“Má nhỏ” là biệt danh do nhiều trẻ đường phố đặt cho cô Nguyễn Thị Minh Phương – giảng viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, người đã gắn bó lâu năm với công tác xã hội.
Hơn 12 năm trước, lúc còn là sinh viên trường ĐH Luật TP.HCM, Minh Phương tình nguyện dạy chữ cho các em nhỏ trong Nhà mở Thảo Đàn (Q.3, TP.HCM). Ban đêm, cô tham gia tiếp cận trẻ bỏ nhà đi bụi sống vạ vật ở những công viên, gầm cầu… Ca đầu tiên Phương tìm hiểu là một trẻ quê ở Long An, sống dưới chân Cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Em này không nghiện ma túy, song chẳng may bị lây nhiễm HIV chỉ sau 1-2 lần do bạn bè rủ rê dùng thử kim tiêm. Sau khi đưa em về cơ sở xã hội, Phương mải mê lo tiếp cận những ca khác. Giọng cô chùng xuống, day dứt: “Khi tôi gặp lại ca đầu tiên thì đã muộn! Gia đình em ly tán nhưng một số giáo dục viên vẫn cứng nhắc cho em hồi gia. Em chết sớm vì buông xuôi, bị mọi người bỏ bê”. Rút kinh nghiệm xương máu, nhiều hôm vừa dạy xong, Phương một mình vượt mấy trăm cây số đi thăm những trẻ hồi gia, trên xe đèo theo nhiều nhu yếu phẩm.
Cô Minh Phương (giữa) trong một chuyến sinh hoạt dã ngoại – Ảnh: Nguyễn Như |
Khó đếm hết đã có bao nhiêu đứa trẻ lang thang gọi cô là “má nhỏ”. Gặp chuyện gì buồn, thậm chí bí tiền bạc để buôn bán vặt, nhiều đứa không ngần ngại tìm đến “má” Phương. Tiếng là cho vay, nhưng chẳng bao giờ Phương có ý đòi lại. Cô chỉ mong tiếp sức cho các em tìm được một công việc gì đó, đặng có thể thay đổi cuộc đời. Cô ứa nước mắt khi nói về những đứa trẻ suốt đời không có giấy tờ tùy thân, là những “công dân không quốc tịch” với bao bầm giập, thua thiệt trong đời.
Điều khiến cô trăn trở và bức xúc nhất chính là tình trạng kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn tồn tại. Đã nhiều lần, Phương chật vật cùng chạy xin chỗ học, chỗ vui chơi cho những trẻ bất hạnh. Chỉ vào hai bé trai đang sinh hoạt trong nhóm Nụ Cười, cô nói: “Những em này theo bà nội từ miền Tây lên đây. Bà đi làm giúp việc nhà cho người ta, tạm gửi cháu cho chúng tôi”. Phương ngậm ngùi kể tiếp: “Chỉ cách đây vài năm thôi, bà này có cửa hàng ăn uống tại nhà, lúc nào cũng nườm nượp khách. Nhưng từ lúc hai đứa con của bà chết vì AIDS, không ai dám lại gần gia đình này. Bà đành đóng cửa tiệm, suốt ngày ru rú trong nhà”. Biết chuyện, Phương và cô bạn người Pháp tên là Elizabeth năng lui tới, tổ chức ăn uống trong nhà bà. Thấy vậy, những người hàng xóm bớt e dè, bắt đầu lân la đến chơi. Minh Phương nói: “Làm công tác xã hội mà thể hiện cái tôi quá lớn sẽ dễ phản tác dụng, gây ảnh hưởng không tốt đến người khác”.
Theo Thanh niên