Global Witness và EIA công bố báo cáo sau hơn 1 năm điều tra và cho thấy gỗ Madagascar được đưa sang nhiều nước trên thế giới. Trong đó, khoảng 98%, đa phần là gỗ mun và gỗ hồng, đều “trực chỉ” Trung Quốc, nơi nó được biến đổi thành đồ nội thất cao cấp, đồ giả cổ và nhạc cụ.

BBC dẫn lời ông Alexander von Bismarck thuộc EIA cho hay: “Ở Trung Quốc, giường làm bằng gỗ hồng Madagascar được bán với giá 1 triệu USD/cái nhưng chỉ khoảng 1% lợi nhuận còn ở lại với người dân địa phương”. Gỗ hồng Madagascar là loại gỗ bị “truy sát” nhiều nhất trên thế giới, do nguồn gỗ này ở châu Á đã cạn kiệt. Cuộc điều tra cũng cho thấy những người mua bán gỗ Trung Quốc thừa biết hàng họ mua là gỗ lậu. Ông Guy Suzon Ramangason, Tổng giám đốc Hiệp hội Quốc gia quản lý khu vực được bảo vệ – tổ chức quản lý các vườn quốc gia của Madagascar, tiết lộ với The New York Times: “Các thương nhân Trung Quốc trả tiền cho những người xuất khẩu để những người này chi lại cho cảnh sát và chính quyền”.

Người đứng đầu cơ quan bảo vệ rừng của Madagascar, ông Julien Noel Rakotoarisoa, nói với BBC hồi cuối tháng 10 rằng báo cáo của Global Witness và EIA phản ánh khá chính xác vấn đề gây nhức nhối ở Madagascar, nhưng theo ông tình hình “đang thay đổi”. Ông Rakotoarisoa cho biết đã 1 năm nay chính quyền không cấp bất cứ giấy phép xuất khẩu gỗ nào. Quan chức này cũng đề cập một lô hàng 300 tấn gỗ hồng từ Madagascar bị chặn ở quần đảo Comoros kế cận cách đây vài tháng.

Trong báo cáo, Global Witness và EIA đánh giá cao những động thái “sửa sai” của chính quyền chuyển tiếp, nhưng cho rằng các nước tiêu thụ cần nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát việc nhập khẩu gỗ lậu.  Ông von Bismarck khẳng định: “Phản ứng của Trung Quốc với những phát hiện trong báo cáo sẽ rất quan trọng đến sự đa dạng sinh thái của Madagascar”.

Trùng Quang

Nguồn Thanh Niên Online